Tiêm tăng cường vaccine ngừa Covid-19 - nhân tố thay đổi “cuộc chơi” tại Israel

NDO -

Từ một quốc gia ghi nhận hơn 11.000 ca mắc mới trong giai đoạn đỉnh dịch, Israel hiện chỉ phát hiện thêm vài trăm ca mắc mỗi ngày. Đồng thời đẩy lùi làn sóng Covid-19 thứ tư và duy trì hoạt động của nền kinh tế, Chính phủ nước này cho rằng đây là kết quả do chiến dịch tiêm chủng tăng cường mang lại.

Người dân chờ tiêm liều vaccine ngừa Covid-19 thứ ba tại Jerusalem, tháng 8/2021. (Ảnh: Reuters)
Người dân chờ tiêm liều vaccine ngừa Covid-19 thứ ba tại Jerusalem, tháng 8/2021. (Ảnh: Reuters)

Đầu năm 2021, Israel đã nhanh chóng tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho phần lớn dân số nước này và chứng kiến số ca nhiễm mới về gần bằng 0 vào tháng 6 vừa qua. Một vài tuần sau đó, Israel đối mặt với đợt bùng phát mạnh do biến thể Delta gây ra và ghi nhận một số chỉ số lây nhiễm cao nhất trên thế giới. Còn ngay lúc này, Israel dường như đang kiểm soát được dịch bệnh thêm một lần nữa. 

Nhân tố thay đổi “cuộc chơi”

Theo phân tích của báo New York Times, nhân tố làm thay đổi tình hình dịch bệnh tại Israel chính là những liều vaccine tăng cường.

Trong mùa hè qua, số ca mắc mới đã tăng đột biến tại Israel, đòi hỏi nước này cần hành động quyết liệt để ứng phó dịch bệnh. Israel sở hữu hệ thống y tế tập trung và được số hóa mạnh mẽ. Nước này đã phân tích dữ liệu và đi đến khẳng định rằng sự kết hợp giữa việc khả năng miễn dịch giảm sau từ 5 đến 6 tháng tiêm xong liều vaccine thứ hai và sự lây lan của biến thể Delta đã khiến dịch bệnh bùng phát. 

Tiêm tăng cường vaccine ngừa Covid-19 - nhân tố thay đổi “cuộc chơi” tại Israel -0
Biểu đồ bốn đợt dịch tại Israel. (Nguồn: New York Times) 

Trong bối cảnh đó, tân Thủ tướng Naftali Bennett đã đưa ra quyết định có phần mạo hiểm: liều vaccine tăng cường sẽ là “cứu tinh” và là cách thức chống lại làn sóng Covid-19 thứ tư. Khi ông bắt đầu cho triển khai chiến dịch tiêm tăng cường, thật sự vẫn chưa có bằng chứng khoa học cho thấy hiệu quả của liều vaccine này. 

Tuy nhiên, những gì Israel được chứng kiến sau đó là tỷ lệ nhiễm, nhập viện và tử vong trong nhóm người đã tiêm tăng cường giảm mạnh. Hiện nay, Israel ghi nhận vài trăm ca mắc mới mỗi ngày thay vì hơn 11.000 ca mắc mới/ngày vào thời điểm dịch bệnh chạm đỉnh. 

Nếu như trước khi chiến dịch tiêm tăng cường diễn ra, các trường hợp nhập viện (là những người đã tiêm vaccine ngừa Covid-19 và khả năng miễn dịch giảm dần theo thời gian) tăng, thì lúc này phần lớn các ca nhập viện lại là người chưa tiêm chủng. 

Tiêm tăng cường và chung sống với dịch bệnh

Israel có thể đã đạt được mục tiêu kép trong ứng phó đại dịch, vừa đẩy lùi làn sóng thứ tư, vừa duy trì hoạt động của nền kinh tế. Chính phủ nước này cho rằng đây là kết quả do chiến dịch tiêm tăng cường mang lại.

Liên quan chương trình tiêm tăng cường của Israel, vẫn còn câu hỏi chung quanh việc trong khi Israel tiêm liều vaccine thứ ba cho người dân tại nước này thì nhiều người ở nhiều quốc gia khác chưa được tiêm liều vaccine đầu tiên. Một số bác sĩ, nhà chức trách y tế cộng đồng, trong đó có Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng, việc nên ưu tiên làm là giúp thêm nhiều người trên toàn cầu được tiêm ít nhất một liều vaccine và thế giới sẽ không loại bỏ được Covid-19 cho đến khi việc này diễn ra. 

Theo Israel, nước này đã là “nơi thử nghiệm" và đang đi trước phần còn lại của thế giới trong cuộc chiến chống Covid-19. Israel đã chứng minh rằng tiêm vaccine tăng cường có hiệu quả và nhiều quốc gia đang làm theo nước này. 

Sau hơn một năm ứng phó với dịch bệnh, nhiều người đã dần chấp nhận Covid-19 là một phần của cuộc sống và chung sống với nó. Chính phủ Israel đã đưa ra chiến lược mới nhằm tránh áp đặt biện pháp phong tỏa bằng mọi giá và tìm cách chung sống với dịch bệnh, đồng thời triển khai mọi biện pháp phòng ngừa cần thiết và dựa vào liều vaccine tăng cường. Ít nhất là đến thời điểm này, giải pháp mới của Israel vẫn hiệu quả.

Tuy nhiên, Israel không hề tự mãn! Người dân nước này hoàn toàn hiểu rằng đợt bùng phát tiếp theo có thể đang âm thầm tới, song họ sẵn sàng ứng phó, cảnh giác và sẽ không tuyên bố chiến thắng đại dịch. 

Cuộc đua vaccine Covid-19