Ra thế giới gặp vị quê nhà

Là người Việt, không thể không tự hào khi thương hiệu ẩm thực Việt Nam đang ngày càng được khẳng định, lan rộng. Đó không đơn giản là câu chuyện của những món ăn mà còn là tiếng nói của văn hóa Việt Nam, tiếng nói của người Việt khi đến với bạn bè quốc tế.

Thực khách xếp hàng dài trước quán Phở Thìn tại Melbourne, Australia.
Thực khách xếp hàng dài trước quán Phở Thìn tại Melbourne, Australia.

1. Đứng lọt thỏm giữa nhà ga trung tâm Amsterdam (Hà Lan), cảm giác cô độc bỗng choán lấy. Tôi hoang mang và có chút bấn loạn trước cả chục đường ray phía trước như một mê trận thách đố.

Trong khoảnh khắc ấy, mắt tôi như bị hút vào một quầy hàng nhỏ, bán bánh mì Việt ở khu vực bán đồ ăn nhanh. Thật hay mơ? Làm sao tôi có thể nhầm khi tên biển hiệu viết bằng tiếng Việt. Cả anh chàng đeo tạp dề đỏ sau quầy hàng, tay thoăn thoắt làm đồ ăn cho khách, đích thị là người Việt rồi. Trong tiết trời lạnh chừng 3 - 4 độ, mùi bánh mì vừa lấy từ lò nướng, mùi pa-tê, mùi xá xíu, mùi chả, mùi sa-lát trộn nước sốt... thơm ngào ngạt, quyến rũ mọi khứu giác. Một vài thực khách ghé qua. Lao xao tiếng nói, tiếng cười, tiếng sột soạt của giấy gói bánh. Và tiếng Việt! Có cả tiếng Việt thương mến của tôi đang vang lên!

Có lẽ chưa nhà nghiên cứu nào chỉ ra được ai là người Việt đầu tiên đưa món ăn Việt ra khỏi biên giới quốc gia như một sản phẩm vừa mang tính văn hóa, vừa có giá trị thương mại. Nhưng dẫu là ai thì cũng chắc chắn đó là một người dũng cảm, và đầy lòng tự tôn dân tộc. Vì kiếm được đầy đủ nguyên vật liệu bảo đảm độ tươi ngon để nấu các món ăn Việt ở nơi xứ người thật sự là một thách đố đầy khó khăn, nhất là ở thời kỳ trước, khi hàng không chưa phát triển. Và những “sứ giả ẩm thực” Việt ấy chấp nhận thách thức, cố gắng trong điều kiện có thể để trình ra với thế giới các món ăn tinh hoa của người Việt. Để rồi quán ăn Việt dần hình thành ngày càng nhiều trong các cộng đồng người Việt ở nước ngoài và từng bước chinh phục thực khách bản địa.

2. Tôi bỗng nhớ ông chủ quán phở Việt ở trung tâm thành phố San Fransisco (Mỹ) năm nào, cứ áy náy phân bua để thực khách từ Việt Nam sang thông cảm vì không thể kiếm được bánh phở tươi. Song tôi ấn tượng nhất là cái cách ông cư xử với tô phở của nhà hàng. Tô phở chắc phải xếp vào cỡ đại, vì to gấp hai - ba lần bát phở ở Việt Nam, được ông chậm rãi, trịnh trọng bê ra như kiểu người ta rước một vật thiêng. Ngay cả đĩa giá và chén ớt tươi cũng được xếp đặt gọn gàng, có chủ ý. Sau khi sửa soạn món ăn trước mặt khách như thực hiện một nghi thức bắt buộc, ông lui phía sau quầy, chờ khách ăn vãn bữa mới đến gần ý nhị hỏi nước dùng có vừa vị không, thịt bò đủ mềm chưa... Ông bảo, phở Việt dù nấu cách nước Việt Nam cả nửa vòng Trái đất nhưng kiểu gì cũng phải giữ đúng “quốc hồn, quốc túy” như yêu cầu tất yếu với một món ăn truyền thống. Để người Việt Nam còn tìm đến thưởng thức cho thỏa nỗi nhớ quê nhà, và người bản xứ thì biết một món ăn đặc sắc của xứ Việt Nam mình. Tên người nấu có thể không nhớ, nhưng tên món ăn thì dứt khoát không được quên. Vâng, đó là phở Việt Nam. Phở của người Việt Nam!

