Nhân tố quyết định của mọi thắng lợi

HIỆU QUẢ TỪ CÔNG TÁC DÂN VẬN

Ảnh: QUÝ HIỀN

Ảnh: QUÝ HIỀN

Dân vận khéo vẫn luôn là điểm sáng trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền tại Thành phố Hồ Chí Minh. Với lòng nhiệt tình, phát huy cao tinh thần trách nhiệm, cán bộ, đảng viên ở khắp các địa phương trên địa bàn thành phố mang tên Bác luôn miệt mài “vác tù và” để vận động người dân tham gia thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, vì một thành phố văn minh, hiện đại và nghĩa tình.

Đồng lòng thực hiện chỉnh trang đô thị

Một tuyến hẻm trên đường Trần Quốc Toản, quận 3 được mở rộng khang trang từ sự hiến đất của người dân. Ảnh: Quang Quý

Một tuyến hẻm trên đường Trần Quốc Toản, quận 3 được mở rộng khang trang từ sự hiến đất của người dân. Ảnh: Quang Quý

Phong trào vận động người dân hiến đất mở rộng hẻm tại Thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu từ những năm 2000. Sau hơn 20 năm thực hiện, thành phố có hơn 168.000 hộ dân hiến hơn 5,3 triệu m2 đất, tương đương số tiền hơn 10 nghìn tỷ đồng, phục vụ 5.230 công trình. Trong đó, 3.874 công trình mở rộng hẻm, ước tính số tiền khoảng 6.600 tỷ đồng, 1.237 công trình mở rộng đường, ước tính số tiền hơn 3.300 tỷ đồng.

Thời gian qua, quận 7 đã triển khai thực hiện thành công việc vận động nhân dân hiến đất, nâng cấp, mở rộng hẻm giai đoạn 2020-2025 nhằm mục đích chỉnh trang, phát triển đô thị, cải thiện việc đi lại; bảo đảm phòng cháy, chữa cháy; vệ sinh môi trường; nâng cao đời sống nhân dân góp phần phát triển kinh tế-xã hội tại các khu dân cư.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận 7, Hoàng Minh Tuấn Anh cho biết: Từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã thực hiện nâng cấp, mở rộng 43 tuyến hẻm rộng hơn 4m (đạt 86% chỉ tiêu của cả nhiệm kỳ), hoàn thành nâng cấp 86 hẻm theo hiện trạng có độ rộng từ 2,5-3,5m. Tổng kinh phí thực hiện nâng cấp, mở rộng hẻm vào khoảng 57,62 tỷ đồng (trong đó từ nguồn kinh phí xã hội hóa chiếm 34,66 tỷ đồng). Ngoài ra, quận đã thực hiện hoàn thành đầu tư xây mới 5 cây cầu với tổng kinh phí khoảng gần 21,9 tỷ đồng từ nguồn vốn xã hội hóa.

Cán bộ xã làm hồ sơ đền bù, thu hồi đất cho các hộ dân bị thu hồi đất của Dự án Vành đai 3 trên địa bàn huyện Hóc Môn. Ảnh: QUÝ HIỀN

Cán bộ xã làm hồ sơ đền bù, thu hồi đất cho các hộ dân bị thu hồi đất của Dự án Vành đai 3 trên địa bàn huyện Hóc Môn. Ảnh: QUÝ HIỀN

Riêng trong năm 2023, quận đã hoàn thành nâng cấp, mở rộng 12 tuyến hẻm đạt độ rộng hơn 4m, hoàn thành nâng cấp 27 hẻm theo hiện trạng có độ rộng từ 2,5-3,5m với tổng kinh phí thực hiện 15,8 tỷ đồng. Đồng thời, hoàn thành đầu tư xây mới 2 cây cầu thuộc hẻm với tổng kinh phí thực hiện 11,3 tỷ đồng từ nguồn kinh phí xã hội hoá.

Tại quận 3, quận trung tâm của thành phố, nơi “tấc đất tác vàng” việc vận động người dân hiến đất mở rộng hẻm tưởng chừng như rất khó nhưng với nhiều cách làm hiệu quả, đến nay, nhiều tuyến hẻm trên địa bàn quận đã trở nên khang trang, sạch đẹp hơn.

