Từ AIPO tới AIPA, vì một cơ chế hợp tác Liên nghị viện gắn kết và hiệu quả hơn

AIPO - Tổ chức Liên minh Nghị viện Hiệp hội các nước Ðông-Nam Á (ASEAN) được thành lập từ tháng 9-1977, đúng mười năm sau khi ASEAN được hình thành.

Sau khi Hiệp hội ASEAN ra đời, nhu cầu về sự củng cố khối đoàn kết vì lợi ích chung tại khu vực trở nên ngày càng mạnh mẽ, thôi thúc nghị viện nhiều nước Ðông-Nam Á tập hợp lại cùng tìm kiếm nguồn động lực mới cho hợp tác khu vực.

Các nhà lập pháp nhận thức rằng, sự lớn mạnh của Hiệp hội ASEAN gắn liền với sự liên kết giữa các nghị viện - cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân trong ASEAN. Mặt khác, chính những thành công đầy hứa hẹn của Hiệp hội cũng góp phần đẩy nhanh quá trình thiết lập quan hệ hợp tác liên nghị viện khu vực.

Và ngày 2-9-1977, các vị đứng đầu nghị viện năm nước, gồm: Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái-lan đã ký kết bản điều lệ chính thức đầu tiên của AIPO, đánh dấu sự ra đời của Tổ chức Liên Nghị viện khu vực - AIPO.

Xây dựng Ðông-Nam Á thành một khu vực hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển bền vững là nhu cầu lịch sử tất yếu, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân các nước trong khu vực. Suốt 30 năm qua, kể từ ngày ra đời, AIPO đã góp phần đáp ứng nguyện vọng đó và thu được nhiều thành tựu quan trọng.

Với tinh thần "thống nhất trong đa dạng", AIPO trân trọng tình đoàn kết, sự bình đẳng, phối hợp hành động trên các diễn đàn quốc tế, bảo vệ chủ quyền, độc lập quốc gia và lợi ích chung của cả khu vực, có tính tới lợi ích toàn cục. Vị thế của ASEAN cũng như AIPO vì thế mà không ngừng được củng cố, nâng cao trên trường quốc tế, nhờ giữ được tính độc lập và bản sắc của mình trong quá trình hội nhập.

AIPO khuyến khích việc nghiên cứu hỗ trợ công tác lập pháp theo hướng tăng cường trao đổi thông tin, tiến hành các dự án về tập hợp so sánh luật của các nước thành viên về lĩnh vực thương mại, đầu tư, về bảo vệ môi trường, chăm sóc sức khỏe cộng đồng và đào tạo nguồn nhân lực.

Hiện nay, AIPO có tám nghị viện thành viên trong ASEAN gồm Campuchia, Indonesia, CHDCND Lào, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái-lan, Việt Nam. Brunei và Myanmar được hưởng quy chế quan sát viên đặc biệt vì chưa có cơ quan lập pháp.

Hằng năm, AIPO tiến hành kỳ họp Ðại hội đồng (ÐHÐ) tổ chức các quốc gia thành viên, xếp thứ tự A, B, C theo vần chữ cái tiếng Anh. Kỳ họp Ðại hội ÐHÐ AIPO lần thứ nhất vào năm 1978 được tổ chức tại Singapore, cho tới  nay AIPO đã tiến hành 27 kỳ họp ÐHÐ. ÐHÐ AIPO lần thứ 23 được tổ chức rất thành công tại Hà Nội năm 2002, mang đậm dấu ấn Việt Nam, khi Quốc hội nước ta đảm đương trách nhiệm Chủ tịch điều hành và Tổng Thư ký của tổ chức này.

Ðể mở rộng hợp tác giữa ASEAN với các quốc gia ngoài khu vực, tại các kỳ  ÐHÐ, AIPO tổ chức các phiên họp riêng đối thoại với Nghị viện các nước đối tác của mình. Những đối tác truyền thống của AIPO bao gồm: Australia, New Zealand, Canada, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Papua New Guinea, Liên bang Nga và Nghị viện châu Âu.

Ngày nay, quá trình toàn cầu hóa đang diễn ra hết sức mạnh mẽ. Ðứng trước bối cảnh này, các thể chế hợp tác quốc tế cũng phải tự cải tổ để đổi mới, sao cho hoạt động ngày càng hiệu quả và thiết thực hơn. Bản thân LHQ và các cơ quan của LHQ cũng đang được cải tổ và hoàn thiện hơn. Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) - Tổ chức liên nghị viện lớn nhất hành tinh -  cũng đã bắt đầu quá trình này từ nhiều năm gần đây.

Ðối với AIPO, tại nhiều kỳ ÐHÐ và đặc biệt là từ ÐHÐ 22 tại Thái-lan, đã có ý kiến đề xuất nên cải tổ mạnh mẽ AIPO để tiến tới xây dựng một Nghị viện chung cho khu vực, có thể là Nghị viện ASEAN, với chức năng lập pháp và quyền năng lớn hơn đối với những quyết sách của ASEAN.

Tuy nhiên mãi cho tới  ÐHÐ AIPO 27 tại  Philippines, năm 2006, sau nhiều cuộc tranh luận sôi nổi, chân thành và xây dựng, Nghị viện các quốc gia thành viên đã thỏa thuận rằng, cần phải xây dựng AIPO - tổ chức Liên Nghị viện ASEAN thành một cơ chế hợp tác hiệu quả, thiết thực và liên kết hơn.

