Góp phần phát triển Thủ đô xanh, hiện đại

Sau hơn một năm triển khai, Chương trình số 03-CTr/TU ngày 17-3-2021 của Thành ủy Hà Nội về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025” đã đạt những kết quả tích cực, góp phần phát triển Thủ đô bền vững theo hướng đô thị xanh, hiện đại.
0:00 / 0:00
0:00
Khu vực mương Trúc Bạch (đoạn từ cầu Ngũ Xã 1 đến cầu Ngũ Xã 2), quận Ba Đình, được cải tạo, chỉnh trang xanh-sạch-đẹp. (Ảnh: MINH KHÁNH)
Khu vực mương Trúc Bạch (đoạn từ cầu Ngũ Xã 1 đến cầu Ngũ Xã 2), quận Ba Đình, được cải tạo, chỉnh trang xanh-sạch-đẹp. (Ảnh: MINH KHÁNH)

Chỉnh trang và phát triển đô thị tại một thành phố lớn với hơn mười triệu dân như Hà Nội không phải là một việc dễ. Chính vì vậy, ngay từ khi triển khai, Ban Chỉ đạo Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội đã xác định thực hiện trên tinh thần tiêu chí dễ thực hiện trước, khó thực hiện sau và phải đồng bộ với các dự án đầu tư hạ tầng đô thị.

Theo Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong, đến nay 19 tiêu chí của Chương trình đã được các địa phương, đơn vị chủ động tổ chức thực hiện và bước đầu đạt kết quả khả quan. Chỉ tiêu về tỷ lệ phủ mạng nước sạch tại khu vực nông thôn đã đạt hơn 82%, tăng 2%; tỷ lệ vận tải hành khách công cộng tăng gần 1% so với ba tháng đầu năm 2022.

Đáng lưu ý, các tổ công tác đã đôn đốc, bám sát việc thực hiện các chỉ tiêu “Hoàn thành Đề án đầu tư xây dựng huyện thành quận đến năm 2025 đối với năm huyện: Hoài Đức, Đông Anh, Thanh Trì, Gia Lâm, Đan Phượng” và “Hoàn thành xây dựng Đề án khung cơ chế chính sách đặc thù để thúc đẩy tiến độ cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ trên địa bàn thành phố; triển khai cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ nguy hiểm cấp D; triển khai cải tạo, xây dựng lại từ hai đến ba khu chung cư cũ và chuẩn bị triển khai các khu còn lại”. Nhằm cụ thể hóa chỉ tiêu “Cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới các công viên, vườn hoa trên địa bàn thành phố”, Ủy ban nhân dân các quận Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Đống Đa, Hà Đông đang gấp rút triển khai thủ tục cải tạo mười vườn hoa, trong đó có các công viên Thống Nhất, Thủ Lệ, Bách Thảo. Đáng chú ý là chỉ tiêu “Chỉnh trang 20 nhà biệt thự, 10 công trình kiến trúc có giá trị xây dựng trước năm 1954” cũng đã được rà soát, kiểm tra. Trên cơ sở đó, các đơn vị lựa chọn 30 biệt thự cũ do thành phố quản lý, 50 biệt thự cũ do Trung ương quản lý và 12 công trình kiến trúc có giá trị xây dựng trước năm 1954 để đưa vào danh mục chỉnh trang, bảo tồn.

Chủ động trong triển khai, việc thực hiện các tiêu chí tại quận Ba Đình được bám sát tình hình thực tiễn địa phương và cụ thể hóa bằng nhiều lớp và cấp độ thực hiện. Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Tạ Nam Chiến, đến nay quận đã thực hiện dự án chỉnh trang đô thị, cải thiện môi trường tuyến đường ven hồ Trúc Bạch đoạn cầu Ngũ Xã 1-cầu Ngũ Xã 2 và đang thí điểm tuyến Kim Mã; đã tổ chức xây mới 22 điểm đất cây xanh-vườn hoa trên địa bàn. Quận cũng thực hiện bảo tồn, phát huy giá trị kiến trúc các công trình kiến trúc tiêu biểu, công trình mang kiến trúc lịch sử-văn hóa tại các khu vực Hoàng thành Thăng Long, Cột cờ Hà Nội. Việc cải tạo chung cư cũ trên địa bàn quận cũng đã rà soát xong, hiện toàn quận có 221 nhà chung cư thuộc diện cải tạo, xây dựng lại (trong đó có 176 nhà phân bố trong 8 khu tập thể, nhóm nhà chung cư và 35 nhà độc lập). Là một trong những đơn vị triển khai sớm Chương trình 03, quận Hoàn Kiếm đã khởi công dự án “Bảo tồn, sửa chữa, chống xuống cấp nhà biệt thự 49 Trần Hưng Đạo - 46 Hàng Bài”. Sau khi hoàn thành, biệt thự sẽ được đưa vào khai thác với tên gọi Trung tâm Giao lưu văn hóa phố Pháp của Hà Nội.

Tuy nhiên, dù đã đạt những kết quả tích cực trong triển khai, song qua thực tế triển khai cho thấy công tác xây dựng cơ chế chính sách, văn bản quy phạm pháp luật của Chương trình chưa đáp ứng được tiến độ yêu cầu. Một số chỉ tiêu còn nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện như tỷ lệ đô thị hóa, chỉ tiêu về cải tạo chung cư cũ; chỉnh trang nhà biệt thự, công viên, vườn hoa; chỉnh trang tuyến đường phố, hạ ngầm cáp viễn thông; cải tạo, nâng cấp chợ…

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 03-CTr/TU đề nghị các sở, ngành, quận, huyện rà soát ngay tiến độ, kết quả thực hiện cụ thể tại từng đơn vị với 19 chỉ tiêu, trong đó bóc tách riêng những chỉ tiêu đang gặp nhiều khó khăn xem vướng ở đâu để có giải pháp mạnh, chuyên đề riêng để tháo gỡ. Để việc triển khai Chương trình 03 đạt hiệu quả, đồng chí yêu cầu các cấp ủy và các cơ quan, đơn vị của thành phố tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật tạo sự đồng thuận và lan tỏa trong nhân dân. Các đơn vị chủ trì thực hiện xây dựng cơ chế chính sách và chỉ đạo các sở, ngành tập trung triển khai đồng bộ giải pháp, nguồn lực để đầu tư, phát triển đô thị, hoàn thành các chỉ tiêu theo đúng lộ trình đã đề ra.