Phục hồi từ đại dịch

Tiền tệ cạn "room", chờ đột phá từ tài khóa

Trong phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 4, khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: Tập trung ưu tiên bổ sung, hoàn thiện thể chế, tháo gỡ khó khăn, xử lý có hiệu quả các vấn đề tồn đọng, các nút thắt và điểm nghẽn cho đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh. Cơ cấu lại một số ngành, lĩnh vực quan trọng và doanh nghiệp đang bị tác động trực tiếp bởi dịch bệnh như thương mại, dịch vụ, hàng không, du lịch... để thích ứng với trạng thái bình thường mới.

Công nhân xây dựng trụ cầu dự án cầu Vĩnh Tuy (giai đoạn 2). Ảnh: Nguyễn Ðăng
Công nhân xây dựng trụ cầu dự án cầu Vĩnh Tuy (giai đoạn 2). Ảnh: Nguyễn Ðăng

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, GDP chín tháng năm 2021 chỉ tăng 1,42% so cùng kỳ năm trước. Song các chuyên gia nhận định, nếu có những giải pháp đột phá, GDP cả năm 2021 vẫn có thể đạt 3%, và duy trì mức tăng trưởng 6 -7%/năm từ năm 2022. Ðể đạt được điều đó, cần thúc đẩy đầu tư để khôi phục kinh tế, tạo động lực cho tăng trưởng, đồng thời bảo đảm "thích ứng an toàn, linh hoạt" với dịch bệnh.

Trước hết phải an sinh

Dịch Covid-19 tác động xấu đến mọi lĩnh vực, ngành nghề trong nền kinh tế nhưng ảnh hưởng nặng nề nhất vẫn là những đối tượng yếu thế trong xã hội. Trong đợt bùng phát dịch thứ tư, hàng loạt địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội; công trường, nhà máy, xí nghiệp, và cả sản xuất hộ gia đình cũng ngưng trệ; hàng triệu lao động mất việc làm, khiến họ phải hồi hương bất đắc dĩ; và ẩn họa là bất ổn xã hội. Do đó, vấn đề trước mắt lúc này không chỉ là các gói an sinh xã hội, mà cần sớm tạo công ăn việc làm cho nhiều người lao động nhất có thể. Có việc làm, thu nhập, những lao động này không chỉ tạo ra của cải vật chất cho xã hội mà cũng góp phần tăng sức cầu trong nước, dù rằng tâm lý tiết kiệm chi tiêu vẫn còn.

TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, điều cần lúc này là tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp thuộc một số ngành như vận tải, thương mại, bán lẻ, công nghiệp chế biến; nơi thu hút nhiều lao động như dệt may, giày da, gỗ… và nông nghiệp. Bên cạnh đó, theo số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tín dụng đối với nhóm ngành thương mại, dịch vụ có mức tăng trưởng 7,56%, cao hơn mức tăng trưởng chung của nền kinh tế và cao hơn nhiều mức tăng của cùng kỳ năm 2020 (4,21%) cho thấy dấu hiệu phục hồi của khu vực này.

Trong cuộc chiến chống dịch lần thứ tư, khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) cũng là đối tượng chịu thiệt hại nặng nề. Ðã có nhiều ý kiến đề xuất cần triển khai gói hỗ trợ đặc thù cho DNNVV. Có hai phương án đang được bàn thảo. Phương án một là cho DNNVV vay với lãi suất 0%/năm và giải ngân qua một quỹ hỗ trợ với vốn cấp 100% từ ngân sách. Phương án hai là ngân hàng thương mại cho vay với lãi suất thấp, được ngân sách cấp bù một phần lãi suất.

