Phong trào cánh tả lan rộng ở Mỹ la-tinh

Khẳng định vị trí  lãnh đạo

Từ cuối những năm 90 của thế kỷ trước, lực lượng cánh tả Mỹ la-tinh đã liên tiếp giành thắng lợi trong các cuộc bầu cử và lên nắm quyền ở một loạt nước trong khu vực như: Venezuela, Chile, Brazil, Argentina, Uruguay, Bolivia, Ecuador,  Panama, Costa Rica, Nicaragoa... Hiện nay đã có 13 chính quyền các nước Mỹ la-tinh nằm trong tay  các chính đảng cánh tả.  Dân số các nước này chiếm 70% trong tổng số 500 triệu dân và 80% tổng diện tích Mỹ la-tinh và khu vực Caribe. Lực lượng cánh tả đã giữ vai trò chủ đạo trong đời sống chính trị xã hội các nước  trong khu vực. Sự phát triển  mạnh mẽ của Phong trào cánh tả Mỹ la-tinh thu hút sự quan tâm theo dõi của dư luận quốc tế, góp phần thúc đẩy sự phát triển của lực lượng cánh tả và dân chủ, tiến bộ trên thế giới trong cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Dưới sự lãnh đạo của lực lượng cánh tả,  đời sống chính trị, kinh tế, xã hội các nước Mỹ la-tinh đã có những thay đổi rõ rệt. Các nhà lãnh đạo cánh tả Mỹ la-tinh đã tích cực triển khai nhiều cải cách  chính trị, kinh tế, xã hội nhằm xóa bỏ nghèo đói, bất công, và xây dựng một xã hội dân chủ, tiến bộ. Nhiều chính phủ cánh tả ở Mỹ la-tinh đã nhận ra những khiếm khuyết, sai lầm của  mô hình kinh tế "chủ nghĩa tự do mới". Các chính sách do chính phủ cánh tả triển khai thực hiện bước đầu đã phát huy hiệu quả và thu được nhiều thành tựu đáng khích lệ, làm thay đổi  nhiều mặt trong đời sống xã hội đất nước,  đưa kinh tế thoát ra khỏi khủng hoảng, trì trệ và đang trên đà phục hồi tăng trưởng, góp phần không ngừng cải thiện đời sống nhân dân.  Tỷ lệ người nghèo đói, thất nghiệp giảm. Hàng triệu người nghèo được hưởng trợ cấp xã hội, mua lương thực thực phẩm giá rẻ, vay vốn ưu đãi sản xuất, kinh doanh; được cấp đất mới để canh tác; khám, chữa bệnh  và học tập miễn phí; tỷ lệ trẻ sơ sinh chết giảm và tuổi thọ người dân tăng lên.

