Hoa trạng nguyên nôn nao

Bây giờ là tháng mười một dương, theo lịch H’Mông, trùng khớp với lịch âm người Kinh là tháng mười.
0:00 / 0:00
0:00
Minh họa: MINH ANH
Minh họa: MINH ANH

Từ Đồn Biên phòng đến lớp học xóa mù Nậm Lạnh trải dài mươn man ngút ngàn mầu đỏ pha máu của hoa trạng nguyên. Thầy Lù Cở mặt trắng, mặc quân phục mầu xanh xách cặp đen, dừng chân ngắt một bông hoa làm bàn tay hồng lên một sắc hồng tươi mát, chợt nghĩ vui, loại hoa danh giá dành cho người đỗ cao mà mình đi dạy lớp xóa mù trên bản H’Mông.

Lớp học xóa mù chữ chon von nằm cạnh đường mòn bên bờ suối Nậm Lạnh. Ven lớp những cụm cây trạng nguyên đỏ chói như tắm máu. Gọi là hoa trạng nguyên nhưng loài cây này không có hoa mà lá non mọc ra đã đỏ đến nao lòng. Thân cây trạng nguyên mầu trắng sứ, khắc từng đốt như cây sắn, lá bầu thon giống trầu không, ngọn cây quanh năm nở lá non đỏ chói. Ông Trưởng bản nói, xưa có học trò nghèo đi thi, dọc đường nom thấy hoa đỏ mầu cờ, bèn ngắt một chùm ép vào sách rồi lên kinh kỳ thi ứng, quả nhiên người học trò này đỗ trạng nguyên. Về sau mọi người đặt cho loài hoa đỏ như máu là hoa trạng nguyên… Ngôi trường xóa mù chữ của thầy Lù Cở nhỏ nhắn đơn sơ vô tình được hoa trạng nguyên ngập trong hoa và ướp hương.

Còn nhớ ngày dựng ngôi trường nhỏ như lỗ mũi và tềnh toàng như lán nương. Ông Trưởng bản chọn đất rất kỳ công. Kén ngày đẹp, ông gạt những thân cây thuốc phiện trái mùa vàng úa xơ xác, dùng cuốc bới một lỗ nhỏ. Ông bổ nhát cuốc đầu tiên đã nhằn phải đá cuội tóe lửa. Dăm nhát sau ông đã bới được lỗ nhỏ cỏn con. Ông lựa năm hạt thóc cho vào bát vùi xuống lấp lại. Sáng sau ông gọi thầy Lù Cở đến bới đất lên xem, năm hạt thóc vàng ươm hơi trương lên vẫn còn nguyên vẹn. Ông ngửa cổ mắt lấp lánh nói với Lù Cở giọng nói như gà mổ thóc trong máng gỗ:

- Khoảnh đất này dựng lớp học rất tốt. Đá cuội thì trắng như ngà voi, đất ba zan thì đỏ như tiết dê là điềm lành. Năm hạt thóc còn nguyên không bị sâu kiến chuột bọ tha mất. Bản ta dựng lớp xóa mù chữ ven suối còn gì hơn thầy giáo nhé.

Thầy giáo Lù Cở tủm tỉm nói lấy lòng ông Trưởng bản, còn với thầy thì có đất dựng trường là ổn. Thầy giáo Lù Cở lớn trên đất này, uống nước suối Nậm Lạnh, ăn cơm nếp ở đây mà lớn lên thầy không lạ gì. Thầy giáo là con liệt sĩ chống Pháp. Bố thầy hy sinh trong trận truy lùng biệt kích và bị dính mìn, khoang bụng của ông bị băm như con hổ đói cắn dở, máu lẫn óc nhuốm đỏ. Mới năm nay, trong lần đấu tranh với bọn ma túy từ biên giới Lào, thầy Lù Cở cũng bị bắn đùi máu phun ướt đất… Sau này thầy vẫn ám ảnh mãi, mỗi bước chân dưới đất làm thầy nghĩ đến mảnh đất này đã nhuộm máu nhiều lớp cha ông... Lù Cở còn nhớ lời Đồn trưởng dặn anh khi đi dạy học ở đây. Vùng đất xưa các cụ nói là “Cái kiềng khó đặt chân, ngựa quan không dừng lâu, quan lại sợ dân chúng”. Ở đâu có tệ nạn thì ở đây có cả từ ma túy, cướp giật, đĩ điếm, đói nghèo, lạc hậu. Gần đây lại có thêm một phức tạp như cái bệnh ung thư là bọn xấu đến rủ rê sang nước ngoài, lại còn truyền đạo lạ, đạo ma, đạo tà. Rót vào tai những người cả tin, thiếu hiểu biết chuyển gia đình sang nước ngoài sinh sống, chìa khóa của ta là nắm được lòng dân, nắm giữ an ninh và nâng cao dân trí. Chú là hạt giống vùng cao thấu hiểu người dân, là chiến sĩ biên phòng lên Nậm Lạnh làm hai nhiệm vụ vừa xóa mù vừa giữ gìn an ninh. Đồn trưởng nắm chặt tay Lù Cở không rời rất tin tưởng lúc chia tay.

