Gom rác nuôi “Ước mơ xanh”

Không chỉ giúp giảm rác thải nhựa ra môi trường, hoạt động thu gom, phân loại rác thải tại nguồn của hội viên phụ nữ quận Hải Châu, TP Đà Nẵng còn mang lại nguồn quỹ trăm triệu đồng mỗi năm, giúp tiếp sức, nuôi dưỡng ước mơ học tập của nhiều học sinh, sinh viên nghèo trên địa bàn.
0:00 / 0:00
0:00
Hằng tuần, Hội Phụ nữ Tân Lập 1A đều ra quân thu gom rác tài nguyên.
Hằng tuần, Hội Phụ nữ Tân Lập 1A đều ra quân thu gom rác tài nguyên.

1/ Đều đặn sáng chủ nhật hằng tuần, bà Ngô Thị Thúy, Chi hội trưởng Phụ nữ 8 (phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu) và các thành viên trong chi hội đi bộ khắp khu dân cư để thu gom rác. Sau mỗi buổi thu gom, bà Thúy mang về là đủ loại rác và gọi vựa ve chai đến thu mua ngay sau đó. Số tiền sau khi bán được bà Thúy ghi chép cẩn thận và cất riêng vào hộp giấy có dán dòng chữ “Quỹ ước mơ xanh”.

Tương tự, như thường lệ chiều chủ nhật, bà Ngô Thị Hường, Chi hội trưởng Phụ nữ Tân Lập 1A (phường Thạch Thang, quận Hải Châu) và các chị lại đi gom rác và tập kết ở đầu con hẻm. Không đợi đội thu gom đến tận nhà, những gia đình chung quanh hẻm tự giác mang rác đã phân loại sẵn ra điểm tập trung. Sau khi chừng một giờ đồng hồ, khoảnh đất trống đầu hẻm lấp đầy các loại chai nhựa, vỏ lon, giấy cũ. “Phân loại rác vừa giúp giảm thiểu rác thải nhựa ra môi trường, vừa có kinh phí để chăm lo an sinh. Mỗi năm chi hội tích lũy được hàng chục triệu đồng nhờ hoạt động phân loại rác thải này”, bà Hường hào hứng khoe.

Còn nhà bà Nguyễn Thị Minh Tuyết, Chi hội trưởng Phụ nữ 29 (phường Hòa Thuận Tây, quận Hải Châu) được người dân trong tổ gọi vui là “vựa ve chai” bởi khoảnh sân nhỏ trước nhà luôn chất đầy chai nhựa, vỏ lon, thùng giấy cũ. Bà Tuyết cho biết, vì trong tổ không có đất trống nên bà Tuyết tận dụng luôn sân nhà làm điểm tập kết tạm. Mỗi tháng hai lần, số tiền thu được từ bán rác tài nguyên đều dùng để trao tặng học bổng “Ước mơ xanh” đến các em học sinh nghèo, vượt khó trên địa bàn.

Nhiều năm nay, em Huỳnh Giang Sơn, học sinh lớp 7 (trú tổ 29, phường Hòa Thuận Tây) luôn có trong danh sách nhận học bổng “Ước mơ xanh” do Chi hội Phụ nữ 29 trao tặng. Nhờ học bổng mà gia đình Sơn bớt đi một phần gánh nặng. Đại diện Hội Phụ nữ phường Hòa Thuận Tây cho biết, từ nguồn quỹ phân loại rác thải, trong chín tháng năm 2022, toàn phường đã trao 104 suất học bổng với tổng kinh phí gần 56 triệu đồng giúp tiếp sức đến trường cho học sinh, sinh viên nghèo.

Em Dương Chấn Phú, học sinh lớp 8 (trú Tân Lập 1A) càng khó khăn hơn. Mẹ bỏ đi để lại Phú sống cùng bà nội ngoài 80 tuổi và người bố mắc bệnh tâm thần. Trước hoàn cảnh ngặt nghèo của gia đình, Chi hội phụ nữ Tân Lập 1A quyết định nhận em làm “con nuôi”, trích quỹ thu gom rác lo cho em từ cặp sách, quần áo cho đến các chi phí sinh hoạt khác, giúp em yên tâm đến lớp. Nhờ có sự động viên, nhiều năm liền Phú là học sinh giỏi, đạt giải các cuộc thi lớn của thành phố.

2/ Chị Lê Thị Diễm Hồng, Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Thạch Thang cho biết, toàn phường có 30 chi hội phụ nữ với hơn 2.000 hội viên. Nhận thức được ý nghĩa nhân văn của hoạt động thu gom rác tại nguồn, 100% gia đình hội viên đều thực hiện phân loại rác tài nguyên để gây quỹ trao học bổng “Ước mơ xanh”. Tại phường Hòa Thuận Đông (quận Hải Châu), từ đầu năm đến nay, phụ nữ toàn phường đã gây quỹ hơn 40 triệu đồng, đã trao tặng 27 suất học bổng “Ước mơ xanh” cho học sinh nghèo, hiếu học. Không chỉ tiếp sức cho học sinh, sinh viên nghèo, từ nguồn quỹ phân loại rác, các chi hội còn hỗ trợ một phần vốn, sinh kế cho phụ nữ nghèo; hỗ trợ đau ốm, khó khăn đột xuất cho các hộ dân; tặng quà cho người nghèo, người cao tuổi, trẻ em nhân các dịp lễ, Tết… mà không phải đi vận động như trước.

Theo Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Hải Châu Hồ Thị Huệ, phong trào thu gom rác tài nguyên gây quỹ an sinh xã hội được khởi xướng từ năm 2010. Sau thời gian thử nghiệm, hoạt động nhận được sự hưởng ứng, tham gia tích cực của nhân dân và mang lại ý nghĩa nhân văn to lớn. Từ đó, quận Hội phát động rộng ra khắp 13 phường và đặt tên là quỹ học bổng “Ước mơ xanh”. Trước mỗi năm học mới, các chi hội sẽ trao tặng học bổng có giá trị từ 500.000 đến 1 triệu đồng/suất cho các em học sinh, sinh viên nghèo vượt khó để mua sắm sách vở, quần áo, đồ dùng học tập, giúp gia đình các em giảm bớt một phần gánh nặng để yên tâm học hành.