Ibrahim Hamadtou - nguồn cảm hứng tại Paralympic Tokyo 2020

NDO -

Mất đi cả hai cánh tay khi chỉ mới 10 tuổi, nhưng nghịch cảnh không khiến Ibrahim Hamadtou chùn bước. Vận động viên người Ai Cập tạo cho mình một sự nghiệp bóng bàn thành công, và đang là nguồn cảm hứng của nhiều người khi tranh tài lần thứ hai tại kỳ Đại hội Paralympic. 

Cách giữ vợt và giao bóng "có một không hai" của Ibrahim Hamadtou. (Ảnh: Getty Images)
Cách giữ vợt và giao bóng "có một không hai" của Ibrahim Hamadtou. (Ảnh: Getty Images)

Từng tham dự Paralympic Rio 2016, Ibrahim Hamadtou năm nay trở lại và tiếp tục trở thành một trong những vận động viên ấn tượng nhất Paralympic Tokyo 2020. Anh mất đi cả hai cánh tay nhưng vẫn có thể thi đấu bóng bàn đỉnh cao, một bộ môn đòi hỏi những đôi tay vô cùng khéo léo. Hamadtou cho người xem chiêm ngưỡng khả năng đánh bóng tuyệt vời bằng miệng, cùng với kỹ năng kẹp bóng ở chân, rồi hất lên và phát bóng.

Để được như ngày nay, Ibrahim Hamadtou đã vượt lên số phận cùng niềm đam mê bóng bàn mãnh liệt. Trong một cuộc phỏng vấn, Ibrahim chia sẻ câu chuyện nghịch cảnh tai nạn tàu hỏa cướp đi đôi bàn tay của anh khi chỉ mới 10 tuổi. Nhưng điều đó không khiến cậu bé hồn nhiên mất đi tình yêu với thể thao, ba năm sau đó, anh quyết định chơi một bộ môn thể thao.

Ibrahim Hamadtou kể lại: “Ngày còn bé tại làng của tôi, trẻ con chỉ có thể chơi bóng bàn hoặc bóng đá. Lúc đầu tôi nghĩ không còn tay thì chơi bóng đá sẽ dễ dàng hơn, nhưng trong một lần tranh cãi, một người bạn cho rằng tôi sẽ không bao giờ có thể chơi bóng bàn. Câu nói đó thay đổi tất cả, những ngày sau đó, tôi quyết định mình phải chơi được bóng bàn bằng mọi giá. 

Thời gian đầu mọi thứ đương nhiên rất khó khăn. Tôi phải tập luyện nghiêm túc hằng ngày trong vòng 3 năm liên tiếp. Lúc đầu mọi người có phần bất ngờ khi thấy tôi chơi bóng bàn, sau đó họ động viên và đặt niềm tin vào nghị lực và quyết tâm của tôi”.

Nhớ lại khoảnh khắc nghĩ tới ý tưởng dùng miệng để giữ vợt, Ibrahim giải thích: “Ban đầu tôi cố giữ vợt ở dưới khuỷu tay, cùng với nhiều cách khác nhưng đều không hiệu quả. Cuối cùng tôi thử sử dụng miệng và cảm thấy thích hợp nhất”.

Ibrahim Hamadtou mất gần một năm để làm quen với cách giữ vợt độc đáo và phát bóng sử dụng chân, việc tập luyện và thi đấu thường xuyên đã giúp kỹ thuật của anh tiến bộ rất nhanh.

Kể từ khi tham gia thi đấu chuyên nghiệp từ năm 2004, Ibrahim đã giành về 2 Huy chương Bạc tại giải Vô địch bóng bàn Para thế giới năm 2011 và 2013, cùng với đó là 1 Huy chương Bạc tại giải Ai Cập Mở rộng 2013. Cùng năm 2013, anh được vinh danh là Vận động viên của năm tại quê nhà.

Khi giành được tấm vé tham dự Paralympic, Ibrahim cho biết anh đã đạt được ước mơ lớn nhất trong sự nghiệp của mình. Anh nhắn nhủ: “Tôi muốn nói với mọi người rằng ai cũng có thể đạt được giấc mơ nếu làm việc chăm chỉ với công việc bạn yêu thích. Khuyết tật không phải là ở đôi chân hay bàn tay, mà con người ta sẽ trở nên khuyết tật thực sự khi đánh mất nghị lực ở chính đam mê của mình”.