Tiếp sức làm chủ kỹ thuật y học chuyên sâu

Sự kiện các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội phẫu thuật cứu sống thai nhi đã đánh dấu bước tiến mới trong lĩnh vực y học bào thai tại Việt Nam. Quan trọng hơn, việc có thể làm chủ kỹ thuật chuyên sâu - khó nhất của sản khoa thế giới sẽ mở ra cơ hội mỗi năm cứu sống hàng nghìn thai nhi mang dị tật với chi phí thấp.

Bệnh viện Phụ sản Hà Nội là đơn vị triển khai đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước về phát triển y học bào thai.
Bệnh viện Phụ sản Hà Nội là đơn vị triển khai đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước về phát triển y học bào thai.

Những học trò xuất sắc

GS, bác sĩ (BS) Yves Ville, Trưởng khoa Sản và Y học bào thai (YHBT), Bệnh viện (BV) Necker, Đại học Paris Descartes (Pháp) được mệnh danh là “bàn tay vàng” trong lĩnh vực YHBT thế giới. Ông đã công bố gần 100 nghiên cứu khoa học quốc tế và chính là người phát triển một số phương pháp phẫu thuật nội soi ít xâm lấn cho thai nhi. Trong thư gửi BV Phụ sản Hà Nội (PSHN), GS Yves Ville gọi Thầy thuốc Nhân dân, PGS, TS, BS Nguyễn Duy Ánh và BS chuyên khoa I (CKI) Nguyễn Thị Sim, BS gây mê hồi sức Nguyễn Đức Lam là: Những học trò xuất sắc đến từ Việt Nam!

Câu chuyện phẫu thuật cứu sống hàng chục cặp song thai mắc hội chứng truyền máu cuối năm 2019 tại BVPSHN được khởi đầu từ nhiều năm trước. Theo chương trình hợp tác y tế Hà Nội - Paris, năm 2017, BS Nguyễn Thị Sim, Phó Giám đốc Trung tâm Sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh của BV được cử sang BV Necker học về YHBT. Tiếp đó, năm 2018, Giám đốc BVPSHN Nguyễn Duy Ánh cũng gác lại toàn bộ công việc để sang Pháp với tâm niệm: Là đơn vị đi đầu, nếu mình thành công thì các đồng nghiệp khác sẽ vững tin theo đuổi công việc vô cùng nhân văn này.

Và rồi, vào 15 giờ ngày 4-10-2019, tại phòng mổ đạt chuẩn quốc tế dành riêng cho YHBT, GS Yves Ville cùng các BS BVPSHN đã thực hiện mổ can thiệp bào thai cho hai sản phụ đầu tiên mắc hội chứng truyền máu song thai. “Can thiệp vào buồng ối, sau đó đóng lại chờ thai nhi tiếp tục phát triển đủ tháng là kỹ thuật sản khoa khó nhất, đòi hỏi phải vô trùng, chuẩn xác tuyệt đối. Tôi rất hài lòng về sự chuẩn bị kỹ lưỡng của BVPSHN. Trong tương lai gần, BV hoàn toàn đủ điều kiện để tiếp nhận và thực hiện những kỹ thuật YHBT khó hơn nữa”, GS Yves Ville nhận xét. Sau thành công của hai ca mổ, ông yên tâm quay về Pháp.

Khi thai nhi là bệnh nhân

Phát triển YHBT tại BVPSHN là đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước đã được Bộ Khoa học - Công nghệ phê duyệt. Theo thống kê, khoảng 15% sản phụ mang song thai chung một bánh rau có khả năng mắc phải hội chứng truyền máu. Tình trạng máu dồn về một em bé quá nhiều, một em bé quá ít, nếu không được can thiệp kịp thời sẽ khiến cả hai mang hội chứng nặng nề, thậm chí chết lưu trong bụng mẹ.

Là một trong số các sản phụ đã được mổ can thiệp, chị Vương Thị Linh (sinh năm 1992, Hà Nội) cho biết: Chỉ trong bốn ngày từ lúc biết mình mắc hội chứng truyền máu song thai giai đoạn 1 cho đến khi quyết định mổ can thiệp, hội chứng đã phát triển lên giai đoạn 3, một bên ối cạn quá mức. Vợ chồng tôi cũng không dám tin nhưng thật kỳ diệu, sau ca mổ, hai em bé đang phát triển như những cặp song thai bình thường.

