Đã 70 năm trôi qua kể từ Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954), vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, Hà Nội đã gặt hái nhiều thành tựu lớn lao, xứng đáng là “Thủ đô anh hùng”, là “Thành phố vì Hòa bình”. Trong những năm qua, Hà Nội tiếp tục là điểm sáng trên bản đồ hội nhập quốc tế, là điểm hẹn quan trọng của các hoạt động giao lưu, đối ngoại và hợp tác quốc tế, điểm đến an toàn, tin cậy, điểm định cư lâu dài của nhiều người nước ngoài đến từ khắp nơi trên thế giới, qua đó góp phần lan tỏa hình ảnh về Việt Nam đổi mới, phát triển và hội nhập. Phóng viên Báo Nhân Dân đã có dịp trò chuyện cùng ba người bạn Mỹ Latin, những người đã sống, làm việc và công tác tại Hà Nội, lắng nghe họ chia sẻ những cảm nhận và đánh giá tích cực về mảnh đất nghìn năm văn hiến này.
Hà Nội- nơi lưu lại những cảm xúc khó quên

Cuộc trò chuyện về Hà Nội của chúng tôi bắt đầu với bà Patricia Abarzua, Chủ tịch Viện Văn hóa Hữu nghị Chile-Việt Nam, một người bạn Chile vô cùng ngưỡng mộ Chủ tịch Hồ Chí Minh và yêu quý Việt Nam. Bà xúc động kể lại về ký ức thời thanh niên, từ những năm 60 của thế kỷ trước, khi bà tham gia các cuộc biểu tình ở thủ đô Santiago để phản đối chiến tranh và bày tỏ tình đoàn kết quốc tế với nhân dân Việt Nam. Tính đến nay, bà đã có cơ duyên tới Việt Nam năm lần, trong đó có bốn lần bà được ghé thăm Hà Nội. Giờ đây, vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí bà hình ảnh của Hà Nội ngày càng đàng hoàng, to đẹp hơn qua mỗi lần ghé thăm.
“Trước khi đến Việt Nam, tôi được Đại sứ Việt Nam tại Chile năm đó là ông Nguyễn Văn Đào chia sẻ rằng đến Việt Nam thì sẽ thấy khác nhiều lắm… Và đúng như vậy, cho tới tận bây giờ tôi vẫn không thể tìm được từ nào có thể diễn tả những ấn tượng của tôi khi tới Hà Nội lần đầu tiên vào năm 1997. Tôi cảm nhận được bầu không khí làm việc hăng say, những nỗ lực không ngừng, cả niềm vui, nụ cười và sự bình yên luôn hiện hữu trên gương mặt của mỗi người dân”, bà kể lại. Đặc biệt, bà vô cùng xúc động khi nhớ lại chuyến thăm Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh năm ấy. Cuộc đời, sự nghiệp cách mạng và tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh gieo nguồn cảm hứng bất tận và là niềm khích lệ to lớn cho cuộc đấu tranh giải phóng, giành độc lập của các dân tộc ở Mỹ Latin, bà khẳng định.
Lần tiếp theo vào năm 2005, bà Patricia tới Hà Nội để đón nhận Huân chương Hữu nghị, phần thưởng cao quý của Nhà nước Việt Nam do Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa trao tặng vì những đóng góp không ngừng nghỉ vào việc vun đắp tình hữu nghị giữa Việt Nam và Chile. Lần này, bà dành nhiều thời gian để thăm các di tích lịch sử và địa điểm nổi tiếng ở Hà Nội như Nhà tù Hỏa Lò, Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia hay trung tâm Hà Nội. “Tất cả những lần ghé thăm đã giúp tôi hiểu rõ hơn về văn hóa của người Việt Nam và lịch sử Hà Nội”, bà bày tỏ.
