Hà Đông, Sơn Tây - Hậu phương trực tiếp của mặt trận Hà Nội

Không phải ngẫu nhiên mà trong những ngày đầu Toàn quốc kháng chiến, vùng Hà Đông, Sơn Tây lại được chọn làm an toàn khu của các cơ quan đầu não kháng chiến. Việc này đã được dự kiến, chuẩn bị từ trước khi cuộc kháng chiến bùng nổ khá lâu với một nhãn quan chiến lược sáng suốt. Nhân dân Hà Đông, Sơn Tây đã có đóng góp to lớn, xứng đáng với sự tin tưởng của Trung ương Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trước đó, từ giữa tháng 11-1946, nhiều cán bộ được cử đi nghiên cứu xây dựng những “An toàn khu” tại các huyện: Hoài Đức, Thanh Trì, Chương Mỹ (Hà Đông), các huyện Quốc Oai, Thạch Thất (Sơn Tây) làm nơi ở và làm việc của các cơ quan Trung ương. Bộ Tổng chỉ huy tổ chức một đoàn cán bộ bí mật mang bí danh “Trung đội số 13” có nhiệm vụ tìm những nơi có thể đặt tạm thời các cơ quan Đảng, Chính phủ, Quân đội sẽ chuyển đến, khi nổ ra chiến sự ở Hà Nội và các đô thị.

Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã họp khẩn cấp ngày 18 và 19-12-1946 ở làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông). Hội nghị đưa ra nhận định quan trọng: Các cơ hội hòa hoãn đã hết vì Pháp quyết tâm chiếm nước ta một lần nữa. Nhận định đó dẫn đến quyết định quan trọng tiếp theo: Phát động cuộc kháng chiến trên phạm vi toàn quốc. Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến vang vọng non sông của Chủ tịch Hồ Chí Minh được phát đi từ núi Trầm, huyện Chương Mỹ. Trong những ngày đầu của cuộc kháng chiến trường kỳ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở và làm việc nhiều ngày tại vùng Hà Đông - Sơn Tây. Tại đây, Người đã có nhiều hoạt động chỉ đạo, động viên cuộc kháng chiến. Ngày 13-1-1947, Người cùng một số lãnh đạo Trung ương về ở, làm việc tại xóm Lai Cải, xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất, sau đó chuyển đến chùa Một Mái trên núi Thầy, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai. Đêm Giao thừa Tết Đinh Hợi (21-1-1947), Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì phiên họp cuối năm của Hội đồng Chính phủ tại phủ Quốc Oai. Đầu tháng 3-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh mới rời Quốc Oai (Sơn Tây) lên Việt Bắc.

Cuộc kháng chiến bùng nổ, Hà Đông, Sơn Tây là hậu phương trực tiếp cận kề với mặt trận cho nên phải đảm nhiệm vai trò “kép” - vừa là hậu phương trực tiếp hỗ trợ cho cuộc chiến đấu trong nội đô Hà Nội, vừa sẵn sàng trực tiếp chiến đấu chặn quân địch khi chúng mở rộng cuộc chiến từ đô thị ra các vùng ngoại vi.

Sau ngày 19-12-1946, các cơ quan Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội, Bộ Quốc phòng di chuyển dần về phía tây nam, ra vùng Hà Đông, Sơn Tây. Trong những ngày cuối năm 1946, đầu năm 1947 mịt mù khói lửa lịch sử hào hùng, quân và dân Hà Đông, Sơn Tây đã gồng mình huy động mọi nguồn nhân lực, vật lực cho mặt trận Hà Nội. Đây cũng là nơi đứng chân an toàn của các cơ quan đầu não kháng chiến, là điểm, tuyến tập kết quan trọng của cuộc “Tổng di chuyển” về căn cứ địa Việt Bắc.

