Bầu cử Quốc hội ở Singapore

NDO - NDĐT - Nước Cộng hòa Singapore theo chế độ chính trị dân chủ đa đảng nhưng trên thực tế suốt từ ngày lập quốc tới nay đều là một đảng nắm chính quyền. Chế độ bầu cử của nước này thực hiện được “nền dân chủ kiểu phương Đông”. Ngày 7-5 năm nay, Singapore tiến hành bầu Quốc hội khóa XII.

Đa đảng hay độc đảng?

Trong số 10 chính đảng hiện đang hoạt động trên chính trường Singapore, duy nhất có một đảng nắm chính quyền suốt từ ngày lập quốc tới nay. Đó là đảng Hành động Nhân dân (People's Action Party, viết tắt đảng HĐND) do ông Lý Quang Diệu sáng lập và lãnh đạo từ năm 1954.

Nhờ thi hành đường lối lãnh đạo khôn ngoan, qua đó nhanh chóng đưa đảo quốc nghèo tài nguyên này trở thành quốc gia giàu có, liêm khiết, có mức sống cao thứ nhì châu Á (chỉ sau Nhật Bản), đảng HĐND có uy tín cao trong dân chúng và thắng tuyệt đối trong tất cả các lần bầu cử Quốc hội từ trước tới nay, chiếm ít nhất 90% tổng số đại biểu Quốc hội (ĐBQH), do đó giành quyền lập chính phủ. Trong cuộc bầu cử gần đây nhất (5-2006), đảng HĐND giành được 82 trong số 84 ghế ĐBQH, và ông Lý Hiển Long (con ông Lý Quang Diệu) làm Thủ tướng chính phủ.

Quan sát xu thế phát triển chính trị Singapore những năm gần đây có thể thấy lực lượng các đảng đối lập đang mạnh dần lên, trong tương lai không loại trừ khả năng nhiều đảng đối lập liên kết nhau giành quyền lập chính phủ.

Tình hình cuộc bầu cử Quốc hội khóa XII

Ngày 7-5 năm nay, Singapore tiến hành bầu Quốc hội khóa XII. Khoảng 2,35 triệu cử tri sẽ bầu ra 87 đại biểu Quốc hội (ĐBQH), tăng ba đại biểu so với Quốc hội khóa trước. Quốc hội Singapore có nhiệm kỳ 5 năm; mọi công dân Singapore từ 21 tuổi trở lên đều được đi bầu.

Cả nước chia làm 27 khu vực bầu cử, gồm 12 khu vực bầu cử đơn nhất (Single Member Constituency), tức chỉ bầu một ĐBQH, mỗi đảng chỉ được cử một ứng viên tham gia tranh cử; và 15 khu vực bầu cử tập đoàn (Group Representation Constituency), được bầu 4-6 ĐBQH, mỗi chính đảng được cử một nhóm 4-6 ứng viên tham gia tranh cử, trong đó bắt buộc phải có một ứng viên là người sắc tộc thiểu số (cụ thể có hai khu bầu bốn ĐBQH, 11 khu bầu năm ĐBQH và hai khu bầu sáu ĐBQH). Đặc biệt có một khu vực bầu cử chỉ có năm ứng viên của đảng HĐND, không có ứng viên của đảng khác, có lẽ vì đảng HĐND chiếm ưu thế tuyệt đối ở khu này.

Khu vực bầu cử tập đoàn là đặc điểm lớn nhất trong chế độ bầu cử của Singapore, nhằm để các sắc tộc thiểu số như người Malay và người Ấn Độ có đại diện trong Quốc hội. Trong lần bầu cử này, người Hoa chiếm 78,3% tổng số cử tri; người Malay chiếm 13,6%; người Ấn Độ chiếm 7,0% và các sắc tộc khác chiếm 1,1%.

Để mở đường cho cuộc bầu cử, ngày 19-4, ông Nathan Tổng thống Singapore tuyên bố giải tán Quốc hội và công bố quy định: - ngày 27-4 là ngày đề cử danh sách ứng viên; – ngày 6-5 là Ngày Yên tĩnh (các đảng phải đình chỉ mọi hoạt động tranh cử nhằm để cử tri bình tâm cân nhắc nên bỏ phiếu cho ai); - ngày Thứ Bảy 7-5 là ngày bầu cử.

