Hạt mưa trên vành mũ

Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Hồng Nghi (1918-1991) là người có nhiều đóng góp quan trọng cho nền điện ảnh cách mạng. Ông là Tổng Thư ký đầu tiên của Hội Điện ảnh Việt Nam, đạo diễn chính (cùng với nghệ sĩ Phạm Hiếu Dân) bộ phim truyện điện ảnh đầu tiên của điện ảnh Việt Nam Chung một dòng sông; đạo diễn của nhiều bộ phim tài liệu quan trọng, là người được vinh dự chụp ảnh và quay phim Bác Hồ trong thời gian Bác ở Việt Bắc. Kỷ niệm 31 năm ngày ông rời xa cõi tạm (28 tháng Chạp năm Canh Ngọ- tức ngày 10/2/1991), Nhân Dân cuối tuần đăng tải bài viết về niềm đam mê nhiếp ảnh- vốn là “tình yêu đầu tiên” trên con đường nghệ thuật đậm dấu ấn của người nghệ sĩ tài hoa.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh, đạo diễn Nguyễn Hồng Nghi chụp ảnh Bác Hồ tại chiến khu Việt Bắc, năm 1947. Ảnh tư liệu

Nghệ sĩ nhiếp ảnh, đạo diễn Nguyễn Hồng Nghi chụp ảnh Bác Hồ tại chiến khu Việt Bắc, năm 1947. Ảnh tư liệu

Những năm cuối thập kỷ 30, đầu thập kỷ 40 thế kỷ trước, tên tuổi của những: Antonce Giàn (ở Sài Gòn cũ), Trương Cam Khuyến (ở Hà Nội) chuyên về ảnh chân dung; Võ An Ninh, Lê Đình Chữ, Nguyễn Duy Kiên chuyên về ảnh phong cảnh được công chúng thẩm mỹ ở Thủ đô mến mộ. Riêng Võ An Ninh, ảnh của ông thường xuyên “ngự trị” trên các tờ: Trung Bắc tân văn, Loa và Tiểu thuyết Thứ năm. Ông có điều kiện, có hoàn cảnh được “đi nhiều”. Và ông có nhiều ảnh đẹp.

Nạn đói xảy ra ở nước ta đúng lúc phát-xít Nhật đem quân vào Đông Dương. Năm 1945, nạn đói càng trở nên trầm trọng hơn. Trước thảm cảnh đó, với sự nhạy bén của người làm báo, ông Võ An Ninh đã hoàn thành thiên phóng sự ảnh về nạn đói, trở thành tư liệu lịch sử vô giá cho chúng ta.

Nạn đói năm Ất Dậu 1945. Ảnh: Võ An Ninh

Nạn đói năm Ất Dậu 1945. Ảnh: Võ An Ninh

Vào khoảng năm 1940 hay 1941 gì đó, tình cờ tôi được nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Năng An rủ về Nam Định thăm chơi gia đình ông. Và cũng chính thời gian đó ông An cho tôi dịp làm quen với… ông chủ hiệu ảnh Asie Photo ở Nam Định. Nghĩa là khi đó hầu như chưa ai biết đến cái tên… Hồng Nghi – nhà nhiếp ảnh nghệ thuật.

Ngay buổi đầu, con người của Hồng Nghi đã làm tôi phải chú ý bởi tính cách xởi lởi, sự rộng mở của một tâm hồn khác biệt. Với nét mặt ít khi vắng nụ cười, mái tóc gợn sóng xõa xuống trán, cặp kính cận dầy cộp vẫn không che lấp đôi mắt luôn cười và dịu hiền.

Trở về (1961). Ảnh: Nguyễn Hồng Nghi

Vịnh Hạ Long (1962). Ảnh: Nguyễn Hồng Nghi

Trở về (1961). Ảnh: Nguyễn Hồng Nghi

Vịnh Hạ Long (1962). Ảnh: Nguyễn Hồng Nghi

Năm 1942, Hồng Nghi từ Nam Định mang tác phẩm về Hà Nội cùng tổ chức một triển lãm ảnh. Chúng tôi thành bộ ba: Tranh, An và Nghi. Và gần như ngay lập tức, cùng các bạn, tên tuổi ông nổi lên như một “hiện tượng” trong nền nhiếp ảnh nghệ thuật của Thủ đô thời bấy giờ.