Bà Patricia Abarzúa thăm Bảo tàng Lịch sử Quân đội nhân chuyến thăm đến Hà Nội năm 2015. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Bà Patricia Abarzúa thăm Bảo tàng Lịch sử Quân đội nhân chuyến thăm đến Hà Nội năm 2015. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Đã 70 năm trôi qua kể từ ngày Giải phóng Thủ đô. Tôi mới thấy thấm thía câu nói bất hủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do"
Mười năm sau, bà Patricia được mời tới Thành phố Hồ Chí Minh tham dự các sự kiện kỷ niệm 40 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2015). Thời điểm đó, Viện Văn hoá Hữu nghị Chile-Việt Nam gửi tặng Việt Nam 40 tác phẩm nghệ thuật lấy cảm hứng từ lịch sử đấu tranh giành độc lập của Việt Nam để chuẩn bị cho một cuộc triển lãm tranh “Việt Nam ngày hôm qua và hôm nay” tại Hà Nội. Nhân dịp đó, bà đã thu xếp tới Hà Nội và dành thời gian tham quan Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Bà hồi tưởng lại: “Tôi như thể một lần nữa được sống lại cùng lịch sử Việt Nam. Tôi bắt gặp lại những hình ảnh về cuộc chiến tranh phi nghĩa tại Việt Nam qua những mô hình và hiện vật trưng bày ở bảo tàng. Đó chính là những hình ảnh đau thương mà tôi đã từng biết qua báo, đài ở Chile trước kia. Tôi vô cùng xúc động và qua đó hiểu hơn về những gì mà đất nước các bạn đã trải qua”.
Được chứng kiến tận mắt một Hà Nội bình yên và mỗi ngày một phát triển, bà Patricia vô cùng phấn khởi. Bà nhận định Hà Nội đang khoác lên mình “chiếc áo mới”, người dân được sống trong ấm no, hạnh phúc, bù đắp lại những năm tháng chiến đấu trường kì, gian khổ. Dù ở xa, bà vẫn dõi theo Việt Nam và chia sẻ cùng bạn bè Hà Nội: “Đã 70 năm trôi qua kể từ ngày Giải phóng Thủ đô. Tôi mới thấy thấm thía câu nói bất hủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.
Đến từ Cuba, đất nước mang nghĩa tình sâu đậm với Việt Nam, ông Moisés Pérez- trưởng cơ quan thường trú của hãng thông tấn Prensa Latina (Cuba) tại Việt Nam cũng vô cùng ngỡ ngàng trước những đổi thay của Hà Nội khi tới đây để bắt đầu nhiệm kì công tác của mình vào tháng 5 năm 2022. Moisés kể rằng ông đã từng đọc và nghe rất nhiều về Việt Nam trước đó, và đặc biệt tự hào về tình hữu nghị đặc biệt, thủy chung, trong sáng, hiếm có trong quan hệ quốc tế giữa hai nước. Ông chia sẻ:
“Khi hạ cánh xuống sân bay Nội Bài và bắt đầu chiêm ngưỡng Hà Nội của hôm nay, tôi không khỏi ngỡ ngàng và tự hỏi: Vì sao “điều kỳ diệu” này có thể xảy ra? Tuy nhiên, bạn có thể tìm thấy đáp án cho câu hỏi này ngay khi bắt đầu đến với đất nước này. Hà Nội luôn là biểu tượng cho tinh thần chiến đấu anh dũng của nhân dân Việt Nam và cũng là biểu tượng cho khối đại đoàn kết dân tộc. Dù Hà Nội bị tàn phá nặng nề bởi chiến tranh, nhưng nhân dân Thủ đô đã không ngừng nỗ lực xây dựng lại thành phố với mong muốn có được nền hoà bình lâu dài”.
Nhà báo Moisés cũng nhắc lại sự kiện Hà Nội vinh dự được UNESCO trao tặng danh hiệu cao quý “Thành phố vì Hòa bình” ngày 16/7/1999. Ông nhận định: “Thực tế, sau chặng đường 25 năm kể từ khi được vinh danh, Hà Nội đã có nhiều thay đổi tích cực, trở thành một điểm đến an toàn, bình yên, mến khách và thân thiện. Tôi nhớ GS,TS. Nhà giáo nhân dân Nguyễn Quang Ngọc cách đây nhiều năm đã viết rằng: Hà Nội đã chứng tỏ là hình mẫu phát triển hướng tới một thế giới hòa bình và là biểu tượng của khát vọng hợp tác. Quả thực, những dân tộc từng trải qua chiến tranh luôn coi trọng giá trị của hòa bình và chắc chắn rằng Hà Nội đã, đang và sẽ mãi là “Thành phố vì Hòa bình”.