*

Lớp học xóa mù chữ của bản Nậm Lạnh có mặt ba mươi học viên học vào buổi tối. Cứ cơm nước xong, là nhà nào cũng châm đóm đến lớp. Nhìn qua từ trẻ răng sún đến phụ nữ địu con vú mướp sữa chảy ướt ngực áo, nhưng mắt ánh lóng lánh như nai non làm thầy Lù Cở mát lòng mát dạ. Thế mới biết, vùng cao hiếu học chẳng kém đồng bằng, khổ cái họ không có điều kiện học hành. Bù lại phần đông họ tuổi cao và kiến thức cuộc sống đầy ắp nên tiếp thu bài học nhẹ như ru.

Từ ngày gõ cửa đến từng nhà tuyển sinh, lại thường xuyên tiếp xúc thăm gia đình học viên, thầy Lù Cở gần gụi và hiểu thêm gia đình cuộc sống buồn vui, trăn trở của từng nhà và họ cũng coi thầy như người thân yêu nên cởi lòng, cởi dạ. Trước đã có giáo viên mở lớp nhưng không thành, đến Lù Cở đứng lớp thì cả bản rủ nhau theo học, gà thi nhau gáy một nhà đi học mười nhà theo. Có thể Lù Cở là người cùng dân tộc H’Mông, thấu phong tục bản sắc. Nhưng cần nhất ai cũng biết mà khó làm, là thương yêu tận tụy chia sẻ hết lòng, tư vấn về làm ăn, cuộc sống thì người H’Mông theo ngay. Đi sâu trong lớp thầy biết, có hai họ là họ Vàng và họ Thèo. Trong họ Thèo chỉ có hai hộ đều là anh em ruột, người anh là Thèo Lủng, người em là Thèo Lung. Cả hai người Thèo Lủng và Thèo Lung đều có tật ở tay trái, ngón thứ sáu chìa thêm bên ngón tay trỏ - học viên quen mồm gọi là họ sáu ngón. Gần đây nhà Thèo Lủng thường xuyên có khách lạ Vàng Xo, xưng là ở nước ngoài về. Vàng Xo dáng người trắng trẻo không ăn nhập với bộ khuôn mặt với mũi đen có túm lông vàng, tai sói và mắt chim bói cá. Nghe tin chủ, khách đã giết gà làm kết nghĩa anh em. Không biết ông khách Vàng Xo cho uống bùa mê thuốc lú gì mà anh em nhà họ Thèo nghe theo mê mệt. Ông Trưởng bản và thầy Lù Cở đến gặp mấy lần nhưng đều lánh vào rừng.

*

Thầy Lù Cở mặc áo bông như ông cụ già đến nhà ông Thèo Lủng trên đỉnh núi từ chập tối. Chiều cuối năm rét ngọt ngấm vào thân cây lau teo tóp, bông lau phơ phất theo làn gió lạnh gào lên như gái góa chồng. Những triền hoa trạng nguyên vốn đỏ tươi chuyển sang tím tái như mầu mào gà trống

bị cúm.

Trong thời khắc sáng tối tranh nhau, mỗi nhà đang chuẩn bị ăn cơm tối chợt chủ nhà Thèo Lủng giật mình thấy thầy Lù Cở bước vào hiên. Thèo Lủng đành phải tiếp thầy Lù Cở. Cuộc nói chuyện nhanh như trong phim, thầy vào đề ngay sau khi hỏi han chuyện học hành vài câu lấy lệ:

- Các bạn học viên kể nhà Thèo Lủng bán nương thuốc phiện và nương ngô, lúa…

Nghe chưa xong Thèo Lủng đứng lên xua tay như đuổi tà:

- Dân bản bán nương thì chết đói à, thầy

đừng tin.

