Học ở đâu cho xa!

Gần như ngược lại với sự phục hồi mạnh mẽ của du lịch nội địa, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong năm 2022 chỉ đạt khoảng 42% so kế hoạch đề ra dù mở cửa đón khách du lịch sớm. Để tìm ra "điểm nghẽn" trong thu hút du lịch và đề xuất giải pháp, Nhân Dân cuối tuần đã có cuộc trao đổi cùng PGS, TS Phạm Hồng Long, Trưởng Khoa Du lịch học, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. 
0:00 / 0:00
0:00
Học ở đâu cho xa!

- Thưa ông, vì sao ở mảng khách quốc tế, sau đại dịch Covid-19, du lịch Việt Nam lại rơi vào tình trạng "đi trước, về sau"?

- Nguyên do thì nhiều, cả từ phía khách quan và chủ quan.

Năm 2022, lượng khách lớn nhất đến Việt Nam trước đại dịch là từ thị trường Trung Quốc, song quốc gia này lại chưa mở cửa nên nguồn khách giảm đáng kể (dự kiến mở cửa trở lại vào ngày 8/1/2023). Một số thị trường khách lớn khác, như: Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản dù đã mở cửa, nhưng do tâm lý e ngại dịch bệnh nên lượng khách du lịch đi nước ngoài nói chung và đến Việt Nam nói riêng chưa nhiều. Ngoài ra, có thể kể đến nguyên nhân từ sự lạm phát giá cả toàn cầu do ảnh hưởng của xung đột Nga-Ukraine, xu hướng tiêu dùng của du khách quốc tế có chiều hướng thay đổi: chọn các địa điểm du lịch có khoảng cách gần hơn. Sự cạnh tranh từ thị trường các nước trong khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là Thái Lan luôn có những chính sách thúc đẩy phát triển du lịch tiên phong, là lựa chọn hàng đầu của khách du lịch quốc tế khi đến du lịch ở Đông Nam Á.

Bên cạnh đó, theo tôi, nguyên nhân do chủ quan cần phải nhắc đến đầu tiên là chính sách thị thực-một trong những rào cản lớn nhất. Hiện, Việt Nam mới chỉ miễn thị thực (cả đơn phương lẫn song phương) cho 25 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, ngoài các nước Đông Nam Á, hầu hết công dân thuộc những quốc gia còn lại chỉ có thể lưu trú tối đa 15 ngày. Lẽ ra, phải tận dụng tối đa hạn mức lưu trú từ 30-90 ngày được Luật Xuất nhập cảnh quy định.

-Từ góc độ chuyên môn, ông có thể đề xuất một số giải pháp nhằm phát triển ngành du lịch bền vững?

- Để có thể phát triển ngành du lịch bền vững, trong thời gian tới đây Việt Nam cần lưu ý một số giải pháp sau:

Đầu tiên, Việt Nam đang thiếu hụt nguồn lực du lịch do chịu ảnh hưởng của Covid-19, một số lượng lớn lao động trong ngành du lịch phải nghỉ việc, chờ việc, hoặc chuyển hướng công việc sang ngành nghề khác. Việc phục hồi và phát triển nguồn nhân lực sẽ là yếu tố then chốt.

Thứ hai, thúc đẩy liên kết điểm đến, địa phương, vùng, quốc gia lãnh thổ; liên kết giữa các bộ, ban, ngành; liên kết chuỗi cung ứng dịch vụ của các doanh nghiệp; cần phục hồi, nâng cấp và phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất, kỹ thuật du lịch. Ngành du lịch chỉ có thể đón tiếp và phục vụ khách tốt nếu có sự phối hợp nhịp nhàng trong năng lực đón tiếp, từ hệ thống giao thông vận tải hành khách tới thông tin liên lạc, dịch vụ tại các điểm đến, bảo đảm tính an toàn và sự chuyên nghiệp.

Thứ ba, xây dựng thêm nhiều sản phẩm du lịch đáp ứng xu hướng và hành vi tiêu dùng của du khách. Ở Việt Nam, các sản phẩm du lịch chưa đa dạng, mới tập trung chủ yếu vào bốn dòng sản phẩm chính: du lịch biển-đảo, du lịch văn hóa, du lịch thiên nhiên và du lịch đô thị. Trong thị trường đầy tính cạnh tranh, điểm đến nào càng có nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn thì càng dễ được du khách lựa chọn. Chúng ta cần có bước chuyển hóa mạnh mẽ về việc xây dựng các sản phẩm du lịch.

Thứ tư, chú trọng khai thác thị trường khách du lịch nội địa. Trong năm 2022 vừa qua, chúng ta đã đón hơn 100 triệu lượt khách du lịch trong nước. Đại dịch Covid-19 đã cho thấy, chúng ta không nên xem nhẹ thị trường này như tâm lý của nhiều doanh nghiệp lữ hành cũng như doanh nghiệp dịch vụ tại chỗ lâu nay.

Cùng với đó, chúng ta phải chú trọng đến việc chuyển đổi số cho doanh nghiệp du lịch. Ở thời điểm này, doanh nghiệp nào mà số hóa mạnh, tiếp cận đa dạng khách hàng qua các nền tảng trực tuyến thì khả năng mở rộng thị trường sẽ tốt hơn những doanh nghiệp vẫn chỉ chào bán sản phẩm theo phương thức trực tiếp…

- Ông có thể chia sẻ một số kinh nghiệm, mô hình phát triển du lịch quốc tế mà Việt Nam có thể tham khảo, áp dụng rộng rãi?

- Tôi cho rằng, không cần phải học tập đâu xa hơn Thái Lan. Trước hết, chúng ta phải học tư duy "định hướng du lịch" của người Thái. Du lịch là ngành dịch vụ số một ở Thái Lan và người Thái tập trung mọi chính sách ưu tiên cho phát triển du lịch.

Trong nhiều năm liền trước đại dịch Covid-19, Thái Lan luôn nằm trong top 10 quốc gia đón khách du lịch hàng đầu thế giới, và top bốn quốc gia có thu nhập cao nhất từ du lịch. Riêng trong năm 2019, lượng khách du lịch quốc tế đến Thái Lan (khoảng 40 triệu lượt) chưa bằng một nửa so các quốc gia hàng đầu như Pháp, Tây Ban Nha, Mỹ (năm 2019, lần lượt là 89, 84, 79 triệu) nhưng mức chi tiêu của du khách ở Thái Lan rất cao, thậm chí hơn nhiều so các quốc gia trên. Như vậy để thấy, người Thái làm du lịch tốt thế nào; họ đã xây dựng được chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch có tính kết nối chặt chẽ đến hoàn hảo.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng nên học sự nhạy bén của người Thái trong việc đưa ra các chiến dịch, chính sách tiên phong đón đầu xu hướng sản phẩm và tiêu dùng. Trước đây, họ nổi tiếng với chiến dịch "Bất ngờ Thái Lan" với tám chủ đề (Amazing Thailand Eight Themes-ATET), rồi "Mảnh đất của những nụ cười" (Land of smiles), "Bếp ăn của Thế giới (Kitchen of the world)… Năm 2022, khi ngành du lịch nhiều nơi trên thế giới và khu vực vẫn "loay hoay" với đại dịch Covid-19, Thái Lan là quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á mở cửa đón khách với chương trình "Hộp cát Phuket" (Phuket Sandbox); họ đã đón được hơn 10 triệu lượt khách du lịch quốc tế, vượt chỉ tiêu đề ra...

Nhìn chung, chính sách phát triển du lịch của Thái Lan rất uyển chuyển và họ đã đạt được những thành công lớn.

-Trân trọng cảm ơn ông!