Nâng cao hiệu quả công tác quản lý và sử dụng các thiết chế văn hóa

NDO -

Sáng 25/4, Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức phiên giải trình về việc đầu tư, khai thác, quản lý và sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn thành phố.

Phiên họp của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội. (Ảnh: Duy Linh)
Phiên họp của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội. (Ảnh: Duy Linh)

Các đồng chí: Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội; Chu Ngọc Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố dự phiên giải trình.

Nâng cao hiệu quả công tác quản lý và sử dụng các thiết chế văn hóa -0

Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu khai mạc phiên họp. (Ảnh: Duy Linh)

Tại phiên giải trình, các đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã yêu cầu làm rõ và tập trung khắc phục những hạn chế và nguyên nhân trong công tác đầu tư, khai thác, quản lý và sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn thành phố Hà Nội.

 Nhiều dự án, công trình hiện vẫn đang nằm trên giấy, hoặc chậm tiến độ đã được các đại biểu nêu rõ. Cụ thể như: dự án Công viên Văn hóa Đống Đa từ năm 2001 đến nay chưa được triển khai, hầu hết diện tích đất đã giải phóng mặt bằng bị tái lấn chiếm. Dự án công viên văn hóa du lịch vui chơi giải trí Kim Quy khởi công từ tháng 9/2016 và cam kết cuối năm 2018 sẽ đưa vào sử dụng giai đoạn 1 đến nay vẫn bỏ hoang. Dự án Bảo tàng Hà Nội được đầu tư khái toán với tổng vốn hơn 2.300 tỷ đồng dự kiến hoàn thành vào năm 2015, đã được điều chỉnh nên kéo dài đến năm 2019, nhưng đến nay vẫn còn nhiều hạng mục chưa xong...

Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, đến tháng 3/2022, Hà Nội có 30 thiết chế văn hóa, thể thao cấp thành phố, 57 thiết chế văn hóa thể thao cấp huyện, 136 trung tâm văn hóa, thể thao cấp xã, 4.277 nhà văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng tại các thôn, tổ dân phố. Nhiều thiết chế văn hóa đã được đầu tư xây dựng đồng bộ, khang trang, phát huy hiệu quả, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tinh thần của nhân dân.

Tuy nhiên, qua giám sát của Hội đồng nhân dân thành phố và các ý kiến, kiến nghị của cử tri, bên cạnh những kết quả đạt được, việc đầu tư, khai thác, quản lý và sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn Hà Nội vẫn còn nhiều bất cập cần khắc phục trong thời gian tới. Các thiết chế văn hóa vẫn còn thiếu, chưa đồng bộ, xuống cấp cần được đầu tư, cải tạo. Chưa có nhiều các công trình văn hóa, thể thao, khu vui chơi đáp ứng nhu cầu thụ hưởng văn hóa tinh thần của nhân dân.

Nâng cao hiệu quả công tác quản lý và sử dụng các thiết chế văn hóa -0

Các đại biểu dự phiên họp. (Ảnh: Duy Linh)

Toàn thành phố mới có 136/579 xã, phường, thị trấn có công trình Trung tâm văn hóa, thể thao cấp xã, đạt tỷ lệ 24,0%. Trong đó, 2.283 nhà văn hóa thôn, đạt 97,0 %; 1.993 nhà văn hóa, điểm sinh hoạt tổ dân phố, mới đạt tỷ lệ 65,5%. Đáng lưu ý, có 9 quận, huyện của thành phố Hà Nội đang “trắng” trung tâm văn hóa cấp xã.

Trong tổng số hơn 4.200 nhà văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng thôn, tổ dân phố, chỉ có hơn 1.900 nhà văn hóa đáp ứng tiêu chí cơ bản về quy mô, diện tích xây dựng, trang, thiết bị; hơn  2.100 nhà văn hóa chưa đáp ứng các tiêu chí cơ bản; 18 nhà văn hóa nằm trong khuôn viên di tích; 187 nhà văn hóa xuống cấp không  bảo đảm điều kiện sinh hoạt..

Nâng cao hiệu quả công tác quản lý và sử dụng các thiết chế văn hóa -0

Đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố phát biểu chất vấn tại phiên họp. (Ảnh: Duy Linh)

Công tác đầu tư các công trình bằng nguồn vốn ngân sách còn hạn chế. Việc huy động xã hội hóa đầu tư cho lĩnh vực văn hóa, thể dục, thể thao đạt kết quả chưa cao. Nhiều công trình được đầu tư xây dựng nhưng việc quản lý, khai thác còn nhiều bất cập, chưa phát huy được hiệu quả...

Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh: Phiên giải trình nhằm đánh giá đúng tình hình, kết quả thực hiện, xác định rõ các tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, trách nhiệm của các cấp, các ngành và các cơ quan, tổ chức liên quan, đề ra các giải pháp, lộ trình để nâng cao hiệu quả công tác đầu tư, khai thác, quản lý và sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn thành phố, góp phần đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần, nâng cao chất lượng sống của nhân dân theo tinh thần Nghị quyết và các chương trình công tác của Thành ủy Hà Nội khóa 17.