Hope Foundation: Trẻ em là Hy Vọng

Hoạt động từ năm 2017, Quỹ Hy Vọng (Hope Foundation) lấy trẻ em là đối tượng trọng tâm. Người điều hành Quỹ khẳng định: “Tương lai phụ thuộc vào trẻ em”.

Trong buổi phỏng vấn với báo chí, bà Nguyễn Xuân Tú, Giám đốc Điều hành Quỹ Hy Vọng vui vẻ chỉ hai bức ảnh được treo trong phòng làm việc. Cả hai đều là khuôn mặt trẻ nhỏ lấm lem nhưng rạng rỡ: “Có cho kẹo, tụi trẻ cũng không vui như vậy”.

Bé gái trong ảnh là em Nguyễn Thị Hồng Diễm, 5 tuổi, dân tộc Ca Dong. Em vừa chuyển đến khu tái định cư sau trận sạt lở lịch sử ở nóc Ông Tuân, xã Trà Vân, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam vào cuối năm 2017. Đây là lần đầu tiên trong đời Diễm được đứng trong một ngôi trường có sàn lát gạch hoa.

Ngôi trường nằm gọn trong khu tái định cư tại bản Khe Chữ, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Công trình này cũng là ngôi trường đầu tiên Quỹ Hy Vọng xây dựng, mở đầu cho 5 năm “xây trường, xây cầu” khắp cả nước.

Chính thức hoạt động từ năm 2017, Quỹ Hy Vọng (Hope Foundation) là một trong số ít các quỹ từ thiện hoạt động chuyên nghiệp tại Việt Nam. Được thành lập bởi Báo VnExpress thuộc Bộ Khoa học & Công nghệ và Công ty Cổ phần FPT, Quỹ Hy Vọng đã có nhiều hoạt động bền bỉ nhằm nâng cao chất lượng đời sống, giáo dục cho trẻ em Việt Nam.

Báo Nhân Dân đã có buổi trò chuyện người điều hành Quỹ về những mục tiêu, hoạt động của tổ chức cũng như trải nghiệm cá nhân của bà trong hơn 5 năm hoạt động.

Mình có thể hy vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn

PV: Thưa bà, tại sao Quỹ lại có tên là Hy Vọng?

Bà Nguyễn Xuân Tú:

“Tương lai của đất nước phụ thuộc vào tụi trẻ con. Nếu như mình có thể giải quyết những vấn đề của tụi trẻ con thì có thể hy vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn cho chính bản thân những người thụ hưởng và xã hội nói chung.”

Với mong muốn chia sẻ thành công và phục sự cộng đồng, Quỹ Hy Vọng đã ra đời.

Ý tưởng ban đầu đã được manh nha từ năm 2015, đến năm 2017 Quỹ chính thức được Bộ Nội vụ cấp phép thành lập và hoạt động.

Quỹ Hy Vọng theo đuổi hai mục tiêu chính: Hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn và tạo động lực phát triển. Trong đó, Quỹ luôn luôn đặt trẻ em là đối tượng trọng tâm.

Từ chuyện đặt trọng tâm, Quỹ Hy Vọng mới nghĩ tiếp: Vậy tụi trẻ đang cần gì nhỉ?

Đầu tiên là chuyện học hành của tụi trẻ vùng cao, trẻ vùng sâu, vùng xa: Hệ thống lớp học đang thiếu, nhà bán trú đang không có ở nhiều nơi, dinh dưỡng mỗi bữa ăn đang không đủ,… Sau quá trình tìm tòi và khảo sát, Quỹ quyết định thành lập dự án Ánh sáng học đường.

Giống như tên gọi, Ánh sáng học đường tức là mang ánh sáng đến cho trẻ vùng cao, giúp tụi nhỏ giải quyết những thiếu thốn hiện có. Đây cũng là chương trình đầu tiên mà Quỹ Hy Vọng thực hiện.

Chương trình thứ hai được hình thành tại Đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, hệ thống kênh rạch quá trời mà cầu thì thiếu! Nhiều nơi chỉ có cầu tre, ván gỗ, sắt han gỉ. Chứng kiến nhiều tai nạn đáng tiếc đã xảy ra trên đường trẻ tới trường, Quỹ quyết định xây cầu Hy Vọng. Chương trình có tên là Nâng bước em tới trường.

Đấy là hai chương trình cốt lõi và mang tính chất bền vững vì chú trọng vào đầu tư cơ sở hạ tầng.

Ở chương trình thứ ba - Mặt trời hy vọng, Quỹ tập trung vào các nhóm trẻ yếu thế như trẻ mồ côi, trẻ tự kỷ, bệnh nhi ung thư,...

PV: Ánh sáng học đường là một trong những chương trình mũi nhọn của Quỹ Hy Vọng. Tôi rất muốn biết Quỹ đã đặt viên gạch đầu tiên xuống như thế nào?