BS Nguyễn Thị Sim cho biết, ở thai kỳ từ 16 - 26 tuần, nếu được phẫu thuật can thiệp thì hoàn toàn có thể cứu sống cả hai thai mắc hội chứng truyền máu. Ngoài các sản phụ ở Hà Nội thì nhiều sản phụ ở tận Quảng Nam, TP Hồ Chí Minh… cũng định kỳ ra khám. Bên cạnh truyền máu song thai, chúng tôi cũng đang triển khai can thiệp cho những thai nhi bị hội chứng dải xơ buồng ối.

Nhiều năm trăn trở về việc chữa bệnh cho thai nhi, PGS Nguyễn Duy Ánh chia sẻ, y học hiện đại coi thai nhi là một con người, vì vậy phải tìm cách chữa trị nếu có bệnh. Dù vẫn còn xác suất nhưng tỷ lệ can thiệp thành công trên thế giới đã đạt 80 - 90%. Tại Việt Nam, để có thể tiến gần đến sự phát triển của YHBT thế giới, rất cần một cuộc “chạy tiếp sức”.

“Chỉ BS sản mới hiểu cơ chế của bào thai, tử cung, bánh rau và dám can thiệp vào buồng ối. Nhưng phẫu thuật trên em bé lại là những kỹ thuật chuyên sâu được BS nhi thực hiện hằng ngày. Nếu có sự kết hợp giữa hai đơn vị Sản - Nhi thì tôi tin rằng chỉ trong thời gian ngắn tới đây chúng ta có thể làm chủ được những kỹ thuật chuyên sâu hơn khi can thiệp vào hệ thần kinh, tim mạch, tiêu hóa, thận... của thai nhi”, PGS Ánh kỳ vọng.

Tiếp sức làm chủ kỹ thuật y học chuyên sâu ảnh 1

Niềm vui của đôi vợ chồng trẻ khi phẫu thuật thành công. Ảnh: NGUYỆT ANH

Hy vọng mới

Định kỳ vào 9 giờ sáng thứ năm hằng tuần, BS BVPSHN và BV Nhi T.Ư sẽ cùng họp hội chẩn lên phương án cứu chữa cho các thai nhi mang dị tật. Suốt nhiều năm qua, hình ảnh BS sản đỡ đẻ, BS nhi trực chờ đón em bé để phẫu thuật đã trở nên quen thuộc. Tuy nhiên, rất nhiều bệnh lý nếu đợi đến khi em bé chào đời thì “thời khắc vàng” trong chữa trị đã vuột qua mất.

BS Nguyễn Văn Linh, Phó Giám đốc Trung tâm phẫu thuật nội soi Nhi khoa - BV Nhi T.Ư cho biết: Ví như bệnh thoát vị hoành, tức là ruột nằm hết trên lồng ngực chèn ép phổi, cần phải đặt ngay một nút vào khí quản thai nhi giúp phổi phát triển dần đẩy ruột xuống. Hay như bệnh tràn dịch màng phổi cũng cần phải thực hiện ngay can thiệp đặt dẫn lưu hút dịch ra ngoài... Vì vậy, việc BVPSHN can thiệp thành công vào buồng ối có ý nghĩa mở đường rất lớn, để chúng tôi cùng phối hợp thực hiện những kỹ thuật chuyên sâu hơn, mang lại cơ hội cứu chữa lớn hơn cho các em bé dị tật.

Đầu năm 2020, một nhóm BS của BVPSHN sẽ tiếp tục sang Pháp học về YHBT và tương lai gần sẽ đến các BS BV Nhi T.Ư. Trong phòng làm việc của GS Yves Ville, chồng hồ sơ xin học từ khắp nơi trên thế giới gửi về ngày một cao lên. Nhưng như lời GS đã chia sẻ, ông sẽ luôn dành cho các BS đến từ Việt Nam sự ưu ái đặc biệt để họ có thể mang những kỹ thuật hiện đại về cứu chữa cho trẻ em Việt Nam.