Hiệu quả từ các giải pháp phòng, chống tham nhũng tại Hà Nội

NDO -

Chú trọng các giải pháp phòng ngừa bằng việc công khai, minh bạch các cơ chế chính sách, đẩy mạnh cải cách hành chính; chú trọng kiểm tra, giám sát những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực, đồng thời xử lý nghiêm sai phạm. Đó là những điểm nhấn trong công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) của thành phố Hà Nội thời gian qua, cũng là kinh nghiệm quan trọng để thành phố làm tốt hơn nhiệm vụ này trong giai đoạn tới.

Hà Nội tăng cường công khai, minh bạch, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để phòng ngừa tham nhũng.
Hà Nội tăng cường công khai, minh bạch, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để phòng ngừa tham nhũng.

Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến, thời gian qua, Hà Nội xác định công tác PCTN, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, lâu dài và gắn bó chặt chẽ với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Đặc biệt, ngay sau khi Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 16, nhiệm kỳ 2015-2020, Thành ủy đã ban hành tám chương trình công tác. Trong đó, có Chương trình số 07 về “Nâng cao hiệu quả về PCTN, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 20216 - 2020”. Thành phố luôn quan tâm chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh công tác PCTN, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân và bước đầu đạt một số kết quả.

Cụ thể, đã nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp uỷ, chính quyền, người đứng đầu trong công tác PCTN. Thành phố chú trọng công tác tuyên truyền, quán triệt, phổ biến giáo dục pháp luật về PCTN.

Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, nhất là kiểm tra công vụ để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm nhiều sai phạm. Theo đó, đã kiểm tra có dấu hiệu vi phạm 903 tổ chức Đảng, 2.687 đảng viên và kết luận 617 tổ chức Đảng, 2.007 đảng viên có vi phạm; thi hành kỷ luật 32 tổ chức Đảng, 962 đảng viên. Triển khai 2.482 cuộc thanh tra và phát hiện xử lý vi phạm, kiến nghị thu hồi 2.450 tỷ đồng, 1,55 ha đất; xử lý trách nhiệm 417 tập thể và 622 cá nhân vi phạm; kiến nghị chuyển cơ quan điều tra 42 vụ việc.

Ngoài ra, công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án được chỉ đạo quyết liệt. Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những vụ việc, vụ án để qua đó nhằm răn đe, phòng ngừa vi phạm. Nhiều vụ án nghiêm trọng, phức tạp do T.Ư uỷ quyền được giải quyết kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật và được dư luận nhân dân đồng tình ủng hộ.

Cùng với đó, thời gian qua, Hà Nội tiếp tục chỉ đạo rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, công khai minh bạch các hoạt động kinh tế - xã hội và công tác cán bộ; quy trình, thủ tục giải quyết công việc. Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4.

Tính đến nay, thành phố đang có khoảng 1.500 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4 (riêng sáu tháng đầu năm nay, Cổng dịch vụ công thành phố đã tiếp nhận hơn 300.000 hồ sơ, giải quyết đúng hạn 90% số đó). Qua đó giảm tiếp xúc trực tiếp giữa người dân, doanh nghiệp với cán bộ, công chức, viên chức thụ lý hồ sơ..., ngăn chặn biểu hiện “xin cho”, giảm tình trạng “tham nhũng vặt”.

Hà Nội cũng chọn những lĩnh vực nhạy cảm như quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước; quản lý đầu tư xây dựng; quản lý sử dụng trụ sở, đất đai, tài sản của Nhà nước; quy hoạch, đất đai… để kiểm tra, giám sát thường xuyên. Kiên quyết xử lý các vi phạm, chuyển ngay sang cơ quan điều tra các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật kinh tế, tham nhũng.

Bên cạnh kết quả đạt được, Thành uỷ Hà Nội đánh giá, công tác PCTN của thành phố còn một số hạn chế. Công tác tuyên truyền, giáo dục về PCTN hiệu quả có lúc chưa cao; việc thực hiện các giải pháp về PCTN tại một số nơi chưa được quan tâm đúng mức; công tác thu hồi tài sản của các vụ án tham nhũng còn nhiều khó khăn; việc huy động các nguồn vốn từ quỹ đất, tài sản công thuộc sở hữu Nhà nước đầu tư phát triển chưa đáp ứng nhu cầu…

Theo Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Nguyễn Thị Tuyến, nhằm nâng cao hiệu quả công tác PCTN trong thời gian tới, ngay sau Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 17, nhiệm kỳ 2020-2025, Thành ủy Hà Nội đã xây dựng Chương trình hành động và 10 chương trình công tác. Trong đó, có Chương trình số 10 về “Nâng cao hiệu quả về công tác PCTN, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2020-2025” nhằm huy động cả hệ thống chính trị và nhân dân quyết tâm hơn nữa trong PCTN. 

Trong đó xác định, tăng cường tuyên truyền, đấu tranh PCTN, nâng cao nhận thức trách nhiệm, kiên trì nâng cao văn hoá tiết kiệm, không tham nhũng gắn với hai quy tắc ứng xử do thành phố ban hành. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện các cơ chế chính sách, quy chế, quy định của thành phố trong các lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước và bảo đảm công khai, minh bạch trên các lĩnh vực. Thực hiện công khai, minh bạch và có trách nhiệm giải trình trong các hoạt động công vụ.  

Đồng thời tập trung phát hiện, xử lý kịp thời nghiêm minh các vụ việc tham nhũng với quan điểm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị chức năng trong PCTN và phát huy vai trò MTTQ, các đoàn thể chính trị xã hội, cơ quan truyền thông, nhân dân trong PCTN của Hà Nội.