Đưa bảo hiểm y tế tới người dân vừa thoát nghèo

Tại cuộc họp giao ban toàn quốc của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam tháng năm vừa qua, BHXH tỉnh Cao Bằng được biểu dương có nhiều đổi mới, sáng kiến trong triển khai thực hiện Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT). Trong khi nhiều địa phương, đối tượng tham gia BHYT theo hộ gia đình sụt giảm, tỉnh Cao Bằng vẫn tăng gần 50%.

Khám tai, mũi, họng cho bệnh nhi tại Bệnh viện đa khoa huyện Phục Hòa (Cao Bằng).
Khám tai, mũi, họng cho bệnh nhi tại Bệnh viện đa khoa huyện Phục Hòa (Cao Bằng).

Vừa đặt chân đến cơ quan BHXH tỉnh Cao Bằng, tôi được nhập vào đoàn công tác của đơn vị, đi tuyên truyền chính sách BHYT tại xã Đào Ngạn - xã miền núi thoát nghèo đầu tiên của huyện Hà Quảng. Kế hoạch đợt này tập trung tuyên truyền cho hơn 38 nghìn đối tượng tại 19 xã vừa ra khỏi chính sách xã khó khăn, trong tổng số 35 xã đã thoát nghèo ở các huyện Hà Quảng, Trùng Khánh, Hạ Lang, Quảng Uyên, Phục Hòa, Hòa An và Nguyên Bình. Đây là những đối tượng lâu nay được ngân sách nhà nước mua thẻ BHYT. Nhưng từ cuối năm 2014 do các xã nói trên thoát khỏi vùng khó khăn theo Quyết định 1049/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, cho nên người dân phải tự chi trả tiền tham gia BHYT. Mặc dù Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật BHYT đã triển khai được sáu tháng, nhưng người dân cả nước tham gia BHYT theo hộ gia đình còn hạn chế, do công tác tuyên truyền chưa hiệu quả. Với số đối tượng vừa thoát nghèo tại tỉnh Cao Bằng, vốn chưa thật sự quan tâm đúng mức đến sức khỏe, chưa chú ý nhiều đến các quy định cụ thể trong chính sách về BHYT, việc tuyên truyền để người dân hiểu BHYT đem lại cho họ quyền lợi gì, nếu không tham gia sẽ ảnh hưởng, thiệt hại ra sao, là nhiệm vụ khó khăn đối với cán bộ cơ quan BHXH.

Nhưng, trái ngược với suy nghĩ của chúng tôi, khi xe vừa tới, Hội trường UBND xã Đào Ngạn đã chật kín người. Dù đang vào vụ thu hoạch cây thuốc lá, song bà con vẫn dứt công việc, vượt đường sá xa xôi để đến đây, vậy là họ rất quan tâm đến chính sách của Nhà nước. Bí thư các chi bộ, xóm trưởng, đại diện đoàn thanh niên, hội phụ nữ, cựu chiến binh, hội nông dân có mặt đông đủ. Được biết, BHXH tỉnh Cao Bằng đã khéo gắn trách nhiệm của cả hệ thống chính trị vào triển khai BHYT, bằng cách đề xuất các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể cùng thực hiện nhiệm vụ của Chính phủ giao, hằng tháng báo cáo công khai tiến độ với cấp ủy, chính quyền. Trong cuộc tuyên truyền này, lãnh đạo Đảng ủy, UBND xã Đào Ngạn luôn cùng nghe, cùng giải đáp, kiến nghị tạo thuận lợi nhất để người dân tham gia BHYT. Ngoài ra, địa phương đã giao chỉ tiêu phát triển đối tượng cho từng cán bộ BHXH, từng huyện, từng xã, đưa chỉ tiêu này vào báo cáo đại hội đảng bộ các cấp và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm. Tỉnh ủy và UBND tỉnh đều ban hành kế hoạch thực hiện, với mục tiêu năm 2015 hơn 91% số dân tham gia BHYT, đến năm 2020 có khoảng 96% số dân tham gia. Giờ phổ biến chính sách, chúng tôi thấy Giám đốc Nguyễn Mạnh Tuấn nhấp nhổm, ngồi không yên. Ông chưa hài lòng với những khái niệm chuyên môn "điều trị nội trú, ngoại trú, phân tuyến...", bởi cán bộ chưa biết diễn nôm thế nào để người dân dễ hiểu. Tuyên truyền không phải chỉ trích dẫn lại quy định, cấp kinh phí để treo mấy băng-rôn, đăng mấy bài báo, mà quan trọng nhất là đi về với bà con, nói đơn giản, nghe kỹ càng và kịp thời giải đáp, tháo gỡ vướng mắc khi người dân phản ánh. Kinh phí tuyên truyền của BHXH tỉnh Cao Bằng năm nay tăng gấp 10 lần năm ngoái, có nghĩa là Đảng, Nhà nước và ngành BHXH xác định vai trò quan trọng, thiết thực của công tác tuyên truyền và đặt yêu cầu tạo được sự chuyển biến về nhận thức và ý thức tham gia của người dân về BHYT hộ gia đình. Tại buổi tuyên truyền, người dân thảo luận sôi nổi, đặc biệt quan tâm những quy định mới về BHYT hộ gia đình, nêu những điều chưa bằng lòng về BHYT. Bí thư chi bộ xóm Bản Khoan Đàm Bế Đoan nêu hiện trạng: Thẻ BHYT theo hộ gia đình thì đại lý bưu điện còn cấp chậm, đổi chậm, có khi chờ đợi mất ba tháng, ảnh hưởng việc khám, chữa bệnh. Các ý kiến bức xúc về việc Trạm y tế xã Đào Ngạn chưa làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, như: phải chờ đợi, đi lại nhiều lần xin giấy chuyển tuyến vì trạm trưởng đi vắng; người già ốm chống gậy đến khám, cán bộ y tế hẹn hôm khác vì bận tiêm chủng; thiếu thuốc thiết yếu thông thường như thuốc cảm cúm để cấp cho dân, nhưng lại có bán ở quầy dịch vụ...

