Sau 4 năm triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) toàn diện, quy mô lớn trên cả nước (2018-2021), ngành nông nghiệp Việt Nam đã có hàng nghìn sản phẩm đạt chất lượng 3 sao, 4 sao và hàng chục sản phẩm đạt chất lượng 5 sao góp phần không nhỏ giúp nâng cao thu nhập cho người dân. Điều đó cho thấy chương trình OCOP là hướng đi đúng và trúng của ngành nông nghiệp không chỉ trong tái cơ cấu ngành mà còn phát triển kinh tế nông thôn. Hiện, toàn ngành đang nỗ lực thực hiện mục tiêu đạt 10.000 sản phẩm OCOP vào năm 2025.

Nhiều giải pháp đồng bộ

Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) tính đến hết năm 2020, cả nước đã có 63/63 tỉnh, thàn hxây dựng và phê duyệt thành công đề án Chương trình Quốc gia mỗi xã một sản phẩm cấp tỉnh. Sau khi xây dựng và phê duyệt thành công đề án, các địa phương đã nỗ lực giúp chủ thể xây dựng các đề xuất, tổ chức đánh giá sản phẩm theo quy trình 6 bước. Phía Bộ NN và PTNT cũng ban hành sổ tay hướng dẫn, bộ tiêu chí đánh giá sản phẩm OCOP, đồng thời tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn và hỗ trợ xây dựng mạng lưới tư vấn hỗ trợ tại 63 tỉnh, thành phố. Nhờ đó, số lượng sản phẩm OCOP trên cả nước không ngừng tăng nhanh.

Theo số liệu được cập nhật đến tháng 7/2022, cả nước đã có 8.340 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên và có 4.273 chủ thể tham gia chương trình.

Ghi nhận tại tỉnh Bến Tre, nhờ xác định các sản phẩm OCOP có vai trò quan trọng, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, ngay từ khi triển khai chương trình OCOP, tỉnh đã tạo điều kiện cho các chủ thể ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, nhằm nâng cao chất lượng; hoàn thiện mẫu mã, đa dạng hóa sản phẩm, ưu tiên nguồn vốn sự nghiệp hỗ trợ cho các dự án phát triển theo chuỗi giá trị; hỗ trợ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, qua đó, từng bước khẳng định thương hiệu. Bên cạnh đó, công tác xúc tiến, quảng bá thương mại sản phẩm OCOP cũng được các ngành, địa phương trong tỉnh đặc biệt quan tâm. Tính đến thời điểm hiện tại, sau 3 năm triển khai thực hiện chương trình OCOP, tỉnh hiện có 131 sản phẩm đạt OCOP từ 3 đến 4 sao, trong đó có 16 sản phẩm đạt tiềm năng 5 được UBND tỉnh công nhận và trình Trung ương đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp quốc gia.

Sản phẩm trái sầu riêng đạt OCOP 4 sao của Công ty trách nhiệm hữu hạn Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (Bến Tre).

Sản phẩm trái sầu riêng đạt OCOP 4 sao của Công ty trách nhiệm hữu hạn Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (Bến Tre).

Còn tại tỉnh Đắk Lắk, để phát triển sản phẩm OCOP, tỉnh đã xây dựng và phê duyệt đề án Chương trình OCOP giai đoạn 2018-2020 và định hướng đến 2030 trên địa bàn tỉnh, trên cơ sở đó ban hành kế hoạch hằng năm để triển khai thực hiện chương trình. Đắk Lắk có tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp lên tới hơn 627 nghìn ha thuận lợi cho việc phát triển các loại cây: cà-phê, cao-su, hồ tiêu, điều, ca-cao và một số loại cây ăn quả chủ lực như: bơ, sầu riêng, cam, quýt, vải thiều, chôm chôm… ngành nông nghiệp Đắk Lắk đã đặt ra định hướng phát triển OCOP tập trung vào các sản phẩm chủ lực nói trên.

Cửa hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP Đắk Lắk.

Cửa hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP Đắk Lắk.

Từ việc xác định đúng thế mạnh, đặc trưng được coi là “nền móng” để triển khai thành công chương trình OCOP, Đắk Lắk đang tập trung mọi nguồn nhân lực, vật lực, củng cố hoàn thiện mẫu bao bì sản phẩm, đánh giá chất lượng,… đồng hành cùng với các chủ thể sản phẩm, xác định mục tiêu thị trường mà sản phẩm hướng đến để có kế hoạch sản xuất cho phù hợp, từ đó khơi dậy nội lực, sự tâm huyết của mỗi tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc sản xuất, tạo ra giá trị sản phẩm, dịch vụ. Vì vậy, chỉ tính riêng giai đoạn 2018-2020 có 35 sản phẩm đạt từ 3 sao, vượt 23 sản phẩm so chỉ tiêu kế hoạch (31 sản phẩm 3 sao, 4 sản phẩm 4 sao). Riêng năm 2021, toàn tỉnh đã có 37 sản phẩm đạt từ 3 sao (33 sản phẩm đạt 3 sao, 4 sản phẩm đạt 4 sao). Các sản phẩm đạt 4 sao đều có tiềm năng để hoàn thiện, chuẩn hóa các tiêu chí để nâng cấp chất lượng đạt chuẩn 5 sao (cấp quốc gia) để tham gia vào thị trường quốc tế, như: cà-phê, ca-cao, mắc-ca,....

