Hướng tới sử dụng năng lượng hiệu quả

Việt Nam là một trong 10 quốc gia sử dụng năng lượng tái tạo nhiều nhất trên thế giới và đang nỗ lực thực hiện Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 (Chương trình VNEEP3), song để đạt được mục tiêu cần nhiều giải pháp công nghệ, nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương cũng như các nguồn lực tài chính, con người...
0:00 / 0:00
0:00
Toàn cảnh Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng Việt Nam 2022.
Toàn cảnh Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng Việt Nam 2022.

Thực hành tiết kiệm năng lượng

Vừa qua, Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng Việt Nam 2022 với chủ đề “Giải pháp tiết kiệm năng lượng bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng trong bối cảnh mới”, do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp Bộ Công thương, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài - Bộ Ngoại giao tổ chức, đã diễn ra ngày 16/9 tại Hà Nội. Hơn 600 đại biểu của các cơ quan, đơn vị quản lý nhà nước, chuyên gia tư vấn chiến lược và cộng đồng nhà khoa học trong và ngoài nước đã tham gia thảo luận sôi nổi, cung cấp những thông tin hữu ích về các chương trình hỗ trợ sử dụng năng lượng hiệu quả và tiết kiệm.

Đại diện Bộ Công thương cho biết, Chương trình VNEEP3 đặt mục tiêu tiết kiệm từ 5-7% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai đoạn đến năm 2025 và đạt từ 8-10% trong cả giai đoạn từ 2019 đến năm 2030. Các cơ quan hữu quan cũng đang tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Theo các chuyên gia, muốn đạt được mục tiêu này cần đầu tư vào các giải pháp, thiết bị thay thế; đồng thời huy động nguồn lực đến từ các doanh nghiệp, người dân. Thí dụ như người dân thay đổi thói quen sử dụng đèn sợi đốt bằng đèn compact, doanh nghiệp (DN) tiết giảm chi phí sản xuất nhờ các giải pháp công nghệ xanh…

Ông Đào Xuân Lai, Trưởng ban Môi trường và Biến đổi khí hậu, Chương trình Phát triển của LHQ (UNDP) chia sẻ, hiện UNDP đã hợp tác với một số DN Việt Nam triển khai giải pháp tiết kiệm năng lượng trong ngành xây dựng, sử dụng hiệu quả năng lượng ở các tòa nhà hay ủng hộ các sáng kiến cụ thể như giao thông xanh, giao thông điện. Dù vậy, theo kiến nghị của đại diện UNDP, chính sách năng lượng cần cân nhắc giá thành điện với một số ngành công nghiệp sử dụng năng lượng cao. Ông cũng lưu ý, các DN đặc biệt là DN vừa và nhỏ chủ yếu quan tâm chi phí sản xuất, lợi nhuận, vấn đề tiết kiệm năng lượng họ đã biết song chưa chú ý, vì vậy chưa tạo ra một thị trường tiết kiệm năng lượng ở Việt Nam.

Theo Cố vấn chương trình hợp tác quốc tế của Cơ quan Năng lượng Đan Mạch (DEA) Hendrik Adler Niesel, DEA đã có thời gian dài hợp tác với Bộ KH&CN, Bộ Công thương Việt Nam trong vấn đề hiệu quả sử dụng năng lượng. Ông khẳng định, sẵn sàng chia sẻ những mô hình thành công trong sử dụng năng lượng hiệu quả và mong muốn hợp tác cùng các cơ quan của Việt Nam, không chỉ bàn về việc sản xuất và tạo ra năng lượng, mà có thể giảm mức tổng tiêu thụ và sử dụng hiệu quả trong các lĩnh vực. Chuyên gia năng lượng của Đan Mạch cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiết kiệm điện, đặc biệt trong các ngành công nghiệp có sử dụng năng lượng lớn.

Hướng tới sử dụng năng lượng hiệu quả ảnh 1

Các diễn giả tham dự Diễn đàn.

Giải pháp công nghệ sử dụng năng lượng hiệu quả

Dù đã nỗ lực triển khai năng lượng tái tạo trong thời gian qua, song Việt Nam là một trong những nước có cường độ tiêu thụ năng lượng cao nhất khu vực Đông Nam Á, chỉ đứng thứ hai sau Brunei. Trong bối cảnh đó, giải pháp công nghệ là yếu tố then chốt để bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng.

Tại diễn đàn, các đại biểu, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đã giới thiệu những giải pháp công nghệ tiên tiến, có tiềm năng đưa vào ứng dụng thực tiễn cao. Đại diện Trường đại học Bách khoa Hà Nội, PGS, TS Nguyễn Ngọc Trung đem đến giải pháp hệ thống kiểm tra đánh giá nhanh cho các hệ thống pin Mặt trời nhằm hướng đến thiết kế hợp lý hơn. TS Phạm Văn Long, Trường đại học Quốc gia Yokohama (Nhật Bản) kiến nghị cần tăng cường hợp tác công-tư giữa Chính phủ, nhà trường và DN.

Trong phiên làm việc thứ hai của Diễn đàn về “Giải pháp công nghệ hỗ trợ sử dụng và hiệu quả bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng trong bối cảnh mới”, các diễn giả đã đóng góp 11 tham luận với nhiều nghiên cứu có giá trị. Các giải pháp tập trung ở ba khu vực chính: Giải pháp trong sản xuất điện nhằm tăng khả năng khai thác các nguồn năng lượng thiên nhiên; nhóm giải pháp về kiểm soát, giảm sai sót thất thoát trên hệ thống truyền tải; nhóm giải pháp tiết kiệm năng lượng, giảm cường độ tiêu thụ điện năng.

GS, TS Phạm Hoàng Lương, Giám đốc Viện Khoa học và Công nghệ Quốc tế Việt Nam - Nhật Bản đánh giá, vấn đề trước mắt và trung hạn của Việt Nam là nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng tại cơ sở. Trong bối cảnh hiện nay, các cam kết về quản lý hiệu quả năng lượng, cũng như cơ cấu nhân sự, đào tạo về nhân lực ở Việt Nam trong lĩnh vực này vẫn còn mới. Dù vậy, đây là ngành đầy tiềm năng phát triển trong tương lai.

Thứ trưởng Công thương Đặng Hoàng An đánh giá cao những đóng góp của các nghiên cứu để cùng lúc vừa có thể bảo đảm an ninh năng lượng, vừa thực hiện cam kết quốc tế về chống BĐKH của Việt Nam. “Vấn đề còn thiếu là rút gọn khoảng cách giữa nghiên cứu, khối doanh nghiệp và sản xuất đại trà”, ông nhận định. Ngoài ra, việc phổ biến quy định tiết kiệm năng lượng còn hạn chế do luật còn yếu, chưa có chế tài phù hợp.

Hiện, Bộ Công thương và các đơn vị liên quan đang gấp rút triển khai rà soát, sửa đổi, bổ sung Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả để mang tính ràng buộc pháp lý cao hơn, đồng thời khuyến khích các biện pháp thay thế, sử dụng năng lượng hiệu quả. “Chúng tôi tin rằng chuyển đổi năng lượng không phải là đóng cửa hoàn toàn ngành than, ngành dầu mà thay vào đó cần những giải pháp sử dụng hợp lý, hiệu quả cho các tài nguyên khác”, ông Đặng Hoàng An nhấn mạnh.