Học cách cho đi

Hơn 20 sinh viên thuộc nhóm Miracle Cloud-Bảo vệ trẻ em (chuyên ngành Truyền thông đa phương tiện, Trường đại học FPT Thành phố Hồ Chí Minh) vừa kết thúc chuyến đi ý nghĩa đến Trung tâm nhân đạo Làng Tre (tỉnh Ðồng Nai). Ðiều đáng quý, toàn bộ số tiền và quà gửi tặng đến trung tâm đều được thông qua các sự kiện gây quỹ từ dự án kết thúc môn học của sinh viên.
0:00 / 0:00
0:00
Dự án "Bảo vệ trẻ em" của sinh viên kết thúc bằng các hoạt động ý nghĩa tại Trung tâm Nhân đạo Làng Tre (Ảnh Thu Hà Nguyễn)
Dự án "Bảo vệ trẻ em" của sinh viên kết thúc bằng các hoạt động ý nghĩa tại Trung tâm Nhân đạo Làng Tre (Ảnh Thu Hà Nguyễn)

MIRACLE CLOUD - Ðám mây diệu kỳ - là tên dự án hoàn thành môn Tâm lý học truyền thông của hơn 300 sinh viên năm nhất, Trường đại học FPT Thành phố Hồ Chí Minh trong học kỳ này. Dự án này bao gồm ba nhóm chủ đề là: Kiến thức cho trẻ em, Bảo vệ trẻ em và Nước sạch cho trẻ em. Ðể dự án được lan tỏa đến từng sinh viên, trước thời điểm công bố ý tưởng, giảng viên trong trường đã kêu gọi các sinh viên khóa trước tình nguyện đăng ký nhóm hướng dẫn theo các chủ đề đã công bố. Với tám thành viên, nhóm hướng dẫn của Trần Ðình Huy (sinh viên năm hai, ngành Truyền thông đa phương tiện) chọn chủ đề "Bảo vệ trẻ em" vì mong muốn gửi gắm đến cộng đồng những thông điệp ý nghĩa trong lĩnh vực rất quan trọng này. Chỉ với tám thành viên nhưng nhóm của Huy được giao nhiệm vụ dẫn dắt, hướng dẫn hơn 70 sinh viên thuộc 13 nhóm vệ tinh. Bám sát nội dung "Bảo vệ trẻ em", trong đó xoáy sâu vào việc giúp cộng đồng có cái nhìn rõ hơn về các hành vi bạo lực trẻ, Huy cùng các bạn tìm tòi, bàn bạc kỹ lưỡng trước khi lên kế hoạch cụ thể cho từng giai đoạn rồi hướng dẫn các tân sinh viên chọn lựa hoạt động phù hợp. "Chặng đầu tiên, tụi em đẩy mạnh vào hoạt động truyền thông trên mạng xã hội để nâng cao nhận thức của mọi người về bạo lực trẻ em, cách bảo vệ trẻ, những giải pháp cần thiết... Sang chặng thứ hai là hoàn thiện kế hoạch sự kiện mà 13 nhóm sinh viên đã đăng ký. Cuối cùng là triển khai các sự kiện gây quỹ. Tụi em định hướng, giúp đỡ từng nhóm hoàn thiện kế hoạch và lắng nghe ý tưởng của các bạn để hỗ trợ điều chỉnh kịp thời", trưởng nhóm Trần Ðình Huy chia sẻ.

Tín hiệu khả quan đầu tiên là ngay khi các nhóm vệ tinh đồng loạt chia sẻ những thông điệp về bảo vệ trẻ em trên mạng xã hội, lượng tương tác nhận về khá lớn. Ðến nay, các trang vẫn duy trì kết nối, cập nhật thông tin. Chặng thứ hai đòi hỏi rất nhiều thời gian và công sức vì số thành viên nhóm hướng dẫn khá ít người trong khi lượng công việc khi dẫn dắt 13 nhóm là rất lớn. Trong dự án lần này, các nhóm vệ tinh chốt kế hoạch tổ chức hai chương trình âm nhạc, hai chương trình tọa đàm cùng chủ đề "Bảo vệ trẻ em" và một hội chợ gây quỹ. Tất cả các hoạt động đều do các bạn sinh viên năm nhất lên kế hoạch, tìm nguồn tài trợ, truyền thông và tổ chức ngay tại trường với sự đồng hành, tiếp sức của nhóm hướng dẫn. Ở vai trò quản lý nhóm "Bảo vệ trẻ em", sinh viên Nguyễn Huỳnh Giang khá bất ngờ với những gì mà 13 nhóm vệ tinh thể hiện trong hơn hai tháng làm việc cùng nhau. Không đơn thuần là dự án hoàn thành môn học, sau khi được hướng dẫn tận tình, các tân sinh viên đưa ra nhiều ý tưởng hay và mong muốn tạo được sức lan tỏa lớn hơn. Những thông tin cần tuyên truyền, những thông điệp nhẹ nhàng nhưng ý nghĩa được lồng ghép khéo léo vào các tọa đàm, chương trình âm nhạc.