Vì đường sá khó khăn, người dân đề nghị, trạm y tế xã đáp ứng đủ thuốc, tránh việc phải đi xa khám, vừa mất tiền, vừa phải nghỉ việc sản xuất. Lãnh đạo BHXH tỉnh Cao Bằng tiếp thu ý kiến của người tham gia BHYT, đề nghị người dân từ nay giám sát chặt chẽ cách phục vụ, chăm sóc sức khỏe của trạm y tế, bệnh viện liên quan BHYT và phản hồi kịp thời tới người có thẩm quyền. Giờ giải lao, một nhóm các chị ở hội nông dân hồ hởi tâm sự: "Nghe cán bộ tuyên truyền, chúng tôi hiểu ra mua BHYT sẽ "không mất cả con trâu", khi vào bệnh viện, kinh tế gia đình không bị ảnh hưởng". Tuy vậy, các chị còn băn khoăn, vào những tháng đầu năm ở Đào Ngạn, hầu như chưa nhà nào có tiền để đóng BHYT, phải đợi đến tháng 5 thu hoạch cây thuốc lá, bán cho thương lái mới có tiền, không biết Nhà nước có cho trả chậm không? Đào Ngạn vừa thoát diện khó khăn, niềm vui nhiều, lo lắng cũng nhiều. Chủ tịch UBND xã Đàm Danh Tuyên ví von: Xã như người vừa vực dậy sau trận ốm, nếu nguồn bồi dưỡng mất đi thì cần nhất là sự chủ động. Chủ động tham gia BHYT là tự chăm lo cho mình, để tránh tái nghèo do đau ốm, trước khi Nhà nước có những hỗ trợ, xem xét khác. Đồng chí Tuyên hy vọng, với truyền thống cách mạng, không cam chịu đói nghèo, không ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, người dân Đào Ngạn sẽ cùng chính quyền thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân. Giờ nhờ trồng cây thuốc lá, thu nhập trung bình của người dân 13,5 triệu đồng/người/năm. Đồng chí Đàm Danh Tuyên kiến nghị, để gắn trách nhiệm của chính quyền địa phương với BHYT hơn, cần có cán bộ văn hóa, cán bộ tư pháp của UBND xã tham gia làm đại lý thu BHYT, giúp UBND xã thuận tiện theo dõi, nắm những sai sót, kịp thời chỉnh sửa. Với đại lý tại bưu điện xã, nếu cấp thẻ chậm, sai sót thông tin, UBND xã cũng khó trả lời người dân ngay vì bưu điện không thuộc bộ máy hành chính của địa phương.

Có thể nói, sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền địa phương từ cấp tỉnh xuống xã, sự đổi mới cách tuyên truyền của ngành BHXH, cùng sự hưởng ứng, ủng hộ của người dân, đã đem lại kết quả 91,5% số dân của tỉnh Cao Bằng tham gia BHYT. Sáu tháng triển khai Luật BHYT, Cao Bằng đã phát triển được hơn 13 nghìn đối tượng tham gia BHYT hộ gia đình. Mục tiêu còn hơn 52 nghìn đối tượng chưa có thẻ BHYT của tỉnh, trong đó tập trung vào 27 nghìn đối tượng chưa tham gia tại 19 xã, trong tổng số 35 xã đã ra khỏi danh sách xã khó khăn. Tuy còn nhiều trăn trở, thách thức, do mặt bằng kinh tế, xã hội chung ở các địa phương chưa phát triển đồng đều, nhưng chúng tôi tin rằng, ngành BHXH tỉnh Cao Bằng với chính sách, thủ tục thuận lợi, công tác tuyên truyền kịp thời, thiết thực, cán bộ có trách nhiệm sẽ dần đẩy lùi các trở ngại và sớm đạt mục tiêu phát triển đối tượng BHYT tại tỉnh miền núi, biên giới này.