Bất cập bảo hiểm y tế cho học sinh, sinh viên

Mục tiêu đến cuối năm 2015, 100% số học sinh, sinh viên (HSSV) cả nước tham gia bảo hiểm y tế (BHYT). Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn còn 20% số HSSV chưa tham gia BHYT do nhiều bất cập trong tuyên truyền và cơ chế triển khai.

Y, bác sĩ Bệnh viện đa khoa TP Vĩnh Yên khám bệnh cho học sinh Trường THPT Võ Thị Sáu (Vĩnh Phúc). Ảnh: TRỌNG HÙNG
Y, bác sĩ Bệnh viện đa khoa TP Vĩnh Yên khám bệnh cho học sinh Trường THPT Võ Thị Sáu (Vĩnh Phúc). Ảnh: TRỌNG HÙNG

Trong quá trình tìm hiểu việc triển khai BHYT tại các trường học, chúng tôi được nghe nhiều băn khoăn của những người trong cuộc. Một giáo viên Trường tiểu học Chu Văn An (Hà Nội) cho biết, nhiều năm nhà trường phải bỏ tiền ra mua BHYT cho những trường hợp học sinh không tham gia để đủ chỉ tiêu được giao, còn việc tuyên truyền mới dừng ở việc phát thông báo về mức tiền nộp tới gia đình học sinh. Chi phí hoa hồng mà nhà trường được "cắt" lại cũng không đáng kể nên chưa khích lệ được sự quan tâm của nhà trường tới công tác này. Trong khi đó, một cán bộ bảo hiểm xã hội (BHXH) ở một tỉnh miền núi kể, để vào được các trường triển khai chính sách BHYT khá khó khăn, do nhà trường cho rằng đó là việc riêng ngành BHXH. Hay như một sinh viên năm cuối Trường đại học Ngoại thương tâm sự, em không biết thế nào là BHYT bắt buộc, thế nào là bảo hiểm thân thể dù năm học nào nhà trường cũng yêu cầu đóng hai khoản này. Không ít phụ huynh có con học tiểu học, trung học cơ sở ở Hà Nội khi nghe chúng tôi hỏi cũng không phân biệt được hai loại bảo hiểm nói trên dù quyền lợi, cách thức bảo hiểm khác nhau.

Thực trạng trên cho thấy công tác tuyên truyền để HSSV và các bậc phụ huynh hiểu về BHYT chưa đạt yêu cầu. Con số 20% số HSSV chưa tham gia BHYT (tương đương 3,2 triệu HSSV) cho thấy một nghịch lý là đối tượng truyền thống, tiềm năng nhất của BHYT bắt buộc lại có mức bao phủ chưa vượt trội so với các nhóm đối tượng khác. HSSV là thế hệ tương lai cần chăm sóc sức khỏe, có trình độ để tiếp thu tuyên truyền nhưng lại chưa quan tâm đến một chính sách quan trọng về sức khỏe. Mặc dù tỷ lệ sinh viên tăng đều qua các năm nhưng Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) Phạm Lương Sơn đánh giá, con số 3,2 triệu HSSV chưa tham gia BHYT là cao.

Tại hội nghị về thực hiện chính sách BHYT sáu tháng đầu năm 2015, khi đánh giá nguyên nhân tỷ lệ bao phủ BHYT HSSV chưa đạt mục tiêu đề ra, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) Nguyễn Thị Nghĩa cho rằng, nguyên nhân chính là do nhận thức của HSSV về ý nghĩa của BHYT chưa cao; việc tập trung sinh viên khó khăn do nhiều lớp học theo tín chỉ; một số HSSV gia đình khó khăn; trách nhiệm của lãnh đạo nhà trường chưa cao trong tuyên truyền về BHYT... Cũng tại hội nghị này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nêu một nghịch lý khác là tình trạng sinh viên gia cảnh không khó khăn nhưng vẫn chưa tham gia BHYT. Từ đó, yêu cầu ngành giáo dục phải làm rõ số đối tượng HSSV còn lại chưa tham gia BHYT thuộc diện nào, có khó khăn hay không để có giải pháp tuyên truyền hoặc hỗ trợ phù hợp.

Một trở ngại khác của BHYT HSSV là cơ chế tài chính hỗ trợ chưa phù hợp. Theo quy định của Luật BHYT hiện nay, HSSV thuộc nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng 30%, HSSV tự đóng 434.700 đồng/năm. Với những gia đình kinh tế khó khăn, mức đóng này là cao so với mức cũ là 289.800 đồng. Một cán bộ BHXH tỉnh Cao Bằng cho biết, mức đóng mới này tại khu vực thành phố ở các tỉnh miền núi như Cao Bằng là rất cao, do đó cần có sự điều chỉnh để HSSV vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn được hỗ trợ nhiều hơn. Cùng quan điểm này, Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT Phạm Lương Sơn cho rằng, mức hỗ trợ của ngân sách đồng đều 30% là chưa hiệu quả. BHXH Việt Nam đã nhiều lần đề nghị nâng lên hoặc có thể vẫn duy trì 30% nhưng khu vực thành thị 20%, giành 50% cho các đối tượng HSSV khó khăn ở khu vực nông thôn.

Để tạo sự chuyển biến trong công tác BHYT HSSV, Bộ GD và ĐT đang xây dựng thông tư về BHYT để ban hành và áp dụng trong năm học tới, trong đó giao trách nhiệm, chỉ tiêu cho các trường và kết quả thực hiện sẽ là tiêu chí đánh giá thi đua của nhà trường và rèn luyện của học sinh. Bộ GD và ĐT cũng đề nghị nâng mức vay tín dụng cho sinh viên từ 1,1 triệu đồng/tháng/người lên 1,3 triệu đồng để sinh viên có điều kiện tham gia BHYT. Ngành giáo dục phấn đấu cuối năm 2015 có hơn 95% số học sinh và 92% số sinh viên tham gia BHYT, đạt 100% số HSSV tham gia vào năm 2016. Thiết nghĩ, tăng tỷ lệ HSSV tham gia BHYT cần tương ứng với sự hiểu biết của thế hệ tương lai về ý nghĩa tương thân, tương ái của tấm thẻ BHYT và về một chính sách xã hội nhân văn.