3. Ở nhiều quốc gia, các quán ăn Việt Nam đã và đang dần trở thành địa chỉ được yêu thích của người bản địa. Điều thú vị là nếu nhiều thập kỷ trước, ẩm thực Việt mang đến xứ người chủ yếu do các gia đình người Việt sinh sống tại đó dựng lên, thì ngày nay đang có một xu hướng mới: chính những người trẻ mang nhiệt huyết, đam mê với các món ăn đặc sản của quê hương đã tự tin đưa các món ăn của người Việt đi xa hơn mảnh đất mà nó được khai sinh. Từ đây ra đời hàng loạt quán ăn Việt nổi tiếng ở nơi xứ người, như tại thủ đô Tokyo (Nhật Bản) có Đại Dương quán bán đồ ăn Việt của cô gái trẻ 9X Lê Thị Huệ, và Anh Em Quán Shinookubo bán phở, bún chả của ba anh em ruột Trần Văn Bằng, Trần Văn Bách, Trần Thị Liễu; rồi quán phở bò của cô gái Hà Nội Jinny Liên ở Thủ đô Moscow (Nga); tiệm ăn Việt đầu tiên trên xe tải ở thành phố Vancouver (Canada) của chàng thanh niên 23 tuổi Kevin Thạch; Công ty Bánh Mì Girls của cô gái Nguyễn Hoàng Lê My tại Hà Lan... Hay một người trẻ khác là Nguyễn Khánh Vương Anh sinh năm 1995, du học sinh Việt tại Australia, đã mạnh dạn lập kênh youtube riêng bằng hai ngôn ngữ Anh, Việt để quảng bá du lịch và ẩm thực đặc sắc của các vùng, miền Việt Nam ra với bạn bè thế giới...

Ẩm thực Việt giờ không chỉ ghi dấu ở nhiều quốc gia, không chỉ đơn thuần là các quán hàng phục vụ cuộc mưu sinh, mà đã và đang là cầu nối giữa văn hóa Việt Nam với bạn bè thế giới. Giờ đây trong “sổ tay ẩm thực” của nhiều thực khách sành ăn quốc tế không thể thiếu các món ăn từ Việt Nam. Nhiều món ăn Việt đã được lọt vào các bảng xếp hạng quan trọng, tiêu biểu như danh sách Các món ăn ngon nhất mùa hè do tạp chí CNN bình chọn năm 2012, bún chả của Việt Nam đã vinh dự có mặt. Năm 2016, bánh mì cùng phở và bún chả lọt tốp 100 món ăn nổi tiếng thế giới, do Liên minh Kỷ lục thế giới - Wordkings và Viện Top thế giới công bố. Tên của nhiều món ăn Việt cũng có mặt trong từ điển của một số quốc gia với đúng tên như “giấy khai sinh”. Đó chính là sự tôn vinh một giá trị văn hóa đã và đang được cả thế giới ghi nhận bởi sự đặc sắc và quyến rũ đến không ngờ.

Ra thế giới gặp vị quê nhà ảnh 1

Mới đây, tháng 10-2019, tại Phú Quốc (Kiên Giang) trong lễ trao giải thưởng du lịch thế giới lần thứ 26 khu vực châu Á và châu Đại Dương năm 2019, Việt Nam đã vinh dự được nhận bốn giải thưởng quan trọng, trong đó đặc biệt lần đầu tiên chúng ta nhận được giải thưởng Điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á 2019 (các giải thưởng khác là: Điểm đến hàng đầu châu Á 2019, Điểm đến văn hóa hàng đầu châu Á 2019, Điểm đến thành phố văn hóa hàng đầu châu Á 2019: Hội An).