Mỗi ứng cử viên phải ký quỹ 16.000 SGD (tương đương khoảng 256 triệu đồng); nếu tỷ lệ phiếu bầu thu được dưới 12,5 % thì số tiền này bị nhà nước thu.

Chi phí cho cuộc bầu cử Quốc hội lần này theo quy định là 3,5 SGD cho mỗi cử tri; như vậy tổng chi phí hết khoảng gần 9,22 triệu SGD (tương đương 147 tỷ đồng).

Công tác bầu cử do Ban Bầu cử phụ trách tổ chức. Ban này trực thuộc chính phủ, gồm 24 thành viên, chủ yếu là chuyên gia tin học.

Tranh cử quyết liệt

Trong lần bầu cử này, để tranh 87 ghế trong Quốc hội, đảng HĐND đưa ra 87 ứng viên tranh cử tại tất cả 27 khu vực bầu cử, các đảng đối lập đưa ra 83 ứng viên tham gia tranh cử tại các khu vực họ có cử tri ủng hộ; cụ thể là:

1) Đảng Đoàn kết Quốc dân (NSP, National Solidarity Party) – 24 ứng viên;

2) Đảng Cải cách (RP, Reform Party) – 11;

3) Liên minh Dân chủ Singapore ( SDA, Singapore Democratic Alliance) – 7;

4) Đảng Dân chủ Singapore (SDP, Singapore Democratic Party) – 11;

5) Đảng Nhân dân Singapore (SPP, Singapore People’s Party) – 7;

6) Đảng Công nhân (WP, Workers’ Party) – 23.

Hai đảng Đoàn kết Quốc dân và đảng Công nhân đưa ra danh sách ứng viên đông nhất và cũng hoạt động tranh cử năng nổ nhất. Mới đây ông Lý Hiển Long và ông Low Thia Khiang lãnh tụ đảng Công nhân đã tranh luận với nhau về thuyết “Người lái phụ” của ông Low – ý nói Singapore như một chiếc xe, ngoài người lái chính là đảng HĐND ra, nên có thêm lái phụ là người của đảng khác.

Hôm 26-4, ông Lý Quang Diệu 88 tuổi nói sẽ tái ứng cử ĐBQH khóa này. Như vậy ông sẽ lập kỷ lục liên tục ứng cử cả 14 lần bầu cử, là ứng viên duy nhất chưa vắng mặt lần bầu cử nào kể từ năm Singapore bắt đầu có bầu cử dân chủ (1955) tới nay. Lần này vì ứng cử tại khu vực bầu cử không có ứng viên của các đảng khác nên chắc 100% ông lại trúng cử.

Cũng hôm ấy, ông Lý Hiển Long 58 tuổi công bố cương lĩnh tranh cử của đảng HĐND, hy vọng được dân chúng tín nhiệm ông tiếp tục lãnh đạo đảo quốc này thêm 5 năm nữa.

Trong cuộc họp báo sau khi kết thúc đề cử danh sách ứng viên, Thủ tướng Lý Hiển Long nói ông không ngạc nhiên trước tình hình cạnh tranh quyết liệt giành cử tri và coi việc có tranh cử là một hiện tượng tốt, phản ánh sự thay đổi của xã hội. “Các đảng đối lập tỏ ý họ sẽ dốc hết sức giành thắng lợi; đảng HĐND cũng vậy.” – ông nói.

Trong số 84 ĐBQH khóa trước, có 18 người không ứng cử khóa này; tất cả đều là người của đảng HĐND. Ngoài số cựu ĐBQH tái tranh cử, đảng HĐND đã đưa ra 24 ứng viên mới, hầu hết ở độ tuổi 30 và 40 nhằm tranh 18 ghế nói trên.

Dư luận cho rằng đây là cuộc tranh giành phiếu bầu gay go nhất kể từ ngày Singapore độc lập. Lần đầu tiên đảng cầm quyền gặp sự thách thức mạnh mẽ từ các đảng đối lập. Các đảng này đưa ứng viên ra tranh cử tại 26 trong 27 khu vực bầu cử, nghĩa là đảng HĐND chỉ chắc chắn giành được năm ghế tại một khu vực không có ứng viên của đảng khác và đảng này phải cạnh tranh giành phiếu cho 82 ghế còn lại. Trong cuộc bầu cử năm 1972 chỉ có 57/65 ghế phải tranh cử; cuộc bầu cử năm 1988 cũng chỉ có 70 ghế phải tranh cử.

