Chính sách mở rộng BHXH, BHYT phát huy hiệu quả tại các KCN

Với mức thu nhập trung bình từ 3 đến 4 triệu đồng/tháng như hiện nay, người lao động (NLĐ) trong các Khu công nghiệp, Khu chế xuất (KCN, KCX), chỉ đáp ứng nhu cầu tối thiểu của cuộc sống. Việc tích lũy phòng khi đau ốm, mua nhà hoặc tuổi già đối với họ là điều "trong mơ". Để phòng rủi ro và góp phần ổn định an sinh xã hội cho người lao động, thì BHXH, BHYT chính là chỗ dựa yên tâm nhất. Tuy nhiên, vẫn còn không ít những khó khăn, vướng mắc.

Kiểm tra sức khỏe cho các nữ công nhân tại KCN Hiệp Phước, huyện Nhà Bè (TP Hồ Chí Minh).
Kiểm tra sức khỏe cho các nữ công nhân tại KCN Hiệp Phước, huyện Nhà Bè (TP Hồ Chí Minh).

Mở rộng đối tượng tham gia BHXH, BHYT

Giám đốc BHXH tỉnh Bình Dương Bùi Hữu Phong cho biết, ngay khi có NQ 21 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012 - 2020, BHXH Bình Dương đã tham mưu Tỉnh ủy, UBND ban hành các văn bản hướng dẫn và triển khai đồng bộ, nghiêm túc để toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ về quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với công tác BHXH, BHYT. Đến nay, về cơ bản chính sách BHXH, BHYT đã đạt được kết quả rất khả quan, nhất là ở các KCN tập trung. Tính đến hết năm 2014, BHXH tỉnh Bình Dương ước quản lý hơn 6.000 đơn vị với hơn 750.000 lao động tham gia BHXH, BHYT bắt buộc, chiếm 63,57% lực lượng lao động. Bình quân mỗi năm số tham gia BHXH tăng từ 40.000 đến 45.000 lao động, số tham gia BHYT tăng khoảng 100.000 người.

Theo Ban Quản lý các KCN Bình Dương, hiện có 953/1.028 doanh nghiệp (DN) đang hoạt động tại 26 KCN thực hiện tốt việc mua BHXH, BHYT, BHTN cho 204.438 lao động, đạt 86,56% trên tổng số lao động đã ký hợp đồng. Nhiều DN đang ráo riết hoàn tất hồ sơ mua BHXH, BHYT cho NLĐ, kể cả lao động ký hợp đồng từ ba tháng. Công tác mua BHXH, BHYT cho NLĐ của DN tại KCN Việt Nam - Xin-ga-po (KCN VSIP) được đánh giá là rất tốt. Hiện gần 100% trong tổng số 126.500 lao động tại KCN VSIP đã được mua BHXH, BHYT.

Điển hình là doanh nghiệp Công ty TNHH Hoya Lens Việt Nam (100% vốn Nhật Bản, KCN VSIP II), chuyên sản xuất tròng mắt kính, đã mua BHXH, BHYT cho gần 1.000 công nhân. Chủ tịch Công đoàn Công ty Lê Đức Hùng khẳng định, 100% công nhân được công ty đóng BHXH, BHYT và được trả lương cao hơn so với mức lương tối thiểu của Nhà nước. "Nếu tính các khoản phụ cấp như: nhà ở, chuyên cần, đi lại... mỗi tháng công nhân được nhận hơn 4,5 triệu đồng (chưa kể tiền tăng ca), ngoài ra, mỗi tháng công nhân còn được nghỉ hai ngày thứ bảy". Việc thực hiện đầy đủ chính sách BHXH, BHYT với người lao động đã tạo sự gắn bó với DN, nguồn lực ở công ty cũng ổn định và người lao động không "nhảy cóc" hay "đứng núi này trông núi nọ" đi tìm đơn vị mới có chính sách tốt hơn - chị Hoàng Thị Lan (quê tỉnh Phú Thọ) nói.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Trần Thanh Liêm cho biết, nhìn chung các DN trong các KCN đã thực hiện tốt chính sách BHXH, BHYT cho NLĐ, góp phần tạo ra sự ổn định cho DN. Có thể nói, chính sách mở rộng BHXH, BHYT mới phát huy hiệu quả trong các KCN. Tuy nhiên, trong các KCN, chỉ các doanh nghiệp FDI có 100% vốn nước ngoài là thực hiện khá tốt, còn tại các cụm công nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ và đông đảo tầng lớp nhân dân, dù đã được tuyên truyền, vận động, nhưng NLĐ chưa thật sự hiểu rõ, chưa mặn mà với quyền lợi sát sườn.