Năm 2008 là năm thứ sáu liên tiếp kinh tế Mỹ la-tinh có sự tăng trưởng  cao và ổn định sau một thời kỳ dài ảm đạm. Từ năm 2003 đến nay, mức tăng trưởng kinh tế khu vực từ 4,5 đến 5,5%. Nhờ thúc đẩy phát triển kinh tế và đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống nghèo đói, tỷ lệ người nghèo ở Mỹ la-tinh đã giảm từ 44% năm 2002 xuống còn 35,1% trong năm 2008, tỷ lệ người cực nghèo giảm còn 12,7%, từ hơn 70 triệu người xuống còn 65 triệu người. Trong đó  Brazil, Chile, Ecuador là các quốc gia đạt được các mục tiêu Thiên niên kỷ về giảm tỷ lệ cực nghèo. Tỷ lệ người nghèo tại Venezuela giảm từ 50% xuống còn khoảng 30%; Argentina từ 57% xuống còn 31%. Thành tựu nổi bật nhất trong mười năm qua của Chính phủ Venezuela như  cựu Phó Tổng thống Venezuela Jose Vicente Rangel khẳng định: " Là cứu hàng triệu người dân khỏi cuộc sống bần hàn". Hàng triệu trẻ em con gia đình nghèo được cắp sách đến trường và được chăm sóc y tế nhờ các chính sách trợ cấp xã hội,  miễn giảm học phí, viện phí. Cùng với Venezuela,  Brazil được coi là tấm gương đấu tranh xóa đói, giảm nghèo, Chính phủ nước này phát động chương trình "không có người đói", theo đó trợ cấp hàng trăm triệu USD cho 45 triệu người trong tổng số gần 190 triệu người nước này được coi là chương trình trợ cấp xã hội lớn nhất thế giới. Các chính sách cải cách kinh tế, xã hội của  Chính phủ Brazil đã giúp hơn sáu triệu người nước này thoát nghèo và tạo thêm tám triệu việc làm mới. Với mức độ khác nhau, Chính phủ cánh tả ở Bolivia, Argentina, Chile, Uruguay, Ecuador... triển khai những chính sách kinh tế, xã hội quan tâm tới người nghèo, theo hướng có lợi cho những người lao động và tập trung phát triển kinh tế bền vững. Trở lại nắm quyền sau 16 năm (1-2007), Chính phủ của Tổng thống Daniel Ortega, ở Nicaragoa, đã tập trung thúc đẩy các chính sách phát triển kinh tế nhằm xóa bỏ nghèo đói, bất bình đẳng xã hội ở quốc gia, mà tỷ lệ người nghèo chiếm 50% số dân và coi cuộc đấu tranh chống nghèo đói là quốc sách ưu tiên hàng đầu. Tháng 5-2007, Chính phủ đã phát động chương trình chống nghèo đói với số quỹ ban đầu khoảng 150 triệu USD, được tiến hành trong năm năm nhằm giúp khoảng 75.000 gia đình khó khăn ở các vùng nông thôn thoát khỏi đói nghèo. Một trong những nhiệm vụ xóa đói, giảm nghèo được Chính phủ tích cực  triển khai thực hiện là kế hoạch xóa nạn mù chữ ở nước này, coi xóa nạn mù chữ chính là vũ khí chống lại nghèo đói.  Cùng với việc thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội các nhà lãnh đạo Mỹ la-tinh cũng đặc biệt quan tâm tới việc tăng cường mở rộng quyền dân chủ của nhân dân,  qua việc sửa đổi, bổ sung, soạn thảo hiến pháp mới như ở Venezuela, Bolivia và Ecuador...

Các chính sách xã hội tiến bộ cùng với những thành tựu phát triển kinh tế là nhân tố quan trọng khiến đông đảo quần chúng nhân dân các nước Mỹ la-tinh ủng hộ các chính phủ cánh tả tiếp tục nắm quyền lãnh đạo. Bất chấp cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã và đang tác động, ảnh hưởng tiêu cực tới nhiều nước trên thế giới, trong đó có các nước Mỹ la-tinh, nhưng uy tín và vai trò lãnh đạo của các tổng thống theo đường lối cánh tả trong khu vực tiếp tục được củng cố, khẳng định. Theo cuộc thăm dò dư luận do Công ty tư vấn Mitofsky của Mexico(CM) công bố kết quả thăm dò về tín nhiệm của các nguyên thủ quốc gia châu Mỹ, cho biết Tổng thống Brazil Lula Da Silva và Tổng thống Ecuador Rafael Correa được 70% số phiếu tín nhiệm, mức cao nhất ở châu Mỹ. Nhóm cao thứ hai trong bảng xếp hạng này gồm Tổng thống Venezuela Hugo Chavez đạt 64% phiếu; Tổng thống Paraguay Fernando Lugo đạt 60%... Ðứng ở mức trung bình trong bảng xếp hạng là tổng thống các nước Uruguay, Panama, Chile, Guatemala, Costa Rica và Nicaragoa.

