Hạnh phúc khi cho đi

Thành phố Ðà Nẵng là mảnh đất anh hùng kiên trung bất khuất trong lịch sử chiến tranh cách mạng. Và hôm nay, dòng ký ức đỏ vẫn mãi là bản tình ca viết lên bằng những bồi đắp của tình người với ngọn nguồn biết ơn sâu sắc.

Ðà Nẵng hiện chăm sóc, phụng dưỡng 145 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.
Ðà Nẵng hiện chăm sóc, phụng dưỡng 145 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.

Trên mảnh đất này, đã thấm máu xương của hàng nghìn liệt sĩ. Ngược dòng ký ức trong tháng bảy tri ân, được gặp nụ cười hiền trên môi các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, hạnh phúc, chưa bao giờ giản đơn mà ý nghĩa đến vậy!

Tận hiến vì đất nước

Tự hào là một phần của mảnh đất Quảng Nam - Ðà Nẵng được trao tặng tám chữ vàng “Trung dũng kiên cường đi đầu diệt Mỹ”, tiếp nối truyền thống kiên cường bất khuất, yêu nước chống ngoại xâm và xây dựng phát triển Ðà Nẵng mạnh giàu như hôm nay, thành phố đang lan tỏa phong trào đền ơn, đáp nghĩa rộng sâu trong nhân dân. Bởi mảnh đất này, đã có hàng nghìn liệt sĩ, hàng nghìn Bà mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH).

Với những Bà mẹ VNAH hiện còn sống ở Ðà Nẵng, phần lớn, đang được con, cháu phụng dưỡng. Ngoài quy định chung của Trung ương, thành phố, mỗi địa phương đều đặc biệt chú trọng đến việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các mẹ. Phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà là một trong số các địa phương có số hộ gia đình chính sách đông nhất, nhì quận với 517 đối tượng. Hiện, trên địa bàn phường có ba Bà mẹ VNAH còn sống.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND phường An Hải Bắc, cách đây 10 năm, địa phương đã kêu gọi các tổ chức, cá nhân trên địa bàn hỗ trợ, phụng dưỡng các Bà mẹ VNAH. Việc chăm sóc, phụng dưỡng các Bà mẹ VNAH được địa phương đưa vào Nghị quyết của Ðảng ủy phường ngay từ đầu năm và triển khai xuyên suốt. Tính đến nay, phường đã tổ chức được ba chuyến tham quan, về nguồn cho các mẹ. Mỗi năm, địa phương đều tổ chức thăm hỏi, tri ân các mẹ vào dịp Tết, và dịp kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sĩ (ngày 27-7).

Ðã từng hiến dâng cho Tổ quốc những giọt máu đào cốt nhục vì sự nghiệp cao cả giải phóng, thống nhất đất nước, nhưng giữa thời bình, các mẹ vẫn sẵn sàng tận hiến khi Tổ quốc cần. Chúng tôi rơi nước mắt khi được nghe câu chuyện về Bà mẹ VNAH Lê Thị Chi (trú phường Thanh Bình, quận Hải Châu, TP Ðà Nẵng), người vừa dành dụm toàn bộ số tiền tiết kiệm năm triệu đồng để ủng hộ TP Ðà Nẵng trong việc phòng, chống dịch Covid-19. Mẹ Chi cũng là cá nhân ủng hộ số tiền nhiều nhất trên địa bàn phường sinh sống.