Trong khi diện bao phủ BHXH, BHYT tại tỉnh Bình Dương khá cao, thì trên địa bàn tỉnh Đồng Nai còn thấp. Theo số liệu thống kê, trong số gần 1,5 triệu lao động trên địa bàn, số lượng người tham gia BHXH chỉ khoảng 40%. Tại các công ty, doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã, các cơ sở dịch vụ..., bằng nhiều cách vận động, lồng ghép, đến nay, mới có gần 30 nghìn trong tổng số 60 nghìn lao động tham gia BHYT và khoảng 4.000 người tham gia BHXH tự nguyện. Theo lý giải của BHXH tỉnh Đồng Nai, do một số cấp chính quyền, các ngành chưa thật sự quan tâm việc thực hiện các chính sách, chế độ BHXH, BHYT cho NLĐ. Sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan BHXH trong việc thực hiện chế độ BHXH, BHYT chưa đồng bộ, chưa chặt chẽ; thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật BHXH, BHYT còn nhiều hạn chế; nhận thức về nghĩa vụ và quyền lợi thực hiện BHXH, BHYT trong một bộ phận NLĐ, chủ sử dụng lao động và người dân chưa được đầy đủ...

Khó khăn vướng mắc và giải pháp căn cơ

Phó Trưởng phòng Hành chính BHXH tỉnh Đồng Nai Nguyễn Văn Chuông cho rằng: "Để NLĐ không nằm trong đối tượng bắt buộc đóng BHXH, BHYT tham gia là không dễ. Bởi, công việc của họ không ổn định. Khi luật chưa quy định, biện pháp hữu hiệu nhất là vận động, tuyên truyền cho NLĐ, người sử dụng lao động hiểu rõ quyền lợi khi tham gia BHXH, BHYT". Giám đốc BHXH tỉnh Bình Dương Bùi Hữu Phong khẳng định, nhận thức của một bộ phận chủ sử dụng lao động, NLĐ và nhân dân về BHXH, BHYT vẫn còn hạn chế. Một số chủ sử dụng lao động cố tình không tham gia BHXH, BHYT cho NLĐ hoặc tham gia cầm chừng mang tính đối phó. Một số DN cố tình chiếm dụng, không trích đóng, để nợ đọng BHXH, BHYT số tiền lớn, thời gian kéo dài.

Đến cuối tháng 11-2014, trên địa bàn tỉnh Bình Dương, tổng số tiền nợ BHXH, BHYT của các đơn vị sử dụng lao động hơn 725 tỷ đồng. Việc phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT tuy đã có chuyển biến tích cực, nhưng chưa đáp ứng được so với yêu cầu. Số người tham gia BHXH, BHYT bắt buộc và BHXH tự nguyện còn thấp so với số lao động và số dân của tỉnh.

