Cảnh giác với bệnh gút sau Tết

NDO -

Sau Tết Nguyên đán, số bệnh nhân đến khám vì bệnh lý đau khớp gối, bàn ngón chân khiến khó khăn vận động, sinh hoạt khá nhiều. Các bác sĩ cho biết, đây là biểu hiện của bệnh gút cấp nhưng cũng không loại trừ triệu chứng của bệnh lý cơ xương khớp.

(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)

Ba ngày trước khi đến Bệnh viện Đa khoa Medlatec khám, anh T.A.K, 42 tuổi, ở Hà Nội có biểu hiện sưng đau đột ngột khớp gối phải, nóng đỏ nhẹ, đau nhiều về đêm, không sốt, vận động khó khăn.

Kết quả xét nghiệm chỉ số uric máu tăng (574.5 umol/L), chỉ số viêm CRP tăng (10.4mg/dL), siêu âm có dịch khớp gối mức độ trung bình. Từ kết quả khám, xét nghiệm và siêu âm, anh K., đã được bác sĩ chẩn đoán và kê đơn thuốc điều trị gút cấp, hạ uric máu. Sau năm ngày, anh K., hết đau hoàn toàn.

Cũng xuất hiện triệu chứng đau khớp bàn ngón một chân phải bốn ngày, sau khi chạy bộ đường dài, sưng nóng đỏ, đau tăng về đêm, hạn chế vận động nhiều nên bệnh nhân N.T.L, nam, 62 tuổi đã đến bệnh viện kiểm tra.

Kết quả của bệnh nhân L., có chỉ uric máu trong giới hạn bình thường (337.8umol/L), CRP tăng nhẹ (6.36 mg/dL), siêu âm thấy hình ảnh theo dõi lắng đọng tinh thể urat khớp bàn ngón chân (hình ảnh đường đôi). Do đó, bệnh nhân được chẩn đoán gút cấp tính và điều trị colchicin, thuốc chống viêm không steroid. Sau một tuần, bệnh nhân hết đau hoàn toàn.

ThS, BS Trịnh Thị Nga - chuyên khoa Cơ xương khớp, BVĐK Medlatec cho biết, đây là hai trong số những bệnh nhân may mắn đến khám và chữa trị kịp thời tại bệnh viện. Tuy nhiên, BS Nga lưu ý, người dân không nên chủ quan vì bệnh gút có sức tàn phá ghê gớm khi xuất hiện các biến chứng về sự nhiễm trùng của các hạt tophi bị vỡ, từ đó gây dính khớp dẫn tới tàn phế. Khi không được điều trị kịp thời, bệnh sẽ gây suy thận và thiếu máu.

Hiện nay, gút và bệnh lý cơ xương khớp đều rất phổ biến, khiến bệnh nhân khó chịu, do cùng chung triệu chứng đau, viêm, khó chịu dẫn đến chủ quan, bỏ sót bệnh.

Do đó, BS Nga cho biết, để không bỏ sót bệnh cũng như phân biệt triệu chứng của bệnh gút và các bệnh lý cơ xương khớp qua các dấu hiệu sau:

Bệnh gút sẽ có biểu hiện đau kiểu viêm (đau nhiều về đêm, sưng nóng đỏ), diễn biến đột ngột, thường gặp tại các khớp chi dưới (ngón cái, cổ chân, gối), khỏi hoàn toàn trong hai tuần. Cơn đau có thể xuất hiện sau những bữa ăn nhiều đạm, hải sản, sau chấn thương, stress, sau dùng thuốc… Khi xuất hiện hạt tophi là bệnh đã ở giai đoạn mạn tính, điều trị khó khăn, nhiều biến chứng.

Ngoài ra, bệnh nhân bị gút còn có biểu hiện không điển hình như đau ở khớp bàn ngón tay, khuỷu tay, đau âm ỉ kéo dài…

Bệnh thoái hóa khớp thường gặp ở khớp gối, cổ chân. Cơn đau do thoái hóa khớp đa phần diễn biến từ từ, đau khi vận động làm việc, giảm khi nghỉ ngơi. Ít trường hợp sưng khớp, không đỏ.

Các viêm khớp khác như viêm khớp dạng thấp, viêm khớp vảy nến, viêm cột sống dính khớp, nhiễm trùng khớp, lao khớp… Các trường hợp này khó phân biệt do triệu chứng chồng chéo lên nhau.

Ngoài sự diễn biến đột ngột của gút, sự khác biệt thường gặp là thời gian cơn đau của hai bệnh này khác nhau. Cụ thể trong cơn đau do gút thường diễn biến ngắn ngày (dưới hai tuần) và các bệnh viêm khớp khác cơn đau kéo dài âm ỉ hơn.

Tuy nhiên, bác sĩ Nga nhấn mạnh, các dấu hiệu trên chỉ là dấu hiệu gợi ý, để khẳng định chẩn đoán, người bệnh cần làm thêm xét nghiệm máu, xét nghiệm dịch khớp nếu có, siêu âm, X-quang, chụp cắt lớp vi tính năng lượng kép. Một số trường hợp chẩn đoán khó cần xem đáp ứng điều trị với thuốc.

Theo BS Nga, người khỏe mạnh nên kiểm tra uric máu định kỳ mỗi 6-12 tháng. Người bị gút nên kiểm tra mỗi 3-6 tháng và tuân thủ phác đồ điều trị, cũng như thực hiện chế độ ăn uống, tập luyện của bác sĩ. Riêng người bị gút mạn tính khó kiểm soát, nhiều đợt diễn biến cấp tính cần làm xét nghiệm uric máu hằng tháng.

Gút là một trong những bệnh lý có liên quan chặt chẽ tới chế độ ăn uống, luyện tập, do đó, chế độ ăn uống và luyện tập hợp lý sẽ giúp bệnh nhân kiểm soát một phần uric máu, giữ cân nặng hợp lý, hạn chế những đợt gút cấp tính.

Theo đó, người bệnh cần lưu ý hạn chế ăn các hải sản, thịt đỏ, nội tạng động vật, uống bia, rượu... Những thực phẩm này chứa nhiều nhân purin, từ đó chuyển hóa thành acid uric nên khi hạn chế ăn uống những thực phẩm này sẽ giúp acid uric máu ổn định.

Đối với bệnh nhân bị gút nên bổ sung đạm qua các loại thịt trắng như thịt gà, các loại cá ít purin với lượng vừa phải (110-170gr/ngày).

Người mắc bệnh gút cần bảo đảm uống ít nhất 2 lít nước/ngày, sử dụng thực phẩm giàu vitamin C như cam, dâu tây, bưởi, ớt chuông, dưa,… giúp giảm nồng độ acid uric trong máu, có tác động tích cực đến bệnh gút. Ngoài ra, người bệnh cần duy trì lối sống lành mạnh, tập thể dục, tránh thừa cân, béo phì.