Toàn quận có khoảng 600 tuyến hẻm rộng dưới 3m cần được nâng cấp để tạo thuận lợi cho người dân trong đi lại, sinh hoạt và nâng cao mỹ quan đô thị. Từ năm 2000, quận đã có chủ trương vận động người dân hiến đất mở hẻm, nhưng do công tác thực hiện chưa đồng bộ, nên hiệu quả chưa đạt như mong muốn. Tính đến nay, quận 3 đã có hơn 3.700 hộ dân hiến đất làm đường tại 95 tuyến hẻm với kinh phí quy đổi trị giá hàng trăm tỷ đồng.

Để có được kết quả tốt đẹp trong công tác chỉnh trang đô thị, đòi hỏi công tác dân vận phải thật sự hiệu quả, trong đó vai trò của những tấm gương điển hình “dân vận khéo” sẽ mang tính quyết định. Họ là những cán bộ, đảng viên không ngại khó, miệt mài xuống từng hộ dân, tuyên truyền từng người để tất cả cùng đồng lòng thực hiện các chủ trương, chính sách mang lợi ích đến cho cộng đồng, cho sự phát triển của thành phố.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh, Thường trực Ban Chỉ huy dự án Thành phần 2-Dự án Vành đai 3, tính đến nay, Thành phố Hồ Chí Minh đã bàn giao 98,2% diện tích toàn dự án cho chủ đầu tư triển khai toàn bộ các gói thầu xây lắp, cơ bản đáp ứng yêu cầu theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 105/NĐ-CP.

Lãnh đạo Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải đánh giá Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương đi đầu, hoàn thành xuất sắc công tác bồi thường giải phóng mặt bằng Dự án Vành đai 3 so với ba địa phương còn lại. Thành phố Hồ Chí Minh có 1.679 trường hợp ảnh hưởng, thu hồi đất thực hiện Dự án Vành đai 3 với 410ha.

Nguyên tắc làm việc của bản thân, đó là “Dân chủ- thống nhất- trách nhiệm".

- Ông Phan Sỹ Hùng -

Ông Phan Sỹ Hùng, Bí thư Chi bộ khu phố 1, Đảng bộ phường 11, quận Phú Nhuận dẫn chúng tôi đi thăm con hẻm 145 Nguyễn Đình Chính vừa được nâng cấp khang trang. Với giọng nói phấn khởi, ông Hùng cho biết, nhìn thấy con hẻm xuống cấp, ông đã trao đổi với cấp ủy, chi bộ, ban điều hành khu phố về việc vận động những hộ dân đóng góp để sửa chữa, “làm mới” con hẻm.

Sau khi tất cả thống nhất chủ trương, ông Hùng bắt đầu làm việc với Ban chỉ đạo vận động từng tổ xem có bao nhiêu hộ khó khăn. Đối với những hộ này, ông Hùng chủ trương vận động mạnh thường quân để hỗ trợ kinh phí đóng; cùng với đó những hộ khá giả sẽ đóng tiền nâng cấp hẻm cao hơn.

Hẻm 145 Nguyễn Đình Chính.

Hẻm 145 Nguyễn Đình Chính.

Ngày qua ngày, ông Hùng không ngại khó đi từng nhà tuyên truyền, vận động, và cuối cùng ông cũng được sự đồng thuận của người dân ở hẻm 145. Gần 200 triệu đồng được đóng góp để nâng cấp mặt đường, làm cống, chẳng bao lâu, một con đường mới khang trang hơn đã hoàn thành.

Ông Phan Sỹ Hùng cho biết, nguyên tắc làm việc của bản thân, đó là “Dân chủ- thống nhất- trách nhiệm”, phải luôn bán sát tình hình người dân trong khu phố để hiểu rõ những tâm tư, nguyện vọng của người dân; từ đó, tìm ra cách giải quyết phù hợp, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của người dân.

Giao đất để chờ ngày đi trên con đường lớn...

Hẻm 69 Trần Quốc Hoàn, phường 4, Quận Tân Bình trở nên khang trang hơn sau khi được nâng cấp.

