Phục hồi từ đại dịch

Thích ứng dịch bệnh, nhưng phải an toàn

Để khởi động cuộc sống bình thường kiểu mới, thoát khỏi tình trạng “ngủ đông” làm bào mòn sức chịu đựng của xã hội, chúng ta phải “mở cửa” trở lại, một cách từ từ. Theo hướng, vừa kiểm soát sự bùng phát dịch ở các vùng nguy cơ cao, vừa phải nghiên cứu các giải pháp an toàn, thiết lập các vùng an toàn, các di chuyển an toàn, cho phép các hoạt động kinh tế và xã hội phù hợp được hoạt động.

Tối 21/9, nhân dịp Tết Trung thu đồng thời là ngày đầu nới giãn cách sau hai tháng siết chặt, các ngả đường trung tâm Thủ đô Hà Nội tràn ngập người và xe. Ảnh: PHẠM TUẤN
Tối 21/9, nhân dịp Tết Trung thu đồng thời là ngày đầu nới giãn cách sau hai tháng siết chặt, các ngả đường trung tâm Thủ đô Hà Nội tràn ngập người và xe. Ảnh: PHẠM TUẤN

Cần phải xem xét lại tính thời điểm của các văn bản, chỉ thị, quyết định để có những điều chỉnh phù hợp. Hơn nữa, cần thay đổi tư duy về khung tham chiếu, căn cứ để đưa ra các quyết định nới lỏng đến đâu và vào thời điểm nào.

Tới thời điểm này, phần lớn chúng ta đều đã và đang xác định khả năng khó có thể khống chế tuyệt đối dịch bệnh, không còn một ca dương tính nào, mà phải “thích ứng an toàn với dịch bệnh”. Lựa chọn này sẽ giúp khởi động lại cuộc sống bình thường kiểu mới, thoát khỏi tình trạng “ngủ đông” làm bào mòn sức chịu đựng của xã hội.

Chúng ta sẽ không thể học theo Trung Quốc và New Zealand, tách hoàn toàn F0 ra khỏi cộng đồng. Đặc thù của New Zealand là đảo quốc có khả năng bế quan, ngăn chặn các nguồn xâm nhập. Trung Quốc, đã phủ hai tỷ liều vaccine, gần 890 triệu người, tức là 76,8% dân số đã tiêm đủ hai mũi, với nguồn lực y tế hùng hậu, đủ sức để xét nghiệm PCR một thành phố 10 triệu dân trong vòng 72 giờ.

Chúng ta cũng không thể theo các nước Âu - Mỹ, mở cửa cho hoạt động kinh tế tự do, vì tỷ lệ tiêm chủng ở Việt Nam còn quá thấp, hệ thống hạ tầng y tế còn rất yếu, không đủ sức tiếp nhận một số lượng lớn bệnh nhân Covid-19.

Không phải giải pháp, mà là tư duy

Chúng ta phải mở cửa, nhưng phải mở từ từ. Dùng đúng thuật ngữ thì là nới lỏng dần, vừa kiểm soát sự bùng phát dịch ở các vùng nguy cơ cao, nhưng phải nghiên cứu các giải pháp an toàn, thiết lập các vùng an toàn, các di chuyển an toàn, cho phép các hoạt động kinh tế và xã hội phù hợp được hoạt động. Chúng ta sẽ buộc phải thích ứng một cách an toàn với dịch Covid-19.

TP Hồ Chí Minh từng đưa ra dự thảo kế hoạch mở cửa từng bước cho hoạt động kinh tế - xã hội từ 15/9 nhưng ngay sau đó đã buộc phải xin chậm lại thêm 15 ngày nữa. Lý do là muốn mở cửa thì phải đạt các tiêu chí được quy định trong Quyết định 3979 và 3989 của Bộ Y tế, vốn đưa ra từ giai đoạn trước, từ thời chưa có biến chủng Delta lan nhanh trong cộng đồng, từ thời chúng ta còn dễ dàng truy vết, phong tỏa, ngăn chặn, cách ly toàn bộ F0 và F1.

Mà hai quyết định này cũng là để xác lập tiêu chí áp dụng Chỉ thị 15 và 16 của Chính phủ, hoàn toàn chưa tính đến các giải pháp chủ động như tiêm vaccine, phổ biến phương pháp tự cách ly và chữa trị cho F0 không có triệu chứng, và dĩ nhiên là chưa thấy hết tác động tiêu cực của sự kiệt quệ về kinh tế.

Hà Nội cũng tính toán đến giai đoạn nới lỏng dần từ sau ngày 21/9. Mặc dù các số liệu về ca lây nhiễm, điều trị ICU và tử vong ở Hà Nội đều khá thấp, thậm chí tỷ lệ ca lây nhiễm trong cộng đồng liên tục giảm dần, nhưng nếu xét về diễn biến dịch tễ và tham chiếu với Quyết định 3979 và 3989, vẫn không đủ cơ sở để quay lại trạng thái bình thường.

Hiện tại, có nhiều tình huống rất bất cập. Một mặt, cả hệ thống đang nỗ lực tìm kiếm giải pháp “thích ứng”, nhưng hành động cụ thể ở một số khu vực lại có màu sắc cực đoan theo hướng “zero Covid”. Một số xã, phường ở Hà Nội nâng cao tinh thần truy vết đến mức độ yêu cầu xét nghiệm đại trà cả trẻ em 1- 2 tuổi, thậm chí có xã ghi rõ xét nghiệm cả trẻ sơ sinh.

