Hành trình “dẫn” vốn đến người nghèo và các đối tượng chính sách

NDO -

Từ vai trò đơn thuần “cánh tay nối dài” của Đảng, Chính phủ, Ngân hàng Chính sách xã hội đã từng bước tham gia sâu hơn vào công cuộc xây dựng và hoàn thiện chính sách tín dụng giảm nghèo, an sinh xã hội.

Buổi giao dịch tại xã Vạn Ninh của NHCSXH tỉnh Quảng Bình, các cán bộ luôn thực hiện quy định 5K của Bộ Y tế. (Ảnh: Tuấn Ngọc)
Buổi giao dịch tại xã Vạn Ninh của NHCSXH tỉnh Quảng Bình, các cán bộ luôn thực hiện quy định 5K của Bộ Y tế. (Ảnh: Tuấn Ngọc)

Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) trở thành công cụ hữu hiệu thực thi các chính sách tín dụng khẩn cấp, bảo đảm nền kinh tế đất nước hoạt động theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước, không để người nghèo và các đối tượng yếu thế bị bỏ lại phía sau.

Chỉ sau hơn 2 tháng cho vay hỗ trợ trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất theo Quyết định 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ, đến nay, hệ thống NHCSXH đã giải ngân được hơn 442 tỷ đồng cho 830 lượt người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho 125.481 người lao động tại 63 tỉnh, thành phố, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, duy trì sản xuất tạo đà phát triển kinh tế trong trạng thái bình thường mới.

Đây là kết quả của quan điểm xuyên suốt mà Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng chỉ đạo toàn hệ thống: “Thực hiện Nghị quyết số 68 của Chính phủ và Quyết định số 23 của Thủ tướng Chính phủ là nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Không để người sử dụng lao động có nhu cầu, đủ điều kiện vay vốn không tiếp cận được nguồn vốn từ chính sách của Chính phủ”.

Đặc biệt, tinh thần “Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ” của hơn 10 nghìn cán bộ phủ rộng ở gần 11 nghìn Điểm giao dịch của NHCSXH tại trụ sở UBND cấp xã trong toàn quốc, cùng với mối quan hệ bền chắc với cả hệ thống chính trị đã trở thành điểm tựa để NHCSXH nhanh chóng đưa chính sách vào cuộc sống ngay tuần đầu triển khai, dư nợ tiếp tục tăng theo thời gian. Đồng thời, từ năm 2020 đến nay, hệ thống NHCSXH đã thực hiện hỗ trợ công tác phòng, chống dịch Covid-19 với tổng số tiền hơn 47 tỷ đồng. Riêng năm 2021 hỗ trợ hơn 40,7 tỷ đồng cho các địa phương bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh để mua dụng cụ, thiết bị y tế, mua vaccine, mua nhu yếu phẩm…

Nhìn lại 19 năm hoạt động, ban đầu chỉ thực hiện ba chương trình tín dụng là cho vay hộ nghèo, cho vay giải quyết việc làm và cho vay học sinh, sinh viên với nguồn lực hạn hẹp, nhưng kể từ năm 2010, NHCSXH đã cho vay tới 18 chương trình tín dụng, phủ kín nhu cầu giải quyết các vấn đề xã hội, góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho bộ phận dân cư có mức sống thấp hơn, điều kiện sinh hoạt khó khăn hơn so với mặt bằng chung của nền kinh tế. Góp phần thực hiện mục tiêu của Chính phủ vì sự phát triển cân đối của nền kinh tế và sự ổn định xã hội.

Về cơ bản, NHCSXH đã hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Chính phủ giao phó, đóng góp tích cực vào việc thực hiện Chương trình xóa đói giảm nghèo giai đoạn 2001 - 2010 của Chính phủ, xây dựng được nền tảng vững chắc, tạo đà phát triển cho giai đoạn tiếp theo.

Tuy nhiên, bước vào chiến lược phát triển kinh tế giai đoạn 2011 - 2020 với những thách thức mới cho công cuộc giảm nghèo Việt Nam, tín dụng chính sách cần có những bước tiến mạnh mẽ hơn nữa để hiên thực hóa mục tiêu tăng trưởng kinh tế phải kết hợp hài hoà với phát triển văn hoá, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Bởi vậy, NHCSXH không thể dựa trên kế hoạch manh mún hằng năm như trước mà cần có chiến lược phát triển tổng thể, dài hạn gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và kế hoạch tài khóa trung hạn.

Chiến lược phát triển NHCSXH giai đoạn 2011 - 2020 đã được xây dựng. Theo đó, tiếp tục hoàn thiện mô hình, nâng cao năng lực hoạt động để thực hiện có hiệu quả tín dụng chính sách của Nhà nước về hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, góp phần thực hiện thành công Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020, Chương trình giảm nghèo bền vững đến năm 2020 và Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020.

NHCSXH đã kết nối cả hệ thống chính trị xã hội tham gia triển khai thực thi các chính sách tín dụng xã hội, trong đó, việc tham mưu chính sách để Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội được xem là một bước đột phá lớn. Gánh nặng triển khai chính sách của Chính phủ đặc biệt là nguồn vốn đã được sẻ chia khi “Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân cùng làm”; “Trung ương và địa phương cùng làm”. Tính bền vững của nguồn vốn và năng lực tài chính của NHCSXH thêm mạnh khi năm 2017 lần đầu tiên ngân hàng được bố trí vốn ngân sách Nhà nước trong kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016 - 2020.

Tiếp đó, là những bước chuyển lớn, nhận nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương từ năm 2014. Tính đến đầu tháng 10/2021, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đã đạt hơn 255 nghìn tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn nhận ủy thác từ địa phương đạt gần 25 nghìn tỷ đồng. Nguồn vốn tăng trưởng ổn định là nền tảng để NHCSXH thực hiện các chương trình tín dụng chính sách đạt hiệu quả về kinh tế - xã hội; ưu tiên hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số và đồng bào ở các vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đến nay đạt hơn 242 nghìn tỷ đồng, với 6,4 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn.

Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực được dự báo vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, lao động, đời sống của nhân dân, nhất là các đối tượng chính sách, NHCSXH định hướng phát triển thành tổ chức có khả năng tự chủ và phát triển ổn định lâu dài. Đồng thời, duy trì được vai trò là định chế tài chính công thực hiện các chính sách xã hội của Chính phủ; tập trung vào những lĩnh vực mà các tổ chức tài chính hoạt động theo nguyên tắc thị trường không thể đáp ứng hoặc chỉ đáp ứng được một phần.

Các mục tiêu, định hướng, giải pháp sẽ được thiết kế và xây dựng phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030, Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025 và phù hợp với thực tiễn hoạt động của NHCSXH trong những năm vừa qua, góp phần thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.