Không chỉ là địa bàn đứng chân an toàn tạm thời, trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến, Hà Đông, Sơn Tây là hậu phương quan trọng trực tiếp bổ sung kịp thời nguồn lương thực, thực phẩm và nhân lực vũ trang cho mặt trận Hà Nội. Các gia đình ở Hà Đông, Sơn Tây hết lòng đón tiếp, giúp đỡ các cơ quan cùng hàng vạn đồng bào ở nội thành Hà Nội về tản cư. Nhân dân nô nức tham gia tự vệ, đào hào giao thông, hầm, hố chiến đấu, tổ chức lực lượng vận tải, tiếp tế, cứu thương. Bệnh viện dã chiến của mặt trận Hà Nội được chuyển về khu vực làng Cự Đà, Khúc Thủy (Thanh Oai), Sơn Đồng, Yên Sở (Hoài Đức). Quân y Trung ương về Vân Đình (Hà Đông), trở thành tuyến chính tiếp nhận thương, bệnh binh của mặt trận. Các công binh xưởng, xí nghiệp quân giới Phan Đình Phùng cũng chuyển về khu vực này.

Hà Đông, Sơn Tây liền kề Hà Nội, có nhiều tuyến giao thông huyết mạch nối Hà Nội với Tây Bắc, Việt Bắc, cho nên đã trở thành điểm trung chuyển quan trọng của cuộc “Tổng di chuyển” từ Thủ đô lên chiến khu. Từ Ninh Bình, máy móc, dụng cụ, nguyên vật liệu được tập kết về Ứng Hòa (Hà Đông) sau đó được chuyển dần lên Việt Bắc. Trên các bến Mải, bến Mía, bến Mỗ, bến Tầu (Sơn Tây), hàng nghìn dân công không quản ngày đêm tham gia bốc dỡ, vận chuyển gạo, muối, thuốc men, vũ khí. Nhiều làng xã ven đường số 6, đường 22, đường 11... trở thành những “nút” trọng yếu trên mạch máu vận chuyển ở hữu ngạn sông Hồng. Cuộc kháng chiến cần nhiều đến nguồn dự trữ, nhất là hai loại “hàng chiến lược” gạo và muối ăn. Cuối năm 1946, hàng nghìn dân công Hà Đông, Sơn Tây cùng nhân dân các tỉnh chuyển muối từ Văn Lý ngược sông Đáy đến Vân Đình, lên Ba Thá, sau đó chuyển qua sông Bùi đến cầu Ái Mỗ (Sơn Tây), ngược lên Phú Thọ, Tuyên Quang, cung cấp tương đối đầy đủ muối cho Việt Bắc kháng chiến trường kỳ. Trong cái giá rét những ngày đông cuối năm, nhân dân Hà Đông, Sơn Tây góp nhiều công sức, bằng vai và tay mình góp phần đưa hàng nghìn tấn vũ khí, máy móc, nguyên liệu, vật tư lên chiến khu an toàn để xây dựng lực lượng lâu dài cho cuộc kháng chiến.

Từ đường lối kháng chiến toàn diện, lâu dài, quân dân Hà Đông, Sơn Tây đã chủ động và khẩn trương thực hiện lệnh “tiêu thổ kháng chiến”, đào đắp ụ, hố trên các tuyến đường dẫn vào Hà Nội, làm vật cản trên sông... Hàng chục ki-lô-mét đường sắt trên tuyến đường 1A và đường tàu điện Hà Nội - Hà Đông nhanh chóng được bóc dỡ.

Mùa đông 1946 mịt mù khói lửa, Tết Đinh Hợi 1947, Hà Nội không yên bình. Các chiến sĩ quyết tử cho Tổ quốc và Thủ đô quyết sinh nổ súng quyết liệt giam chân quân Pháp trên từng góc phố, tạo điều kiện để quân và dân cả nước có thêm thời gian chuẩn bị lực lượng, chủ động bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ. Quân và dân Hà Đông, Sơn Tây đã đảm nhiệm xuất sắc vai trò hậu phương trực tiếp của mặt trận Hà Nội những ngày đầu Toàn quốc kháng chiến.