Hiệu quả từ mô hình Bệnh viện vệ tinh của Ðắk Nông

Trên cơ sở Ðề án Bệnh viện vệ tinh của Bộ Y tế, Chương trình hợp tác phát triển giữa Sở Y tế tỉnh Ðắk Nông với Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, Bệnh viện đa khoa tỉnh và các trung tâm y tế tuyến huyện ở Ðắk Nông đã ký kết với các bệnh viện tuyến trên về xây dựng mô hình Bệnh viện vệ tinh, với mục đích nâng cao chất lượng công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy chuyển giao kỹ thuật mổ thay khớp háng cho đội ngũ y, bác sĩ của Bệnh viện đa khoa tỉnh Đắk Nông.
Các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy chuyển giao kỹ thuật mổ thay khớp háng cho đội ngũ y, bác sĩ của Bệnh viện đa khoa tỉnh Đắk Nông.

Thực tế triển khai, mô hình này đã phát huy hiệu quả thiết thực, chất lượng nguồn nhân lực được nâng cao, cơ sở y tế được đầu tư khang trang, hệ thống trang thiết bị từng bước được hiện đại, nhiều kỹ thuật chuyên sâu được chuyển giao về tuyến dưới, chất lượng khám và điều trị ngày càng được nâng cao…

Thiết thực và hiệu quả

Cùng với điều kiện khó khăn của một tỉnh mới được tái lập, ngành y tế Ðắk Nông gặp không ít khó khăn trong công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Cơ sở vật chất ban đầu thiếu thốn, trang thiết bị y tế còn lạc hậu, nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế về cả số lượng và chất lượng, nhất là nguồn nhân lực có chuyên môn sâu, tình trạng người bệnh chuyển tuyến, vượt tuyến diễn ra phổ biến. Chương trình hợp tác phát triển và xây dựng Bệnh viện vệ tinh là động lực quan trọng giúp cho ngành y tế Ðắk Nông phát triển toàn diện.

Là thế hệ đầu tiên được cử đi đào tạo chuyên môn sâu để đáp ứng yêu cầu chuyển giao kỹ thuật của đề án Bệnh viện vệ tinh, Trưởng khoa Chấn thương - Bỏng, Bệnh viện đa khoa tỉnh Ðắk Nông Nguyễn Văn Tam cho biết, Ðề án Bệnh viện vệ tinh đã tạo cơ hội cho bản thân và nhiều đồng nghiệp được đào tạo nâng cao trình độ, tiếp cận và nhận chuyển giao kỹ thuật chuyên môn sâu nhằm phục vụ tốt hơn yêu cầu khám, chữa bệnh của người dân.

Hiệu quả từ mô hình Bệnh viện vệ tinh của Ðắk Nông -0
 

Hiện nay khoa Chấn thương - Bỏng đã hoàn tất việc chuyển giao bốn gói kỹ thuật và tự thực hiện được hầu hết các gói kỹ thuật chuyển giao theo đề án, một số trường hợp phải chuyển tuyến là do thiếu thiết bị y tế để xác định nên không đáp ứng được. Cũng theo bác sĩ Tam, việc triển khai đề án còn tạo điều kiện cho các bác sĩ được cập nhật liên tục về trình độ, do có mối liên kết hằng ngày với tuyến trên nên có cơ hội trao đổi về chuyên môn, mỗi khi có ca bệnh khó đều được sự giúp đỡ của tuyến trên, nên các bác sĩ tuyến dưới yên tâm hơn trong thực hiện chuyên môn, người bệnh cũng tin tưởng hơn.