Bà Nguyễn Xuân Tú: Xây trường ở Khe Chữ là dự án đầu tiên mà Quỹ Hy Vọng thực hiện.

Vào cuối năm 2017, trận sạt lở núi xảy ra tại nóc Ông Tuân, thôn 2, xã Trà Vân, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam đã khiến hàng trăm hộ dân phải di dời khẩn cấp về thung lũng Khe Chữ. Họ phải xây dựng tất cả mọi thứ lại từ đầu: Nhà cửa, trường học,...

Khi chúng tôi đến, toàn bộ nhà của tụi nhỏ đều là bạt. Khu sinh hoạt chung mà tụi nhỏ gọi là “trường học” cũng là bạt. Và 100% hoc sinh đều đi chân đất.

Lúc đó, Quỹ Hy Vọng quyết định xây trường. Ngôi trường được hoàn thành sau khoảng 5 tháng thi công.

“Em cho chúng nó cái kẹo, chúng nó không cười như thế kia đâu. Nhưng khi em xây một ngôi trường mới, một ngôi nhà mới để tụi nó được sống, được vui chơi trong một không gian mới thì nụ cười sẽ như vậy. Đó là thực sự là thứ khiến tụi chị cảm thấy rất hạnh phúc.”

Xuyên suốt trong tất cả mọi hành trình, có 2 hình ảnh của trẻ con luôn khiến tôi ám ảnh:

Một là, khuôn mặt thiếu thốn.

Sự thiếu thốn ở trên khuôn mặt, ở những cái váy cởi trần, ở những nơi xơ xác mà các em học,…

Đó là hình ảnh luôn luôn thúc đẩy tôi là: Mình làm gì? Mình làm gì? Mình có thể làm gì cho tụi nhỏ?

Hai là, khuôn mặt với nụ cười.

8 con suối 15 cây số

PV: Ngoài hệ thống trường học, chương trình Ánh sáng học đường còn xây dựng thêm rất nhiều nhà bán trú. Hoạt động này đã được bắt đầu thế nào, thưa bà?

Bà Nguyễn Xuân Tú: Phải kể đến lần Quỹ Hope lên Hoàng Su Phì, Hà Giang để khảo sát xây dựng.

Con đường đến trường quả thực vất vả quá. Nhiều bạn nhỏ phải dạy từ 4 giờ sáng để nấu ăn. Nấu cho gia đình rồi nấu cho mình: Nấu để mang đi. Qua khảo sát, Quỹ nhận thấy quãng đường đi học xa nhất là 15 cây số, còn trung bình là 8 cây số. Sau, chúng tôi hay đùa rằng “15 cây số qua 8 con suối”.

Đến trường học được một ngày, 4 giờ chiều, các bạn nhỏ lại bắt đầu lại vượt qua “15 cây số 8 con suối” để về nhà, hỗ trợ các công việc của gia đình.

Mặt khác, nếu không có nhà bán trú thì học sinh cũng không được cấp tiền ăn.

Có cô giáo đã nói với chúng tôi rằng: Nếu cứ phải đi xa như thế và vất vả như thế thì câu chuyện các bạn ấy bỏ học chỉ là một sớm một chiều thôi.

Thế là chúng tôi thấy rằng phải xây ngay! Bất kể thế nào cũng xây ngay!

Năm 2019, Quỹ Hy Vọng xây dựng khu bán trú 2 tầng đầu tiên tại Hoàng Su Phì.

Ngôi nhà bán trú tổ chim với những ô cửa tròn đã giải quyết cho gần 200 học sinh được ở lại điểm trường thứ nhất, 250 học sinh được ở lại ở điểm trường thứ hai.

Ngôi nhà bán trú với những ô cửa tròn, nếu mở hai cánh, bạn sẽ thấy một viên kẹo, mở một cánh sẽ thấy hình con chim (cá!)

Chúng tôi rất hạnh phúc vì đã góp phần giúp ít nhiều đứa trẻ vùng biên không bỏ học, không sang Trung Quốc để kiếm việc nữa.

Nhà bán trú "tổ chim" của học sinh trường PTDT THCS Chiến Phố, Hoàng Su Phì, Hà Giang

Nhà bán trú "tổ chim" của học sinh trường PTDT THCS Chiến Phố, Hoàng Su Phì, Hà Giang

Nhà bán trú "tổ chim" của học sinh trường PTDT THCS Chiến Phố, Hoàng Su Phì, Hà Giang.

Nhà bán trú "tổ chim" của học sinh trường PTDT THCS Chiến Phố, Hoàng Su Phì, Hà Giang.

Minh bạch từ đầu vào

PV: Tính đến cuối tháng 8/2023, Quỹ Hy Vọng đã nhận được 203 tỷ tiền ủng hộ.  Nguồn tiền này được bắt đầu từ những con số rất nhỏ như 50.000 đồng, 100.000 đồng. Đây không chỉ là tài sản mà còn là niềm tin của rất nhiều cá nhân trong xã hội. Quỹ Hy Vọng đã hoạt động thế nào để đảm bảo tính minh bạch trước những niềm tin này?

