Hàn Quốc kiềm chế sự thống trị thị trường của các gã khổng lồ công nghệ

NDO -

Hàn Quốc có thể sẽ cấm Google và Apple tính phí hoa hồng của các nhà phát triển phần mềm khi mua hàng trong các cửa hàng ứng dụng. Đây là động thái quan trọng và đầu tiên của một nền kinh tế lớn nhằm kiềm chế sự thống trị thị trường công nghệ của các hãng công nghệ lớn trên thế giới.

Google và Apple có thể sẽ bị cấm tính phí hoa hồng trên các cửa hàng ứng dụng tại Hàn Quốc.
Google và Apple có thể sẽ bị cấm tính phí hoa hồng trên các cửa hàng ứng dụng tại Hàn Quốc.

Sau khi Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Hàn Quốc thông qua việc sửa đổi Đạo luật kinh doanh viễn thông còn được gọi là “luật chống Google” vào ngày 25/8, nhằm cấm các công ty công nghệ lớn áp đặt một số công cụ thanh toán với các nhà phát triển phần mềm.

Apple và Google đều đã phải đối mặt với những chỉ trích trên toàn cầu vì họ yêu cầu các nhà phát triển phần mềm sử dụng hệ thống thanh toán độc quyền có tính phí hoa hồng lên đến 30% khi mua hàng trong ứng dụng.

Phát biểu về vấn đề này Apple cho biết, dự luật này sẽ khiến người dùng mua hàng hóa kỹ thuật số từ các nguồn khác có nguy cơ bị lừa đảo, phá hoại các biện pháp bảo vệ quyền riêng tư của họ, làm tổn hại lòng tin của người dùng đối với việc mua hàng trên App Store và dẫn đến ít cơ hội hơn cho các nhà phát triển tại Hàn Quốc.

Wilson White, Giám đốc cấp cao về chính sách công của Google cho biết, luật mới này có thể có tác động tiêu cực đối với người tiêu dùng và các nhà phát triển ứng dụng Hàn Quốc.

Theo các chuyên gia pháp lý, các nhà khai thác ứng dụng có thể hợp tác với các nhà phát triển và các công ty công nghệ khác nhau để có thể tạo ra các phương thức thanh toán an toàn khác so với những phương thức mà họ đang cung cấp.

Lee Hwang, Giáo sư về luật cạnh tranh của Đại học Luật Hàn Quốc cho biết, Google và Apple không phải là những công ty duy nhất có thể tạo ra một hệ thống thanh toán an toàn. Người tiêu dùng không nên quá lo lắng về sự an toàn hoặc bảo mật khi sử dụng các phương thức thanh toán khác nhau.

Bên cạnh đó, đạo luật cũng yêu cầu các nhà điều hành chợ ứng dụng đưa ra các giải pháp để làm giảm thiệt hại cho người dùng, bảo vệ quyền và lợi ích của người dùng, cũng như hòa giải các tranh chấp liên quan đến thanh toán, hủy hoặc hoàn lại tiền trong chợ ứng dụng.

Cũng trong tháng này tại Mỹ, một nhóm thượng nghị sĩ lưỡng đảng đã giới thiệu một dự luật nhằm kiềm chế các cửa hàng ứng dụng của các công ty công nghệ lớn mà họ cho rằng những hãng này đã kiểm soát thị trường quá nhiều, bao gồm cả Apple và Google.