Những hàng rào, lô cốt dựng lên để xác lập pháo đài bất khả xâm phạm, ngăn virus nhưng đồng thời chặn đứng các di chuyển hợp pháp. Các cửa hàng ở TP Hồ Chí Minh được phép mở cửa bán mang về, nhưng kèm theo các quy định ngặt nghèo “ba tại chỗ”, khiến doanh nghiệp đành bấm bụng chào thua.

Rất khó trách các địa phương không thống nhất chủ trương từ trên xuống dưới, bởi vì những văn bản, quy định đã không còn phù hợp vẫn chưa được gỡ bỏ, trở thành lùng nhùng không biết phải làm như thế nào mới đúng. Các địa phương thường chọn giải pháp ngặt nghèo nhất để tránh bị sai.

Chính sách cần thay đổi gì?

Cho đến giờ, tiêu chí chủ yếu để xác định mức độ nguy cơ của Covid vẫn là số lượng F0 phát hiện mới, đặc biệt là F0 trong cộng đồng (thậm chí người ta còn tính theo tổng số ca nhiễm). Với khả năng lây nhiễm lan rộng của biến chủng Delta, càng xét nghiệm nhiều thì càng thấy F0. Ở TP Hồ Chí Minh, mỗi ngày có khoảng 5.000 ca F0 mới, thì cách gì thành phố này nới lỏng giãn cách cho được?

Rõ ràng, tới thời điểm này, gần như cả hai thành phố lớn đã đạt xấp xỉ 100% số người trên 18 tuổi được tiêm ít nhất một mũi vaccine, TP Hồ Chí Minh có khoảng gần 3 triệu người tiêm đủ hai mũi hoặc đã khỏi Covid-19, số bệnh nhân chuyển nặng và tử vong đang giảm dần, thì số lượng ca nhiễm mới không phải là tiêu chí duy nhất đánh giá mức độ nguy cơ của từng khu vực.

Một số chuyên gia tính thêm cả mức độ sẵn sàng của hệ thống y tế như một chiều kích thứ hai để tính toán các mức độ nguy cơ. Tôi cho đây là hướng tiếp cận đúng, bởi vì, nếu bỏ qua hiệu quả của vaccine, và các biện pháp chữa trị, giảm bớt gánh nặng cho hệ thống y tế, cũng như ý thức của người dân trong việc chủ động ngăn ngừa và chữa trị thì sẽ là một thiếu sót lớn.

Vào lúc bài báo này lên khuôn, một hướng dẫn “Thích ứng an toàn với dịch Covid-19” của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đang được soạn thảo, theo hướng xây dựng bộ chỉ số đánh giá mức độ thích ứng an toàn mới, căn cứ hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới, tham khảo kế hoạch, lộ trình mở cửa trở lại của các nước trên thế giới và các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam.

Hướng dẫn này đưa ra bốn cấp độ đánh giá nguy cơ, dựa trên ba chỉ số, bao gồm: (1) Tỷ lệ mắc mới tại cộng đồng/100.000 dân/tuần; (2) Tỷ lệ người trên 18 tuổi được tiêm ít nhất một liều vaccine phòng Covid-19; và (3) Số giường hồi sức cấp cứu (ICU) điều trị bệnh nhân Covid-19 tại các cơ sở y tế của tỉnh/thành phố, theo đó, giường ICU bảo đảm đáp ứng 3% theo dự báo tình hình dịch tại địa phương được đánh giá ở mức nguy cơ rất cao (tối thiểu 150 ca mắc mới/100.000 người/tuần). Đây có thể là một cách tiếp cận phù hợp hơn so trước đây, có tính đến cả hai chiều kích như trên.

Tuy nhiên, chúng tôi ở nhóm “Hà Nội hành động” đề xuất thêm một chiều kích thứ ba, đó là khả năng thích nghi với các điều kiện hoạt động và di chuyển an toàn. Đó là khả năng thiết kế lại quy trình và không gian, điều kiện làm việc, sản xuất, kinh doanh theo những tiêu chuẩn an toàn, tuân thủ các bộ tiêu chí 5K, 5T… một cách khoa học và chi tiết.

Năng lực thích nghi này hoàn toàn không phụ thuộc vào ngành nghề doanh nghiệp, hay phụ thuộc vào việc anh có phải là doanh nghiệp, cơ quan nhà nước hay không, hay anh có cung ứng hàng thiết yếu (theo cách nhìn hạn hẹp là lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm) hay không?

Nó phụ thuộc vào việc hạn chế tiếp xúc, các biện pháp tránh lây nhiễm, tự xét nghiệm Covid, khả năng ứng phó hiệu quả với tình huống có ca dương tính, hoặc các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt, và đặc biệt là các biện pháp sử dụng công nghệ để kiểm soát nguy cơ lây nhiễm của người lao động, cho dù họ có thẻ xanh hay thẻ vàng. Đây là việc không khó, nhưng tỉ mỉ, mang tính đặc thù cho từng loại hoạt động kinh tế và giao dịch xã hội.

Như vậy, muốn “thích ứng an toàn”, không những cần phải xem xét lại tính thời điểm của các văn bản, chỉ thị, quyết định để có những điều chỉnh phù hợp, mà còn cần thay đổi tư duy về khung tham chiếu, căn cứ để đưa ra các quyết định nới lỏng đến đâu và vào thời điểm nào.