Sông trên nhà giàn

Từ trên boong tàu Trường Sa 571 thoáng mát, tôi lâng lâng ngắm nhìn biển trời đất nước mênh mang, phía trước là hai ngôi Nhà giàn DK1, một cũ, một mới đứng sừng sững trên thềm lục địa phía nam.

Nhà giàn DK1. Ảnh: HẢI NAM
Nhà giàn DK1. Ảnh: HẢI NAM

1. Ban mai ấy, vùng biển Ba Kè thật lộng lẫy. Đằng đông, mặt trời từ từ nhô lên trên mặt nước phẳng lặng. Gợn nhẹ những nếp biển đỏ tươi mầu cờ Tổ quốc.

Tàu đến buông neo ở vùng biển này từ giữa đêm qua, sau chặng hải trình từ Núi Le thuộc quần đảo Trường Sa về. Không làm sao chợp mắt được, tôi chong thức lắng nghe tiếng sóng vỗ ì oạp vào hai mạn tàu. Ngồi dậy, qua ô cửa sổ hình tròn kề bên giường nằm, tôi thấy mảnh trăng thượng tuần cong cong dán lên vòm trời đêm lấp lánh sao. Một triệu cây số vuông biển, xấp xỉ ba nghìn hòn đảo lớn nhỏ, có Hoàng Sa, Trường Sa là máu thịt thiêng liêng của giang sơn này. Bao nhiêu mồ hôi, máu, nước mắt mặn chát trong đó, kể làm sao cho xiết. Tôi chợt thấy biển dựng lên thẳng đứng như bức tường thành vĩ đại và lấp lánh trên đó những dòng tên trắng mầu sóng. Đủ mọi thế hệ, mọi lứa tuổi, mọi vùng, miền đất Việt Nam.

Có hơn 20 nhà giàn ở vùng biển bãi cạn Tư Chính, Phúc Tần, Ba Kè, Phúc Nguyên, Huyền Trân, Quế Đường và Cà Mau. DK1 nối liền với Trường Sa làm thành lá chắn bảo vệ Tổ quốc trên Biển Đông.

2. Và, không thể không nói tới điều này, dẫu chưa giàu có nhưng cả nước đã vì Trường Sa, vì DK1 để có những đầu tư xứng đáng, cần thiết. Năm 2000, tôi đã đến đây, được leo lên nhà giàn thế hệ cũ chỉ rộng khoảng 45 m². Nhà giàn lúc ấy chỉ có bốn chân đế, đương nhiên bé nhỏ hơn nhà giàn bây giờ nhiều. Nếu ví nhà giàn thời đó là ngôi nhà cấp bốn thì nhà giàn bây giờ giống như tòa lâu đài vậy.

Nhà giàn thế hệ mới có sáu chân đế to lớn và kết cấu rất vững chắc. Anh em nói rằng, nhà giàn mới có thể chịu đựng được bão cấp 15. Nó cao lớn, hoành tráng như một tòa nhà năm, sáu tầng vậy. Leo từ mặt nước lên đến sân thượng (bãi đỗ trực thăng khi cần thiết) phải qua hàng trăm bậc cầu thang, mệt bở hơi tai. Phục ai đã thiết kế ra nhà giàn thế hệ mới này, vừa vững chãi, vừa thanh thoát. Sắt thép giăng giăng mà không hề có cảm giác nặng nề. Không gian càng nhẹ nhàng trữ tình hơn với những khoảnh vườn của lính. Rau nhiều loại xanh mởn, bí đao lúc lỉu trên giàn. Đu đủ mấy hàng đứng sát lan-can. Chuối mẹ che chở chuối con. Đại úy, Chính trị viên Trương Xuân Thắng khoe với tôi: “Tết vừa rồi, cây chuối này trổ buồng rồi đó anh ạ”. Các chàng lính trẻ nhà giàn trồng chuối, trồng rau chắc cũng vì muốn tựa vào một tiếng Quê. Nhìn cây cho vơi bớt nỗi nhớ quê nhà. Cũng như nuôi gà cho mỗi sớm, mỗi chiều có tiếng gáy thương quen. Các loại cây và rau đều trồng trong khay, hộp nhựa và đất được đóng gói mang từ đất liền ra.

Không nói ra chắc ai cũng biết, lính nhà giàn thường phải xa nhà lâu. Thường là 8 đến 12 tháng. Đại úy Trương Xuân Thắng quê Nghi Lộc, Nghệ An, nhập ngũ năm 2004 ra Nhà giàn DK1 từ năm 2009, có vợ và hai con còn bé dại. Xa gia đình, xa người thân trong thời bình là thử thách lớn nhất với chiến sĩ ta ở nhà giàn và ở Trường Sa. Lên Nhà giàn DK1/20 tình cờ tôi gặp được hai đồng hương Quảng Bình. Trương Anh Đào, sinh năm 1977, nhập ngũ năm 1995, quê ở xã Quảng Sơn, thị xã Ba Đồn. Đào đã có vợ và hai con. Trương Thế Anh, sinh năm 1985, nhập ngũ năm 2006, quê Quảng Hòa, Quảng Trạch. Vợ anh là giáo viên. Con của anh là một cặp sinh đôi đang còn nhỏ. Là con người, ai mong sự xa cách người thân đâu nhưng mỗi người lính vẫn can trường chấp nhận hoàn cảnh để làm tròn nhiệm vụ của mình.

Nhà giàn thế hệ mới thật sự hiện đại. Dàn pin mặt trời cung cấp điện cho sinh hoạt. Hệ thống máy lọc nước biển thành nước ngọt. Sân đỗ cho máy bay trực thăng khi cần thiết. Nơi ăn ở thoáng đãng, sạch sẽ. Nhìn lá cờ Tổ quốc phấp phới bay trên đỉnh nhà giàn, tôi xốn xang khôn tả. Hình tượng Tổ quốc trở nên thân thiết, cụ thể vô vàn.

Có lẽ cái tạo nên sự vững chãi của những nhà giàn là truyền thống yêu nước, tự hào dân tộc luôn có trong mỗi người dân đất Việt. Chính tinh thần ấy làm cho mọi cán bộ, chiến sĩ luôn sống bình tĩnh, lạc quan ngay trên vùng biển mỗi năm thường có tới 7, 8 tháng sóng to gió lớn.