Hợp tác, liên kết khu vực

Nét nổi bật trong chính sách đối ngoại của Chính phủ cánh tả các nước Mỹ la-tinh những năm qua là tăng cường quan hệ  hợp tác và liên kết khu vực, mở rộng hợp tác với các nước đang phát triển, tích cực hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế. Các nước Mỹ la-tinh có nhiều nét tương đồng về văn hóa, lịch sử, địa lý và dưới sự lãnh đạo của lực lượng cánh tả càng tạo điều kiện thuận lợi để họ  đoàn kết, sát cánh cùng phát triển. Tại các cuộc gặp cấp cao song phương và khu vực, các nhà lãnh đạo các nước Mỹ la-tinh luôn kêu gọi và khẳng định sự cần thiết tăng cường hợp tác liên kết khu vực nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội và có đủ khả năng đối phó với những thách thức của thời đại. Tuyên bố Hội nghị cấp cao lần thứ hai Cộng đồng các nước Nam Mỹ (CSN) tại Bolivia (12-2006), nêu rõ xây dựng một mô hình liên kết khu vực mới với bản sắc riêng, tôn trọng những quan điểm khác biệt về tư tưởng chính trị, nhằm đạt được sự phát triển trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường và hạ tầng cơ sở và tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ quyền tự quyết của các dân tộc, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết lập các liên minh chiến lược góp phần củng cố hòa bình, ổn định khu vực.

Các cơ chế của khu vực như Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR), Cộng đồng các quốc gia An-đết (CAN), Thị trường chung Caribe (CARICOM) và CSN liên tục được củng cố và tăng cường. Gần đây, đã hình thành thêm các tổ chức và các chương trình hợp tác kinh tế khu vực mới như Liên minh các quốc gia Nam Mỹ (UNSUR) (được hình thành trên cơ sở của CSN 5-2008), Sáng kiến Sự lựa chọn Bolivia cho châu Mỹ (ALBA), Dầu khí Nam Mỹ (PETROSUR), Dầu khí Caribe (PETROCARIBE) nhằm tiếp tục đẩy mạnh việc hợp tác, liên kết khu vực trên nhiều lĩnh vực nhất là năng lượng. Giới phân tích nhận định việc thành lập UNSUR là bước đi quan trọng của các quốc gia Nam Mỹ trong việc thực hiện lý tưởng của người anh hùng giải phóng dân tộc Venezuela Simon Boliva là hình thành một khối liên hiệp quốc gia trong khu vực nhằm bảo đảm sự độc lập, an ninh và phồn thịnh chung. Mặc dù xuất hiện sau, nhưng ALBA, PETROCARIBE, PETROSUR... do Tổng thống Hugo Chavez  khởi xướng trên tinh thần đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau  cùng phát triển, phấn đấu vì sự tiến bộ và công bằng xã hội phát triển rất mạnh, thu hút sự tham gia của nhiều nước trong khu vực, bước đầu mang lại những kết quả tích cực, góp phần thúc đẩy hợp tác, liên kết khu vực, giúp nhiều nước Mỹ la-tinh bảo đảm nguồn cung cấp nhiên liệu, thúc đẩy phát triển kinh tế, ổn định đời sống chính trị xã hội. Nhiều nước Mỹ la-tinh còn kêu gọi sớm thành lập Tổ chức các nước Mỹ la-tinh nhằm tăng cường khả năng bảo vệ chủ quyền của khu vực này cũng như đối thoại bình đẳng với Mỹ và EU. Tổng thống Nicaragoa Daniel Ortega thúc giục các nước Trung Mỹ khác hội nhập mạnh mẽ với các nước Nam Mỹ và coi liên minh với các nước Nam Mỹ (UNASUR) là "cánh cửa lớn" hướng tới sự hội nhập của toàn khu vực Mỹ la-tinh và vùng Caribe.

