Từ Cách mạng Bolivar đến CNXH thế kỷ 21

NDO - NDĐT - Sáng 5-3 (giờ địa phương) Tổng thống Venezuela Hugo Chavez đã qua đời ở tuổi 58 vì bệnh ung thư. Sự ra đi của ông - nhà cách mạng nổi tiếng đã để lại niềm tiếc thương vô hạn trong đông đảo nhân dân Venezuela và bạn bè quốc tế. Nhân loại tiến bộ nhớ về ông không chỉ là nhà cách mạng Bolivar mà còn là nhà khai sáng CNXH hiện đại của thế kỷ 21.
Từ Cách mạng Bolivar đến CNXH thế kỷ 21

Tinh thần cách mạng Bolivar

Ông Hugo Chavez sinh ngày 28-7-1954 trong một gia đình nhà giáo ở bang Barinas, Venezuela. Lần đầu tiên ông đắc cử tổng thống năm 1998 và tái đắc cử vào năm 2000. Năm 2002, phe đối lập đã đảo chính lật đổ ông, nhưng chưa đầy 48 giờ sau, ông Chavez đã trở lại cầm quyền với sự ủng hộ của đa số quân đội và nhân dân. Và ông lại tiếp tục tái đắc cử tổng thống vào các năm 2006 và 2012.

Năm 1992, ông Chavez là trung tá quân đội, ông đã lãnh đạo một cuộc đảo chính nhằm chống lại chính phủ của chế độ cũ. Tuy nhiên, chủ trương này đã thất bại, ông đã bị bắt giam. Sau khi bị bắt, ông Chavez xuất hiện trên truyền hình (4/2/1992) và tuyên bố lực lượng nổi dậy do ông dẫn đầu tự rút lui.

Ông nói: “Các đồng chí, thật đáng tiếc vì hiện tại, các mục tiêu mà chúng ta từng đặt ra đã không thể được hoàn thành tại thủ đô”. “Tại đây, Caracas này, chúng ta không có đủ khả năng để giành được chính quyền. Các bạn đã làm rất tốt, nhưng đã tới lúc chấm dứt sự đổ máu. Đây là thời điểm để chúng ta cùng nhìn lại. Những tình huống mới sẽ xuất hiện, còn đất nước này phải được thay đổi theo một chiều hướng tốt đẹp hơn”.

Tháng 8-2005, ông Chavez đã cáo buộc Lực lượng Chống Ma túy Mỹ vì tội gián điệp và chấm dứt việc hợp tác với cơ quan này. Trên mặt trận chống ma túy, quan điểm đối nghịch giữa ông Chavez và Washington chưa bao giờ chấm dứt trong suốt những năm ông cầm quyền.

Tổng thống Chavez đã từng tự nhận mình là đệ tử của Simon Bolivar, một quý tộc thế kỷ 19, người đã trả tự do cho phần lớn các quốc gia Nam Mỹ khỏi đế quốc Tây Ban Nha. Để thể hiện sự kính trọng của mình, hồi tháng 4-2012, ông đã cho xây dựng một lăng tẩm cao 17 tầng, lát gạch trắng để lưu giữ hài cốt của người anh hùng dân tộc.

Xây dựng xã hội tốt đẹp hơn

Từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Chavez đã thực thi nhiều chính sách kinh tế như cải cách ruộng đất, dân chủ hóa hoạt động kinh tế, thực hiện chương trình quốc hữu hóa trong nhiều lĩnh vực đáng chú ý như: dầu khí, nông nghiệp, tài chính, công nghiệp nặng, khai mỏ…; từng bước tăng khả năng tự chủ độc lập khỏi Mỹ và phương Tây bằng việc nâng cao sản lượng dầu mỏ, tăng cường hội nhập kinh tế và chính trị với các quốc gia Mỹ Latin khác.