Đắk Lắk tiếp tục phát triển cà phê đặc sản. (Ảnh: dangcongsan.vn)

Đắk Lắk tiếp tục phát triển cà phê đặc sản. (Ảnh: dangcongsan.vn)

Không có nhiều thế mạnh về đất đai, sản phẩm chủ lực như Bến Tre và Đăk Lắk, nhưng tỉnh Hà Tĩnh lại là vùng đất có độ đa dạng sinh học cao (có đồng bằng, miền núi, miền biển), có nhiều đặc sản phong phú, đa dạng (bưởi phúc trạch, nhung hươu Hương Sơn, cam Bù,...). Để hỗ trợ OCOP, tỉnh đã triển khai thực hiện Chương trình, với phương châm “Chủ trương đúng - Tư tưởng thông - Hành động quyết liệt” thông qua các Đề án, kế hoạch, chính sách và tập trung cao trong chỉ đạo tổ chức thực hiện. Tỉnh đã sớm hình thành hệ thống tổ chức bộ máy chỉ đạo, điều phối và đội ngũ cán bộ chuyên trách, chuyên nghiệp đồng bộ từ cấp tỉnh, huyện, xã để thực hiện chương trình. Công tác tuyên truyền, đào tạo tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ tham mưu các cấp và các chủ thể tham gia chương trình được đẩy mạnh theo các chuyên đề chuyên sâu. Hằng năm, tỉnh còn tổ chức các cuộc tọa đàm, đối thoại trực tiếp với các cơ sở, đơn vị để giải quyết các vấn đề khó, những rào cản đặc biệt là vấn đề đất đai, mặt bằng, cơ chế chính sách để tạo môi trường thuận lợi cho người dân sáng tạo phát triển sản xuất. Bên cạnh các cơ chế, chính sách của Trung ương, Hà Tĩnh đã ban hành chính sách hỗ trợ thực hiện Chương trình OCOP đồng bộ, tạo động lực, dẫn dắt cho các cơ sở sản xuất đầu tư xây dựng hạ tầng, công nghệ, thiết bị, xây dựng tiêu chuẩn chất lượng, gia tăng giá trị sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường và từng bước khẳng định chất lượng, thương hiệu sản phẩm OCOP.

Trưng bày sản phẩm OCOP Hà Tĩnh. (Ảnh: baohatinh.vn)

Trưng bày sản phẩm OCOP Hà Tĩnh. (Ảnh: baohatinh.vn)

Đến nay, Hà Tĩnh đã có 249 sản phẩm đạt chuẩn OCOP, trong đó có 235 sản phẩm 3 sao, 14 sản phẩm 4 sao. Các sản phẩm khi đưa ra thị trường tiêu thụ đều được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng và truy xuất nguồn gốc. Thời gian vừa qua, mặc dù bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng hầu hết các sản phẩm đều tăng về doanh số bán hàng, bình quân tăng từ 20-30%/năm, có sản phẩm tăng hơn 2-4 lần, điển hình như: nước mắm Phú Khương, mật ong Cường Nga, nem chua Ý bình, trầm hương Tâm Thiên Hương,...

Item 1 of 5

Hướng đến hoàn thành mục tiêu đề ra

Theo Bộ NN và PTNT, mục tiêu của toàn ngành đặt ra là phấn đấu đến 2025 cả nước có 10.000 sản phẩm. Trong đó có 30% sản phẩm mới. Đồng thời, với 2.000 làng nghề hiện có, mỗi làng nghề phải có 1 sản phẩm OCOP đạt từ 3 lên 4 sao và số tỷ lệ lao động tham gia chủ thể đó tối thiểu phải có 25% được tập huấn. Bên cạnh đó, chuyển đổi số cũng phải được xem là mục tiêu các địa phương phải hướng tới nhằm hoàn thiện hệ thống đánh giá phân loại xếp hạng trên cơ sở chuyển đổi số.