Hẻm 69 Trần Quốc Hoàn, phường 4, Quận Tân Bình trở nên khang trang hơn sau khi được nâng cấp.

Là một trong bốn địa phương có Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh (Dự án Vành đai 3), cả hệ thống chính trị của huyện Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh cùng vào cuộc với một “mệnh lệnh”: Tất cả hộ dân cần đồng thuận cao nhất với chính quyền việc giao đất triển khai dự án. Để thực hiện mệnh lệnh ấy, vai trò chỉ đạo, đi sâu đi sát, nhất là công tác dân vận được Đảng bộ, chính quyền, đoàn thể huyện thực hiện xuyên suốt, công tâm, trách nhiệm để cuối cùng quyền lợi của người dân được bảo đảm cao nhất.

Bà Đặng Thị Hồng Hoa, ngụ ấp 5, xã Xuân Thới Sơn, huyện Hóc Môn thi thoảng vẫn tạt qua con đường Nguyễn Văn Bứa, nơi 8 tháng trước vẫn còn đó căn nhà gia đình bà ở hơn 30 năm, thì nay đã trở thành đại công trình nhộn nhịp ngày đêm với máy súc, máy cẩu, những tốp công nhân xây dựng.

Nhìn không khí nhộn nhịp, bà Hoa phấn khởi kể lại câu chuyện thời điểm tháng 12/2022, sau khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, cán bộ địa chính xã, nhân viên Ban bồi thường huyện đã lập đoàn xuống từng hộ dân thuộc diện giải tỏa của dự án Vành đai 3, trong đó, có gia đình bà phổ biến chủ trương, chính sách thu hồi đất, giá cả bồi thường... Nhà bà Hoa có 9 nhân khẩu với diện tích nhà, đất nằm ngay mặt tiền đường phải thu hồi trọn vẹn 500m2; trong đó, có ½ diện tích là đất ở.

“Dù bị thu hồi toàn bộ diện tích nhà, đất nhưng khi nghe cán bộ xã phổ biến chủ trương hợp tình, hợp lý của Nhà nước, của chính quyền thành phố với mục tiêu lớn nhất là xây dựng một công trình đường bộ tầm cỡ, kết nối giao thương các tỉnh, bản thân tôi và gia đình không còn băn khoăn. Tôi chốt bàn giao mặt bằng để chờ ngày người dân được đi trên con đường lớn...”, bà Hoa tâm sự.

Một cây cầu bê-tông trên địa bàn phường Tân Hưng, quận 7 góp phần nâng cao đời sống, hạ tầng cho người dân trên địa bàn. Ảnh: Quang Quý

Một cây cầu bê-tông trên địa bàn phường Tân Hưng, quận 7 góp phần nâng cao đời sống, hạ tầng cho người dân trên địa bàn. Ảnh: Quang Quý

Cùng với chính sách đền bù, hỗ trợ của huyện, gia đình bà Hoa được bố trí một nền tái định cư tại Khu tái định cư xã Xuân Thới Đông không xa nhà cũ là mấy, nay đã hoàn chỉnh hạ tầng chỉ chờ ngày nhận nền xây cất nhà ở.

Bà Đặng Thị Hồng Hoa là một trong số 71 trường hợp của xã Xuân Thới Sơn và 323 trường hợp của huyện Hóc Môn phải giao đất để thành phố triển khai thực hiện dự án Vành đai 3, một dự án trọng điểm của quốc gia, đi qua địa bàn bốn tỉnh, thành phố, trong đó có Thành phồ Hồ Chí Minh.

"Tôi chốt bàn giao mặt bằng để chờ ngày người dân được đi trên con đường lớn..."

- Bà Đặng Thị Hồng Hoa -

Hóc Môn là địa phương được thành phố đánh giá đạt tỷ lệ bàn giao mặt bằng cao nhất, sớm nhất và vượt tiến độ đề ra so với kế hoạch của Ban chỉ đạo thành phố.

