Gợi mở thêm về không gian văn hóa cộng đồng

Sau loạt bài “Tìm hướng đi cho không gian văn hóa cộng đồng” đăng trên số báo 1307 và 1308 (ngày 25 và 28/7/2022), Thời Nay đã nhận được một số phản hồi tích cực và tiếp tục có những gợi ý, đề xuất từ các chuyên gia. Theo đó, mong muốn được đặt ra về việc làm gì để giúp không gian văn hóa, nghệ thuật cộng đồng có chỗ đứng vững chắc hơn trong tương lai?
0:00 / 0:00
0:00
Một góc Không gian nghệ thuật công cộng tại Phúc Tân (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Ảnh: KHIẾU MINH
Một góc Không gian nghệ thuật công cộng tại Phúc Tân (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Ảnh: KHIẾU MINH

Phải có quy hoạch không gian

Chia sẻ với nhóm tác giả, PGS, TS Đinh Hồng Hải, giảng viên Khoa Nhân học, Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội nhận xét: “Đây là một bài báo khá hay và bao quát được vấn đề về không gian văn hóa, nghệ thuật công cộng hiện nay. Nhưng vẫn cần chú trọng thêm trong việc khai thác hướng đi rõ ràng cho không gian này”. TS Hải gợi mở, theo đó, nên hướng đến không gian công cộng gắn liền với nghệ thuật công cộng.

Theo TS Hải, để làm được điều này, nhà quản lý cần phải có chiến lược và kế hoạch lâu dài mang tính tổng thể đối với loại hình không gian như vậy. Một công trình nghệ thuật công cộng muốn hoàn thành được, cần có thời gian cũng như tâm huyết của những người liên quan. Điều đó sẽ thúc đẩy cộng đồng xây dựng không gian mang tính công cộng nghệ thuật. TS Hải nhấn mạnh: Một đô thị thiếu không gian công cộng sẽ không có chỗ cho nghệ thuật phát triển. Vì vậy, sự tham gia của các bên có liên quan cũng như người hưởng thụ, đặc biệt là người nghệ sĩ và người quản lý, cần phải tạo ra những không gian để nghệ thuật phát triển. Như vậy, cần phải có quy hoạch không gian để trên cơ sở đó, tạo nên những tác phẩm nghệ thuật công cộng đặt ở không gian công cộng.

Còn TS, họa sĩ Nguyễn Thu Thủy, giảng viên Khoa Du lịch học, Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội thì cảm nhận: “Bài báo này thu hút tôi bởi chính tôi cũng là người có tìm hiểu về nghệ thuật công cộng. Bài báo cũng tập trung khai thác được tính cần thiết của dự án, lợi ích mang lại cũng như những thiếu sót, hạn chế mang tính khách quan về không gian công cộng”.

Tiến đến quy chế và chế tài

Chia sẻ thêm, TS Nguyễn Thu Thủy khẳng định, các tác phẩm nghệ thuật công cộng không chỉ mang lại vẻ đẹp cho không gian mà còn mang đến những lợi ích kinh tế. Để điều đó được phát triển, cần phải có các yếu tố cơ bản của ngành văn hóa và du lịch. Thí dụ, như sớm xây dựng và ban hành quy chế cho không gian nghệ thuật; có giám tuyển để xây dựng ý tưởng cũng như tính toán các hạng mục; có sự liên kết để tác phẩm nghệ thuật kết nối với tuyến du lịch. Khi có đầy đủ những yếu tố này thì nghệ thuật công cộng sẽ trở thành điểm nhấn cho không gian đô thị và thu hút khách du lịch.

Nhiều ý kiến chuyên môn cho rằng, yếu tố thẩm mỹ của không gian văn hóa, nghệ thuật cộng đồng đóng vai trò công năng bổ sung quan trọng cho không gian công cộng. Trong khi, việc quản lý các không gian này phụ thuộc vào chính quyền và người dân và phải có sự tham gia của cộng đồng. Vậy làm thế nào để người dân nhận thức được đây là lợi ích chung của mọi người, trong đó có mình?

