Những tình yêu Hà Nội

Quạt làng Chàng

Trước đây, chiếc quạt vốn chỉ là vật dụng thông thường của người Việt vào ngày hè nóng nực. Nhưng bằng đôi tay tài hoa của mình, nghệ nhân Dương Văn Ðoàn đã biến chúng thành những tác phẩm nghệ thuật. Gia đình ông làm đủ loại quạt, đều là các loại quạt nghệ thuật giá trị cao, từ quạt lụa, quạt thờ cho đến quạt trang trí, quạt phong thủy… Rất nhiều trong số đó được khách nước ngoài đặt hàng. Nhờ thế, quạt Chàng Sơn (còn gọi làng Chàng, huyện Thạch Thất) đem những nét đẹp văn hóa Việt bay xa.

Nghệ nhân Dương Văn Ðoàn hướng dẫn các em nhỏ làm quạt.
Nghệ nhân Dương Văn Ðoàn hướng dẫn các em nhỏ làm quạt.

Nghệ nhân Dương Văn Ðoàn ít nói về mình. Ông thích kể về cụ thân sinh ra ông, nghệ nhân Dương Văn Mơ hơn. Làng Chàng Sơn có nghề làm quạt lâu đời. Nhưng khi quạt máy thay thế quạt tay, nghề quạt Chàng Sơn có nguy cơ thất truyền. Cụ Mơ chính là người giữ nghề quạt ở lại bằng một cuộc chuyển đổi, từ quạt dân dụng sang những chiếc quạt nghệ thuật. Ông Ðoàn kể lại, hình ảnh ông ấn tượng nhất là cha ông đeo chiếc máy ảnh đi khắp nơi chụp ảnh phong cảnh quê hương. Những phong cảnh ấy, sau này được cụ vẽ lại trên những chiếc quạt trang trí. Sở dĩ cụ tự tay đi chụp chứ không sao chép từ tranh ảnh, vì những chuyến đi cho cụ cảm xúc để truyền tải vẻ đẹp quê hương vào quạt. Nghệ nhân Dương Văn Mơ chính là tác giả của chiếc quạt lớn nhất Việt Nam trong dịp Ðại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội. Ngày ấy, cụ Mơ là người chỉ đạo, còn ông Ðoàn trực tiếp "thi công" chiếc quạt có nan dài tới 4,5m. Mỗi lần mở quạt thậm chí còn phải… bắc thang. Nghệ nhân Dương Văn Ðoàn tự nhận mình không có hoa tay, dù đã nhiều năm gắn bó với nghề làm quạt. Nhưng chính tấm gương, cách làm việc của người cha đã truyền cảm hứng cho ông, khiến ông gắn bó với nghề bằng tất cả tâm huyết.

Khi việc tiêu thụ quạt dân dụng ít đi, lối thoát của nghề quạt Chàng Sơn chính là làm quạt nghệ thuật, làm quạt như một món quà lưu niệm, món quà tặng. Nhưng quạt nghệ thuật thì yêu cầu, đòi hỏi lại khác. Những nan tre nếu ngâm theo lối cổ truyền thì sẽ để lại mùi khó chịu, khách hàng khó chấp nhận. Phải thay đổi kỹ thuật hấp sấy, bảo đảm nan tre bền hàng chục năm, thậm chí hơn thế, mà không để lại mùi. Tre được chọn kỹ càng, được vót, chuốt, mài cho đến bóng mịn. Một kỹ thuật không phải ai cũng biết với quạt cao cấp, là mỗi chiếc nan, thực ra gồm hai nan mỏng, được chuốt rất kỹ rồi chập lại. Làm thế nan quạt có độ dẻo, linh hoạt, nhưng cũng tốn công hơn. Nhưng khó nhất, chính là tạo chất nghệ thuật cho chiếc quạt. Quạt cao cấp dùng chất liệu giấy dó, dùng lụa… dán làm mặt quạt. Tự nhận là không có hoa tay, nhưng khi mở chiếc quạt mang thương hiệu "ông Ðoàn Chàng Sơn" ra, không ai không ngạc nhiên, khi chiếc quạt mở ra những điều bất ngờ. Ðó có thể là một phiên chợ quê đầy màu sắc, một phố cổ trầm tư, hay cánh đồng quê thanh bình, nơi những đàn cò sải cánh bay… Thông thường, những chiếc quạt nghệ thuật này đều có kích thước lớn, nan dài đến hàng mét hay hơn thế. Nếu tìm hiểu sẽ thấy, người vẽ tranh trên quạt, có cái khó hơn nhiều so với vẽ trên mặt phẳng bình thường. Bởi khi vẽ, phải căn chuẩn nếp gấp giữa các nan quạt. Không nên cho các chi tiết quan trọng rơi vào đúng các nếp gấp, nếu không, nhân vật, hay phần quan trọng của bức tranh sẽ bị "cắt" bởi những nếp gấp này. Vừa hình dung bức tranh trong đầu, bàn tay cầm bút vẽ lại phải lựa sao cho phù hợp nhất. Nếu trường hợp bắt buộc phải cắt, thì cái tài của người vẽ chính là tạo mối liên kết sao cho người xem khó nhận ra nếp gấp làm ảnh hưởng đến bố cục tranh. Không có năng khiếu, không qua trường lớp, nhưng trách nhiệm với công việc, với người cha đã khuất khiến ông Ðoàn luôn nỗ lực học hỏi, thử nghiệm và hoàn thiện những kỹ thuật làm quạt của mình.

Một loại quạt khác cũng phức tạp không kém là quạt the-một chất liệu cao cấp từ tơ tằm. Ngay từ chọn tre đã phải hết sức cẩn thận. Cây tre được chọn có tuổi từ ba năm trở lên. Loại tre phải dẻo, không quá già. Tất cả các nan đều lấy từ cật tre. Vải the rất mỏng cho nên khi căng dán quạt cũng đòi hỏi kỹ thuật cao. Quạt the chủ yếu dùng trong biểu diễn nghệ thuật, hoặc phụ kiện chụp ảnh cổ trang.

Từ lâu, gia đình nghệ nhân Dương Văn Ðoàn đã là điểm đến của nhiều công ty du lịch, những đơn vị có nhu cầu đặt hàng làm quà tặng cho khách quốc tế. Nhiều khách hàng quốc tế cũng trực tiếp đặt các loại quạt của gia đình ông. Nhờ thế, những nét đẹp văn hóa Việt được bay xa cùng những chiếc quạt Chàng Sơn. Có những chiếc quạt khách đặt riêng, làm đồ trưng bày có giá trị lên tới vài chục triệu đồng. Khó tính nhất là những vị khách Nhật Bản, ngoài yêu cầu thẩm mỹ, người Nhật Bản còn giám sát kỹ càng từng công đoạn sản xuất. Song, bù lại, họ thường đặt hàng với số lượng tương đối lớn. Có năm, gia đình nghệ nhân Dương Văn Ðoàn xuất khẩu đến mấy nghìn chiếc quạt sang thị trường Nhật Bản.

Bận bịu vì điều hành sản xuất, trực tiếp vẽ quạt, nhưng nghệ nhân Dương Văn Mơ vẫn luôn nhiệt tình tham gia các lớp hướng dẫn, các cuộc giao lưu với giới trẻ về nghề làm quạt truyền thống. Với ông, đó là niềm vui và trách nhiệm. Chỉ bằng cách ấy, mới có thể giúp giới trẻ hiểu thêm về một nét đẹp quê hương ■