Giới báo chí cả nước và công chúng yêu nghệ thuật của Hà Nội không ngớt lời ưu ái. Nhà danh họa quá cố Tô Ngọc Vân đã sốt sắng viết bài trên báo Thanh Nghị. Ông chia sẻ vui mừng của mình với nền nghệ thuật mới mẻ này (vào thời điểm đó ở nước ta). Họa sĩ thận trọng, tế nhị phát biểu bằng những lời lẽ đầy trách nhiệm và mực thước của một nghệ sĩ lớn.

Ngay đến báo chí của Pháp lúc bấy giờ thường không muốn nhìn nhận tài năng của “người bản xứ”, vậy mà một tờ nhật báo Pháp khi ấy cũng có bài nhận xét thẳng thắn, đánh giá tác phẩm của Hồng Nghi với tấm lòng vô tư đầy ưu ái. Các báo chí hằng ngày của Thủ đô đều có bài bình luận, ca ngợi…

Tác phẩm của Hồng Nghi không nhiều, nhưng những gì mà ông cho “ra mắt công chúng” đều mang vẻ dáng riêng, lấp lánh một tâm hồn thơ…

Mỗi chuyến đi, với Hồng Nghi-như chính những ghi chép còn lưu lại trên nhiều tác phẩm, là thời gian ông được đem học vấn, hiểu biết và kinh nghiệm nghề nghiệp, để phục vụ sáng tác. Ảnh “đoàn ngựa thồ” nhấp nhô ở đầu núi cao chót vót, vòng vèo một con đường nhỏ hẹp, xa xa là dãy núi trập trùng mờ sương, bảng lảng như ẩn như hiện trong buổi sáng tinh mơ, với những đường nét của một bố cục thanh thoát, lãng đãng như giăng tơ, lâng lâng, lắng trầm….

Trên nhà sàn Lai Châu (1973). Ảnh: Nguyễn Hồng Nghi

Bộ đội về làng (Đại Từ, Thái Nguyên, năm 1951). Ảnh: Nguyễn Hồng Nghi

Trên nhà sàn Lai Châu (1973). Ảnh: Nguyễn Hồng Nghi

Bộ đội về làng (Đại Từ, Thái Nguyên, năm 1951). Ảnh: Nguyễn Hồng Nghi

“Mây soi mình vào nước” là một phát hiện, là một cách riêng của Hồng Nghi. Cả một thinh không bao la, ngồn ngộn những áng mây vần vũ trên nền trời xanh thẫm, nổi lên khối hình lực lưỡng bởi sắc độ đậm nhạt… từ sắc trắng ngả sang xám nhạt, xám đậm dẫn tới mầu đen… Chúng đan chen, duyên dáng trong sắc độ.

Sông Hồng (1958). Ảnh: Nguyễn Hồng Nghi

Sông Hồng (1958). Ảnh: Nguyễn Hồng Nghi

Ta cảm thấy Hồng Nghi như một nghệ sĩ dương cầm tinh tế, đã sử dụng âm sắc, cung bậc tuyệt vời đến mức điêu luyện. Trên bức ảnh mặt nước nổi lên hình dáng đám mây thứ hai (ở bóng nước) điểm xuyết những lăn tăn sóng gợn, là một chất liệu hiếm thấy, không dễ một lúc nhận ra ngay. Nhưng với Hồng Nghi, đã không lọt qua mắt ông cái đẹp phù du ấy. Tôi có cảm nhận, các tác phẩm của Hồng Nghi luôn đạt chất lượng cao về giá trị nghệ thuật, bởi một học vấn khá vững vàng mà ông hằng quan tâm, luôn luôn tích lũy, luôn luôn “học”, “đọc”…