Việc ra đời và đi vào hoạt động của Ngân hàng phương Nam (12-2007) và Ngân hàng ALBA (1-2008) là một bước tiến mới thể hiện nỗ lực tăng cường hợp tác, liên kết nhằm hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau và chủ động tự giải quyết các vấn đề về tài chính, tiền tệ  của khu vực, giảm bớt lệ thuộc và chi phối từ bên ngoài. Trong lĩnh vực an ninh và quốc phòng, theo đề xuất của Brazil tại Hội nghị cấp cao (UNASUR) 8-2008, tại Thủ đô Santiago của Chile, các bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao của UNASUR đã thống nhất quan điểm về việc thành lập Hội đồng phòng thủ Nam Mỹ (CSD), nhằm đẩy mạnh sự phối hợp trong huấn luyện quân sự, tập trận chung, tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ, cứu hộ cứu nạn, và liên kết ngành công nghiệp quốc phòng tại khu vực Nam Mỹ. Sự kiện được dư luận quốc tế rất chú ý là Hội nghị cấp cao bất thường UNSUR hồi tháng 9 năm ngoái, tổ chức tại Chile nhằm giải quyết vấn đề khủng hoảng chính trị ở Bolivia đã ra tuyên bố kịch liệt phản đối đảo chính hay phá vỡ trật tự thể chế, gây phương hại đến toàn vẹn lãnh thổ của CH Bolivia  và bày tỏ sự ủng hộ hoàn toàn Chính phủ nước này. Tổng thống Bolivia Evo Morales đánh giá cao tuyên bố của UNSUR và cho rằng, lần đầu trong lịch sử, các nước Nam Mỹ đã tăng cường hợp tác, liên kết nhằm tự giải quyết các vấn đề khu vực.

Cùng với việc tăng cường hợp tác, liên kết khu vực, các nước Mỹ la-tinh tích cực mở rộng quan hệ với các nước và tổ chức khác trên thế giới. Năm 2008, đánh dấu bước phát triển quan trọng quan hệ giữa Nga, Trung Quốc với các nước Mỹ la-tinh  thông qua việc trao đổi các đoàn đại biểu cấp cao thăm lẫn nhau, trong đó có chuyến thăm của Tổng thống Venezuela H. Chavez tới Trung Quốc và Nga (9-2008) và chuyến thăm của Tổng thống Nga Dmitry Medvedev và Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Ðào tới một số nước Mỹ la-tinh  như: Venezuela, Cuba vào cuối năm 2008. Trong buổi tiếp Tổng thống H. Chavez tại Moscow, Thủ tướng Nga V.Putin tuyên bố, mối quan hệ với các nước Mỹ la-tinh sẽ là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Nga, bởi khu vực này là mắt xích quan trọng trong việc hình thành thế giới đa cực. Không chỉ hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, Nga và Venezuela còn mở rộng hợp tác trong lĩnh vực quân sự, Moscow cam kết thực hiện các thỏa thuận hợp tác quân sự với Caracas và cung cấp cho Venezuela khoản tín dụng một tỷ USD nhằm thúc đẩy hợp tác kỹ thuật-quân sự song phương. Nga  và Venezuela đã tiến hành tập trận chung tại vùng biển Caribe trong tháng 11-2008. Lần đầu, Chính phủ Trung Quốc đã công bố "Văn kiện chính sách của Trung Quốc đối với Mỹ la-tinh và Caribe" (11-2008), đề cập mục tiêu tổng thể và kế hoạch phát triển toàn diện quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Trung Quốc với Mỹ la-tinh và Caribe trong tương lai. Chính phủ Trung Quốc cho rằng, việc phát triển quan hệ với Mỹ la-tinh có ý nghĩa chiến lược quan trọng, do đó hai bên cần đẩy mạnh xây dựng và phát triển quan hệ đối tác hợp tác toàn diện, bình đẳng cùng có lợi và hiểu biết lẫn nhau. Trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Venezuela H. Chavez, hai bên ký nhiều văn kiện hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực, trong đó có bản ghi nhớ tăng gấp hai lần quỹ đầu tư chiến lược từ sáu tỷ USD lên 12 tỷ USD, đáp ứng nhu cầu vốn cho các dự án phát triển tại Venezuela. Venezuela sẽ tăng dần cung cấp dầu thô cho Trung Quốc từ 331.000 thùng/năm hiện nay lên một triệu thùng vào năm 2012.