Một khó khăn nữa, tình hình dịch chuyển lao động tại Bình Dương hằng năm rất lớn (so với cả nước gần bằng 60%), nguyên nhân chính do 80% là NLĐ ngoài tỉnh. Số lao động phổ thông này chủ yếu làm trong lĩnh vực dệt may, giày da, chế biến gỗ. Bên cạnh đó, nhiều DN không thực hiện chính sách BHXH, BHYT cho NLĐ, làm hai bên phát sinh mâu thuẫn. Theo BQL các KCN Bình Dương, trong năm 2014 các KCN đã xảy ra 22 vụ ngừng việc tập thể/đình công với số công nhân tham gia 4.160 người. Chất lượng công tác khám chữa bệnh BHYT cũng chưa cao, chưa đáp ứng được sự hài lòng của người bệnh (điều kiện nhân lực, trang thiết bị y tế tại một số đơn vị y tế tuyến cơ sở còn hạn chế; thủ tục hành chính trong khám chữa bệnh BHYT còn rườm rà, tình trạng quá tải, lạm dụng quỹ BHYT vẫn xảy ra ở các cơ sở này; công tác phát hành thẻ BHYT vẫn còn sai sót, trùng lặp ảnh hưởng quyền lợi của người có thẻ; khối lượng công việc và hồ sơ giám định ngày càng tăng, nhưng người có trình độ chuyên môn y, dược còn ít, nên đã ảnh hưởng lớn đến hiệu quả giám định.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Trần Thanh Liêm nhấn mạnh, DN hoạt động cần thấy rõ trách nhiệm tham gia đóng BHXH, BHYT. Bình Dương sẽ tăng cường công tác kiểm tra, lập danh sách theo dõi DN nợ BHXH quá hạn; thông báo nhắc nhở nộp nhiều lần và trực tiếp đến làm việc yêu cầu các công ty đóng BHXH đầy đủ cho NLĐ; phối hợp liên ngành xử lý DN không thanh toán tiền BHXH, nếu cố tình không đóng thì cơ quan BHXH sẽ khởi kiện ra tòa yêu cầu DN chấp hành BHXH theo luật định, kiên quyết bảo đảm quyền lợi chính đáng việc thụ hưởng chế độ của NLĐ. Từ năm 2013 đến nay, BHXH tỉnh Bình Dương đã khởi kiện ra tòa 129 DN nợ trên 50 tỷ đồng tiền BHXH kéo dài, thu hồi được trên 14 tỷ đồng tiền nợ đọng và 1,1 tỷ đồng chi sai chế độ.

Chủ tịch Công đoàn KCN VSIP (Bình Dương) Đặng Thị Kim Chi, đề nghị DN thường xuyên tổ chức các buổi đối thoại với NLĐ nhằm lắng nghe, tiếp thu ý kiến và kịp thời giải quyết các yêu cầu bức xúc; xem xét điều chỉnh nâng lương, thu nhập, BHYT, BHXH và các quyền lợi chính đáng của NLĐ, tạo sự yên tâm, gắn bó giữa NLĐ và DN. Giám đốc BHXH Đồng Nai Lê Ngọc Mai khẳng định, trong năm 2015 sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác phối hợp các ban, ngành, đoàn thể để tuyên truyền, vận động NLĐ, DN tham gia BHYT, BHXH. Chuẩn bị phương án, giải pháp khi Luật BHXH (sửa đổi đã được Quốc hội khóa XIII thông qua tại Kỳ họp thứ tám) có hiệu lực vào đầu năm 2016. Theo đó, sẽ tổ chức tập huấn, triển khai, tư vấn về các quy định BHXH, BHYT cho người sử dụng lao động và NLĐ; kết hợp Liên đoàn Lao động, Sở Lao động -Thương binh và Xã hội, các đoàn thể... tổ chức lồng ghép tuyên truyền, vận động người lao động, DN hiểu rõ lợi ích việc tham gia BHXH, BHYT, nhất là ở các KCN, địa bàn dân cư đông công nhân, NLĐ. Đồng thời, mở rộng đối tượng tham gia BHXH, BHYT bắt buộc là NLĐ có hợp đồng lao động từ 1 đến 3 tháng. BHXH Đồng Nai dồn toàn lực để tuyên truyền, vận động có chiều sâu, trọng điểm cho NLĐ, người sử dụng lao động hiểu rõ để tham gia...