Việc cải tổ  AIPO cần có một lộ trình  phù hợp với các bước đi của ASEAN. Sự đồng thuận của AIPO đã chỉ ra rằng: Không thể nóng vội thiết lập sớm ngay một cơ quan lập pháp chung cho khu vực mô phỏng theo mẫu hình Nghị viện châu Âu, vì: Khác với Liên hiệp châu Âu (EU), tại Ðông-Nam Á, ASEAN là một cộng đồng các quốc gia với sự khác biệt lớn về trình độ phát triển; sự khác biệt về chế độ chính trị; tính đa dạng và khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ; sự liên kết nội khối của ASEAN ở mức độ thấp hơn sự liên kết nội khối của EU.

Ngoài ra còn có sự khác biệt trong chính sách đối ngoại của từng quốc gia trong ASEAN. Các quốc gia trong ASEAN nói chung thực thi chính sách đối ngoại với nhiều điểm giống  nhau, nhất là về hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển và quan hệ với các nước ngoài khu vực. Tuy nhiên ở từng quốc gia có những định hướng và ưu tiên khác nhau.

Với tinh thần đó, ÐHÐ AIPO 27 đã có những quyết định như sau:

1 - Quyết định đổi tên tổ chức AIPO thành một thể chế Liên nghị viện rõ nét hơn:  AIPA - Liên minh Nghị viện hiệp hội các nước Ðông-Nam Á. Và để thực hiện được ý tưởng đó, ÐHÐ quyết định sửa đổi và bổ sung điều lệ của AIPO. Ðiểm mấu chốt là bổ sung nhiệm vụ và quyền hạn của ÐHÐ, theo đó, ÐHÐ có thể đưa ra các sáng kiến và quyết định về chính sách lập pháp chung, phù hợp với lợi ích và mối quan tâm của cộng đồng để các nghị viện thành viên thực hiện.

2 - Ðề cao vai trò và quyền hạn của Ban chấp hành. Hội nghị BCH sẽ không còn là một phiên họp mang tính nghi thức trước thềm ÐHÐ mà phải được tiến hành trước kỳ ÐHÐ ít nhất ba tháng để chuẩn bị và quyết định về thực chất toàn bộ nội dung, chương trình nghị sự của ÐHÐ cùng những nội dung quan trọng khác của Liên minh Nghị viện khu vực.

3 - Bổ nhiệm Tổng Thư ký chuyên nghiệp theo mô hình ASEAN (trước đây, Tổng Thư ký AIPO do Tổng Thư ký Nghị viện quốc gia đảm đương cương vị chủ tịch điều hành trong một năm, theo thứ tự luân phiên). Như vậy, Tổng Thư ký AIPA sẽ phải là một chuyên gia thật sự, chịu trách nhiệm trước ÐHÐ AIPA, lãnh đạo ban thư ký thường trực thực thi nhiệm vụ của AIPA với sự giám sát chặt chẽ của Ban chấp hành.

4 - Tăng cường công tác giám sát của AIPA trong việc đưa các nghị quyết của ÐHÐ vào cuộc sống, theo đó các nghị quyết phải được phổ biến rộng rãi tới Nghị viện và Chính phủ các nước thành viên để phối hợp thực hiện. Kết quả thực hiện các nghị quyết phải được báo cáo ÐHÐ AIPA định kỳ hằng năm.

Luôn gắn kết với thể chế hợp tác ASEAN, 30 năm qua, kể từ khi thành lập, AIPA đã có những đóng góp to lớn vào quá trình hội nhập của khu vực, tạo những tiền đề vững chắc để xây dựng Hiệp hội ASEAN thành một cộng đồng phát triển năng động mà gắn bó.

Các nhà lập pháp khu vực luôn sát cánh với chính phủ thực hiện chương trình hành động hướng tới "Tầm nhìn ASEAN 2020" và sau đó là Hiệp ước Bali II (năm 2003) nhằm đưa ASEAN thành một cộng đồng với ba trụ cột chính là "kinh tế, an ninh-chính trị và văn hóa-xã hội". Các thành viên AIPA nhận thức rằng trên con đường mà Hiệp hội ASEAN tiến tới một cộng đồng gắn bó hơn trong thế kỷ 21, ASEAN sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn và thách thức. Nhiệm vụ nặng nề này, các nhà lập pháp ASEAN sẽ phải chung vai gánh vác cùng các cơ quan hành pháp. Chính vì thế, để đóng góp một cách hiệu quả và thiết thực hơn cho mục tiêu chung, AIPA đã và đang quyết tâm đổi mới hoạt động của chính mình một cách sâu sắc, chủ động tham gia hữu hiệu hơn trong toàn bộ quá trình đưa ra những quyết sách của ASEAN.

Tại  ÐHÐ AIPA lần thứ 28 sắp tới, tổ chức tại Cu-a-la Lăm-pơ  Kuala Lumpur, Malaysia, từ 18 đến 24-8, các nhà lập pháp khu vực sẽ thảo luận và quyết định nhiều nội dung liên quan tới mọi lĩnh vực như: chính trị - an ninh, kinh tế-xã hội, văn hóa, giáo dục, môi trường... vì "Một ASEAN ở trái tim của châu Á năng động". Hội nghị cũng sẽ dành thời gian thích đáng để bàn thảo, đóng góp ý kiến xây dựng bản Hiến chương ASEAN - một văn kiện có ý nghĩa pháp lý hết sức quan trọng, để có thể được thông qua tại Hội nghị cấp cao ASEAN vào tháng 11 năm nay.