Kể từ năm 1999 đến năm 2010, chính phủ của ông Chavez đã dùng nguồn lợi từ xuất khẩu dầu mỏ để đầu tư 330 tỷ USD cho các chương trình xã hội, giảm tỷ lệ nghèo đói từ 70% xuống còn 23,9% và tỷ lệ bần cùng từ 40% xuống còn 5,9%. Ngoài ra, số người được hưởng trợ cấp xã hội tăng từ 387.000 người lên 1,92 triệu người cùng một hệ thống y tế và giáo dục công cộng ngày càng mở rộng tới khắp các tỉnh, thành trong cả nước.

Một nhân tố khác giúp Tổng thống Chavez nhận được sự ủng hộ vô điều kiện của đa số dân chúng là nhờ ông đã biết “đẩy” sản lượng khai thác dầu mỏ lên mức hàng đầu thế giới với 3 triệu thùng mỗi ngày. Hiện Venezuela là nước xuất khẩu dầu lớn thứ 5 thế giới, là thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) với trữ lượng dầu mỏ vào khoảng 297,5 tỷ thùng.

Tuy nhiên, để đạt được tăng trưởng kinh tế bền vững, Chính phủ của ông đang tìm cách đưa ra những chính sách kinh tế thích hợp hơn, đa dạng hoá các ngành kinh tế, từng bước giảm sự phụ thuộc vào ngành công nghiệp dầu khí.

Các vấn đề an sinh xã hội cũng còn nhiều thách thức cần vượt qua. Về vấn đề nhà ở, hiện tại nhu cầu nhà ở của người nghèo vẫn rất cao, Venezuela đang chủ trương xây dựng thêm hai triệu ngôi nhà nữa nhằm đáp ứng đủ nơi ở cho người nghèo đang sống tạm bợ tại các khu ổ chuột.

Trong lĩnh vực giáo dục, mặc dù Chính phủ Venezuela đã đạt được tiến bộ trong việc tăng đầu tư cho giáo dục và tăng tỷ lệ học sinh đến trường. Theo WB, hiện vẫn còn gần 200.000 trẻ em Venezuela trong độ tuổi đi học không được đến trường, 5% người trưởng thành mù chữ và 6% trẻ em nữ bỏ học trước khi hoàn thành bậc tiểu học, trong khi đó con số này với học sinh nam là 10%. Báo cáo của UNICEF, trong số 67% số học sinh nam và 75% số học sinh nữ tiếp tục theo học cấp trung học cơ sở thì tỷ lệ theo học thường xuyên lần lượt chỉ là 30% và 43%.

Niềm tiếc thương vô hạn

Tổng thống Chavez qua đời là một mất mát lớn không chỉ với nhân dân Venezuela mà còn với cả phong trào cánh tả nói chung. Sau 30 ngày nữa theo pháp luật của Venezuela sẽ có cuộc bầu cử để bầu tổng thống mới, nhưng cho dù tương lai ra sao, thì vị trí của Tổng thống Chavez trong lịch sử Venezuela và Mỹ Latin đã được ghi nhận.

Tổng thống Nga Putin, khẳng định Tổng thống Chavez là nhà lãnh đạo kiệt xuất của Cách mạng Bolivar và đất nước Venezuela, đồng thời là người bạn chân thành và gần gũi của nhân dân Nga. Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Vitaly Churkin đã gọi sự ra đi của ông Chavez “là một thảm kịch vì ông là một chính trị gia vĩ đại của đất nước mình, Mỹ Latinh và cả thế giới”.

Cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter cũng đưa ra tuyên bố nói rằng ông Chavez “sẽ được nhớ đến vì sự khẳng định đanh thép về quyền tự trị và độc lập cho các chính phủ Mỹ Latinh”.

Nữ Tổng thống Brazil Dilma Rousseff và Tổng thống Ecuador Rafael Correa cho rằng việc ông Hugo Chavez qua đời là “một mất mát không thể bù đắp” và ca ngợi ông là “một người Mỹ Latin vĩ đại, một người bạn của nhân dân”.

