Tám giờ thuận lợi, một tháng nín thở theo dõi
Bốn năm sau tai nạn lao động dập nát bàn tay, anh Phạm Văn Vương không kìm được nước mắt khi nhìn thấy bàn tay dù lạ lẫm, to hơn trên cơ thể mình. Đó không phải là bàn tay robot, một bàn tay giả vô tri, vô giác. Anh đã có được trở lại bàn tay còn nguyên vẹn hình hài như bốn năm trước. Bàn tay ấy đã có thể cầm nắm theo sự điều khiển thần kinh.

Gần một tháng trước, ngày 27 Tết, anh Phạm Văn Vương lên bàn phẫu thuật với một tâm lý sẵn sàng cho nhiều tình huống có thể xảy ra với mình. Tại phần cụt, các khối cơ bị khâu chằng chịt, cơ bản không hoạt động. Mạch máu teo nhỏ, biến dạng hết vị trí nên bóc tách khó khăn. Các bác sĩ đối mặt với muôn vàn thách thức.
GS, TS Nguyễn Thế Hoàng, Phó Giám đốc Bệnh viện TƯQĐ 108 cho biết, khác với ghép các tổ chức khác, chi thể có nhiều cấu trúc da, mỡ dưới da, gân, xương, khớp, dịch khớp, mạch máu, thần kinh… tiềm ẩn nhiều kháng nguyên, thải ghép khó khăn hơn nhiều so với các các ca ghép khác. “Cấu trúc giải phẫu tổng hợp có 43 cơ vùng bàn tay dưới cẳng tay, khoảng 7-8 mạch máu lớn. Các khối cơ chức năng riêng rẽ, đòi hỏi phục hồi tất cả các cấu trúc. Việc ghép trên nền chi hiến có nguy cơ bội nhiễm nên có nguy cơ cao nhiễm trùng cho người nhận. Những kinh nghiệm liên quan đến chống thải ghép cũng mới bắt đầu làm nên hết sức lo lắng”, GS Hoàng chia sẻ về thách thức.

Trong lúc bệnh nhân lên bàn mổ, các bác sĩ tiếp tục đánh giá về bàn tay được ghép với sự bảo quản tốt nhất. Nếu mổ ra, bàn tay nhiễm trùng nguy cơ cao có thể dừng lại không ghép.
Trong tám giờ đồng hồ vừa cắt chi thể người hiến, vừa tiến hành đánh giá bàn tay được hiến ghép cho người bệnh, GS Hoàng tự hào kể, quá trình phẫu thuật hoàn toàn thuận lợi. Ba năm chuẩn bị kỹ lưỡng, đánh giá về ca ghép chi tiết nên kíp mổ gồm hơn 20 bác sĩ, điều dưỡng đã phối hợp vô cùng nhịp nhàng.
Khi ghép xong, các bác sĩ theo dõi sát từng giờ, từng ngày tình trạng người bệnh, nếu xuất hiện nhiễm trùng, sẵn sàng cắt bỏ bàn tay cứu bệnh nhân.

“Tôi gần như ăn Tết tại bệnh viện. Ngày nào cũng qua kiểm tra tình trạng bệnh nhân và thật mừng khi bệnh nhân phục hồi rất tốt. Tất cả các cấu trúc giải phẫu đã phục hồi và bàn tay ghép đồng loại được tưới máu đầy đủ giống như tay bên lành. Ngay sau mổ, anh Vương đã có thể tự vận động nhúc nhích được các ngón tay của bàn tay ghép. Chỉ hơn một tháng sau ghép, anh đã có thể sử dụng bàn tay ghép để cầm nắm một số các đồ vật thô. Kết quả phục hồi chức năng của người bệnh rất tốt”, GS Hoàng hạnh phúc nói. Sau 6-9 tháng, chức năng của bệnh nhân sẽ tốt dần lên và có thể cầm những vật tinh tế khác.
Từ lao động chính, anh Vương đã trở thành một người sống khép mình, dằn vặt vì phụ thuộc. Mọi lao động nặng đổ dồn lên vai người vợ. Hơn một tháng sau ca ghép tay, anh Vương không giấu được sự xúc động “Ước mơ của tôi có sức khỏe để lo cho gia đình lo cho vợ con. Với bàn tay được Bệnh viện TƯQĐ 108 trao tặng, đó là một điều kỳ diệu lớn lao. Tôi xin gửi lời cảm ơn sâu sắc chân thành nhất người tặng tôi bàn tay này”.