Nới lỏng giãn cách, vẫn đề cao cảnh giác với dịch bệnh

Kể từ 0 giờ ngày 5-9, các quy định về giãn cách xã hội được nới lỏng, chuyển trạng thái áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP Ðà Nẵng. Cuộc sống người dân và các hoạt động xã hội đang dần trở lại bình thường, nhưng thành phố vẫn luôn bảo đảm tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch.

Người dân Đà Nẵng giữ khoảng cách an toàn trong tiếp xúc khi mua bán.
Người dân Đà Nẵng giữ khoảng cách an toàn trong tiếp xúc khi mua bán.

Theo quy định mới được UBND thành phố Ðà Nẵng ban hành, người dân vẫn được yêu cầu hạn chế ra khỏi nhà nếu không cần thiết, bắt buộc phải đeo khẩu trang thường xuyên, rửa tay bằng nước sát khuẩn, giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc, không được tập trung quá 20 người tại nơi công cộng, không tổ chức ăn, uống tập thể, tổ chức đơn giản, gọn các đám hiếu, hỉ... Tiếp tục tạm dừng hoạt động dạy và học trực tiếp tại tất các cơ sở giáo dục, các hoạt động lễ hội, thể thao, nghi lễ tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự, cơ sở kinh doanh, dịch vụ không thiết yếu. Các nhà hàng, cửa hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống chỉ được bán hàng cho khách hàng mang đi, đặt hàng và bán hàng qua mạng, giao hàng tận nơi cho khách hàng, nghiêm cấm phục vụ khách tại chỗ. Phương tiện vận tải hành khách công cộng vận chuyển không quá một phần hai số người cho phép đối với mỗi loại phương tiện. Toàn thành phố tiếp tục áp dụng chia tần suất đi chợ ba ngày/lần/hộ dân bằng "Thẻ đi chợ".

Theo ghi nhận của phóng viên, sáng sớm 5-9, dọc các bãi biển Ðà Nẵng bắt đầu có người đi tập thể dục. Tuy nhiên, tất cả mọi người đều chấp hành nghiêm yêu cầu bắt buộc là phải đeo khẩu trang. Anh Phạm Minh Ðức, trú tại tổ 30, phường An Hải Bắc cầm trên tay lọ dung dịch rửa tay khô cho biết: Sau 40 ngày hầu như ở trong nhà, chỉ ra đường khi thật sự cần thiết như mua thực phẩm, thuốc men… hôm nay anh mới ra khỏi nhà vào sáng sớm để hít thở một chút không khí trong lành trên bãi biển công viên Biển Ðông. Anh Ðức cũng cho biết, mọi người ở đây đều chấp hành nghiêm quy định đeo khẩu trang, rửa tay bằng nước sát khuẩn, trước hết là tự bảo vệ mình, bảo vệ người thân và cộng đồng khi ra khỏi nhà, khi giao tiếp, làm việc, và giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc.

Trong buổi sáng đầu tiên nới lỏng giãn cách, các cửa hàng bán đồ ăn, quán giải khát, cà-phê trên nhiều tuyến phố Ðà Nẵng bắt đầu mở bán, nhưng không phục vụ tại chỗ mà chỉ bán cho khách mang về. Ðang dọn quầy hàng, chị Nguyễn Thị Trang, bán bún ăn sáng tại đường Ðống Ða (phường Thạch Thang, quận Hải Châu) cho biết, từ chiều 4-9 (khi có công văn của TP Ðà Nẵng về chuyển trạng thái áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19), chị đã chuẩn bị nguyên liệu để sáng sớm nấu và bán cho khách sau 40 ngày nghỉ. Ở tất cả các hàng quán, người bán lẫn người mua đều tự giác thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch, như giữ khoảng cách an toàn, mang khẩu trang, găng tay, chăng dây giữ khoảng cách… lực lượng chức năng các phường cũng đi kiểm tra, giám sát, nhắc nhở và yêu cầu các cơ sở kinh doanh cam kết chấp hành quy định mới về phòng, chống dịch. Ðang chờ mua bánh mì ăn sáng cho con, chị Vũ Quỳnh Hương, trú tại phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu chia sẻ: Chắc chắn lãnh đạo thành phố đã cân nhắc kỹ, mới cho phép bán hàng trở lại. Bản thân người mua và người bán cần giữ đúng khoảng cách và phòng, chống dịch. Ở đây cũng bố trí nước rửa tay, nên tôi ít lo lắng hơn về khả năng lây nhiễm bệnh.

Để bảo đảm kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ðà Nẵng, Lê Trung Chinh yêu cầu các địa phương, cơ quan chức năng của Ðà Nẵng tích cực tuyên truyền, hướng dẫn người dân, hộ kinh doanh, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch. Hiện Ðà Nẵng còn hai khu vực dân cư tiếp tục cách ly y tế là thôn Yến Nê (xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang) và phường Mỹ An (quận Ngũ Hành Sơn), vì thế vẫn duy trì tám chốt chặn đường bộ ra vào thành phố để tiếp tục kiểm soát dịch tễ. Ngành y tế khẩn trương tiến hành xét nghiệm, bảo đảm không để sót lọt người có nguy cơ lây nhiễm. Các tổ phòng, chống Covid-19 cộng đồng duy trì hoạt động theo từng cấp độ ở địa bàn mình, các quận, huyện triển khai ngay việc lấy mẫu xét nghiệm đối với hộ gia đình, đồng thời điều tra, rà soát số lượng, yếu tố dịch tễ đối với người nước ngoài để kiểm soát chặt chẽ, chính xác và hiệu quả. Ông Phạm Trường Sơn, Trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Ðà Nẵng cho biết: Tất cả các doanh nghiệp đều duy trì nghiêm việc chia ca kíp làm việc lệch giờ để hạn chế tiếp xúc, đo thân nhiệt, yêu cầu rửa tay sát khuẩn trước và sau khi vào ca, tan ca cho người lao động.