Ban đầu, hai trưởng nhóm Huy và Giang đặt mục tiêu 13 nhóm vệ tinh sẽ gây quỹ khoảng 30 triệu đồng để tổ chức thăm và tặng quà cho trẻ em mồ côi tại một tổ chức nhân đạo thực sự khó khăn. Vì chỉ là sự kiện của sinh viên, diễn ra tại trường cho nên việc kêu gọi đóng góp không hề dễ dàng. "Vậy nên, ngày tổng kết quỹ và thấy số tiền đến hơn 55 triệu đồng, chúng em vô cùng bất ngờ và hạnh phúc. Các bạn sinh viên năm nhất trong các nhóm vệ tinh không chỉ nắm được kiến thức, có nhiều trải nghiệm thực tế khi tham gia dự án mà còn tạo được nguồn kinh phí cho hoạt động thiện nguyện hướng đến trẻ em. Các bạn làm được điều ý nghĩa ngay khi hoàn thành môn học của mình", Giang cho hay.

Khi đăng ký chủ đề "Bảo vệ trẻ em", cũng như nhiều bạn thuộc nhóm vệ tinh, ban đầu Vương Lan Anh (sinh viên năm nhất ngành Truyền thông đa phương tiện) khá bối rối, không biết nên làm gì và liệu có hoàn thành được kế hoạch đã đăng ký hay không. Thế nhưng, sau khi chốt ý tưởng cho đêm nhạc "Mây" và nghe các anh chị thuộc nhóm hướng dẫn chỉ ra các bước đi cần thiết, Lan Anh cùng sáu thành viên trong nhóm đặt ra quyết tâm phải tạo cho bằng được nguồn quỹ nho nhỏ dành tặng trẻ em khó khăn vào thời điểm kết thúc dự án. Sau đêm nhạc nhiều cảm xúc mà nhóm dành suốt hai tháng lên kế hoạch, liên hệ các nơi, mời ca sĩ, thực hiện từng khâu... số quỹ quyên góp được là 15 triệu đồng, cao nhất trong 13 nhóm vệ tinh. Lan Anh cho rằng, số tiền đó với nhiều người tuy không lớn nhưng nó lại vô cùng ý nghĩa với từng thành viên trong nhóm. Các bạn đã đầu tư rất nhiều tâm sức để truyền đi thông điệp yêu thương trẻ em và nhận về sự đồng hành từ cộng đồng. Mỗi nhóm một thông điệp, một cách thể hiện trong khuôn khổ kiến thức về chuyên môn nhưng điều các bạn hướng đến là làm sao giúp mọi người nhận thức đúng để hạn chế tình trạng bạo lực trẻ em và giúp các em có cuộc sống hạnh phúc, bình an.

Số tiền thu về từ các sự kiện gây quỹ được nhóm hướng dẫn chia sẻ công khai và lên kế hoạch cùng 13 nhóm vệ tinh sử dụng hiệu quả nhất. Có nhóm còn tạo được quỹ gạo hỗ trợ trẻ em thông qua hoạt động gây quỹ lần này. Theo Huy, ngoài việc mua quà và tặng kinh phí cho Trung tâm nhân đạo Làng Tre, nhóm trích khoảng 12 triệu đồng gửi đến UNICEF với mong muốn chung tay hỗ trợ trẻ em cần giúp đỡ. Kết thúc dự án sau hai tháng đồng hành, điều mỗi người nhận về cho chính mình là những cảm xúc ấm áp khi được sẻ chia.