Hệ sinh thái mới

cho người lao động

Ảnh: Công Phong

Ảnh: Công Phong

Nếu như dịch Covid-19 với những hệ lụy của nó là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến dòng người lao động “chảy ngược” về quê nhà bằng mọi cách, thì sự mất cân đối về cơ cấu lao động, những bất cập trong quản lý đô thị, cũng như chính sách an sinh xã hội còn thiếu hụt là những khiếm khuyết cố hữu khiến cho thị trường lao động mong manh hơn. Muốn tăng tính bền vững cho thị trường đặc biệt này, cần xác định xây dựng hệ sinh thái cho người lao động là một trụ đỡ mới trong chiến lược cơ cấu lại nền kinh tế.

Lượng giảm


Không phải đến tận bây giờ những nhược điểm cố hữu của thị trường lao động Việt Nam mới được nhận diện, nhưng trong những ngày vừa qua, khiếm khuyết, mong manh ấy hiển hiện rõ hơn. Ấy là khi, ngay trước mùa cao điểm sản xuất kinh doanh cuối năm, dòng người lao động đã và đang ồ ạt chảy đi khỏi các trung tâm sản xuất của vùng kinh tế trọng điểm phía nam, tỏa về khắp các địa phương trên cả nước, đặt nền kinh tế trước rủi ro đứt gãy chuỗi lao động.

Quý IV thường là thời điểm các doanh nghiệp hoạt động hết tốc lực để hoàn thành đơn hàng. Tuy vậy, đến đầu tháng 11 này, các doanh nghiệp vẫn khó có thể phục hồi năng lực sản xuất do thiếu hụt lao động, đặc biệt lao động có kỹ năng. Có thể sẽ phải mất một năm hoặc lâu hơn nữa thị trường lao động mới lại trở về mức gần như “bình thường cũ”.

Khoảng 3.000 hướng dẫn viên du lịch gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã được nhận hỗ trợ của Chính phủ. Ảnh: baochinhphu.vn

Khoảng 3.000 hướng dẫn viên du lịch gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã được nhận hỗ trợ của Chính phủ. Ảnh: baochinhphu.vn

Đơn cử như ngành du lịch Việt Nam - bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh, có thể còn lâu hơn nhiều. Theo các chuyên gia trong ngành này, năm 2020 và phần lớn thời gian trong ba quý của năm 2021, 90% số doanh nghiệp lữ hành tạm dừng hoạt động, 10% số doanh nghiệp hoạt động cầm chừng. Các doanh nghiệp lớn chỉ bố trí khoảng 30% số nhân sự trực tại công ty, nhân viên được cho nghỉ không hưởng lương hoặc giảm đến 80% lương. Doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ làm dịch vụ tour phần lớn cho nghỉ việc 100% số lao động. Người lao động ngành du lịch bắt buộc phải chuyển đổi ngành nghề khác để kiếm sống và các chuyên gia dự báo phải mất tới 5 năm lực lượng nhân lực du lịch mới phục hồi.

Ảnh: quochoi.vn

Ảnh: quochoi.vn

Tuy Việt Nam vẫn đang trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng (với số người trong độ tuổi lao động nhiều gấp hai lần số người ngoài tuổi lao động), nhưng xu hướng già hóa dân số lại diễn ra khá nhanh. Quy mô lực lượng lao động tăng từ 51,72 triệu người năm 2011 lên 54,45 triệu người năm 2016 và đạt 54,84 triệu năm 2020. Quy mô tăng, nhưng tốc độ tăng giảm dần trong ba năm trở lại đây, chủ yếu do tác động của già hóa dân số, đặt ra thách thức cho phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ tới, đặc biệt là việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để góp phần tăng năng suất lao động và giải quyết việc làm phù hợp cũng như bảo đảm an sinh xã hội.
TS Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội

Chất chưa tăng


Mặc dù thị trường lao động Việt Nam giai đoạn 2016-2020 đã có sự chuyển dịch mạnh mẽ, gắn với hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, song cơ cấu và chất lượng nhân lực có kỹ năng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, chưa gắn bó hữu cơ với nhu cầu nhân lực của từng ngành, từng địa phương; chưa đáp ứng nhu cầu nhân lực kỹ thuật chất lượng cao cho sản xuất và thị trường lao động; mối quan hệ thị trường và doanh nghiệp còn lỏng lẻo. Tỷ lệ lao động qua đào tạo từ ba tháng trở lên có văn bằng chứng chỉ mới đạt 24,5% (năm 2020).