Các đảng đối lập đặt nhiều hy vọng vào lần bầu cử này. Căn cứ theo Tu Chính Án thông qua năm 2010 về Hiến pháp và về Luật Bầu cử, lần bầu cử năm 2011 sẽ có nhiều thay đổi, như có sự tham gia của nhiều chính đảng không cầm quyền, bảo đảm trong Quốc hội có ít nhất 18 ĐBQH là người không thuộc đảng cầm quyền; ngoài ra còn hợp pháp hóa hoạt động tranh cử trên mạng (trước đây bị cấm). Dư luận cho rằng, các thay đổi đó sẽ làm tăng tiếng nói của những người có lập trường khác với đảng cầm quyền và các cuộc tranh luận trong Quốc hội sẽ giàu sức sống hơn.

Hiện nay có ba website phục vụ việc bầu cử, trong đó một là của Ban Bầu cử.

Lần đầu tiên đài truyền hình quốc gia mở các cuộc tranh luận giữa các ứng viên trên truyền hình. Các đảng đối lập đều lên tiếng phê phán tình hình giá nhà lên cao, giá cả sinh hoạt tăng, phê phán chủ trương nhập 1 triệu lao động nước ngoài đến Singapore làm việc gây nên tình trạng tăng giá nhà ở. Đảng HĐND lập tức phản bác, đưa ra các lý do chứng tỏ chính phủ đã hành động đúng.

Ngay từ đầu năm 2010, ứng viên của các đảng, kể cả ông Lý Hiển Long, đã thâm nhập khu vực bầu cử họ ứng cử để vận động tranh cử, thậm chí tới thăm hỏi từng gia đình.

Dự kiến kết quả bầu cử

Cuối tháng 10-2010, ông Goh Chok Tong Bộ trưởng cấp cao và là cựu Thủ tướng nói cuộc bầu cử Quốc hội lần này sẽ chọn ra một ê-kíp lãnh đạo gồm Thủ tướng và các Bộ trưởng trẻ tuổi hơn. Ông Lý Hiển Long cũng nói người thay ông nên trẻ hơn và có quá trình làm việc khá lâu trong chính phủ.

Hiện nay cuộc vận động tranh cử giữa các đảng đang diễn ra quyết liệt trên đường phố, trong các đại hội cử tri, trên các phương tiện truyền thông, báo chí, mạng, truyền hình. Đảng nào cũng đưa ra cương lĩnh tranh cử của đảng và của từng ứng viên. Nhiều đại hội cử tri đã được tổ chức rất rầm rộ, có lần người tham gia quá đông làm tắc cả giao thông – một hiện tượng rất hiếm thấy ở Singapore.

Theo các nhà quan sát, cho tới nay chưa thấy đảng nào đưa ra được cương lĩnh tranh cử tốt hơn đảng HĐND. Ngoài ra, trong tình hình kinh tế toàn cầu chưa thoát ra khỏi khủng hoảng, đa số dân Singapore cho rằng nước này nên giữ ổn định chính trị, vì vậy chắc hẳn họ chưa muốn để đảng khác lên thay vai trò lãnh đạo chính phủ của đảng HĐND.

Bởi thế có thể dự đoán: trong lần bầu Quốc hội khóa XII này đảng Hành động Nhân dân sẽ vẫn giành được nhiều phiếu nhất, tuy tỷ lệ phiếu thu được có thể kém lần trước, và sẽ tiếp tục cầm quyền. Như vậy Singapore sẽ vẫn thực hành chế độ một đảng cầm quyền, nhưng xét về hình thức chính trị thì nước này vẫn là một quốc gia dân chủ, đồng thời giữ được đời sống chính trị ổn định kiểu phương Đông – một thế mạnh góp phần quan trọng làm cho Singapore luôn luôn là quốc gia giàu có, trong sạch và phát triển tốt hàng đầu châu Á.