Thầy Lù Cở nửa tin nửa ngờ đành chào Thèo Lủng định ra về. Người vùng cao có nếp trao đổi, cho tặng tài sản… rất êm thấm, khó biết chính xác thế nào. Lại biết tin Thèo Lủng bán đàn ngựa cho Vàng Xo. Hỏi thì nói con ngựa với người H’Mông là “xe máy”, bán đi thì cụt chân, bán đi chở hàng, xuống chợ đâu được. Thầy không tin vào rừng mà xem tôi thả rông trong núi. Chợt thầy linh tính mách bảo, tuần trước đang mải viết bảng, quay ra trên đường bụi bay mù trời, vó ngựa và tiếng hí vụt qua. Tưởng đàn ngựa của bản, biết đâu đàn ngựa này đã bán cho Vàng Xo. Giờ giải lao thầy Lù Cở ra đường thấy cứt ngựa còn bốc hơi, dấu chân chi chít đoán chừng bảy, tám con. Khổ lắm, dân vùng cao nhẹ dạ bán rẻ ruộng nương, gia súc thì sống thế nào, lúc đó chính quyền, đồn Biên phòng nhẽ nào để dân nằm chờ chết.

*

Ngày mùa của nông dân thu lúa ngô, ngày thu hoạch của thầy Lù Cở là ngày nghiệm thu lớp học xóa mù chữ. Lớp học Nậm Lạnh đều đạt điểm cao đọc nói lưu loát và làm bốn phép tính thành thạo. Trong đoàn kiểm tra có hai bộ đội tham dự, kết quả rất khách quan. Đúng “được lời khen ho khen”. Nhưng trong bụng thầy Lù Cở thì băn khoăn như lá bon gói canh, tại sao thiếu ba học viên vào ngày nghiệm thu là bố con nhà Thèo Lủng. Tại sao mỗi ngày vẫn học đều thế mà... Chắc chắn thầy Lù Cở phải cho Trưởng bản đến tìm thực hư và khẩn báo cho đồn Biên phòng biết.

Bảy ngày sau, có điện thoại của chốt Mường Lói báo về đã bắt giữ gia đình Thèo Lủng, có ba người. Sau này thầy Lù Cở biết, nhận tin của thầy Lù Cở, bộ đội Biên phòng rà soát các lối mòn lối mở. Gần tuần sau, bộ đội tìm thấy gia đình Thèo Lủng sắp chết đói chết khát giữa rừng đang tìm cách trốn sang nước ngoài. Theo lời khai của Thèo Lủng sau khi được nghỉ ngơi ăn uống cho biết, Vàng Xo dặn cứ nửa đêm ra khỏi bờ suối Nậm Lạnh thì sẽ dẫn đường, nào ngờ càng đi càng mất dấu. Không gặp bộ đội thì chết đói trên rừng trước khi tìm đến đất hứa. Anh em họ Thèo bảo nhau, Thèo Lủng đi trước có ngon thì về rủ người em Thèo Lung sẽ sang nước ngoài tiếp. Bỗng đang nói Thèo Lủng giãy lên như ăn lá ngón, than:

- May mà chưa bán được nhà còn chỗ chui ra, chui vào, ruộng nương cho người em Thèo Lung thì lấy lại. Còn đàn ngựa bán cho thằng Vàng Xo thì coi như cúng ma cho nó vậy!

Chính trị viên đồn đập vai an ủi:

- Còn người còn của rồi tính sau, ta về bản thôi ông Thèo Lủng.

*

Đúng ngày cuối tháng một, theo lịch H’Mông, trùng khớp với lịch âm là tháng mười hai, năm hết Tết đến. Cây đào trước cổng đồn Nậm Lạnh chắc đã hé chúm chím. Ngày mai chỉ còn một việc là về đồn biên phòng nộp bài và báo kết quả. Ngủ đêm trên lớp để trải nghiệm ba tháng làm lái đò, nôn nao khó tả thầy không chợp mắt. Bình minh vùng cao khác bình minh đồng bằng, phải nhọc nhằn ngoi ngóp vượt qua lớp lớp sương giăng. Trên bầu trời chợt sáng, chợt tối xen nhau rồi ánh dương như mầu lông con gà trống mầu đỏ tía cất lên chào ngày mới. Đàn chim én mắt đen như mực bay liệng sát bụi hoa, từng đôi chập lại và tách ra kêu líu lo vang núi.