Phục hồi từ đại dịch

Thiết kế gói hỗ trợ tổng thể

Tại cuộc trao đổi thường xuyên hồi cuối tháng 10 giữa các hiệp hội doanh nghiệp và Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, tinh thần lạc quan đã rõ rệt hơn cùng với niềm tin: Việc "đóng cứng" sẽ không xảy ra nữa. Chính quyền địa phương và doanh nghiệp đã bản lĩnh hơn trong xử lý phòng, chống dịch.

Công nhân Khu công nghiệp Bàu Xéo, huyện Trảng Bom, Đồng Nai làm thủ tục trở lại làm việc.
Công nhân Khu công nghiệp Bàu Xéo, huyện Trảng Bom, Đồng Nai làm thủ tục trở lại làm việc.

Những tín hiệu tích cực

Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp Bình Dương, đến ngày 28/10, đã có 1.968 doanh nghiệp trong các khu công nghiệp của tỉnh tiến hành khôi phục lại hoạt động sản xuất, kinh doanh, đạt trên 96%. Số lượng lao động trở lại làm việc trong các công ty là gần 373 nghìn người, đạt 76,38%. Sau khoảng một tháng phục hồi sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp đã nhanh chóng tổ chức lại hoạt động sản xuất...

Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, có 1.595 trong tổng số 1.713 doanh nghiệp trong 31 khu công nghiệp đã trở lại hoạt động, đạt tỷ lệ hơn 93%. Tổng số lao động đang làm việc là hơn 520 nghìn người, chiếm 85%. Nhiều doanh nghiệp quy mô lớn ở ngành công nghiệp hỗ trợ, điện tử có 100% số người lao động đã quay trở lại sản xuất. Các doanh nghiệp đang phục hồi sản xuất với tốc độ nhanh để đáp ứng các đơn hàng thời điểm cuối năm. Theo đà này, dự tính tháng 10/2021, chỉ số sản xuất công nghiệp của Đồng Nai sẽ tăng hơn 11,2% so tháng trước đó, kéo theo xuất khẩu tăng gần 300 triệu USD.

Từ ngày 1/10, TP Hồ Chí Minh bắt đầu vào giai đoạn "bình thường mới", vừa thực hiện đồng thời công tác phòng, chống dịch, vừa từng bước phục hồi kinh tế theo phương châm "An toàn là trên hết", "An toàn tới đâu mở cửa tới đó, mở cửa thì phải an toàn". Nhờ đó, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp trong tháng 10 của TP Hồ Chí Minh ước tăng 23,6% so tháng 9/2021.

Một trong những điểm sáng của bức tranh kinh tế, đó là trong tháng 10, cả nước có 8.233 công ty thành lập mới với số vốn đăng ký là 108.600 tỷ đồng và 58.800 lao động, tăng 111,2% về số lượng, tăng 73,9% về vốn đăng ký và tăng 17,9% về số lao động so tháng 9. Bên cạnh đó, còn có 4.304 công ty quay trở lại hoạt động, tăng 29,8% so với tháng 9.

Tránh xung đột chính sách

Dự báo về diễn biến của dịch Covid-19 trong thời gian tới, đại diện Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế nhận định: Dịch Covid-19 tạm thời được khống chế, tuy nhiên dự báo sẽ còn lâu dài. Do đó, phải hiểu đúng về dịch để không ban hành những quyết định phong tỏa cả nhà máy khi có F0 xuất hiện ở phân xưởng đơn lẻ. Nhìn chung, các biện pháp chống dịch phải khoa học, linh hoạt và tương xứng để tránh triệt tiêu không gian phát triển kinh tế.

Nhìn nhận từ góc độ cải cách thể chế, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng: Điều doanh nghiệp cần lúc này là đẩy mạnh việc cải cách nhóm thủ tục về đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường, phòng cháy chữa cháy… Song song đó, nhóm thủ tục xuất nhập khẩu bao gồm hải quan và kiểm tra chuyên ngành cũng cần được cải thiện như rút ngắn các quy định và thủ tục để thúc đẩy xuất - nhập khẩu hàng hóa trong thời gian tới.

Nói lên tiếng nói của doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam khuyến nghị: "Cần phải có chính sách tài khóa bằng tiền thật để hỗ trợ doanh nghiệp. Muốn nuôi dưỡng nguồn thu, các bộ ngành cũng phải vào cuộc để tạo ra nguồn thu cho doanh nghiệp. Cần có cơ chế phù hợp như quỹ bảo lãnh cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nếu thiếu tiền, Chính phủ vay tiền Ngân hàng Trung ương, phát hành trái phiếu hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn này".

Theo ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Quản lý Thuế Doanh nghiệp lớn - Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính: Cần những chính sách đồng bộ, tránh việc các chính sách xung đột lẫn nhau. Các ngành, doanh nghiệp, địa phương, cơ quan Nhà nước phải ngồi lại với nhau để bảo đảm sự thống nhất, quan trọng là tính khả thi, doanh nghiệp có thể thực hiện được. Tất cả những khoản mà doanh nghiệp chi ra để phục vụ cho công tác phòng, chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả của dịch phải được hạch toán vào phương án kinh doanh hay những khoản hỗ trợ phòng, chống dịch sẽ được tính vào thu nhập hợp lý được trừ thuế của năm 2021.

Đồng quan điểm trên, ông Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia nhấn mạnh, đồng bộ trong các chính sách hỗ trợ là rất quan trọng. Hiện, các chính sách hỗ trợ chưa đủ lớn, chưa đủ rộng, chính sách hỗ trợ bằng tiền mặt còn hạn chế. Việc tung ra nhiều gói hỗ trợ trong khi ngân sách còn hạn hẹp, nợ xấu có dấu hiệu gia tăng, không đạt hiệu quả như mong muốn.

Lấy thí dụ về tình trạng ùn tắc ở một số cảng biển khu vực phía nam vừa qua, ông Đào Trọng Khoa, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) kiến nghị: Các địa phương cần thống nhất quy định về phòng, chống dịch trong hoạt động vận chuyển lưu thông hàng hóa và kiểm soát các lái xe; thay đổi quy trình thủ tục giám sát hải quan theo hướng tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa; không áp dụng các chính sách làm tăng chi phí logistics nói chung, như chi phí vận tải, giá nhiên liệu, giá BOT, phí và các lệ phí có liên quan khác, giảm mức thu phí hạ tầng cảng biển của TP Hải Phòng, và tới đây là TP Hồ Chí Minh…

Nhiều chuyên gia cũng "hiến kế" cần tiếp tục giảm phí, lệ phí cho các doanh nghiệp theo hướng điều chỉnh mức giảm và thời gian cắt giảm phí, lệ phí kéo dài đến hết năm 2022. Đặc biệt, cần xây dựng và triển khai kế hoạch tổng thể phục hồi kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh. Đây là căn cứ quan trọng nhất để các ngành kinh tế có phương án và kế hoạch cụ thể về phục hồi, phát triển các hoạt động của mình.

Chỉ số sản xuất công nghiệp của cả nước tháng 10/2021 ước tăng 6,9% so tháng trước. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa thực hiện tháng 10 ước đạt 27,3 tỷ USD, tăng 1% so tháng trước và tăng 0,3% so cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa thực hiện tháng 10 ước tính xuất siêu 1,1 tỷ USD - Tổng cục Thống kê.