Tổng thống Venezuela H. Chavez  cho rằng, chưa bao giờ  các nước Mỹ la-tinh lại có điều kiện thuận lợi như ngày nay để thúc đẩy quá trình hợp tác, liên kết, hội nhập cùng phát triển, đấu tranh cho mục tiêu của mỗi dân tộc là xóa bỏ nghèo đói, bất công và xây dựng xã hội dân chủ tiến bộ; khẳng định "Mỹ la-tinh đã thay đổi" và "Chúng ta đang viết một trang mới trong lịch sử".

Con đường phát triển

Trên con đường xây dựng phát triển đất nước, "Chủ nghĩa xã hội thế kỷ 21" đã và đang là mục tiêu phấn đấu vươn tới và là sự lựa chọn trong tương lai của Venezuela, Bolivia, Ecuador... Tổng thống H. Chavez đã nhiều lần tuyên bố và khẳng định, không có thế lực nào có thể ngăn chặn quyết tâm xây dựng "Chủ nghĩa xã hội thế kỷ 21" ở Venezuela bởi vì phần lớn người dân nước này đang muốn thoát khỏi chủ nghĩa tư bản (CNTB). Ông cũng kêu gọi tất cả mọi tầng lớp chính trị xã hội ở Venezuela đi theo CNXH, đang được tạo dựng bằng tất cả bàn tay khối óc và trái tim của người dân Venezuela. Tháng 2-2005, Tổng thống Chavez đã tuyên bố về CNXH, trong đó nêu rõ các giải pháp cho các vấn đề kinh tế, xã hội ở Venezuela không phải là CNTB mà là CNXH; nhấn mạnh CNTB không phải tương lai của nhân loại nói chung và Venezuela nói riêng và chỉ có CNXH mới giải quyết được nghèo khổ và bất bình đẳng xã hội, đồng thời kêu gọi các nước đang phát triển trên thế giới hãy tìm ra mô hình xã hội tiến bộ cho thế kỷ 21; ca ngợi tư tưởng vĩ đại của Các Mác và đánh giá cao luận điểm CNXH phải xây dựng trên cơ sở thực tiễn của mỗi nước.

Sau khi giành thắng lợi quan trọng trong cuộc bầu cử tổng thống cuối năm 2006 và tiếp tục nắm quyền nhiệm kỳ thứ hai. Chính phủ do Tổng thống H. Chavez đứng đầu đã tích cực xây dựng và triển khai các kế hoạch nhằm thúc đẩy Venezuela tiến theo hướng CNXH như: thành lập một chính đảng duy nhất: Ðảng XHCN thống nhất Venezuela (PSUV) để lãnh đạo cách mạng bao gồm Ðảng Phong trào Cộng hòa thứ năm (MVR) của Tổng thống và hơn 20 đảng khác. Tiếp tục các chính sách quốc hữu hóa ngành dầu khí, điện lực, viễn thông; tăng cường quản lý nhà nước ở Ngân hàng T.Ư; xây dựng kế hoạch thiết lập hệ thống dân chủ địa phương "Hội đồng công xã" nhằm tăng cường quyền làm chủ của nhân dân; thành lập các "Trung tâm thông tin về CNXH" giúp người dân tìm hiểu và nghiên cứu về CNXH và thành lập Ðài Truyền hình Xã hội Venezuela (TEVES) trực thuộc Nhà nước thay thế Ðài phát thanh, Truyền hình Caracas của tư nhân để thông tin các chính sách, đường lối của Chính phủ; đẩy mạnh việc sửa đổi Hiến pháp làm nền tảng pháp lý cho việc phát triển theo CNXH thế kỷ 21. Tổng thống Chavez đã đề nghị QH tiến hành thảo luận cải cách hiến pháp làm cơ sở pháp lý cho con đường phát triển mới của quốc gia Nam Mỹ này. Ngày 25-10-2007, QH Venezuela đã thông qua việc sửa đổi 69 điều trong tổng số 350 điều khoản của bản Hiến pháp 1999 và đưa ra trưng cầu ý dân. Kết quả cuộc trưng cầu ý dân lần thứ hai ngày 15-2, cho thấy số đông người dân Venezuela ủng hộ Hiến pháp sửa đổi. Thắng lợi của cuộc trưng cầu ý dân là cơ sở pháp lý và điều kiện quan trọng giúp Chính phủ Venezuela tiếp tục thực hiện triệt để các chính sách kinh tế, xã hội giải quyết đói nghèo, bảo đảm công bằng xã hội và đưa đất nước tiến theo con đường CNXH thế kỷ 21.