Ngay trong buổi sáng đầu tiên sau khi nới lỏng giãn cách xã hội, lãnh đạo các quận, huyện đều tổ chức họp trực tuyến với cán bộ xã, phường, phòng, ban để phổ biến, quán triệt và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định mới của thành phố. Ðà Nẵng xây dựng kịch bản cho ba khả năng nguy cơ cao, có nguy cơ và nguy cơ thấp lây nhiễm dịch bệnh, áp dụng ở từng địa phương, khu vực, ngành y tế và các cơ quan chức năng dựa vào tình hình thực tế để có biện pháp phù hợp, kịp thời trong phòng, chống dịch. Ðồng chí Nguyễn Văn Quảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ðà Nẵng khẳng định: Ðà Nẵng nới lỏng giãn cách xã hội, nhưng không nới lỏng việc kiểm soát của chính quyền và ngành chức năng trong chỉ đạo, điều hành phòng, chống dịch, thậm chí là siết chặt hơn việc chỉ đạo, điều hành, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, tuyệt đối không để dịch bệnh bùng phát trở lại.

Nhằm bảo đảm đáp ứng nhu cầu đi/đến Ðà Nẵng của người dân, góp phần tháo gỡ khó khăn, sớm khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải, bắt đầu từ 0 giờ ngày 7-9, các đơn vị, địa phương khôi phục 100% tần suất khai thác các phương tiện vận tải khách bằng ô-tô, máy bay, tàu hỏa, tàu thủy đi và đến Ðà Nẵng. Tuy nhiên, lượng khách ở các nhà ga, sân bay, bến xe vẫn còn rất ít. Anh Nguyễn Văn Lời, chủ hãng xe Tuấn Hằng chạy tuyến Hồ Xá (Quảng Trị) - Ðà Nẵng cho biết, ngày thường, hãng có sáu xe đến và đi từ Ðà Nẵng nhưng nay chỉ chạy một xe vì lượng khách ít, chỉ khoảng 40% số ghế. Theo anh Lời, chỉ những người thật sự cần thiết mới đi lại, chủ yếu là người lao động bị kẹt lại Ðà Nẵng trong những ngày giãn cách xã hội, hoặc người Ðà Nẵng đi xa, nay trở lại để làm việc. Bản thân chủ xe, lái xe và nhân viên đều tự giác thực hiện các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay bằng nước sát khuẩn, hạn chế đến mức thấp nhất việc tiếp xúc với hành khách...

Bà Lê Thị Tuyến, Ðội trưởng Ðội khách vận ga đường sắt Ðà Nẵng cho biết, lúc 13 giờ ngày 7-9, ga Ðà Nẵng bắt đầu hoạt động để đón và tiễn đôi tàu khách bắc nam SE1-SE2, nhưng lượng khách đến và đi chỉ vài chục người, chủ yếu là mua vé qua mạng để hạn chế tiếp xúc. Ðối với đường hàng không, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty hàng không Việt Nam, kiêm Giám đốc Sân bay quốc tế Ðà Nẵng, Lê Xuân Tùng cho biết: Ngày 7-9, sân bay Ðà Nẵng bắt đầu đón hai chuyến bay khứ hồi Hà Nội - Ðà Nẵng và TP Hồ Chí Minh - Ðà Nẵng của Vietnam Airlines. Từ ngày 8-9 sẽ có thêm hai chuyến bay khứ hồi của hãng VietJet từ Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đến Ðà Nẵng. Các chuyến bay đều chỉ chở nhiều nhất một phần hai số khách, áp dụng các quy trình, tiêu chuẩn phòng dịch toàn diện, chủ động từ mặt đất đến trên không như vệ sinh, phun khử khuẩn tàu bay, trang thiết bị phục vụ, trang bị bảo hộ y tế cho nhân viên, hành khách khai báo y tế, đo thân nhiệt trước khi lên tàu bay và đeo khẩu trang trong suốt hành trình… Tiêu chuẩn dịch vụ trên máy bay cũng đơn giản hóa để hạn chế việc tiếp xúc giữa hành khách và phi hành đoàn.

Đà Nẵng xác định nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 sẽ còn kéo dài, do vậy, mỗi người dân, tổ chức, doanh nghiệp, chính quyền các cấp trên địa bàn cần thực hiện tốt mục tiêu kép, vừa sẵn sàng phòng, chống dịch, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, không để dịch bệnh lây lan nhưng cũng không để đứt gãy các hoạt động kinh tế.

Ngày 7-9, Công đoàn ngành giáo dục TP Ðà Nẵng tổ chức trao quà tặng đoàn viên, giáo viên, người lao động ở các công đoàn cơ sở trực thuộc bị ảnh hưởng dịch Covid-19. Theo đó, Công đoàn ngành giáo dục trao 68 suất quà (mỗi suất một triệu đồng) tặng đoàn viên, giáo viên, người lao động khó khăn; trao hai suất quà (mỗi suất hai triệu đồng) tặng đoàn viên bị nhiễm Covid-19 ở các công đoàn cơ sở trực thuộc. Từ nguồn Quỹ hoạt động xã hội Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Công đoàn ngành giáo dục thành phố cũng đã trao 11 suất quà (mỗi suất hai triệu đồng) tặng các đoàn viên, giáo viên, người lao động trong toàn ngành bị nhiễm Covid-19.

PV

Bài và ảnh: Tùng Tâm