Thi công công trình Vành đai 3 trên địa bàn huyện Hóc Môn. Ảnh: Quý Hiền

Thi công công trình Vành đai 3 trên địa bàn huyện Hóc Môn. Ảnh: Quý Hiền

Với sự quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền các địa phương, nhất là Đảng bộ, chính quyền, đoàn thể và cả hệ thống chính trị của huyện Hóc Môn, tháng 6/2023, chỉ sau 6 tháng triển khai quyết định giải toả, đền bù dự án Vành đai 3, huyện Hóc Môn đã hoàn thành 100% công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Đây là địa phương được thành phố đánh giá đạt tỷ lệ bàn giao mặt bằng cao nhất, sớm nhất và vượt tiến độ đề ra so với kế hoạch của Ban chỉ đạo thành phố.

Phải coi trọng sự đồng thuận xã hội và lợi ích của người dân trong thực hiện chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Để thực hiện tốt công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, bàn giao mặt bằng, Đảng ủy xã Xuân Thới Sơn đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về lãnh đạo công tác phối hợp thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh đoạn qua địa phận xã Xuân Thới Sơn.

Quan điểm công tác phối hợp thực hiện Dự án Vành đai 3 đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở. Trong đó, phải coi trọng sự đồng thuận xã hội và lợi ích của người dân trong thực hiện chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Bí thư Đảng uỷ xã Xuân Thới Sơn, huyện Hóc Môn Võ Thanh Bình đúc kết: “Muốn người dân đồng thuận chỉ bằng chính sách, chủ trương thì không khó nhưng làm sao họ thấy được lợi ích của chính họ và gia đình qua dự án mới là điều không hề dễ dàng. Vì vậy Đảng ủy, chính quyền, đoàn thể xã không ngại ngày đêm tăng cường trao đổi, giải thích, vận động để người dân vui vẻ chấp hành chủ trương, thực hiện dự án”.

Theo ông Bình, một trong những giải pháp nêu cao vai trò người đứng đầu là gần 600 đảng viên của xã phải hiểu đầy đủ chính sách thực hiện dự án. Đồng thời, vận động đoàn viên, hội viên trong cả hệ thống chính trị, nhất là đoàn viên hội viên là hộ dân có đất bị thu hồi phải hiểu rõ nhất chủ trương của dự án; qua đó, giải thích cho những thành viên còn lại của gia đình đồng thuận.

Ông Đặng Văn Nghê, Bí thư Chi bộ 7C, Đảng bộ bộ phận khu phố 7, phường 4, quận Tân Bình trước hẻm 91 Trần Quốc Hoàn vừa được nâng cấp. Ảnh: Mạnh Hảo

Ông Đặng Văn Nghê, Bí thư Chi bộ 7C, Đảng bộ bộ phận khu phố 7, phường 4, quận Tân Bình trước hẻm 91 Trần Quốc Hoàn vừa được nâng cấp. Ảnh: Mạnh Hảo

Vì vậy cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, đi đầu và là lực lượng nòng cốt thực hiện Dự án Vành đai 3. Ông Bình ví những việc làm này là những “mũi tiến công”, thể hiện sự hợp lực, quyết tâm trong công tác dân vận, tuyên truyền chủ trương, chính sách đến người dân của cả hệ thống chính trị huyện Hóc Môn khi thực hiện dự án trọng điểm của quốc gia.

Cách làm của Đảng uỷ, Ủy ban nhân dân xã Xuân Thới Sơn đã góp phần lan tỏa hiệu ứng vận động nhân dân, người dân có đất bị thu hồi giao đất đến ba xã còn lại là xã Tân Hiệp, Tân Thới Nhì, Xuân Thới Thượng; qua đó, nâng lên vai trò dân vận của cả hệ thống chính trị huyện Hóc Môn, giúp hoàn thành công tác đền bù, giải tỏa, bàn giao mặt bằng cho chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh.

"Sự lan tỏa điển hình trong nhân dân, kết quả đã tạo được sự đồng thuận, bàn giao mặt bằng của các hộ dân bị ảnh hưởng đạt 100%, vượt tiến độ thành phố giao".

Ông Lê Văn Nghĩa
Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy huyện Hóc Môn

Ông Lê Văn Nghĩa, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy huyện Hóc Môn cho biết: Thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, các văn bản của Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố về chủ trương thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3, Ban Dân vận Huyện ủy đã tham mưu thành lập 4 Tổ công tác do các đồng chí Thường vụ Huyện ủy làm Tổ trưởng.