Bà Nguyễn Xuân Tú: Quỹ Hy Vọng coi tính minh bạch là yếu tố quan tâm hàng đầu.

Thứ nhất, Quỹ kiểm soát tính minh bạch trong dòng tiền đổ vào. Nếu bạn đến để ủng hộ, bạn sẽ phải cam kết với Quỹ nguồn tiền của mình là minh bạch và trong sạch.

Bên cạnh đó, tất cả khoản đóng góp cho Quỹ Hy Vọng đều được công khai trên website quyhyvong.com trong vòng 24 giờ.

Thứ hai, Quỹ Hy vọng hàng năm đều được kiểm toán bởi công ty kiểm toán Deloitte. Trong báo cáo kiểm toán của Deloittie, sẽ thể hiện rõ nguồn vào, nguồn ra và cách Quỹ chi tiêu trong từng dự án một.

Thứ ba, để đảm bảo tính minh bạch Quỹ Hy vọng không làm việc một mình. Ví dụ, khi bắt đầu các dự án xây trường, chúng tôi luôn đi cùng người của Tổng công ty Tư vấn Xây dựng Việt Nam (VNCC). Sau đó VNCC sẽ lên thiết kế, dự trù kinh phí và giao tài liệu kỹ thuật về cho địa phương để địa phương làm chủ đầu tư và xây dựng dự án.

Hope đi đến đâu, VNCC sẽ hỗ trợ kỹ thuật đến đó.

Hope đi đến đâu, sơn Nippon sơn trường đến đó.

Mỗi một dự án xây trường của Quỹ Hy vọng đều được giám sát bởi đội ngũ của VNCC. Các cán bộ kỹ thuật cũng sẽ cùng tham gia vào thẩm định cả dự toán lẫn thiết kế và nghiệm thu công trình. Họ sẽ là người đảm bảo rằng các dự toán đã được thẩm định hợp lý và không vượt trần.

Ngoài ra, Quỹ Hy Vọng cũng không chọn làm theo hình thức chìa khóa trao tay mà giao cho địa phương làm chủ đầu tư, ở đây là UBND huyện, Phòng Giáo dục và Đạo tạo, hoặc UBND xã…, nhằm tăng cường sự tham gia và trách nhiệm đối với dự án tại địa phương.

Với mỗi công trình, Quỹ chỉ tài trợ 80% chi phí, 20% còn lại sẽ do địa phương đối ứng, chủ yếu là chi phí giải phóng mặt bằng, vận chuyển bộ, quản lý dự án, lập báo cáo kỹ thuật, thẩm định…

Sau khi công trình hoàn thành Quỹ chỉ thanh toán 95 % giá trị. Sau 1 năm sử dụng Quỹ mới thanh toán phần còn lại, nhằm đảm bảo công trình được sử dụng và vận hành có trách nhiệm.

Quy trình càng chặt thì thực hiện càng khó. Trong những dự án đầu tiên, việc khảo sát có thể kéo dài hàng năm trời.

Trong khi các quỹ khác đều được giữ lại từ 5 đến 10% nguồn tài trợ để chi trả cho các công việc vận hành, ở Quỹ Hy Vọng, chúng tôi không giữ lại một đồng nào. Bởi lương của cán bộ, nhân viên làm việc tại Quỹ đều do FPT chi trả. Điều này có nghĩa là 100% số tiền quyên góp đều được dành để thực hiện các dự án.

30-70

PV: Giữa hai mục tiêu hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn và tạo động lực phát triển, Quỹ Hy Vọng sẽ phân chia các nguồn lực như thế nào trong tương lai?

Bà Nguyễn Xuân Tú: Trong khoảng 3,4 năm đầu hoạt động của Quỹ Hy vọng ưu tiên khoảng 60% nguồn để hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn. Con số này giảm dần theo năm tháng với tỉ lệ 50-50. Mục tiêu tương lai của Quỹ chính là 30-70. Trong đó, Quỹ sẽ dành 70% hoạt động và nguồn lực để tạo động lực phát triển. Tôi nghĩ đây là con số lý tưởng, mang tính chất tính chất bền hơn. Đây cũng là tín hiệu mừng vì thiên tai, dịch bệnh đã giảm hoặc không còn nữa. Trước mắt Quỹ vẫn bám vào các hoạt động của tụi trẻ con để giải quyết dần những vấn đề mang tính chất cơ bản, bền vững thay vì tập trung hỗ trợ các nhóm yếu thế và các hoạt động từ thiện.

Đó là con đường Quỹ Hy vọng sẽ phải đi nghiêng dần.

Ngày xuất bản: 26/10/2023

Thực hiện: Thi Uyên

Ảnh: Quỹ Hy vọng