Hà Nội luôn là biểu tượng cho tinh thần chiến đấu anh dũng của nhân dân Việt Nam và cũng là biểu tượng cho khối đại đoàn kết dân tộc
Đặc biệt, với nhà báo Moisés, Hà Nội còn là nơi lưu lại một kỉ niệm khó quên trong cuộc đời. Vào đúng thời điểm bận rộn tuyên truyền về các hoạt động Kỷ niệm 50 năm chuyến thăm của Lãnh tụ Cuba Fidel Castro tới vùng Giải phóng miền Nam Việt Nam (9/1973 - 9/2023), ông đã gặp vấn đề sức khoẻ bất thường. Qua kiểm tra, các bác sĩ phát hiện ông bị tắc nghẽn động mạch và phải tiến hành phẫu thuật gấp. Ca phẫu thuật đã thành công và ông không giấu nổi niềm xúc động khi kể lại kỉ niệm này: “Tôi nhận được sự chăm sóc tận tình của không chỉ các bác sĩ mà tất cả các nhân viên của bệnh viện. Dù còn rất trẻ, nhưng tất cả đều rất chuyên nghiệp, thân thiện và có trình độ. Vậy là, ngày 24/7/2023, sau gần tám tiếng đồng hồ trong phòng mổ, thật hạnh phúc, tôi đã được sinh ra một lần nữa ở Hà Nội”.
Nhà báo Cuba Moisés Pérez Mok. (Ảnh: Hải Anh)
Nhà báo Cuba Moisés Pérez Mok. (Ảnh: Hải Anh)
Martín Rama cùng cuốn sách Vì tình yêu Hà Nội. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Martín Rama cùng cuốn sách Vì tình yêu Hà Nội. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Người Hà Nội có bản sắc riêng của mình, đó là nét thanh lịch, kín đáo, thấy rõ hơn so với những nơi khác. Với lịch sử một nghìn năm, người dân Hà Nội được nhận xét là chỉn chu, ít phô trương, giàu tri thức và cần cù chịu khó. Họ có một đời sống văn hóa rất phong phú, rất nhạy cảm với vẻ đẹp và cá tính riêng của thành phố.
Trong ba người bạn Mỹ Latin dành thời gian trò chuyện với chúng tôi về Hà Nội nhân dịp kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô, nhà kinh tế học người Uruguay Martín Rama là người có thời gian gắn bó với Hà Nội nhiều nhất. Ông từng đảm nhận vị trí chuyên gia kinh tế trưởng của World Bank (Ngân hàng Thế giới) tại Việt Nam từ năm 2002 đến 2010. Ông sống cùng gia đình ở Hà Nội và đó là quãng thời gian vô cùng hạnh phúc với ông. Thành phố này trong mắt Martín giống như một bức tranh sống động với nhiều gam màu, từ trầm mặc, cổ kính, tới tươi sáng, hiện đại, khiến ông đã “phải lòng” ngay từ lần gầu “gặp gỡ”.
Martín bộc bạch: “Tôi bị thu hút bởi những khu di tích lịch sử, văn hóa của Hà Nội, tập trung chủ yếu ở các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình và Hai Bà Trưng. Tại đó, tôi tìm thấy những nét độc đáo riêng biệt của Thủ đô, với kiến trúc phong phú, cảnh quan tuyệt đẹp, cùng đời sống tấp nập, nhộn nhịp trên phố. Dáng hình Hà Nội trong tôi là mảnh đất kinh kỳ 36 phố phường rực rỡ sắc màu, là những con đường rợp bóng cây đầy thơ mộng hay những khu tập thể thời bao cấp. Với tôi, con ngõ Tôn Thất Thiệp, nơi tôi sinh sống, là tổng hòa hoàn hảo những điều khiến Hà Nội trở thành một thành phố độc đáo, có biệt thự kiểu Pháp, khu nhà tập thể, chợ cóc và những sạp bán hoa tươi mỗi buổi sáng”.

Sống lâu năm ở Hà Nội, Martín thừa nhận rằng đôi khi không phải mọi thứ đều dễ dàng, như giao thông đông đúc hay có những ngày thời tiết nóng nực kèm theo độ ẩm rất cao. “Nhưng khi mùa thu đến với chút gió dịu nhẹ và sắc nắng vàng, người ta có thể xí xóa tất cả để tiếp tục yêu Hà Nội!”, ông mỉm cười. Hơn nữa, cuộc sống hàng ngày ở Hà Nội rất thu hút ông, đặc biệt là ẩm thực: “Đồ ăn Việt Nam thì tuyệt vời, kể cả ở những hàng quán vỉa hè với những bộ bàn ghế nhựa nhỏ xinh...”.
