Ai Cập đang đi về đâu

NDO -

NDĐT - Chính biến ở Ai Cập đến nay đã làm gần một nghìn người chết và hàng nghìn người bị thương. Riêng ngày “Thứ Sáu đẫm máu” (16-8) đã có 173 người thiệt mạng. Giới phân tích cho rằng, Chính phủ lâm thời Ai Cập đang đáp trả các cuộc biểu tình bằng bạo lực đẫm máu, khiến nguy cơ nội chiến đang tới gần.

Chưa biết con thuyền Ai Cập sẽ đi về đâu.
Chưa biết con thuyền Ai Cập sẽ đi về đâu.

Đằng sau cuộc chính biến

Dư luận hiện vẫn chưa rõ ai thực sự đứng sau chính biến ở Ai Cập, vì nếu không có sự hậu thuẫn tình báo và tiền bạc của bên ngoài thì Quân đội khó có thể tiến hành đảo chính lật đổ Tổng thống Mursi. DEBKAfile cho biết “đó là Saudi Arabia và UAE”, nhưng theo USA Today và lãnh đạo Al-Zawahiri của Al-Qaeda thì “Mỹ là chủ mưu”, còn ông Erdogan lại cho đó là “Israel đã đứng sau” cuộc chính biến này.

Theo DEBKAfile, quân đội Ai Cập đã có sự hậu thuẫn tình báo và tiền bạc của Saudi Arabia, UAE, vì lãnh đạo các quốc gia này đã ủng hộ giới tướng lĩnh Ai Cập nhằm lái “Mùa xuân Arập” theo hướng có lợi cho họ, sau khi họ đã bất lợi ở Libya và ở Syria.

Được biết, khi tiến hành đảo chính giới quân nhân đã nhận được các cam kết quan trọng: Trong trường hợp Mỹ cắt viện trợ quân sự 1,3 tỷ USD, thì Saudi Arabia và UAE sẽ bù đắp khoản thiếu hụt này; để hỗ trợ cho nền kinh tế Ai Cập, Saudi Arabia, UAE sẽ ngay lập tức bơm tiền cho chính phủ tạm quyền khoảng 1,2 tỷ USD.

Vì thế, ngay sau khi chính biến nổ ra, Ngoại trưởng UAE, Al-Nahayan, đã ca ngợi “Quân đội Ai Cập vĩ đại, một lần nữa chứng tỏ rằng họ là rào chắn của Ai Cập, người bảo hộ và tấm chắn mạnh mẽ”.

Còn tờ USA Today cho rằng, cả hai lực lượng, ủng hộ và phản đối cựu Tổng thống Morsi, đều nghi ngờ Mỹ đã gây ra bất ổn, cản trở quá trình tự quyết của người dân Ai Cập, nhất là khi quân đội dường như đóng vai trò quyết định trong những biến cố vừa qua tại Ai Cập. Lãnh đạo của Al-Qaeda Al-Zawahiri cũng khẳng định Mỹ là chủ mưu, nhưng không đưa ra bằng chứng để biện dẫn cho cáo buộc trên. Còn ông Erdogan khẳng định: “Đó chính là Israel. Và chúng tôi có tài liệu về điều đó”.

Theo giới quan sát, ngay sau khi nổ ra chính biến người ta đã đặt câu hỏi vì sao trong phản ứng của mình, Tổng thống Obama chỉ bày tỏ quan ngại về việc quân đội phế truất ông Morsi, nhưng không hề dùng từ “đảo chính”. Điều đó nói lên sự ưu ái của Mỹ từ lâu nay đối với giới quân nhân Ai Cập.

Cửa đàm phán nhỏ dần

Tiếp theo việc bắt giam cựu Tổng thống Morsi và những cộng sự của ông, ngày 20-8, cảnh sát Ai Cập lại bắt giữ ông Mohamed M.Badie và hai thành viên cấp cao khác của Tổ chức Anh em Hồi giáo (MB) là các ông Youssef Talaat và Hassan Maleik. Ngay sau đó MB đã bầu ông Mahmoud Ezzat làm thủ lĩnh lâm thời sau khi người đứng đầu của MB M.Badie bị bắt giữ.

Việc bắt giữ các thành viên của nhóm Anh em Hồi giáo một cách tràn lan, đồng nghĩa với việc mất “cửa” đàm phán hòa giải, khiến nảy sinh trong MB những động thái liên kết với những phần tử Hồi giáo cực đoan của nước ngoài trong nỗ lực giành lại quyền lực.