Xuất thân trong một gia đình Nho giáo, cụ thân sinh ông: Cụ Hồng Sơn, có tài viết chữ Hán đẹp. Cho nên xem tác phẩm của Hồng Nghi, tôi cứ thường bị ám ảnh bởi cái ý nghĩ về huyết thống của con người? Hay ít ra cảnh trí của thiên nhiên nơi quê hương bên dòng sông Vị (Vị Hoàng xưa) đã hun đúc nên tâm tưởng nghệ sĩ của Hồng Nghi? Cũng có lúc hồn thơ của Hồng Nghi nhiễm buồn. Cái buồn hiu hiu của một con thuyền cô quạnh, đang cắm sào bên bãi vắng, lơ thơ lau lách bên bờ, ở một thinh không bao la…

Tác phẩm Con thuyền cô đơn đã đi vào tâm tư người xem một rung cảm xao xuyến mà day dứt! Bố cục trong ảnh giản đơn nhưng thanh thoát, gợi nhiều suy tưởng. Hay tác phẩm Mưa ở rừng, Hồng Nghi ghi lại một thoáng bâng khuâng. Từ trong nhà sàn, nhìn ra mái tranh từng giọt nước, từng giọt nước nối nhau không ngừng nhỏ lệ.

Mưa ở rừng (Pác Bó, Cao Bằng). Ảnh: Nguyễn Hồng Nghi

Mưa ở rừng (Pác Bó, Cao Bằng). Ảnh: Nguyễn Hồng Nghi

Từ ngày Hồng Nghi nghỉ hưu, ông lại càng hay đến chơi với tôi. Với chiếc xe đạp mi-ni nội rệu rạo, ông đạp gần bốn km dọc con đường dài Hoàng Hoa Thám, để gặp bạn. Tôi nhớ một lần cùng ngồi chuyện vãn, chúng tôi nói với nhau về chuyện nghề, chuyện phong trào nhiếp ảnh những năm gần đây, thấy vừa mừng, vừa áy náy. Mừng về những thành tựu đóng góp của ta với phong trào nhiếp ảnh thế giới. Lực lượng trẻ hiện nay, hàng ngũ ngày càng thêm đông đảo. Một lực lượng hùng hậu, mang nhiều hy vọng về tương lai, ở một số vốn liếng học vấn về nghề nghiệp và ý chí phấn đấu học hỏi.

A La Hán Hiệp Tôn Giả (chùa Tây Phương, năm 1960). Ảnh: Nguyễn Hồng Nghi

A La Hán Hiệp Tôn Giả (chùa Tây Phương, năm 1960). Ảnh: Nguyễn Hồng Nghi

A La Hán Ma Minh Ba La (chùa Tây Phương, năm 1960). Ảnh: Nguyễn Hồng Nghi.

A La Hán Ma Minh Ba La (chùa Tây Phương, năm 1960). Ảnh: Nguyễn Hồng Nghi.

Hoa cúc. Ảnh: Nguyễn Hồng Nghi

Hoa cúc. Ảnh: Nguyễn Hồng Nghi

Nhưng cạnh đó, vẫn còn điều không làm giới nghề yên tâm. Còn có nhiều ảnh, rải rác ở các triển lãm, nhất là trên báo chí, còn mang nặng tính bản năng mà thiếu vắng kiến thức nghề nghiệp. Nó cho thấy người cầm máy hãy còn lười học hỏi, nghiên cứu và rèn luyện cho năng lực thẩm mỹ! Năng khiếu về nghệ thuật là quý giá. Nhưng quý hơn vẫn là, nếu viên ngọc được trau chuốt, nâng niu gọt giũa, trong tay người có kiến thức, học vấn về nghề nghiệp, luôn không ngừng học tập và tiếp thu những kiến thức mới của thời đại. Có tâm hồn mà không nắm vững phương thức thể hiện là một thiệt thòi cho tác phẩm, cho tác giả và công chúng.

