Hợp tác ASEAN - Trung Quốc về tìm kiếm, cứu hộ trên Biển Ðông

NDO -

Sáng 19-6, tại Hà Nội, Hội thảo ASEAN - Trung Quốc với chủ đề ''Tăng cường hợp tác ASEAN - Trung Quốc trong tìm kiếm và cứu hộ đối với người và tàu thuyền đi biển gặp nạn tại Biển Ðông'', do Học viện Ngoại giao tổ chức, đã khai mạc với sự tham dự của quan chức và chuyên gia các nước ASEAN và Trung Quốc.

Hội thảo nhằm thực hiện Kế hoạch hành động triển khai Quy tắc hướng dẫn thực thi Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Ðông (DOC), do các quan chức cao cấp ASEAN và Trung Quốc thông qua tại cuộc họp tháng 1-2012 ở Bắc Kinh. Hội thảo tìm kiếm các giải pháp thúc đẩy hợp tác giữa ASEAN và Trung Quốc trong việc tìm kiếm và cứu hộ đối với người và tàu, thuyền gặp nạn ở Biển Ðông, góp phần củng cố môi trường hòa bình, ổn định và trật tự ở Biển Ðông, qua đó xây dựng lòng tin giữa ASEAN và Trung Quốc trong bối cảnh những tranh chấp chủ quyền và quyền chủ quyền ở Biển Ðông chưa được giải quyết triệt để.

Tại hội thảo, Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của DOC đối với việc duy trì, hòa bình ổn định chung ở Biển Ðông. DOC là văn kiện mang tính dấu mốc giữa ASEAN và Trung Quốc, thể hiện cam kết chung tôn trọng luật pháp quốc tế, Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982, các nguyên tắc về thực hiện kiềm chế, không làm phức tạp thêm tình hình, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết hòa bình các tranh chấp. ASEAN và Trung Quốc đã vượt qua chặng đường dài, với không ít khó khăn để đạt được DOC năm 2002 và gần đây là Tuyên bố kỷ niệm 10 năm DOC (năm 2012). ASEAN đã thông qua Tuyên bố nguyên tắc sáu điểm về Biển Ðông (tháng 7-2012) và các nước đang trông đợi hai bên sớm chính thức khởi động đàm phán để đạt được Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Ðông (COC).

Thứ trưởng Phạm Quang Vinh cho rằng, khu vực Biển Ðông vẫn phức tạp và tiềm ẩn những rủi ro. Trong khi đó, có nhiều nguyên nhân, cả thiên nhiên, thời tiết, cho đến con người, như bệnh tật hay hỏng hóc tàu, thuyền..., có thể dẫn đến việc người và tàu, thuyền đi biển gặp nạn. ASEAN và Trung Quốc cần cùng nhau bàn để có chính sách hợp tác tìm kiếm, cứu hộ cần thiết và phù hợp, có ý nghĩa cả về mặt nhân đạo và xây dựng lòng tin.

Là quốc gia ven biển, với mong muốn và thiện chí thúc đẩy xây dựng lòng tin và hợp tác khu vực vì hòa bình, ổn định chung ở Biển Ðông, Việt Nam chú trọng thúc đẩy hợp tác khu vực về tìm kiếm và cứu hộ người và tàu, thuyền gặp nạn trên biển. Trong năm 2010 đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã đề xuất sáng kiến trong lĩnh vực này, được các nước ASEAN hoan nghênh; các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã nhất trí thông qua Tuyên bố ASEAN về Hợp tác tìm kiếm và cứu nạn người và tàu, thuyền trên biển. Hội thảo lần này là tiếp tục triển khai ý tưởng của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác ASEAN - Trung Quốc. Hội thảo tập trung vào các vấn đề gồm: Thực trạng và sự cần thiết xây dựng các biện pháp chung hỗ trợ người và tàu, thuyền gặp nạn tại Biển Ðông; Các nhân tố tác động việc phối hợp hỗ trợ nhân đạo trong khu vực; Các khuyến nghị cụ thể về tăng cường hợp tác tìm kiếm cứu hộ đối với người và tàu, thuyền gặp nạn...

* Sáng 19-6, tại TP Ðà Nẵng, Hội nghị quan chức cấp cao ASEAN về phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia (SOMTC) lần thứ 13 đã khai mạc, với sự tham dự của đại biểu mười quốc gia thành viên ASEAN; Ban Thư ký ASEAN; các đối tác đối thoại gồm: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Ô-xtrây-li-a, Niu Di-lân, Mỹ và Liên hiệp châu Âu (EU); các tổ chức quốc tế UNODC và ARTIP. Trung tướng Lê Quý Vương, Ủy viên T.Ư Ðảng, Thứ trưởng Công an dự và phát biểu khai mạc hội nghị.

Hội nghị SOMTC 13 nhằm đánh giá kết quả hoạt động từ Hội nghị SOMTC lần thứ 12 đến nay, là hội nghị trù bị cho Hội nghị Bộ trưởng ASEAN phụ trách vấn đề chống tội phạm xuyên quốc gia (AMMTC). SOMTC là diễn đàn để 10 quốc gia thành viên nêu tình hình và kết quả công tác đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm xuyên quốc gia như tội phạm khủng bố, buôn bán trái phép các chất ma túy, mua bán người (đặc biệt phụ nữ và trẻ em), cướp biển, buôn bán vũ khí, rửa tiền, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm kinh tế quốc tế. Tại hội nghị lần này sẽ bổ sung thêm nội dung tội phạm môi trường vào chương trình làm việc. Ban Thư ký ASEAN và các nước thành viên cũng trình bày các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội nổi lên có tác động đến đấu tranh chống tội phạm xuyên quốc gia và sự hợp tác giữa các cơ quan ASEAN trong đấu tranh chống tội phạm xuyên quốc gia. Trong khuôn khổ SOMTC 13, đã diễn ra các cuộc tham vấn, các cuộc họp giữa ASEAN với các đối tác đối thoại nhằm tăng cường quyết tâm chính trị hợp tác ASEAN và các đối tác đối thoại trong đấu tranh chống tội phạm xuyên quốc gia trong khu vực. Hội nghị diễn ra đến hết ngày 22-6.