Cẩn trọng khi nuôi thú cảnh

Những năm gần đây, nhiều gia đình có sở thích nuôi các con vật trong nhà (chủ yếu là chó, mèo) để bầu bạn, làm cảnh hay giữ nhà, bắt chuột. Nhiều người sẵn sàng bỏ ra hàng chục, hàng trăm triệu đồng để được sở hữu thú cảnh độc lạ như mèo lạ, chó dữ, chó nghiệp vụ,... Nhiều dịch vụ ăn theo, như khám chữa bệnh, tắm gội, cắt lông, tỉa móng, cung cấp thức ăn, trông giữ thú cưng,... nở rộ, góp phần tạo việc làm cho không ít người lao động.

Tuy nhiên, việc nuôi giữ thú cảnh không đúng cách đã gây nhiều hệ lụy cho cộng đồng như mất vệ sinh, tai nạn giao thông, không an toàn nơi công cộng, mất đoàn kết trong khu dân cư,... Nhiều trường hợp người đi đường, thậm chí người chủ cũng bị thú cưng cào, cắn, truyền bệnh nguy hiểm, ảnh hưởng sức khỏe cộng đồng. Theo thống kê chưa đầy đủ của các cơ quan chuyên ngành thú y và y tế, từ đầu năm 2021 đến nay, tại 10 tỉnh, thành phố trên cả nước ghi nhận 15 trường hợp người bị chết do bệnh dại và hơn 140 nghìn người phải đi điều trị dự phòng bệnh dại do chó cắn, mèo cào; sáu tỉnh phát hiện 33 trường hợp chó, mèo có kết quả xét nghiệm dương tính với vi-rút dại... Nghiêm trọng hơn, đã có không ít trường hợp chó, mèo nuôi cắn, gây thương tích nặng, thậm chí chết người. Ðiển hình là vụ việc xảy ra tại Long An ngày 20-5 vừa qua, khi hai con chó Pitbull cắn bị thương chủ và cắn chết một người. Ðiều đáng nói, từ đầu năm đến nay, trên cả nước đã xảy ra không ít vụ tai nạn thương tâm liên quan đến chó cắn người, trong đó có thể kể đến vụ một phụ nữ ở Ðoan Hùng, Phú Thọ bị chó Pitbull cắn tháng 1-2021 gây thương tích tại tay trái và chân phải; tháng 3 vừa qua, một cụ bà ở Hà Nội phải nhập viện khi bị chó Bully cắn xé gây thương tích nặng… Gần đây nhất, ngày 25-5, Bệnh viện đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ), tiếp nhận một cháu bé ba tuổi ở Hà Giang bị chó hàng xóm cắn gây thương tích nặng vùng mặt, đầu... Ðiều này cho thấy, nhiều người nuôi không có biện pháp quản lý, khiến các con vật dễ bị căng thẳng dẫn tới sẵn sàng cắn người.

Bên cạnh đó, công tác quản lý chó, mèo nuôi ở các địa phương vẫn còn rất lỏng lẻo. Thể hiện rõ nhất là việc tiêm phòng dại cho chó, mèo đạt tỷ lệ rất thấp, nhiều địa phương tỷ lệ tiêm vắc-xin đạt dưới 30%; hiện tượng chó thả rông, không có xích, không đeo rọ mõm rất phổ biến, ngay cả tại các công viên, trung tâm đô thị, thành phố lớn. Nhiều tai nạn do chó cắn, tai nạn do phương tiện giao thông đâm vào chó vẫn diễn ra thường xuyên.

Để nâng cao ý thức trách nhiệm của chủ vật nuôi khi đưa vật nuôi đến nơi công cộng (nhất là chó, mèo) nhằm bảo đảm an toàn và sức khỏe cho cộng đồng, chính quyền địa phương phải chủ động phối hợp cơ quan chức năng tổ chức tuyên truyền trong cộng đồng dân cư, các tổ chức, cá nhân tuân thủ các quy định tại Nghị định số 90/2017/NÐ-CP ngày 31-7-2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, Nghị định số 04/2020/NÐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 90/2017/NÐ-CP và một số văn bản pháp luật có liên quan về điều kiện bảo đảm an toàn vật nuôi. Nhất là các quy định chi tiết mức phạt với các hành vi vi phạm về kiểm dịch, phòng dịch, an toàn khi nuôi (không tiêm phòng, không đeo rọ mõm chó,...). Nâng cao năng lực cho hệ thống thú y cơ sở đủ điều kiện giám sát chặt chẽ, tổ chức thống kê, lập sổ sách theo dõi số lượng chó, mèo của từng hộ gia đình để giúp chính quyền quản lý và tổ chức tiêm phòng triệt để. Tăng cường lực lượng kiểm tra, áp dụng chế tài xử phạt ở mức cao nhất đối với trường hợp chó, mèo thả rông nơi công cộng để tạo sức răn đe. Trường hợp vật nuôi gây hậu quả nghiêm trọng thì chủ nuôi hoặc người đang quản lý phải bồi thường về mặt dân sự cho người bị thiệt hại. Thậm chí có thể xem xét xử lý trách nhiệm hình sự nếu đủ các yếu tố cấu thành tội phạm theo luật pháp quy định. Chủ vật nuôi cần tuân thủ các quy định hiện hành, chủ động và phối hợp cơ quan chức năng trong việc quản lý đàn chó, mèo, bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường, trật tự an toàn xã hội cũng như công tác phòng, chống dịch bệnh để ngăn ngừa nguy cơ gây hại cho người. Các loài chó hung dữ, to lớn,... phải được quản lý, nuôi nhốt cẩn thận, có biển cảnh báo, khi đưa ra khỏi khuôn viên của gia đình phải có dây xích, rọ mõm và có người dắt. Khi phát hiện vật nuôi có những biểu hiện bất thường cần báo ngay cho nhân viên thú y cơ sở và chính quyền địa phương để có biện pháp xử lý kịp thời.