"Học gói, học mở" chưa bao giờ cũ

Để làm giàu văn hóa ứng xử của người Việt, cần phải thông qua giáo dục và tự giáo dục. Câu chuyện đầu xuân của Nhân Dân cuối tuần và PGS, TS Ngôn ngữ học Phạm Văn Tình, Giám đốc Trung tâm Việt Nam học được khơi nguồn từ những ứng xử tưởng như rất nhỏ, rất đời thường…
0:00 / 0:00
0:00
"Học gói, học mở" chưa bao giờ cũ

- Thưa ông, dư luận xã hội đã lên tiếng nhiều về cách ứng xử thiếu chuẩn mực của không ít người khi tham gia giao thông. Ông có chia sẻ gì về vấn đề này?

- Ngày nay ra đường, chúng ta thấy rất nhiều hình ảnh đẹp, như người trẻ dắt cụ già qua đường, người chẳng may ngã đã được người khác xúm lại nâng dậy, hỏi han, giúp đỡ. Có trường hợp va chạm giao thông nhưng rất từ tốn dừng lại, xin lỗi, xử lý phải đạo rồi tất cả cùng đi trong nhẹ nhõm. Song cũng có không ít hành vi vượt đèn đỏ, gây nguy hiểm cho người khác, không đội mũ bảo hiểm. Có trường hợp va chạm phương tiện, chưa biết đúng hay sai thế nào đã lập tức to tiếng gây gổ, thậm chí chửi bới, biến chuyện nhỏ thành chuyện to.

Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã tuyên truyền rất nhiều về gìn giữ văn hóa giao thông. Văn hóa giao thông được biểu hiện bằng hành vi xử sự đúng pháp luật, theo các chuẩn mực của xã hội về lẽ phải, cái đẹp, cái thiện của người tham gia giao thông. Văn hóa giao thông còn thể hiện ở tính cộng đồng khi tham gia giao thông. Khi lưu thông trên đường phải biết không chỉ vì lợi ích của bản thân mình mà còn phải bảo đảm an toàn cho người khác; gặp trường hợp người bị nạn thì giúp đỡ, chia sẻ kịp thời; thấy sự cố về đường sá, phương tiện, phải báo hiệu, thông báo cho ban, ngành liên quan để kịp thời ngăn chặn, xử lý, hướng tới một xã hội văn minh và tốt đẹp.

- Vậy còn những ứng xử chưa đẹp trong đời sống như thông qua hoạt động mua bán trong siêu thị, ngoài phố, công viên… Điều đó do đâu, và có đáng ngại không, thưa ông?

- Điều đó theo thói quen, theo căn tính tiểu nông và từ giáo dục mà ra. Ở ngoài chợ, việc nói thách và mặc cả là bình thường, tại các nước phát triển cũng vậy. Qua chuyện nói thách và mặc cả, người bán và người mua tạo được sự thống nhất trong trao đổi hàng hóa. Nhưng ở ta, có người vào hàng, chỉ xem mà không mua, liền bị mắng. Điều đó là không đúng với văn minh thương mại cần phải có, nhất là trong đời sống hiện đại. Ở một số nơi tại Hà Nội, lại xuất hiện những hàng "bún mắng, cháo chửi", cũng là không hợp lý. Một số người cho rằng, đây là chuyện tếu táo, vui vẻ, do "bản tính gia chủ, phong cách nhà hàng". Không thể biện bạch thế được. Theo tôi, đó là hành vi miệt thị, làm mất thể diện người khác; một hành vi phản chuẩn mà chúng ta cần lên án. Ngoài ra, nạn "chặt chém" khách từ xa đến, khách nước ngoài sang du lịch Việt Nam, cố tình lấy đồ khách bỏ quên… diễn ra ở một số thành phố, điểm du lịch nổi tiếng cũng cần phải được chấm dứt.

Các cơ quan chức năng đã vào cuộc rất kịp thời để xử lý, giúp cho hoạt động kinh doanh, ứng xử dần đi vào nền nếp, góp phần xây dựng nền văn minh thương mại mà khách và chủ tôn trọng lẫn nhau.

"Học gói, học mở" chưa bao giờ cũ ảnh 1

Khi mỗi cá nhân nhận ra trách nhiệm của mình đối với cộng đồng, xã hội, sẽ nhận thức đó là nét đẹp văn hóa cần hướng tới

- Thưa ông, vậy có thể nói, trong cuộc sống hiện đại, có quá nhiều tình huống mà chúng ta phải học, điều chỉnh, sao cho có thể ứng xử một cách hài hòa, tạo dựng giá trị chung cho cộng đồng?

- Đúng vậy, ngay kể cả những người có học thức cao rộng cũng phải có thái độ cầu thị, cập nhật tri thức và kỹ năng sống. Cũng bởi mỗi người trong cộng đồng phải sống trong nhiều mối quan hệ đa chiều, đối diện nhiều tình huống ứng xử song không phải ai cũng đủ hiểu biết, kỹ năng để ứng xử đẹp, ứng xử có văn hóa. Điều đó phải được đúc rút qua quá trình trải nghiệm, tích lũy, hướng tới mục tiêu chân-thiện-mỹ. Tôi lấy thí dụ, như chuyện lần đầu đi ăn buffet (tiệc tự chọn món), không phải ai cũng biết cách lấy đồ ăn "vừa đủ" để khỏi bỏ thừa, gây lãng phí. Với người hiểu biết và tinh ý, họ sẽ rút kinh nghiệm và điều chỉnh sao cho hợp lý ở những lần dự sau. Rèn luyện kỹ năng sống là một quá trình. Có vấp váp, ta mới rút kinh nghiệm mà "khôn" lên đó.

- Theo ông, cần làm gì để tạo dựng, gìn giữ giá trị văn hóa, hình ảnh con người Việt Nam?

- Đại hội XIII của Đảng đã xác định những quan điểm, chủ trương mới, sâu sắc và toàn diện, đột phá về phát triển văn hóa, con người và nguồn nhân lực. Theo đó, giá trị văn hóa được coi là cơ sở để phát triển kinh tế-xã hội nói chung và hiện thực hóa niềm tin, khát vọng phát triển đất nước nói riêng.

Một trong những vấn đề cần quan tâm hiện nay là để làm giàu văn hóa ứng xử của người Việt, cần phải thông qua giáo dục và tự giáo dục. Đó là một vấn đề lớn, rộng và cần thiết, phụ thuộc sự giáo dục trong gia đình, nhà trường và xã hội. Đối với những hành vi vi phạm văn hóa ứng xử, khó có thể đưa ra chế tài "luật hóa" và xử phạt. Bởi vậy, vấn đề tuyên truyền và nhắc nhở từ cộng đồng rất quan trọng. Từ thay đổi nhận thức sẽ dẫn đến thay đổi hành vi. Thí dụ: Một người có thói quen nói tục, hay xả rác nơi công cộng nhưng khi cộng đồng phát hiện, nhắc nhở, họ "tự xấu hổ" và "tự điều chỉnh" hành động của mình cho đúng.

Một vấn đề khác là mỗi cá nhân cũng phải tự nhận chân giá trị, phải tự thấy hổ thẹn khi làm điều sai trái và "nhìn chung quanh" để học cách ứng xử với đồng nghiệp, cộng đồng cho phù hợp. Mỗi người khi nhận ra trách nhiệm của mình đối với cộng đồng, xã hội, coi đó là nét đẹp văn hóa cần hướng tới là đã góp phần xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người trong thời kỳ mới.

- Trân trọng cảm ơn ông!