Chia sẻ về mục tiêu nói trên, ông Nguyễn Minh Tiến, nguyên Chánh văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương cho biết, trong số 6.492 sản phẩm hiện nay chúng ta mới chỉ có 8 đến 10% sản phẩm mới. Để nâng sản phẩm mới lên 30% cần phải thực hiện nhiều giải pháp. Thí dụ, như củ nghệ hiện Việt Nam có sản phẩm thái lát sấy khô thì đó là sản phẩm cũ, nhưng sản phẩm mới nghĩa là phải nghiên cứu, sản suất củ nghệ đó thành bột nghệ, tinh dầu nghệ, hoặc viên cucumin như trên Bắc Kạn đã làm thì đó là sản phẩm mới... Trên cơ sở những mục tiêu đó, những đề xuất về phát triển vùng nguyên liệu và ứng dụng khoa học-công nghệ và phát triển sản phẩm mới, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, sản phẩm OCOP gắn với điểm du lịch và trung tâm mua sắm lớn; chuyển đổi số hết sức quan trọng, là hệ thống kiểm tra giám sát; vấn đề thương mai điện tử; tăng cường giám sát an toàn thực phẩm… đã được hình thành. Bộ NN và PTNT tin tưởng, sản phẩm OCOP sẽ giữ được chất lượng ổn định, đồng thời sẽ liên tục tăng nhanh.

Theo Giám đốc Sở NN và PTNT, Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Bến Tre Đoàn Văn Đảnh, tỉnh sẽ tập trung cao, đa dạng hóa các hình thức thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên cộng đồng, nhân dân và các chủ thể sản xuất về ý nghĩa và sự cần thiết của chương trình OCOP. Hỗ trợ tập huấn, hướng dẫn cho các chủ thể sản xuất xây dựng, triển khai phương án, kế hoạch sản xuất kinh doanh; các quy định trong sản xuất; xây dựng thương hiệu; Bộ tiêu chí đánh giá phân hạng sản phẩm. Đồng thời, tỉnh sẽ quan tâm tổ chức, hỗ trợ chủ thể tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh; tham gia Hội chợ chuyên bán sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu… Phối hợp chặt chẽ hệ thống tư vấn, đối tác hỗ trợ thực hiện chương trình OCOP, nhất là các dự án điểm của Trung ương. Thường xuyên tổ chức đoàn liên ngành kiểm tra, giám sát chất lượng sản phẩm OCOP đã được công nhận tại các cơ sở sản xuất và các sản phẩm lưu thông trên thị trường.

Còn tại tỉnh Đăk Lắk, để hoàn thành mục tiêu đề ra, tính tiếp tục duy trì, củng cố, nâng cấp chất lượng cho 72 sản phẩm đã được cấp chứng nhận OCOP; phấn đấu mỗi năm có khoảng 50 sản phẩm đạt sao OCOP cấp tỉnh, đến năm 2025 nâng cấp, chuẩn hóa, hoàn thiện khoảng 250 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, có ít nhất 3 sản phẩm đạt 5 sao OCOP quốc gia, đồng thời tăng cường ứng dụng các giải pháp số trong sản xuất, thương mại sản phẩm, ứng dụng khoa học kỹ thuật, phát triển nguồn nhân lực cho OCOP và bán hàng.

Cà phê bột Robusta của Công ty trách nhiệm hữu hạn Ê-đê Café.

Cà phê bột Robusta của Công ty trách nhiệm hữu hạn Ê-đê Café.

Tận dụng và phát huy thế mạnh của OCOP cũng là chủ trương của tỉnh Hà Tĩnh, trong giai đoạn 2021-2025, nhằm bổ sung số lượng và hiện thực hóa mục tiêu 10.000 sản phẩm OCOP của Bộ NN và PTNT, tỉnh Hà Tĩnh đã chọn đột phá, thúc đẩy tạo ra đội ngũ “Doanh nhân OCOP” dẫn dắt nông dân phát triển kinh tế, thật sự làm trụ cột cho phát triển kinh tế nông thôn, là sinh kế của người dân nông thôn; khai thác tối đa các tiềm năng lợi thế từ nguồn tài nguyên, lao động, công nghệ truyền thống của địa phương. Tăng cường công tác quản lý chất lượng sản phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm soát chặt chẽ các sản phẩm đã đạt chuẩn OCOP, để tạo niềm tin, xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP trong lòng người tiêu dùng. Bên cạnh đó là thúc đẩy cộng đồng đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, chế biến và bảo quản; quan tâm cao công tác quảng bá, xúc tiến thương mại các sản phẩm.

Sản phẩm OCOP Nhung hươu khô tán bột Chiến Sơn của Công ty CP Nông nghiệp Hương Sơn đạt hạng 4 sao.

Sản phẩm OCOP Nhung hươu khô tán bột Chiến Sơn của Công ty CP Nông nghiệp Hương Sơn đạt hạng 4 sao.

Đây chính là những giải pháp đồng bộ đã và đang được triển khai để từng địa phương trong cả nước nói riêng và ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung hoàn thành mục tiêu đặt ra cho năm 2025 đạt 10.000 sản phẩm OCOP vốn được xem là không khó, bởi chúng ta đã và đang tạo ra được sân chơi cho các chủ thể là hợp tác xã, tổ hợp tác, phát triển sinh kế cho các vùng, miền và tạo ra thế cạnh tranh trong nông nghiệp qua chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP.

Item 1 of 4

Tổ chức thực hiện: QUỐC VIỆT
Nội dung: NAM SƠN
Trình bày: NGÔ HƯƠNG