Ở Hà Nội, Martín tìm thấy sự bình yên và tình cảm chân thành giữa lòng một thành phố đang phát triển nhanh chóng. Tiếp xúc nhiều với người dân Hà Nội, ông hiểu nơi đây như chính quê hương của mình. “Người Hà Nội có bản sắc riêng của mình, đó là nét thanh lịch, kín đáo, thấy rõ hơn so với những nơi khác. Với lịch sử một nghìn năm, người dân Hà Nội được nhận xét là chỉn chu, ít phô trương, giàu tri thức và cần cù chịu khó. Họ có một đời sống văn hóa rất phong phú, rất nhạy cảm với vẻ đẹp và cá tính riêng của thành phố”. Đặc biệt, ông cảm nhận được người Hà Nội có nhiều điểm tương đồng với tính cách của người Mỹ Latin, rất nồng hậu, sống tình cảm và rất coi trọng mối quan hệ giữa con người với nhau.
Tình yêu dành cho Hà Nội còn là nguồn cảm hứng để Martín say mê viết và khơi dậy trong ông những ý tưởng độc đáo để góp phần làm đẹp Thủ đô. Ông tâm huyết nói về thành phố này trong từng dòng chữ, trang sách, điển hình như “Hà Nội, một chốn rong chơi” (2014) và “Vì tình yêu Hà Nội” (2023), với những chia sẻ để đóng góp cho việc bảo tồn di sản kết hợp với phát triển kinh tế của Hà Nội. Các tác phẩm đã được bạn đọc đón nhận và đánh giá cao, qua đó thêm trân quý tình cảm của người bạn Uruguay dành cho Hà Nội.
Ấn tượng về một Thủ đô phát triển và hội nhập mạnh mẽ

70 năm sau Ngày Giải phóng và gần 40 năm tiến hành công cuộc Đổi mới, Hà Nội ngày nay mang một diện mạo, tầm vóc mới và đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế xã hội. Là người chứng kiến những bước đột phá của Hà Nội từ những năm 90, nhà kinh tế học Martín khẳng định: “Kinh tế Hà Nội đã ghi nhận những bước phát triển ngoạn mục. Rất ít quốc gia có được những bước chuyển đổi kinh tế nhanh chóng như Việt Nam và Hà Nội chính là trung tâm của quá trình đổi mới đó”.
Nói về diện mạo của Hà Nội trước và sau Đổi mới, nhà báo Moisés thành thật: “Rất khó để có thể so sánh điều này khi chỉ biết về một trong hai giai đoạn đó, nhưng chắc chắn Hà Nội năm 2024 không có gì giống với Hà Nội khi vừa giải phóng vào 70 năm trước, và thậm chí khác hoàn toàn so với năm 1975 khi đất nước hoàn toàn thống nhất”. Ông cũng bất ngờ khi thấy dù Hà Nội đang ngày càng hiện đại hơn nhưng vẫn không bỏ quên những giá trị xưa cũ nằm trong hơn một nghìn di tích vẫn còn đang được bảo tồn hết sức cẩn thận.
Hà Nội dưới ống kính của
nhà báo Cuba Moisés Pérez Mok
Nhà báo Cuba Moisés Pérez Mok và vợ tại Hà Nội. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Nhà báo Cuba Moisés Pérez Mok và vợ tại Hà Nội. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Nhà báo Cuba Moisés Pérez Mok và vợ tại Hà Nội. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Nhà báo Cuba Moisés Pérez Mok và vợ tại Hà Nội. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
“Hà Nội đã đạt được nhiều thành tựu kinh tế trong những năm gần đây và điều đó được thể hiện rõ qua những con số thống kê. Từ năm 2011 đến năm 2020, nền kinh tế Thủ đô duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm 6,83%, gấp 1,15 lần mức tăng trưởng chung của cả nước. Tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố (GRDP) năm 2023 tăng gấp 1,24 lần cả nước, thu ngân sách vượt 16,4% dự toán và tăng 23% so với năm trước”, ông nhận định.