Ngoại trưởng Anh quốc, William Hague tuyên bố ông rất buồn trước sự ra đi của Tổng thống Chavez, đồng thời cho rằng ông Chavez sẽ còn được “nhớ mãi” trong lòng người dân nước mình.

Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng cho biết Mỹ mong muốn một mối quan hệ tương lai “mang tính xây dựng” với Venezuela sau khi Tổng thống nước này Hugo Chavez qua đời. Và ngoại trưởng Mỹ Chuck Hagel cũng gửi lời chia buồn tới gia đình ông Chavez và nhân dân Venezuela.

Là nhà lãnh đạo đứng đầu phong trào cánh tả ở Mỹ Latinh, Hugo Chavez nhận được sự ủng hộ từ đông đảo các tầng lớp nhân dân lao động. Ông dẫn dắt đất nước đi theo con đường “CHXN thế kỷ 21”, làm sâu sắc hơn cuộc cách mạng XHCN bằng việc tiếp tục tăng cường đầu tư cho các chương trình xã hội với cam kết trong vòng 6 năm tới sẽ xóa sạch tỷ lệ đói nghèo và thất nghiệp, tăng thu nhập, lương hưu và trợ cấp xã hội cho người dân.

Tổng thống Hugo Chavez có cơ sở để thực hiện cam kết vì ông đã xây dựng được một nền tảng XHCN vững chắc ở Venezuela nói riêng, Nam Mỹ nói chung nhờ việc thành lập nhóm công tác Sứ mệnh Bolivar (Missíon Bolivar). Mục đích của nhóm công tác là nhằm hỗ trợ người dân chống lại dịch bệnh, nạn mù chữ, tình trạng suy dinh dưỡng, nghèo khổ và những tệ nạn xã hội khác.

Dưới sự dẫn dắt của Hugo Chavez, Sứ mệnh Boliviar đã đưa quốc gia Nam Mỹ từ một đất nước chìm sâu trong đói nghèo và bất bình đẳng xã hội sâu sắc thành một nước có các chính sách an sinh xã hội, y tế, thuốc men, viện phí hoàn toàn miễn phí cho người nghèo, theo đúng tinh thần XHCN.

Trên phương diện đối ngoại, ông Chavez luôn khẳng định vai trò khi cương quyết định hướng xây dựng “CNXH thế kỷ 21” ở Nam Mỹ. Các nguyên thủ trong khu vực, từ Evo Morales của Bolivia, Rafael Correa của Equador hay Cristina Kirchner của Argentina là những người nhiệt thành ủng hộ chính sách tiến bộ của H.Chavez. Nhưng vượt trên tất cả, theo nhiều người dân Venezuela, cái đáng quý nhất ở ông Chavez là dù thành công trên cương vị người đứng đầu đất nước, song ông không bao giờ xa rời dân chúng.

Một trong những câu nói ấn tượng nhất của ông Chavez là: “Điều làm tôi đau lòng nhất chính là nghèo đói, đây chính là lý do khiến tôi trở thành một người nổi dậy”. Có lẽ, tác phong quyết liệt, cứng rắn nhưng giản dị, gần gũi nhân dân, kết hợp với sự thông minh chính trị và một trái tim nhân hậu là những yếu tố hình thành nên một Chavez được người dân quốc gia nam Mỹ yêu mến.

Như vậy, không chỉ nhân dân Venezuela mà cả nhân loại tiến bộ đều ngợi ca ông Hugo Chavez là người đã phản ánh nguyện vọng của đa số người dân Mỹ Latin đang hướng về tinh thần của cuộc cách mạng Bolivar – hướng về một tương lai tốt đẹp của CNXH hiện đại của thế kỷ 21 mà các nhà CNXH cánh tả Mỹ latin đang theo đuổi.