Tạo được nhiều việc làm sẽ giải quyết vấn đề cấp bách trước mắt là an sinh xã hội, nhưng để kinh tế tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, cần có động lực lớn. Ông Jacques Morisset, Chuyên gia Kinh tế trưởng và Quản lý chương trình kinh tế vĩ mô, thương mại và đầu tư, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, tác động tích cực của gói kích thích tài khóa chỉ có thể được tối đa hóa nếu các cấp có thẩm quyền có khả năng lựa chọn những dự án đem lại tác động theo cấp số nhân cho việc làm và cho toàn bộ nền kinh tế. "Bên cạnh đó, để tiếp tục kích cầu, động thái chính sách tài khóa cũng cần hỗ trợ khéo léo cho khu vực tư nhân, bao gồm cả các hộ kinh doanh cá thể, thông qua kết hợp giữa giãn thuế và hỗ trợ tài chính", ông Jacques Morisset nhấn mạnh.

Ðòn bẩy đầu tư công

Công bằng mà nói, chính sách tài khóa và tiền tệ những năm gần đây không còn vênh nhau, nhưng cũng chưa có sự kết hợp nhuần nhuyễn. Ngay từ khi dịch Covid-19 bùng phát, ngành ngân hàng đã triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, nhằm thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ. Ðến thời điểm này, dư địa dùng chính sách tiền tệ cho hỗ trợ tăng trưởng kinh tế không còn nhiều.

Với những khoản vay cũ, nhiều khách hàng đã được giãn, hoãn nợ, cơ cấu lại nợ. Những khoản cho vay mới, lãi suất cho vay đã giảm 1,55%/năm so với trước dịch. Mặt bằng lãi suất đã ở mức thấp nhất trong 10 năm trở lại đây. Nếu ngân hàng muốn tiếp tục giảm lãi suất cho vay thì lãi suất huy động phải giảm tiếp. Trong khi đó, với mức lãi suất huy động như hiện nay, một lượng lớn tiền tiết kiệm của dân cư đã chảy sang các kênh đầu tư khác. Giảm tiếp lãi suất huy động sẽ gây rủi ro thanh khoản cho ngân hàng. Ðặc biệt, do ảnh hưởng của dịch bệnh, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng đang tăng lên rõ rệt. Nếu tính cả các khoản nợ không bị chuyển nợ xấu do được cơ cấu lại, miễn, giảm lãi do ảnh hưởng bởi dịch thì tỷ lệ này là 7,21%. Các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc gia đã cảnh báo rủi ro suy giảm chất lượng Bảng cân đối của các tổ chức tín dụng trong nước có thể dẫn đến nguy cơ giảm hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam.

Mặt khác, hiện tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam vẫn ở mức cao và có xu hướng tăng, quy mô tín dụng đã rất lớn, dư nợ hiện hơn 9,8 triệu tỷ đồng. Theo Ngân hàng Thế giới, Việt Nam thuộc nhóm có tỷ lệ tín dụng/GDP cao trên thế giới (cuối năm 2020: 146%; bình quân giai đoạn 2016-2019: 129,5%). Việc cân đối vốn cho nền kinh tế (đặc biệt vốn trung, dài hạn) vẫn chủ yếu từ hệ thống ngân hàng, từ đó luôn tiềm ẩn rủi ro kỳ hạn, rủi ro thanh khoản đối với hệ thống ngân hàng (huy động ngắn hạn cho vay trung dài hạn), kéo theo sức ép và rủi ro lên hệ thống tổ chức tín dụng. Do đó, đây là lúc "cân bằng" lại bằng cách sử dụng nhiều hơn chính sách tài khóa, mà chủ lực là đầu tư công.

Thực tế qua chín tháng, tổng vốn đầu tư công giải ngân 218.550 tỷ đồng, đạt 47,38% kế hoạch. Thậm chí, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công vay nước ngoài đến hết tháng 9/2021 mới đạt khoảng 9,8% trong tổng số vốn được giao của năm nay là 51.550 tỷ đồng; trong đó, có đến chín bộ, ngành như Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công thương... đề nghị trả lại 8.054 tỷ đồng, chiếm hơn 44% kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao. Từ nay đến cuối năm, nếu chúng ta tập trung khắc phục những hạn chế trong đầu tư công, giải ngân hơn 50% nguồn vốn (tương đương 250 nghìn tỷ đồng), kênh này sẽ tạo ra khối lượng rất lớn về công ăn việc làm cho người lao động, tạo động lực lớn cho tăng trưởng kinh tế.