Câu trả lời được nhấn mạnh vào yếu tố giáo dục. Theo đó, phải giúp cho người dân thấy rằng, cá nhân là một thành phần của không gian văn hóa, nghệ thuật cộng đồng. Việc giữ gìn, bảo vệ không chỉ đem lại nhiều giá trị tốt đẹp cho mọi người mà còn cho chính con em, bản thân mình.

Cùng với đó, phải có chế tài nhằm tuyên dương những hành động tốt và phê phán những hành động xấu. Có một số gợi ý cụ thể về việc này. Theo PGS, TS Đinh Hồng Hải, phía chính quyền phải có quy định để người dân biết rõ. Nếu là lỗi nhỏ thì nhắc nhở; hậu quả trung bình thì phê bình, đưa lên không gian mạng cho mọi người biết. Còn trường hợp nếu gây hậu quả lớn thì phải xử phạt bằng tiền. Và tiếp đó, cần nâng cao vai trò tự quản trị của cộng đồng. Cộng đồng sẽ phải có những quy định, quy tắc riêng để giữ gìn và bảo vệ không gian văn hóa, nghệ thuật của mình.

Chú trọng truyền thông, giáo dục nghệ thuật

Chia sẻ với những nội dung của loạt bài “Tìm hướng đi cho không gian văn hóa cộng đồng”, họa sĩ Phạm Khắc Quang, người tham gia dự án Nghệ thuật công cộng tại Phúc Tân (Hoàn Kiếm, Hà Nội) với tác phẩm “Xẩm tàu điện” nêu ý kiến về việc phát triển không gian nghệ thuật.

Theo họa sĩ Quang, có thực tế là nhiều người dân chưa thật sự nhận thức được giá trị tinh thần, nghệ thuật mà không gian văn hóa, nghệ thuật cộng đồng đem lại. Để cho người dân thấm dần những giá trị ấy thì quan trọng nhất là khâu tuyên truyền, truyền thông, để bà con nhận thức được rằng mình đang được thụ hưởng, không phải tài chính mà là giá trị tinh thần như cảnh quan, sự đổi thay của không gian sống. Khi thấy được giá trị đang được hưởng thì người dân sẽ thấy có trách nhiệm bảo vệ. Liên quan đến vấn đề này, họa sĩ Quang cũng cho rằng, cần phải nâng cao giáo dục văn hóa, giáo dục nghệ thuật từ trong nhà trường. Gợi mở tiếp từ những thành quả ở Phúc Tân, họa sĩ Quang đề xuất, dựa trên nền tảng của những nghệ sĩ đi trước, có thể làm được những tác phẩm mới hơn, tổ chức tour du lịch nghệ thuật để du khách, người dân biết đến các tác phẩm. Kèm theo đó, cần cởi mở tạo điều kiện cho người dân được làm những dịch vụ nhỏ để có thể tăng thu nhập, thêm động lực cho việc bảo vệ không gian văn hóa, nghệ thuật nơi mình sống.

Chia sẻ với chúng tôi, kiến trúc sư Trần Huy Ánh, Ủy viên thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội gợi mở thêm. Với những doanh nghiệp thành đạt về bất động sản, họ cũng có thể tạo ra những sân chơi mang tính nghệ thuật công cộng. Từ đó, giúp cư dân của họ được thêm điều kiện thụ hưởng văn hóa. Cao hơn nữa, là trách nhiệm tạo lập không gian công cộng của cơ quan nhà nước. Liên hệ trường hợp Hà Nội với một số không gian văn hóa, nghệ thuật cộng đồng gây được chú ý, KTS Trần Huy Anh kỳ vọng: Trong không khí đổi mới, với một thành phố đổi mới, chúng ta hãy chờ đợi sự đổi mới của không gian nghệ thuật công cộng.