Mẹ Chi có chồng và đứa con trai đầu hy sinh trong chiến tranh. Nén đau thương, mất mát, mẹ ở vậy nuôi nấng, chăm sóc bốn đứa con nhỏ, vừa tăng gia, sản xuất làm căn cứ cho cách mạng. 91 tuổi, mẹ đang sống cùng con gái út, chăm sóc một đứa cháu ngoại đã hơn 30 tuổi mắc bệnh bại não. Ðến thăm và được nghe mẹ kể về cuộc đời mình, được chứng kiến cuộc sống vẫn còn rất nhiều khó khăn của mẹ, càng thương những vết lằn thời gian đang xếp chồng lên khuôn mặt mẹ. Ðôi bàn tay vẫn lần theo thời gian, vẫn bón từng thìa cháo, miếng cơm cho cháu ngoại… Cuộc sống hiện tại của mẹ còn nhiều khó khăn, tiền trợ cấp hằng tháng mẹ đều đưa cho con gái thêm vào trang trải cuộc sống. Vậy mà, mẹ vẫn quyết trao đi toàn bộ số tiền dành dụm cho ý nguyện cuối đời là xây lại hai ngôi mộ cho chồng và con trai cả… Chỉ với một nụ cười hiền và câu nói: Khi Tổ quốc cần, ai cũng biết hy sinh. Chút tiền nhỏ của mẹ sẽ góp một phần nào vào cái chung của cả nước, đẩy lùi dịch bệnh…

Trung tâm Phụng dưỡng Người có công cách mạng TP Ðà Nẵng (Trung tâm) hiện chăm sóc và phụng dưỡng 56 cụ, trong đó có một Bà mẹ VNAH, một cán bộ lão thành cách mạng, một cán bộ tiền khởi nghĩa, 19 thương binh, bệnh binh và 34 người có công cách mạng, thân nhân liệt sĩ. Ngôi nhà luôn có tiếng cười của những con người đã đi qua chiến tranh với nhiều mất mát, thương tật nhưng vẫn đầy tinh thần lạc quan của người chiến sĩ cách mạng.

Bà mẹ VNAH Lê Thị Xuân, 94 tuổi (quê ở huyện Hiệp Ðức, tỉnh Quảng Nam), đón tôi trong vòng tay rất chặt. Câu chuyện cuộc đời bà, như một mắt xích kết gắn quá khứ và hiện tại. 26 năm qua, bà được đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ tại Trung tâm chăm sóc, thương yêu. Bà cười, ở đây ai cũng thương mẹ cả. Thế nên phải luôn luôn mỉm cười, dù tuổi cao, sức yếu, vẫn phải dậy sớm để tập thể dục cùng mọi người. Tuổi già phải sống vui sống khỏe. Nói rồi, vừa bỏm bẻm nhai trầu, bà vừa đọc cho chúng tôi nghe những câu thơ về Bác Hồ cùng những câu vè, câu đối bà thuộc nằm lòng từ thời son rỗi. Người đàn bà dáng vóc nhỏ bé đó, có một con trai duy nhất là liệt sĩ, chồng bà chết trong lao tù. Những ngày này, bà đang rất vui, chờ đến ngày lên đường ra Hà Nội dự lễ “Gặp mặt đại biểu Bà mẹ VNAH toàn quốc năm 2020”, và được vào Lăng viếng Bác Hồ.

 “Ðảng, Nhà nước, luôn tri ân mẹ. Mất chồng, mất con, nhưng đâu phải có mỗi mình mình hy sinh. Không có gì quý hơn một cuộc sống thanh bình, tuổi già được chăm sóc, phụng dưỡng, vậy là mẹ hạnh phúc lắm rồi. Mẹ là mẹ bình thường như hàng triệu bà mẹ trên mảnh đất này. Ðất nước, bao giờ cũng cần lắm sự đồng tâm”, nắm tay tôi mẹ Xuân chia sẻ.