Nhà báo Moisés cũng đề cao vai trò của Hà Nội trong tổng thể bức tranh kinh tế và định hướng phát triển của Việt Nam: “Hà Nội đóng góp khoảng gần 16% vào GDP cả nước và được định hướng trở thành một cực tăng trưởng chính trong nền kinh tế quốc gia có tầm ảnh hưởng trong khu vực, dựa trên các mô hình phát triển xanh và nền kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, theo kế hoạch năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045”. Đặc biệt, từ sau khi tiến hành công cuộc Đổi Mới, bên cạnh những thành tựu kinh tế to lớn, điều kiện sống tại Hà Nội cũng được nâng cao. Điều này được thể hiện rõ qua tỷ lệ hộ nghèo khi chỉ còn chiếm 0,095% tổng số hộ dân và nỗ lực hoàn thành mục tiêu không còn hộ nghèo vào năm 2025 của chính quyền Hà Nội, ông nhấn mạnh.
Trong những năm qua, có thể nói hội nhập kinh tế quốc tế là một trong những điểm sáng trong triển khai công tác đối ngoại của Thủ đô. Về điều này, bà Patricia đánh giá cao vai trò của Hà Nội trong mở rộng giao lưu với các nước trên thế giới, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế, thương mại. Những lần ghé thăm đã giúp bà cảm nhận được những nỗ lực không ngừng của người dân Thủ đô để phát triển Hà Nội trở thành một thành phố thịnh vượng với tốc độ tăng trưởng nhanh chóng.
Dù ở rất xa, bà vẫn luôn cập nhật tin tức về tình hình chính trị, kinh tế xã hội của Việt Nam qua báo đài. Những con số về tăng trưởng trao đổi thương mại giữa Việt Nam và các nước Mỹ Latin trong những năm gần đây khiến bà vô cùng ấn tượng. “Các sản phẩm may mặc và da giầy của Việt Nam đã có mặt trên khắp thế giới. Các mặt hàng điện thoại, linh kiện điện tử, máy tính có xuất xứ từ Việt Nam ngày càng trở nên phổ biến hơn ở nước ngoài. Điều đó cho thấy đẩy mạnh giao thương và phát triển công nghiệp là một phần rất quan trọng trong việc thực hiện các chính sách Đổi mới tại Việt Nam”, bà nhận định.
Bà Patricia Abarzúa, Chủ tịch Viện Văn hóa Hữu nghị Chile-Việt Nam. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Bà Patricia Abarzúa, Chủ tịch Viện Văn hóa Hữu nghị Chile-Việt Nam. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Bà Patricia Abarzúa, Chủ tịch Viện Văn hóa Hữu nghị Chile-Việt Nam. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Bà Patricia Abarzúa, Chủ tịch Viện Văn hóa Hữu nghị Chile-Việt Nam. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Martín Rama (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Martín Rama (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Martín Rama (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Martín Rama (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Còn Martín thì khẳng định Việt Nam đã hội nhập với thế giới chỉ trong vòng vài chục năm. Ông kể lại: “Khi Ngân hàng Thế giới mở văn phòng tại Hà Nội vào năm 1993, những người nước ngoài sống ở khu vực gần phố Kim Mã gần như tách biệt với phần còn lại của thành phố. Internet chưa được phổ cập và hầu như âm nhạc phương Tây duy nhất được biết đến là những bài hát của nhóm ABBA. Nhưng đến nay, Việt Nam thúc đẩy giao thương mạnh mẽ với thế giới, nhờ hệ thống vận tải hàng không dày đặc và đón hàng triệu du khách mỗi năm. Giờ đây, người dân Thủ đô dường như sử dụng Internet mọi lúc, thông qua các nền tảng như Facebook hay TikTok”.
Với những thay đổi nhanh chóng như vậy, Martín đánh giá: “Hà Nội rõ ràng là một điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư. Các khu công nghiệp hay các khu dân cư mới mọc lên xung quanh trung tâm thành phố là những minh chứng rõ ràng nhất cho thấy sự phát triển năng động của Hà Nội. Phát triển bất động sản và công nghiệp chế tạo hiện nay đang là những trụ cột phát triển kinh tế của Thủ đô”.