Dự thảo kế hoạch phục hồi kinh tế sau đại dịch đang được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trình Chính phủ xem xét ban hành đề cập đến việc tập trung hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, tư vấn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa; đào tạo, tư vấn khởi nghiệp... Video clip: Truyền hình Nhân Dân - Nhân Dân cuối tuần.

Dự thảo kế hoạch phục hồi kinh tế sau đại dịch đang được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trình Chính phủ xem xét ban hành đề cập đến việc tập trung hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, tư vấn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa; đào tạo, tư vấn khởi nghiệp... Video clip: Truyền hình Nhân Dân - Nhân Dân cuối tuần.

Đây lại là chỉ số đặc biệt quan trọng trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, khi Việt Nam đã hội nhập sâu với thế giới và tham gia hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới. Mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp vẫn còn chồng chéo, phân tán, trùng lắp ngành, nghề đào tạo; chưa có cơ chế bảo đảm hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp…

Doanh nghiệp điện tử tìm cơ hội trở thành “nhà cung cấp linh kiện” cho các đối tác ngay tại thị trường nội địa. Ảnh: Samsung

Doanh nghiệp điện tử tìm cơ hội trở thành “nhà cung cấp linh kiện” cho các đối tác ngay tại thị trường nội địa. Ảnh: Samsung

Về nguyên tắc, để tối ưu hóa thị trường lao động, tạo đà phát triển kinh tế, có ba lĩnh vực lớn cần được quan tâm. Đó là các nền tảng cơ bản bao gồm sự ổn định kinh tế vĩ mô, môi trường kinh doanh thuận lợi, tích tụ nguồn nhân lực và Nhà nước pháp quyền; các chính sách liên quan lao động (cơ chế quản lý và các mối quan hệ lao động); các ưu tiên để phát huy sáng kiến nhằm khuyến khích tạo công ăn việc làm cụ thể. Trong đó, định hướng về các nền tảng cơ bản là yếu tố quan trọng nhất để phát triển thị trường lao động, tạo nhiều công ăn việc làm.

Covid-19 đã làm thay đổi căn bản bài toán lao động trong các doanh nghiệp cũng như tư duy về chính sách lao động. Xây dựng hệ sinh thái cho người lao động cần được coi như một trụ đỡ mới trong chiến lược cơ cấu lại nền kinh tế.

Khi quan hệ cung - cầu đã khác


Trong kế hoạch hoạt động trở lại của nhiều doanh nghiệp, số lao động cần có đã không còn như trước khi dịch bệnh diễn ra. Có nhiều lý do, giảm đơn hàng, công suất nhà máy chưa trở lại 100%, chi phí lao động gia tăng... Bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam cho biết, phần lớn doanh nghiệp trong ngành đang rơi vào tình trạng thiếu lao động trầm trọng, nên phải nỗ lực liên hệ với lao động của mình mời quay lại. Đây cũng là vấn đề vướng mắc đối với các doanh nghiệp dệt may, da giày, sản xuất đồ gỗ...

Tỉnh Long An hiện có 756 doanh nghiệp đang thực hiện sản xuất theo phương án “3 tại chỗ”. Ảnh: Bùi Giang

Người lao động tham gia phỏng vấn tìm việc làm tại phiên giao dịch do Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Hà Nam tổ chức. Ảnh: Đại Nghĩa

Tỉnh Long An hiện có 756 doanh nghiệp đang thực hiện sản xuất theo phương án “3 tại chỗ”. Ảnh: Bùi Giang

Người lao động tham gia phỏng vấn tìm việc làm tại phiên giao dịch do Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Hà Nam tổ chức. Ảnh: Đại Nghĩa

Tuy nhiên, khác với thời điểm đầu tháng 10/2021, kể từ khi có Nghị quyết 128/NQ-CP, Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch Covid-19” cùng với sự vào cuộc của các địa phương, doanh nghiệp không còn đơn độc trong bài toán thiếu hụt nguồn lao động nữa. Đã có nhiều chính sách hỗ trợ lao động, các gói tín dụng cho doanh nghiệp cải thiện dòng tiền giúp giảm gánh nặng lao động. Nhưng bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam đang nhìn thấy những đổi khác trong các lời giải cho bài toán lao động.