Phó Giám đốc phụ trách Bệnh viện đa khoa tỉnh Ðắk Nông, Nguyễn Ðăng Phượng cho biết, Bệnh viện vệ tinh là một mô hình mang lại ý nghĩa quan trọng và đạt được kết quả đa diện, phát triển đồng bộ. Ðó là giúp Bệnh viện đa khoa tỉnh Ðắk Nông nói riêng, ngành Y tế Ðắk Nông nói chung phát triển và nâng cao chất lượng về nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị, cá nhân các bác sĩ cũng có cơ hội học tập nâng cao trình độ chuyên môn, người bệnh được hưởng dịch vụ kỹ thuật cao ngay tại tỉnh nhà, và cái được lớn nhất là ngành y tế từng bước phát triển toàn diện đáp ứng được yêu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân. Nguồn nhân lực sau khi được đào tạo và tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật đã phát huy tốt về trình độ chuyên môn. Ngoài thực hiện nhiệm vụ tại đơn vị, số bác sĩ được đào tạo còn tham gia vào việc chỉ đạo tuyến đối với tuyến huyện; tổ chức đào tạo, chuyển giao kỹ thuật để tuyến huyện thực hiện đối với các đơn vị bảo đảm về cơ sở vật chất và trang thiết bị đồng bộ. Với sự hỗ trợ của các bác sĩ tuyến trên, Bệnh viện đa khoa tỉnh Ðắk Nông đã thực hiện thành công 515 ca mổ với chuyên môn sâu, kỹ thuật khó về kết hợp xương hiện đại, vi phẫu thuật, nội soi khớp và thay khớp... trong đó, tự thực hiện tại đơn vị hơn 100 ca, chỉ đạo tuyến cho Trung tâm Y tế huyện Ðắk Mil mổ cấp cứu ngoại khoa thành công năm ca phẫu thuật nội soi.

Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Ðắk Glong Huỳnh Thanh Huynh cho biết, Ðề án Bệnh viện vệ tinh có ý nghĩa rất quan trọng và thiết thực đối với đơn vị y tế thuộc huyện khó khăn thuộc Chương trình 30a như Ðắk Glong. Ðến nay đơn vị đã gửi đi đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Ðắk Nông 63 lượt bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên; tại Bệnh viện quận 2 với 40 lượt bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng, hộ sinh; đã nhận chuyển giao nhiều kỹ thuật chuyên sâu từ hai đơn vị trên nên có thể xử lý được các trường hợp hồi sức cấp cứu ngưng tuần hoàn, sử dụng máy thở, đặt nội khí quản; triển khai thêm nhiều danh mục kỹ thuật mới giảm số lượt chuyển tuyến. So sánh thời điểm triển khai đề án năm 2015 đến cuối năm 2020, số lượt chuyển tuyến giảm từ 1.300 lượt xuống còn 760 lượt, phát triển danh mục kỹ thuật mới theo phân tuyến chuyên môn kỹ thuật đạt 68%, số giường thực kê điều trị nội trú từ 45 giường tăng lên 92 giường. Sau khi hoàn thành các chương trình đào tạo nâng cao nguồn nhân lực tại chỗ đã có thể tự thực hiện được nhiều dịch vụ kỹ thuật mới như phẫu thuật RTV, mổ lấy thai, đình sản nữ, nối gân, xử trí các vết thương phần mềm phức tạp, phẫu thuật bóc u; đồng thời đã tiếp nhận chuyển giao và phối hợp thực hiện một số kỹ thuật cao trong phẫu thuật u xơ tử cung, cắt tử cung, phẫu thuật thoát vị bẹn… Qua đó cho thấy chất lượng đơn vị ngày càng được cải thiện, về cơ bản đáp ứng được công tác khám, điều trị hiện nay.

Ðịnh hướng và thách thức

Chương trình, đề án hợp tác y tế tỉnh Ðắk Nông được hai bệnh viện tuyến trung ương (Chợ Rẫy, Lão khoa Trung ương) và tám bệnh viện thuộc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh hỗ trợ kỹ thuật. Theo đánh giá của các đơn vị phối hợp và ngành y tế tỉnh Ðắk Nông, các chương trình phối hợp và mô hình Bệnh viện vệ tinh đã phát huy tối đa hiệu quả trên nhiều mặt. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn gặp nhiều khó khăn về kinh phí, hạn chế về nguồn nhân lực, thiếu đồng bộ về trang thiết bị giữa các tuyến, trang thiết bị kết nối khám, chữa bệnh từ xa, nhất là đối với các đơn vị y tế tuyến huyện khó khăn thuộc Chương trình 30a và vùng sâu, vùng xa nên số khoa vệ tinh và kỹ thuật chuyên sâu được chuyển giao còn bị hạn chế.

Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Ðắk Glong Huỳnh Thanh Huynh cho biết, đơn vị gặp rất nhiều khó khăn về nguồn nhân lực, đặc biệt là các bác sĩ có trình độ sau đại học, hầu hết đều là bác sĩ đa khoa chưa được đào tạo về các chuyên khoa sâu. Tuy nhiên, hiện nay việc cử người đi đào tạo để chuyển giao kỹ thuật theo đề án còn gặp nhiều vướng mắc. Nếu cử đi đào tạo ngắn hạn thì không bảo đảm theo quy định về cấp chứng chỉ hành nghề, không đủ điều kiện nhận chuyển giao kỹ thuật, vướng về quy định đối với thủ tục thanh toán bảo hiểm y tế cho người bệnh. Mặt khác, nếu cử đi đào tạo dài hạn phải được sự cho phép của cấp có thẩm quyền từ khi tham gia dự thi tuyển nên rất khó khăn cho tuyến huyện trong quá trình chủ động hợp tác, chuyển giao. Vì vậy, trong thời gian tới cần phải có cơ chế phù hợp, tạo điều kiện cho các đơn vị nhận chuyển giao khi cử người đi đào tạo.