Từ đó, trực tiếp cùng cơ sở tuyên truyền đến nhân dân về ý nghĩa, vai trò động lực to lớn của dự án đối với sự phát triển của huyện, kết nối Vùng kinh tế trọng điểm phía nam cũng như vận động những trường hợp còn vướng mắc; bám sát cơ sở, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, những ý kiến, kiến nghị của người dân để tham mưu cấp ủy, chính quyền  tổ chức đối thoại trực tiếp, giải quyết kịp thời những vấn đề vướng mắc của người dân bảo đảm hợp tình, hợp lý và đúng quy định của pháp luật với phương châm: "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng".

Hẻm 2 Phan Thúc Duyện, khu phố 7, phường 4, quận Tân Bình trở nên khang trang, sạch đẹp hơn. Ảnh: Mạnh Hảo

Hẻm 2 Phan Thúc Duyện, khu phố 7, phường 4, quận Tân Bình trở nên khang trang, sạch đẹp hơn. Ảnh: Mạnh Hảo

Từ bám sát cơ sở, tiếp xúc, lắng nghe, phát hiện những trường hợp đặc biệt khó khăn, bị giải tỏa trắng, không đủ điều kiện tái định cư, đã phối hợp Huyện ủy đề xuất chủ trương vận động nguồn kinh phí xã hội hóa, Quỹ doanh nhân chung tay vì cộng đồng, Quỹ vì người nghèo để hỗ trợ trao tặng tiền tạm cư, chăm lo với 19 trường hợp, trao tặng một căn nhà tình thương, đề xuất bố trí tái định cư cho 20 hộ đủ điều kiện và có nhu cầu để người dân an tâm, ổn định cuộc sống.

Nhân rộng các gương điển hình được khen thưởng đột xuất trong đoàn viên, hội viên và nhân dân. Từ đó, tạo được sự bắt nhịp, đồng điệu giữa chủ trương của Đảng với nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của người dân trong thực hiện dự án; sự lan tỏa điển hình trong nhân dân, kết quả đã tạo được sự đồng thuận, bàn giao mặt bằng của các hộ dân bị ảnh hưởng đạt 100%, vượt tiến độ thành phố giao.

Thường trực Ban Chỉ huy Dự án Thành phần 2-Sở Tài nguyên và Môi trường đã đề xuất Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh giao Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức, Ủy ban nhân dân các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh tiến hành công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục người dân cung cấp hồ sơ pháp lý, cho phép đo đạc kiểm đếm trước khi ban hành thông báo thu hồi đất trên cơ sở hồ sơ thiết kế cắm cọc (thiết kế ranh) đã được Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt theo Quyết định số 3279/QĐ-UBND ngày 30/9/2022 của Ủy ban nhân dân thành phố.

Kết quả, có 1641/1.689 trường hợp cho đo đạc, kiểm đếm trước khi ban hành thông báo thu hồi đất, đạt tỷ lệ 97,16%, kết quả này thể hiện người dân đồng thuận chủ trương của Nhà nước rất cao.

Đây cũng là một trong những nội dung mà Thành phố Hồ Chí Minh đã mạnh dạn kiến nghị và được Quốc hội chấp thuận đưa vào Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, là cơ sở pháp lý để triển khai và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án có thu hồi đất để phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng trên địa bàn thành phố.

Đối với Ủy ban nhân dân huyện Hóc Môn, huyện đã hoàn thành 100% công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư vào ngày 27 tháng 6 năm 2023, qua đó hoàn thành công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sớm hơn 6 tháng theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 105/NQ-CP. Đây là một nỗ lực rất lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Hóc Môn.

Ông Võ Trung Trực
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường
Thành phố Hồ Chí Minh

Ngày xuất bản:
6/2/2024
Tổ chức thực hiện:
NGUYỄN NGỌC THANH-LÊ NAM TƯ
TẤN VŨ-HỒNG VÂN
Nội dung:
QUÝ HIỀN-MẠNH HẢO-QUANG QUÝ
Trình bày:
NGỌC DIỆP