Mặt khác, việc cựu Tổng thống Hosni Mubarak sắp được thả do các công tố viên đã xóa cáo buộc tham nhũng cho ông đã lại thêm một nhân tố làm phức tạp hơn tình hình, nhất là việc chính phủ lâm thời Ai Cập gần như không để cho tổ chức Anh em Hồi giáo một cơ hội có tiếng nói trên bàn đàm phán. Trong khi đó, lực lượng Anh em Hồi giáo lại tuyên bố: “Chúng tôi sẽ tiếp tục xông lên cho đến khi nào hạ bệ được cuộc đảo chính quân sự này”.

Sức ép ngày càng gia tăng

Ngày 21-8, 28 ngoại trưởng của EU đã họp khẩn cấp và quyết định ngừng bán thiết bị an ninh và vũ khí cho Ai Cập để phản đối tình trạng bạo loạn đẫm máu ở Ai Cập. Trước đó, ngày 20-8, chính quyền của Tổng thống Mỹ Obama cũng xét lại các nguồn quỹ cho Ai Cập. Trước mắt, một số khoản viện trợ cho quân đội Ai Cập có thể bị tạm dừng.

Tổng số viện trợ mà Mỹ dành cho Ai Cập trung bình vào khoảng 1,55 tỷ USD/năm và cho quân đội là 1,3 tỷ USD. EU là đối tác thương mại lớn nhất của Ai Cập với kim ngạch đạt gần 34,5 tỷ USD vào năm 2011, vượt trội so với 8,2 tỷ USD của Mỹ. Những con số này cho thấy Ai Cập chịu sức ép của Mỹ và EU nhiều hơn bất cứ quốc gia Ả Rập nào khác.

Tuy nhiên, theo giới quan sát, trong hơn bảy tuần qua Tư lệnh quân đội Ai Cập Al-Sissi hình như đã không quá quan tâm đến vấn đề viện trợ của Mỹ và EU. Điều này đồng nghĩa với sức ép của họ đối với chính phủ lâm thời Ai Cập không có nhiều ý nghĩa.

Trong cuộc họp báo ngày 20-8, Bộ trưởng Tài chính Ai Cập Ahmed Galal cho biết, ông không hề lo ngại về tài chính, ông nói: “Chúng ta đang phải đối mặt với tình thế có thể chúng ta sẽ mất đi một số tiền từ một khu vực nào đó, nhưng đồng thời chúng ta lại đang nhận được tiền, thậm chí là nhiều hơn ở những chỗ khác. Vì thế, cho đến ngày hôm nay, tôi có thể nói rằng, sổ sách của tôi đều ổn cả. Tôi không có gì phải lo lắng”.

Tự làm khó

Giới phân tích cho rằng, những thế lực hậu thuẫn cho quân đội Ai Cập hiện nay rất khó xử. Nếu để kéo dài tình trạng đổ máu thì chính phủ tạm quyền đã phạm phải điều cấm kỵ là không bảo vệ được dân thường và LHQ buộc phải viện dẫn đến R2P (trách nhiệm bảo vệ), mà điều này lại trái với ý tưởng của cả Saudi Arabia, UAE, Mỹ và Israel.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, một chính quyền hậu Morsi, vừa thân Israel và phương Tây lại vừa được sự ủng hộ của Ả Rập Saudi và UAE và lại có nhân tố của MB là điều không thể.

Những gì Mỹ và EU có thể làm là nỗ lực kéo dài thời gian, kết hợp với những biện pháp ngoại giao con thoi nhằm tránh một kịch bản “Syria” lắp lại ở Ai Cập, trong bối cảnh Mỹ không có tiếng nói quyết định với bất cứ phe nào trong lực lượng tham chiến, nếu xảy ra.

Như vậy, sau hơn một tháng cuộc chính biến ở Ai Cập nổ ra, kịch bản hòa giải đang bị khép dần lại, kịch bản kéo dài thời gian quá độ do chính phủ tạm quyền đang hiện hữu và đang xuất hiện nhiều yếu tố có thể xảy ra nội chiến.

Dư luận cho rằng những thế lực đứng sau cuộc chính biến ở Ai Cập đã tự làm khó cho mình và chỉ có người dân Ai Cập là “lĩnh đủ”, những tưởng “Mùa xuân Ả Rập” sẽ đem lại tự do, ấm no, hạnh phúc, nhưng nay chỉ thấy khó khăn, thương vong và chết chóc. Vì thế, tương lai Ai Cập đi về đâu còn đang khó đoán định.