Tổ chức sản xuất "3 tại chỗ" để bảo đảm phòng chống dịch Covid-19 tại Long An. Ảnh: Duy Linh

Tổ chức sản xuất "3 tại chỗ" để bảo đảm phòng chống dịch Covid-19 tại Long An. Ảnh: Duy Linh

“Khi làm việc để tìm hiểu về thực trạng lao động, có doanh nghiệp nói, họ sẽ chỉ cần 300 lao động để vận hành 100% công suất, thay vì 400 người như trước dịch. Bài toán năng suất lao động, đầu tư công nghệ đã được đặt ra”, bà Mai nhấn mạnh.

Nhiều doanh nghiệp cũng đưa ra các cam kết cụ thể với người lao động quay lại làm việc, như hỗ trợ tìm nhà trọ mới hay các chế độ về y tế, phòng dịch đều được ưu tiên. Ông Trần Việt Anh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn cho rằng, đây là bài toán dài hạn mà chính quyền địa phương cũng như Chính phủ phải tính. “Hiện tại, chúng tôi rất trông chờ chính sách hỗ trợ xây dựng nhà ở cho công nhân, cho công nhân vay tiền mua nhà... Quan điểm của tôi là chính sách này phải được ưu tiên thực hiện sớm”, ông Anh kiến nghị.

Đây là thời điểm tốt để thực hiện các cải tiến về công nghệ, quản trị, nếu được hỗ trợ chi phí đào tạo lao động, các doanh nghiệp sẽ có thêm nguồn lực thực hiện luôn, thay vì thực hiện thông qua các cơ sở đào tạo nghề.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam

Khoảng trống nhân lực 4.0


Để chuẩn bị lực lượng lao động đáp ứng yêu cầu công nghiệp 4.0, một trong những yêu cầu đặt ra là cần có chiến lược đào tạo và đào tạo lại lực lượng lao động. Muốn vậy, không chỉ các cơ quan nhà nước, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, mà chính các doanh nghiệp cũng phải nhập cuộc mạnh mẽ.

Trong khuôn khổ Diễn đàn đa phương (MSF) 2021 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Samsung Việt Nam tổ chức với sự hỗ trợ kỹ thuật của Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD-VCCI) và Viện Phát triển sức khỏe cộng đồng Ánh Sáng (LIGHT), nhóm nghiên cứu của VCCI đã thực hiện một nghiên cứu về “Thực trạng tham gia của doanh nghiệp tại Việt Nam trong nâng cao năng lực cho người lao động phục vụ công nghiệp 4.0 và hàm ý cho hợp tác công tư”.

Lực lượng lao động cần được trang bị nhiều kỹ năng, đáp ứng yêu cầu thực tế. Ảnh: Đăng Khoa

Lực lượng lao động cần được trang bị nhiều kỹ năng, đáp ứng yêu cầu thực tế. Ảnh: Đăng Khoa

Hiện có đến gần một nửa số doanh nghiệp chưa có sự chuẩn bị gì về lực lượng lao động cho công nghiệp 4.0 và 39,4% số doanh nghiệp mới dừng lại ở giai đoạn xây dựng kế hoạch. Chỉ có 11,8% số doanh nghiệp khảo sát đã có kế hoạch về lực lượng lao động nhưng chưa triển khai và 6% số doanh nghiệp đã có kế hoạch và đang triển khai có kết quả. Thực tế từ cuộc khảo sát này cho thấy, các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa đã chậm trễ trong việc chuẩn bị lực lượng lao động cho công nghiệp 4.0.

