Hệ lụy lâu dài

Viện Nghiên cứu tài khóa (IFS) có trụ sở tại Anh cảnh báo, hàng triệu trẻ em ở Anh sẽ chịu thiệt thòi trong suốt cuộc đời do bất bình đẳng về giáo dục gia tăng trong thời gian dịch Covid-19 hoành hành.
0:00 / 0:00
0:00
Biếm họa: MIGUEL MORALES MADRIGAL
Biếm họa: MIGUEL MORALES MADRIGAL

Đại dịch Covid-19 không chỉ phơi bày sự bất bình đẳng về mức thu nhập cùng khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe của người dân các nước, mà còn cả sự bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục. Do dịch bệnh, nhiều học sinh phải bỏ học giữa chừng vì kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn. Sự bất bình đẳng về giáo dục dẫn đến những khác biệt về cơ hội phát triển trong tương lai. Theo IFS, ở độ tuổi 40, các nhân viên có bằng cấp trung bình của Anh có mức thu nhập cao gấp đôi so những người đạt Chứng chỉ giáo dục phổ thông trung học (GCSE) hoặc thấp hơn.

Nghiên cứu mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa LHQ (UNESCO) cho thấy, đại dịch Covid-19 đang gây ra “cú sốc” với nền giáo dục toàn cầu, khi có đến 70% số trẻ em 10 tuổi ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình không thể hoàn thành một bài kiểm tra về kỹ năng đọc cơ bản. Sự gián đoạn học hành có thể khiến thế hệ trẻ hiện nay mất 21.000 tỷ USD thu nhập trong suốt cuộc đời. Hệ lụy của việc đóng cửa trường học do dịch bệnh còn là gia tăng lao động trẻ em hay tình trạng tảo hôn và mang thai ở trẻ vị thành niên.

Nhờ thành quả đạt được trong chiến dịch phủ sóng vaccine toàn cầu, hiện nay dịch Covid-19 dần được kiểm soát và nhiều nơi trên thế giới đã mở cửa trở lại trường học. Tuy vậy, giới chuyên gia cảnh báo, nếu các trường học không bù đắp lỗ hổng kiến thức của học sinh, sinh viên trong thời đại dịch thì sẽ dẫn tới nguy cơ làm giảm thu nhập của họ sau này, kéo theo sự bất bình đẳng kinh tế trên toàn cầu. Ngoài ra, việc tiêm vaccine cho trẻ em cũng là tấm lá chắn hữu hiệu và thiết yếu để bảo vệ trẻ em, tạo ra môi trường học tập an toàn và hạn chế nguy cơ gián đoạn học tập vì dịch bệnh.

Thế hệ trẻ là tương lai của nhân loại. Đại dịch Covid-19 đang khiến những “mầm xanh” này lỡ mất nhiều cơ hội học tập, phát triển kỹ năng và có nguy cơ trở thành một “thế hệ mất mát”, như những quan ngại của các chuyên gia giáo dục.