Cùng với Venezuela, Bolivia và Ecuador cũng đang tích cực chuẩn bị các điều kiện cơ sở để đưa đất nước  tiến theo con đường Chủ nghĩa xã hội thế kỷ 21 như: Tiến hành cải cách kinh tế, xã hội, soạn thảo hiến pháp mới. Từ khi lên nắm quyền điều hành đất nước hồi đầu năm 2006, Chính phủ Bolivia do Tổng thống Evo Morales đứng đầu đã  thực hiện nhiều cải cách chính trị, kinh tế quan trọng nhằm xóa bỏ nghèo đói, bất công, xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng và tiến bộ như: quốc hữu hóa ngành năng lượng, cải cách đất đai, tổ chức bầu cử QH lập hiến nhằm soạn thảo Hiến pháp mới mở rộng quyền cho thổ dân. Bất chấp sự chống phá của lực lượng đối lập, thù địch, các chính sách  tiến bộ của Chính phủ đã  nhận được sự ủng hộ của đông đảo nhân dân Bolivia và các nước trong khu vực và kết quả là bản Hiến pháp mới của nước này đã được thông qua trong cuộc trưng cầu ý dân  ngày 25-1 vừa qua (với tỷ lệ phiếu cử tri ủng hộ lên tới 61,43%). Ngày 7-2, Tổng thống Bolivia Evo Morales đã ban hành Hiến pháp mới, sự kiện được đánh giá có ý nghĩa lịch sử vì cho phép  Chính phủ cánh tả đẩy nhanh các cải cách chính trị xã hội sâu rộng nhằm chấm dứt chế độ ''thực dân'' và xây dựng chủ nghĩa xã hội tại quốc gia giàu tài nguyên khí đốt. Ðây là bản Hiến pháp thứ 17 trong lịch sử 184 năm của nước CH Bolivia nhưng là bản đầu tiên được nhân dân trực tiếp thông qua, trong một cuộc trưng cầu ý dân. Theo bộ luật tối cao này, Bolivia là một nhà nước đa sắc tộc và theo đuổi mô hình kinh tế trong đó Nhà nước tăng cường quản lý các ngành chiến lược và phân chia lại đất đai một cách công bằng hơn. Hiến pháp mới khẳng định các quyền cơ bản của công dân Bolivia, trong đó chú trọng  những người thổ dân nghèo, đang chiếm số đông ở nước này; cho phép quyền tự trị kinh tế khu vực, cấm điền trang, tăng cường kiểm soát của nhà nước về trữ lượng khí đốt và cho phép  Tổng thống Evo Morales tái tranh cử nhiệm kỳ năm năm  lần thứ hai.

Bên cạnh các nước Nam Mỹ, cách mạng Cuba tiếp tục phát triển, kiên định con đường chủ nghĩa xã hội, kiên cường vượt qua mọi thách thức khó khăn do chính sách bao vây cấm vận kinh tế của Mỹ gây ra, bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng và tiếp tục thu được nhiều thành tựu mới trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, giáo dục... là ngọn hải đăng và nguồn cổ vũ đối với lực lượng cách mạng và tiến bộ ở tây bán cầu.

Trên con đường đi  tới tương lai, lực lượng cánh tả Mỹ la-tinh sẽ còn  phải đối mặt nhiều thách thức, khó khăn và những âm mưu chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch. Tuy nhiên, với sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân và các lực lượng tiến bộ trên thế giới, phong trào cánh tả Mỹ la-tinh sẽ tiếp tục được củng cố, phát triển và có đủ khả năng hoàn thành sứ mệnh cao cả trong cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.