Trong hợp tác với các cơ sở đào tạo, doanh nghiệp chủ yếu liên kết hoặc đặt hàng cơ sở đào tạo. Doanh nghiệp vẫn chưa tham gia sâu hơn vào các khâu như tham gia xây dựng chương trình, cử cán bộ chuyên gia tham gia giảng dạy, đến khâu đánh giá kết quả đầu ra của đào tạo. Đây cũng là điều mà các doanh nghiệp mong muốn sẽ được tham gia nhiều hơn trong tương lai.

Có gần 80% số doanh nghiệp đã thực hiện đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho người lao động. Doanh nghiệp dành nhiều sự quan tâm nhất trong đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao thêm một số kỹ năng mà người lao động đã sẵn có, tiếp đó là đào tạo cho lao động chưa có kỹ năng. Doanh nghiệp coi trọng hơn vai trò của các cơ sở đào tạo bên ngoài trong việc đào tạo các kỹ năng mới, kỹ năng liên quan đến công nghiệp 4.0, còn những việc đào tạo cho lao động chưa có kỹ năng hay nâng cao kỹ năng thì doanh nghiệp có xu hướng tự làm nhiều hơn.

Nhà máy sản xuất đồ gia dụng Tập đoàn Sunhouse (Quốc Oai, Hà Nội). Ảnh: Duy Linh

Nhà máy sản xuất đồ gia dụng Tập đoàn Sunhouse (Quốc Oai, Hà Nội). Ảnh: Duy Linh

Mặc dù tỷ lệ doanh nghiệp có hợp tác với các cơ sở đào tạo bồi dưỡng lao động bên ngoài vẫn còn hạn chế, nhưng hai phần ba doanh nghiệp từng thực hiện hợp tác trong đào tạo đánh giá kết quả tương đối khả quan. Các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp lớn, vẫn chú trọng nhiều hơn vào sự liên kết với các doanh nghiệp cùng lĩnh vực hoặc cùng chuỗi cung ứng để cùng đào tạo nâng cao năng lực cho người lao động, vì hơn ai hết, họ là người hiểu rõ nhu cầu của doanh nghiệp và khả năng của người lao động trong doanh nghiệp cũng như trong chuỗi cung ứng. Mô hình hợp tác theo các dự án hỗ trợ của nhà nước cũng được nhiều doanh nghiệp quan tâm. Bởi họ cho rằng, Nhà nước có vai trò quan trọng trong thúc đẩy liên kết giữa doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo thông qua định hướng phát triển các kỹ năng nghề theo chiến lược phát triển kinh tế, hoặc hỗ trợ về mặt tài chính.

Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2022 -2025 đã có nhiều nội dung liên quan phát triển nguồn nhân lực, nhưng vẫn tản mát ở các lĩnh vực. Tuy nhiên, đây không còn là nhiệm vụ của một bộ, ngành nào, mà là việc của quốc gia với tư duy là hệ sinh thái cho lực lượng lao động, chứ không chỉ đơn thuần là quan hệ cung - cầu lao động.
Ông Phan Đức Hiếu, đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình

Tạo động lực cạnh tranh tốt hơn


Nhìn nhận tầm quan trọng của vấn đề lao động việc làm, dự thảo kế hoạch phục hồi kinh tế sau đại dịch đang được Chính phủ xem xét, ban hành đã đề cập đến việc tập trung hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, tư vấn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa; đào tạo, tư vấn khởi nghiệp... Dự kiến kinh phí dành cho nhiệm vụ này khoảng 300 tỷ đồng trong hai năm 2022-2023 (từ nguồn ngân sách nhà nước và xã hội hóa).

Công nhân được đo thân nhiệt trước khi vào làm việc tại KCN Nhơn Trạch 3 (Đồng Nai). Ảnh: Thiên Vương

Công nhân được đo thân nhiệt trước khi vào làm việc tại KCN Nhơn Trạch 3 (Đồng Nai). Ảnh: Thiên Vương

Để bù đắp sự thiếu hụt nhân lực, sẽ tạm ngừng áp dụng Điều 107 Bộ luật Lao động quy định về làm thêm giờ đến hết ngày 31/12/2022, nhưng không quá 50% số giờ làm việc bình thường theo quy định về thời giờ làm việc của doanh nghiệp, đồng thời quy định mức lương làm thêm giờ đối với số giờ làm thêm vượt quá số giờ làm thêm theo quy định tại Điều 107 Bộ luật Lao động.