Phó Giám đốc phụ trách Bệnh viện đa khoa tỉnh Ðắk Nông Nguyễn Ðăng Phượng cho biết, bên cạnh việc nâng cao chất lượng cơ sở y tế, nguồn nhân lực, thiết bị y tế thì vấn đề nâng cao đời sống của đội ngũ bác sĩ, nhất là nguồn nhân lực đào tạo chuyển giao kỹ thuật cũng phải hết sức quan tâm. Ðể khuyến khích năng lực, giữ chân bác sĩ bằng lương cơ bản, bằng tinh thần yêu nghề như hiện nay là rất khó. So với thành phố lớn và các địa phương khác thì thu nhập của bác sĩ ở Ðắk Nông rất thấp, nên số bác sĩ bỏ việc, chuyển công tác, thậm chí có cả bác sĩ được cử đi đào tạo chuyển giao theo Ðề án Bệnh viện vệ tinh cũng bỏ việc ở lại các thành phố lớn không trở về địa phương. Cũng theo ông Phượng, thay vì phải mời bác sĩ tuyến trên về cơ sở hoặc chuyển tuyến thì những bác sĩ ở tuyến dưới đảm nhiệm chuyên môn sâu, kỹ thuật cao cũng phải có chế độ đãi ngộ tương xứng thì mới giữ chân bác sĩ được.

Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Ðắk Nông Trần Quang Hào cho biết, sau 5 năm triển khai thực hiện đã có hàng chục bác sĩ được cử đến bệnh viện tuyến trên đào tạo chuyên môn sâu; các lĩnh vực chuyên môn kỹ thuật cao được bác sĩ tuyến trên về tại cơ sở địa phương trực tiếp cầm tay chỉ việc, chuyển giao thành công; nhiều chuyên khoa được bảo đảm thành lập mới; trang thiết bị được từng bước đầu tư đồng bộ, hiện đại; giúp người bệnh tiết kiệm được chi phí; hạn chế thấp nhất tình trạng chuyển tuyến, giảm áp lực về quá tải người bệnh cho các bệnh viện tuyến trên. Tuy nhiên, kết quả này mới chỉ dừng lại ở tuyến tỉnh và một số trung tâm y tế tuyến huyện có điều kiện thuận lợi, đối với các địa phương ở xa, đường giao thông đi lại khó khăn, chưa bảo đảm về kinh phí cho việc đào tạo, chuyển giao hoặc đào tạo tại đơn vị. Trong giai đoạn 2021 - 2025, Sở Y tế Ðắk Nông tiếp tục triển khai ký kết hợp tác phát triển với Sở Y tế TP Hồ Chí Minh và nhân rộng các đơn vị trung tâm y tế tuyến huyện để hợp tác triển khai chương trình. Tiếp tục đề xuất các dịch vụ kỹ thuật cao tại các bệnh viện tuyến trên nhận hỗ trợ đỡ đầu chuyển giao cho các bệnh viện tuyến dưới của tỉnh Ðắk Nông. Hỗ trợ đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, đầu tư mua sắm trang thiết bị y tế và nâng cao công tác đào tạo, thu hút đội ngũ y, bác sĩ có trình độ cao về công tác tại địa phương.

Ðể khắc phục một số khó khăn trên, hiện nay ngành Y tế Ðắk Nông đang tích cực triển khai công tác khám chữa bệnh từ xa với sự hỗ trợ của các đơn vị y tế tuyến trên theo đề án của Bộ Y tế. Hiện nay đã kết nối khám chữa bệnh BVÐK tỉnh với BV Ðại học Y Hà Nội và từng bước hiện đại hóa các loại trang thiết bị kết nối liên thông khám, chữa bệnh trực tuyến, hội chẩn từ xa cho các bệnh viện tuyến huyện để nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh, thu hút người bệnh, giảm quá tải cho tuyến trên hiệu quả.

Bài và ảnh: Chấn Hưng