Về phía mình, ông Moisés cho rằng Hà Nội đạt được những dấu ấn quan trọng, góp phần vào công cuộc hội nhập chung của đất nước. Ông cũng chỉ ra rằng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới mỗi năm tăng liên tiếp, cùng sự bứt phá của ngành du lịch có liên quan mật thiết với quá trình hội nhập quốc tế của Thủ đô.

Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, các nhân vật đều nhắc đến một trong những dấu mốc quan trọng của Hà Nội trong gần 40 năm tiến hành công cuộc Đổi Mới. Đó là việc mở rộng địa giới hành chính vào năm 2008, một quyết định có tầm ảnh hưởng lớn trong quá trình xây dựng và phát triển Thủ đô.
Theo phân tích của Martín, việc mở rộng diện tích Thủ đô là phù hợp và cần thiết để giảm bớt áp lực dân số ở khu vực trung tâm và đảm bảo tính liền mạch trong quy hoạch đô thị. Ông cho rằng sẽ rất khó có thể bảo tồn được bản sắc của Thủ đô nếu dân số Hà Nội tập trung ngày càng đông ở khu vực trung tâm thành phố. “Một trong những quyết định mang tính chiến lược quan trọng của Hà Nội là hướng sự phát triển của Thủ đô về phía Hồ Tây và phía Nam thành phố (đặc biệt là khu vực Mỹ Đình). Nhờ đó, các quận như Hoàn Kiếm hay Ba Đình mới bảo tồn được kiến trúc đô thị và không gian xanh truyền thống”, ông nói thêm.
“Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình, thành phố mới chỉ có khoảng nửa triệu dân. Nhưng vào cuối thập kỷ này, dân số Thủ đô sẽ chạm ngưỡng 10 triệu”. Với dẫn chứng này, Martín khẳng định đây chắc hẳn là một trong những tốc độ phát triển đô thị chóng mặt nhất trong lịch sử. Nói cách khác, diện mạo của hầu hết các khu vực trong thành phố ngày nay đã thay đổi từ nông thôn sang thành thị, chứ không hẳn chỉ từ một thành phố truyền thống sang một thành phố hiện đại.
Để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho phát triển kinh tế xã hội, thương mại và du lịch, hội nhập quốc tế, chất lượng hạ tầng giao thông ở Hà Nội đang ngày càng được cải thiện với đa dạng các loại hình phương tiện giao thông hiện đại. Trong ký ức về bốn lần đến Hà Nội trước đây, bà Patricia kể lại: “Trên đường phố tấp nập, xe đạp đang được dần thay thế bằng xe máy, ô tô và phương tiện giao thông công cộng xuất hiện nhiều hơn trước. Tất cả những điều này cho thấy được những nỗ lực bền bỉ của một dân tộc đang không ngừng vươn lên trên con đường phát triển kinh tế”.
Cơ quan thường trú của hãng thông tấn Prensa Latina toạ lạc tại phố Ngô Thì Nhậm, một trong những con phố trung tâm của Hà Nội, vì thế hàng ngày nhà báo Moisés có cơ hội trải nghiệm nhiều phương tiện giao thông ở Thủ đô. Ông thấy rằng Hà Nội đang nỗ lực cải thiện chất lượng và hiệu quả của hạ tầng giao thông. Điều đó được thể hiện qua cam kết đến năm 2035, tất cả xe buýt được thay thế, đầu tư mới phải sử dụng điện, năng lượng xanh, với hơn 150 tuyến xe buýt và hơn 2.200 phương tiện. “Quá trình này sẽ góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tuy diễn ra chậm rãi nhưng có thể nhận thấy được qua thực tế, với hàng chục chiếc xe buýt điện vận hành ở các khu vực trung tâm”, ông phân tích.
Ông Moisés cũng chỉ ra rằng, cùng với việc cơ sở hạ tầng đường bộ từng bước được cải thiện rõ rệt, hệ thống Giao thông Thông minh đi vào hoạt động từ tháng 6 năm 2023 sẽ đóng góp đáng kể vào hạn chế ùn tắc giao thông và cho phép phương tiện lưu thông dễ dàng hơn. Mặt khác, theo ông, việc vận hành hai tuyến tàu điện trên cao đầu tiên của thành phố chắc chắn cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển của người dân, đặc biệt trên những tuyến đường dài.