Đua cùng hiện đại (Hạ Long, tháng 10/1976). Ảnh: Nguyễn Hồng Nghi

Đua cùng hiện đại (Hạ Long, tháng 10/1976). Ảnh: Nguyễn Hồng Nghi

Nhớ một lần chuyện vãn với Hồng Nghi, tôi hưng phấn ngồi hút thuốc đổ hồi, điếu nọ nối điếu kia. Ông đưa mắt nhìn, nhếch mép cười, đầu gật gù. Bỗng dưng Hồng Nghi phác một cử chỉ, làm tôi ngỡ ngàng: Ông cầm bao thuốc lá trên tay như chưa từng nhìn thấy bao giờ, lặng lẽ mân mê, rồi lặng lẽ cho vào túi áo ngực.

Thời khắc cứ trôi qua… khá lâu! Hồng Nghi vẫn ngồi, vẫn bàn luận về phong trào nhiếp ảnh một cách say sưa. Uống nước vặt, tôi lại càng thèm thuốc hút. Lòng phân vân nhưng không dám “ý kiến”. Đến lúc bắt tay nhau ra về, tôi tiễn ông xuống thang gác, coi như “biếu” ông gói thuốc (hừ, cái ý nghĩ mới xấu làm sao!). Trước khi lên xe, Hồng Nghi mới khẽ đưa tay rút bao thuốc ấn vào tay tôi, kèm theo lời dặn lại:
- Chúng mình già yếu cả rồi, ông thấy chứ? Ta hút ít đi, ông ạ! Cách giữ sức khỏe đó, ông…
Tôi lặng đi vì xúc động! Cảm nhận một cách sâu xa tâm tình sâu lắng ở nơi ông.

Dinh Độc Lập (Sài Gòn đêm 1/5/1975). Ảnh: Nguyễn Hồng Nghi

Dinh Độc Lập (Sài Gòn đêm 1/5/1975). Ảnh: Nguyễn Hồng Nghi

Thời gian sau ông thường đau yếu luôn, không đạp xe một mình đến với tôi được nữa. Một hôm, anh Vinh Quang, con trai ông đang công tác ở Báo ảnh Việt Nam, chở xe máy đưa ông lại chơi tôi. Bữa đó ông bảo con chụp cho ông và tôi mấy kiểu làm lưu niệm…


Sáng ba mươi Tết năm Tân Mùi (tức 30 tháng Chạp năm Canh Ngọ - ngày 12/2/1991), tự dưng tôi cảm thấy như một thôi thúc trong lòng, là phải lên chơi thăm ông, vì đã lâu rồi. Vả lại, cũng cần biết tin tức sức khỏe của ông. Vừa tới ngưỡng cửa, hai cha con tôi đứng sững, không tin vào mắt mình: Một bàn thờ vừa thiết lập, thờ vong linh ông (thi hài ông phải gửi ở Bệnh viện Việt-Xô, chờ ra Giêng mới chính thức cáo phó)! Xúc động, đột ngột, tôi loạng choạng vịn tay vào con tôi…

Nghệ sĩ Nguyễn Hồng Nghi được Nhà nước truy tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân (năm 2012) và truy tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất (năm 2017).

Thấm thoắt mấy năm trôi qua. Cứ vào ngày tháng này của “năm nào”, dĩ vãng lại trở về… Day dứt!... Từ trong tiềm thức dội về lời thơ Verlaine khiến lòng tôi càng thêm đau xót: Il pleure sur la ville comme il pleure dans mon ceur (lược dịch: Mưa rơi trên thành phố như than khóc trong hồn tôi!)

Không chịu nổi sự day dứt trong lòng, tôi khoác áo, đội mũ xuống đường… đi dạo trong mưa bụi. Từ nhà sang phố Quang Trung, rồi qua đường Nguyễn Du, tôi men theo quanh hồ Thiền Quang, cúi đầu lặng lẽ…Và cũng không nhớ đã bao nhiêu lần vòng quanh bên hồ… Chạm tay lên vành mũ, đã thấy thấm nặng hạt mưa –thấm lạnh vào tận đáy tâm hồn!...

Ngày xuất bản: 13/01/2022
Tổ chức sản xuất: VŨ MAI HOÀNG
Nội dung: NGUYỄN HỒNG TRANH, NGÔ PHƯƠNG THẢO
Trình bày: PHAN ANH, DUY LONG