Vâng, có lẽ cũng vì đã thấm đẫm tinh thần của sự đồng tâm ấy mà mẹ Lê Thị Xuân và các lão thành cách mạng ở Trung tâm đã tự trích tiền trợ cấp hằng tháng để hưởng ứng lời kêu gọi ủng hộ các y, bác sĩ tuyến đầu chống dịch Covid-19. Cho đến giờ kể lại câu chuyện, chị Phạm Thị Oanh, Giám đốc Trung tâm, vẫn bùi ngùi: 10 triệu đồng với các cụ là khoản tiền phải chắt chiu lắm mới có được, nên thật sự chúng tôi rất bất ngờ và cảm động. Các bà, các cụ dạy chúng tôi về nhân đức theo cách rất đời thường vậy đó…

Hạnh phúc khi cho đi -0
Các bác sĩ Bệnh viện Ðà Nẵng khám sức khỏe cho Bà mẹ Việt Nam Anh hùng tại xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang. 

Ðạo lý tri ân

Trong công cuộc dựng xây và phát triển TP Ðà Nẵng, phong trào “Uống nước nhớ nguồn”, “Ðền ơn đáp nghĩa” luôn được các cấp chính quyền xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng của địa phương, vừa thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với những mất mát, hy sinh của hàng nghìn gia đình chính sách, người có công với cách mạng, vừa là cách gìn giữ, kế thừa và phát huy truyền thống cách mạng cao đẹp. Cùng với việc thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách, chế độ theo quy định của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, từ năm 2014 đến nay, TP Ðà Nẵng đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ nhằm nâng cao mức sống đối với người có công với cách mạng. Ðà Nẵng hiện có hơn 110 nghìn lượt đối tượng được xác nhận theo quy định của Pháp lệnh ưu đãi Người có công với cách mạng. Trong đó, có 17.500 liệt sĩ, hơn 11 nghìn thương binh, bệnh binh và với hơn 20 nghìn đối tượng hưởng trợ cấp thường xuyên với kinh phí chi trả hằng năm hơn 360 tỷ đồng.    

Ông Thái Ðình Hoàng, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Ðà Nẵng cho biết: Ðà Nẵng có 3.367 Bà mẹ VNAH được tặng, truy tặng, trong đó có 145 Bà mẹ VNAH còn sống. Tất cả các mẹ còn sống hiện được các cơ quan, tổ chức nhận chăm sóc, phụng dưỡng. Ngoài các quy định của Trung ương, Ðà Nẵng còn có những chính sách, ưu tiên khác. Ðặc biệt, theo Nghị quyết số 245/NQ-HÐND ngày 11-7-2019 của Hội đồng Nhân dân TP Ðà Nẵng, Ðà Nẵng hỗ trợ chăm sóc sức khỏe với mức 1.500.000 đồng/tháng cho cán bộ lão thành cách mạng và Bà mẹ VNAH; và mức 1.000.000 đồng/tháng cho cán bộ tiền khởi nghĩa; thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ thương tật, bệnh tật từ 81% trở lên, với kinh phí chi trả bảy tỷ đồng/năm. 

Ðánh giá về công tác chăm sóc, phụng dưỡng người có công cách mạng, đặc biệt các Bà mẹ VNAH trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ðà Nẵng Lê Trung Chinh cho biết: Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền và các cấp, các ngành liên quan đã có sự quan tâm sâu sắc, đúng mức đến công tác chăm lo cho các đối tượng thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng. Phong trào “Ðền ơn đáp nghĩa” thường xuyên được thực hiện có chiều sâu, có sức lan tỏa lớn. Việc thực hiện chính sách ưu đãi theo Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng trên địa bàn thành phố luôn được thực hiện kịp thời, đầy đủ và đúng đối tượng.

Những ngày tháng bảy lịch sử này, khi được một lần nữa ngược dòng lịch sử, tìm về ký ức hào hùng và những phút giây bình yên bên các Bà mẹ VNAH mà chúng tôi may mắn được gặp, lại ghi nhớ sâu sắc hơn về những mất mát, hy sinh mà nhân dân đất Quảng Nam - Ðà Nẵng anh hùng đã dành trọn cho quê hương, đất nước. Với các bà, các mẹ, hạnh phúc là mãi cho đi, để nhận lại suối nguồn tình thương vô bờ bến.