Học để... biết "chơi"

NDO -

NDĐT - Lần đầu tôi được nghe ca trù, tôi nhớ nguyên cảm giác thật là nhọc nhằn khi phải chờ hết canh hát. Khổ nỗi không thể bỏ giữa chừng khi phải đóng vai khách mời. Sau canh hát, một cậu bạn tôi thì thầm: "Từ giờ nếu muốn tra tấn ông khách nào, cứ mời ông ấy đi nghe ả đào".

Học để... biết "chơi"

Bây giờ, chỉ cần nghe tiếng "tùng tếnh tếnh" của đàn đáy, chỉ nghe tiếng phách rí rách phát ra từ cỗ phách trong tay đào nương, tôi đã mình muốn sởn da gà. Đó là cái sởn da gà của xúc động, và nể phục. Tôi chưa đủ trình độ để thẩm tiếng phách, tiếng tơ, cũng như cái hay cái dở của đào nương qua những khúc ém hơi, đổ hột. Nhưng mấy mươi năm sau lần đầu tiên ấy, tôi đã hiểu cái gian nan nhọc nhằn của người nghệ nhân khi đạt đến trình độ "hát được" ca trù, chưa nói đến hát hay. Đào nương ca trù không hiểu thơ cổ, khó lòng truyền cảm xúc vào lời hát. Mà với thơ cho ca trù, nếu không am tường cổ học, không hiểu những điển cũ tích xưa, thì đàn gảy tai trâu chính là lối ví von vô cùng xứng đáng.

Vậy nên, khi một vài ca sĩ ký tên lên những tác phẩm nghệ thuật hội họa, thay vì đổ xô trách cứ hay ném đá, tôi thấy, chúng ta ít nhiều cần có sự cảm thông.

Dẫu những giá trị văn hóa là công bằng, nhưng, người ta phân nghệ thuật thành bình dân và bác học không phải là không cơn cớ. Một làn điệu dân ca người ta có thể mê đắm ngay từ lần đầu tiên, cho dù không có kiến thức gì về âm nhạc. Nhưng cũng nghệ thuật truyền thống, trăm người thì có lẽ hơn chín mươi người sẽ kêu "khó nghe" nếu lần đầu thưởng thức ca trù, hát tuồng. Tôi lấy thí dụ ca trù, hát tuồng vì đó là loại hình nghệ thuật truyền thống hiếm hoi của người Việt, đã bước qua cái ngưỡng nghệ thuật dân gian, để trở thành âm nhạc chuyên nghiệp, có tính bác học.

Tương tự, hầu như ai trong chúng ta cũng có thể vẽ. Thậm chí là vẽ hay nặn tượng rất giống thật. Nhưng bước chân vào thế giới mỹ thuật lại là câu chuyện khác. Ngay ở thời các họa sĩ vẽ theo lối gọi nôm na là "tả thực", thì như tranh thời Phục Hưng, khó có thể hiểu hết được cái đẹp của chúng, nếu không có kiến thức về hội họa, các thủ pháp nghệ thuật, các giai thoại tôn giáo... Càng phức tạp hơn, khi mỹ thuật thế giới tìm kiếm những phương pháp sáng tạo mới, khiến nhiều trường phái ra đời, từ ấn tượng, trừu tượng, cho đến siêu thực, lập thể... và những chủ nghĩa khác. Những câu chuyện hài như một trọc phú mua tranh treo trong phòng khách, hàng năm sau ông ta mới biết mình treo tranh... ngược, phản ánh một thức tế rằng, cũng như một số môn nghệ thuật khác, thú chơi tranh, không dành cho người thiếu kiến thức.

Câu chuyện ca sĩ ký tên lên tranh, phản ánh một thứ rộng lớn hơn. Thưởng thức nghệ thuật vẫn còn là thứ xa xỉ với đa phần người Việt. Dạo trước, khi Việt Nam lùm xùm vì mấy vụ triển lãm, đấu giá tranh giả, tôi trò chuyện với một nhà sưu tập, chị thẳng thắn thừa nhận: Thị hiếu văn hóa của người Việt còn thấp so với mặt bằng chung.

Thị hiếu thấp, không hẳn đến từ lý do kinh tế. Những năm gần đây, người Việt giàu lên. Những "đại gia" xuất hiện ngày càng lắm. Và đọc báo, có thể thấy đại gia Việt rất sành chơi. Người ta có thể mua chai rượu trăm triệu, bày bộ bàn ghế chục tỉ, chơi xe triệu đô hay đeo những chiếc đồng hồ trị giá hàng trăm tấn gạo... Thậm chí, có người có cả những bộ sưu tập ô-tô hàng trăm tỷ. Những "thiếu gia" trẻ tuổi thì tập hợp trong "Hội con nhà giàu", cũng thể hiện sự giàu có ở đủ đẳng cấp khác nhau. Nhưng thực hiếm có người nào thể hiện mình bằng cách chơi tranh! Những bức tranh của danh họa thế giới có thể hơi quá tầm về tài chính. Tuy vậy, những bức tranh của danh họa Việt, giá chỉ ngang một bộ bàn ghế, hay chiếc ô-tô trong bộ sưu tập của các đại gia, phần nhiều, sau các cuộc đấu giá, cũng thuộc về các nhà sưu tập nước ngoài. Nếu ai đó từng đi xem triển lãm tranh, cũng không khó để thấy, sau buổi khai mạc đông đảo "những người quen", chùa Bà Đanh thường là cảnh tiếp diễn.

Cũng về thưởng thức nghệ thuật, cách đây ít lâu, có ca sĩ lên tiếng bolero "cản trở" sự phát triển của nghệ thuật âm nhạc. "Quy trách nhiệm" như vậy là không thỏa đáng. Bolero đâu có lỗi? Giai điệu bolero chậm rãi, lời ca giản dị, ít tính triết lý sâu xa. Bolero từa tựa như những khúc dân ca, dễ nghe, dễ hát. Nhưng chỗ nào cũng bolero, phần lớn người dân chỉ biết bolero, còn nghệ thuật bác học chật vật tìm khán thính giả, thì rõ ràng, thị hiếu nghệ thuật, mặt bằng văn hóa thực sự có vấn đề.

Nghệ thuật bác học và bình dân, không có cái nào thay thế được cái nào. Người thích loại hình này, kẻ mê loại hình kia. Song, không ai có thể phủ nhận, có những môn nghệ thuật chỉ có thể bắt rễ và phát triển trên nền dân trí cao. Câu ngạn ngữ "Hãy nói cho tôi biết bạn của bạn là ai, tôi sẽ nói bạn là người như thế nào" cũng đúng với việc thưởng thức nghệ thuật. Đừng vội chê mấy ca sĩ ký tên lên tranh. Nếu không biết học để biết "chơi", trước sau rồi chúng ta cũng có lúc "nghịch dại", còn hơn thế.