Hiểu thêm qua cuộc lãng du xoay quanh Hà Nội

Bằng niềm say mê Hà Nội, yêu thích sự dịch chuyển về mặt không gian và thời gian qua từng điểm đến, tâm tình của con người, nhà văn Nguyễn Trương Quý đã vẽ lên bức chân dung Hà Nội trên những dấu chân đi về. Tập du khảo “Triệu dấu chân qua những cửa ô” (NXB Phụ nữ Việt Nam) là cuộc lãng du chầm chậm xoay quanh mà nhờ đó, chúng ta biết thêm rất nhiều điều hay của Hà Nội.
0:00 / 0:00
0:00
Hiểu thêm qua cuộc lãng du xoay quanh Hà Nội

Sống ở Hà Nội từ nhỏ với nhiều ký ức khi chạy xe đạp trên những con phố xưa, nhà văn Trương Quý đã cảm nhận được sự biến đổi không gian - thời gian tại Hà Nội. Qua tập du khảo, tác giả cho ta thấy được một số cộng đồng thích ứng với sự dịch chuyển rất nhanh, họ mau lẹ với thời cuộc, với các phương án sống. Có điều, phương tiện di chuyển tuy thay đổi, ảnh hưởng rất nhiều đến hành vi, nhưng nhu cầu gắn kết của con người với cộng đồng vẫn rất lớn. Bởi trong cộng đồng, con người ta luôn có nhu cầu tìm hiểu nhau, nhìn thấy nhau, lắng nghe nhau,...

Một trong những điều làm nên sự hứng thú ở cuốn sách này chính là sự cười. Nụ cười đến từ giao thoa giữa cái cũ - mới, sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa những khảo cứu chi tiết và công phu với chất văn lắng đọng, sâu sắc, nhẹ nhàng. Nụ cười trong sách Trương Quý không phải là cười châm biếm, cười mỉa mai. Đó là nét cười duyên, cười hóm hỉnh của một người trưởng thành khi đã trải qua những thay đổi của thành phố để rồi nhìn lại bằng một con mắt bao dung và gật gù rằng hóa ra ngày xưa chúng ta đã từng như thế. Và cho đến bây giờ, khi so sánh với cuộc sống hiện tại, chúng ta thấy được sự biến đổi của phương tiện đã khác xưa, thấy được sự phát triển của Hà Nội và đặc biệt là thấy được tâm tình của con người qua những chặng đường, những phương tiện đó ra sao. Những thay đổi, biến đổi đó cùng với tâm tình của Hà Nội thời trước cho đến hiện tại làm cho ta cảm thấy rất thú vị và bất giác mỉm cười.

Đọc cuốn sách này, ta không cần sửa soạn một tâm trạng “nghiêm trọng” mà có thể thoải mái đón nhận và càng vỡ ra được nhiều điều hay, bởi đây là “một cuốn sách giải nghĩa về việc Hà Nội tạo nên những huyền thoại của nó như thế nào” như PGS, TS Phạm Xuân Thạch cảm nhận. Nhưng sách vẫn để lại cho độc giả những day dứt “Thật sự còn bao nhiêu người say đắm, tư duy, tìm hiểu và ngẫm nghĩ về Hà Nội như nhà văn Trương Quý đây?”.