Cùng với đó, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phối hợp xây dựng chương trình đào tạo chuyên ngành liên quan chuyển đổi số, kinh tế số tại các trường cao đẳng và đại học; xây dựng chương trình “học từ làm việc thực tế”, trong đó cơ quan Nhà nước là cầu nối giữa các trường đại học, cao đẳng, cơ sở đào tạo và doanh nghiệp để xây dựng chương trình đào tạo nguồn nhân lực theo yêu cầu thực tế và đặt hàng của doanh nghiệp; tổ chức các chương trình thực tập ngắn hạn, thường xuyên để tăng cơ hội tiếp xúc nghề nghiệp cho sinh viên, từ đó định hướng tốt hơn cho công việc tương lai. Thêm nữa, cần đẩy mạnh hoạt động của các sàn giao dịch việc làm trực tuyến, cung cấp thông tin chính xác để người lao động và doanh nghiệp dễ dàng kết nối.

Cải thiện điều kiện làm việc, chính sách an toàn, vệ sinh lao động; trợ cấp thất nghiệp và bảo vệ việc làm cũng như ngăn chặn các hành vi lợi dụng kẽ hở pháp luật để kinh doanh phi đạo đức, vi phạm pháp luật, như trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động; bảo đảm đền bù cho người lao động trong trường hợp tai nạn… đều là những nhiệm vụ hết sức quan trọng cần đến bàn tay điều hành quyết đoán của nhà nước.

Đại dịch Covid-19 đã bộc lộ nhiều điểm yếu của thị trường lao động hiện nay mà một trong số đó, theo tôi, là sự thiếu vắng một hệ thống cơ sở dữ liệu lao động có tính kết nối, liên thông giữa bốn “nhà”: chủ sử dụng lao động - đơn vị đào tạo - người lao động - cơ quan quản lý nhà nước. Hệ thống cơ sở dữ liệu đó không chỉ là công cụ tìm kiếm hữu hiệu kiểu “người tìm việc, việc tìm người”, mà còn có thể cho chúng ta nắm rõ các trường đang đào tạo những loại lao động nào với số lượng bao nhiêu. Các khu kinh tế, khu công nghiệp, lao động dịch vụ trên toàn quốc có nhu cầu bao nhiêu lao động với những tiêu chí, tiêu chuẩn thế nào, thậm chí là thời điểm nào. Vì hiện nay tính mùa vụ của thị trường lao động Việt Nam cũng rất cao.
Bà Đỗ Thị Lan, Phó Chủ nhiệm Ủy ban xã hội của Quốc hội
Từ việc làn sóng người lao động rời bỏ thị trường lao động để về quê, chúng ta thấy được những nhược điểm trong chính sách về thị trường lao động và an sinh xã hội cần được khắc phục như: Vấn đề an sinh xã hội cho người lao động ngoại tỉnh vẫn chưa được thực hiện tốt; hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về thị trường lao động chưa được liên thông, đồng bộ. Do vậy, trong thời gian tới, để thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống, dịch vừa phát triển kinh tế, nhất là các giải pháp về bảo đảm lao động cho sản xuất kinh doanh, chúng ta cần tập trung vào việc giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, chăm lo tốt cho đời sống người lao động, để họ yên tâm quay trở lại làm việc. Đồng thời thực hiện tốt các mục tiêu hỗ trợ phục hồi thị trường lao động...
Thứ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh

Ngày xuất bản: 15/11/2021
Tổ chức sản xuất: VŨ MAI HOÀNG
Nội dung: LƯU HƯƠNG GIANG, VĂN HỌC, TRUNG HIẾU, CẨM HÀ, MINH ÁNH, KHÁNH TOÀN, DƯƠNG MINH ANH
Trình bày: PHAN ANH, DUY LONG