Góp sức tôn vinh di sản kiến trúc

Yêu nét bình dị, trầm tư của Huế, họa sĩ trẻ Lê Hữu Long khắc họa từng đường nét, gam mầu mà anh cảm nhận được bằng chiếc bay nhỏ. Những ngày tháng ngắm nghía, trực họa các di tích giúp anh càng hiểu và trân trọng giá trị lịch sử vùng đất kinh đô xưa.
0:00 / 0:00
0:00
Một buổi trực họa của họa sĩ Lê Hữu Long. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Một buổi trực họa của họa sĩ Lê Hữu Long. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Vẽ như dạo chơi cùng di tích

Họa sĩ Lê Hữu Long (35 tuổi, ở An Đông, TP Huế) đã dành hơn hai năm đi tìm cảm hứng sáng tác. Mỗi bước chân trên đất cố đô luôn nhận về những câu chuyện làm nên mảnh ghép cho tranh của anh.

Xuất phát điểm từ hội họa nhưng có một thời gian họa sĩ Long đành tạm ngưng. Cái duyên với trực họa những di sản, di tích của Huế giúp anh trở lại đam mê của mình. “Từ nhỏ mình sống ở Huế nên những hình ảnh về nơi này đã có trong ký ức của mình. Những kiến trúc cổng như Hiển Nhơn, Chương Đức rồi Ngọ Môn, Tử Cấm thành… làm cho mình có cảm giác muốn tìm lại nét xưa”, họa sĩ nói. Mỗi địa điểm, di tích trong kinh thành Huế đều mang giá trị riêng đầy thú vị đối với anh. Trong đó, cửa Chương Đức để lại ấn tượng nhiều nhất. Bao lần đến ghi chép nhưng rất ít khi Long thấy cánh cửa ở đây mở. Địa điểm này đã khơi cảm hứng cho 10 bức tranh của Long. Nét phóng khoáng trong tranh của anh được thể hiện từ những hứng thú bất chợt, anh mang đồ vẽ đến nơi rồi nhưng có thể sẽ đổi địa điểm khác. Bởi anh luôn xê dịch, tìm góc nhìn mới cho riêng mình. Độ tương phản của chủ thể được tăng lên giữa những bố cục có vẻ như mơ hồ. Chàng họa sĩ trẻ nghĩ, nghiệp vẽ cần sự bền bỉ, nhưng mỗi lần đi vẽ còn như một cuộc dạo chơi với di tích.

Góp sức tôn vinh di sản kiến trúc ảnh 1

Một tác phẩm của họa sĩ Lê Hữu Long.

“Thu nhỏ” Huế vào tấm toan

Những ngày tháng sinh viên đi ký họa ngoài trời, mỗi góc của Huế thường được Long vẽ rất nhiều lần. Anh chia sẻ: “Mình hay vẽ theo một series trực họa. Khi chọn được không gian, thời gian xong sẽ chuyển ngay vào tranh. Có nhiều khi tại một di tích, bầu trời đang nắng thì bỗng dưng lại âm u, nó thay đổi bối cảnh ngay. Khi đó lại tạo điểm nhấn cho tranh nhiều hơn”.

Hơn hai năm đi trực họa, từ những lăng Tự Đức, lăng Khải Định, lăng Gia Long, cung An Định… đến những ngôi cổ tự của Huế như Diệu Đế, Từ Hiếu… đều được họa sĩ thu vào từng tấm toan. Trước mỗi lần đi vẽ di tích, anh tìm đọc các tư liệu, hình ảnh xưa nhằm “nhập tâm” vào từng nét vẽ, cách trộn mầu. Tranh của anh hài hòa cả mầu nóng và lạnh. Anh lý giải, các đường nét, chi tiết cung đình, nếu chỉ dùng một tông mầu sẽ rất khó diễn tả tính độc đáo, uy nghiêm của kiến trúc. “Tùy theo độ cảm trong từng thời điểm ở mỗi di tích mà sẽ dùng mũi bay khống chế độ đậm nhạt của mầu vẽ. Đối với mình, quan trọng nhất là cảm nhận của đôi mắt để kết quả cuối cùng bức tranh cho ra mầu sắc đạt được ý muốn”, Long bày tỏ.

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Lê Đình Thuận, Trưởng ban Văn hóa xã hội và Du lịch (Viện Phát triển văn hóa dân tộc) cho biết: “Tác phẩm mỹ thuật có giá trị đòi hỏi chứa đựng bản sắc văn hóa, có tri thức tiềm ẩn, tư duy triết học, mang vấn đề thời đại... Ngoài ra còn liên quan đến cấu trúc tác phẩm có sự sáng tạo. Mỗi tác giả có cách nhìn, cách tạo hình riêng của họ. Đối với tác giả mỹ thuật thì có thể trực họa di tích. Từ đó thể hiện vẻ đẹp tiềm ẩn của nó, sẽ mang ý nghĩa khi di tích đó bị hủy hoại”.

Hành trình trực họa gìn giữ “hồn Huế xưa” của Long cứ bền bỉ, ngày càng đi sâu vào không gian của mái ngói, đền đài xứ Huế theo cách rất giản dị. Từ ngày 14 đến 23/10, triển lãm “Xứ Thần Kinh” đã diễn ra tại không gian nghệ thuật Mây Artspace ở 36/70 Nguyễn Gia Trí, phường 25, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh. Đây là lần triển lãm chung thứ hai trong năm nay của họa sĩ Lê Hữu Long cùng tổ chức với những người bạn gồm các họa sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, Nguyễn Trung Kiên, Trần Hữu Nhật.