Tin tưởng vào những bước phát triển vững chắc của Thủ đô

Dưới góc nhìn của nhà kinh tế học Uruguay, Martín Rama, sự kết hợp giữa vẻ đẹp của đô thị, đồ ăn tuyệt vời, chất lượng dịch vụ tốt và giá cả rất phải chăng chính là điều khiến Hà Nội trở nên khác biệt so với các thành phố khác và trở thành điểm đến du lịch hàng đầu trên thế giới. Ông nói thêm: “Hà Nội cũng được biết đến là một thành phố an toàn, nơi có tỉ lệ tội phạm rất thấp và phụ nữ có thể đi du lịch một mình mà không bị làm phiền. Bên cạnh đó, các sản phẩm du lịch sáng tạo đã tạo điểm nhấn cho ngành du lịch Hà Nội”.
Mặt khác, ông chỉ ra rằng những những sáng kiến quan trọng nhất cho tương lai của Thủ đô đều liên quan đến việc bảo tồn và gìn giữ những nét đặc trưng của Hà Nội, sự pha trộn giữa vẻ đẹp của kiến trúc với sức sống của xã hội và khuyến khích tri thức. Theo ông, điều đó sẽ thu hút không chỉ du khách mà còn cả những chuyên gia đổi mới, nhà nghiên cứu và người sáng tạo. “Tôi tin tưởng rằng nếu làm đúng, Hà Nội có thể trở thành một trong những thành phố siêu sao của châu Á”, ông khẳng định.
Bà Patricia cho rằng quá trình phát triển đô thị đã kéo theo sự phát triển mạnh mẽ của ngành xây dựng và giờ đây, các tòa nhà chọc trời ở Hà Nội bắt đầu trở thành điểm thu hút khách thăm quan. Bà nhận thấy trong hầu hết các tour du lịch Việt Nam đều có lịch trình đến thăm Hà Nội và có các hoạt động tìm hiểu về lịch sử, truyền thống văn hoá và ẩm thực Thủ đô. Nhờ vậy, ngành du lịch Hà Nội có cơ hội đón thêm nhiều du khách và đạt được những bước phát triển nhanh chóng. Bà nhận định: “Tôi luôn tin tưởng rằng với truyền thống lịch sử, với tấm lòng nhân hậu và nỗ lực của người dân, với món Phở nổi tiếng toàn thế giới, Hà Nội đã bước vào thế kỷ 21 với vai trò hỗ trợ đắc lực cho sự phát triển của ngành công nghiệp nói chung và du lịch nói riêng”.
Nhà báo Moisés thì lạc quan dự báo rằng: “Trong hai thập kỷ nữa Hà Nội sẽ không chỉ là trung tâm chính trị-hành chính của cả nước mà còn là một thành phố văn minh không mất đi nét đặc sắc, hiện đại, xanh và thông minh, nơi hội tụ tinh hoa văn hóa của đất nước và thế giới và là một trung tâm hàng đầu về nghiên cứu, đổi mới, ứng dụng và chuyển giao những tiến bộ khoa học công nghệ tiên tiến nhất”.

Trên hành trình thực hiện các mục tiêu đã đề ra, bên cạnh nỗ lực của chính quyền và nhân dân, Hà Nội luôn có sự đồng hành, ủng hộ của bạn bè quốc tế, trong đó có cả những người bạn Mỹ Latin luôn dõi theo và tin tưởng vào những bước phát triển vững chắc của Hà Nội trong tương lai. Những đánh giá tích cực của bạn bè quốc tế từng sinh sống, làm việc hay công tác đến Hà Nội chính là động lực để thành phố tự tin đạt được nhiều thành tựu to lớn hơn nữa. Một Hà Nội thân thiện, mến khách và nỗ lực hội nhập với nhiều tiềm năng phát triển, chắc chắn sẽ là một điểm đến an toàn, một điểm đầu tư hấp dẫn và là một nơi đáng sống của bạn bè khắp năm châu.
Ngày xuất bản: 14/10/2024
Tổ chức: Lê Quang Thiều, Phạm Trường Sơn
Nội dung: Thanh Hằng, Hải Anh, Kim Hương
Ảnh: Hồng Quân, Hải Anh, Thanh Hằng
Trình bày: Tú Khuê