Phục hồi từ đại dịch

Tháo gỡ "nút thắt" phí vận tải biển

Trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, khối lượng hàng container thông qua cảng biển chín tháng năm 2021 vẫn ước đạt khoảng 18.578.000 TEU, tăng 15% so năm 2020. Tuy nhiên, vận tải biển còn đối mặt không ít khó khăn, có thể ảnh hưởng đến xuất, nhập khẩu hàng hóa những tháng cuối năm.

Tàu Synergy Busan có tải trọng hơn 50.000 tấn của hãng Maersk Line cập cảng container quốc tế Cái Lân, tỉnh Quảng Ninh ngày 14/9.
Tàu Synergy Busan có tải trọng hơn 50.000 tấn của hãng Maersk Line cập cảng container quốc tế Cái Lân, tỉnh Quảng Ninh ngày 14/9.

Câu chuyện giá cước

Ông Hồ Kim Lân, Tổng Thư ký Hiệp hội Cảng biển Việt Nam cho rằng: "Thị phần vận tải hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường châu Âu, Bắc Mỹ phụ thuộc hoàn toàn vào các hãng tàu nước ngoài khi các hãng tàu này đảm nhận tới 95% thị phần vận tải hàng hóa xuất, nhập khẩu của Việt Nam. Chính sách giá cước, các loại phụ thu cũng do hãng tàu quyết định, dẫn đến việc doanh nghiệp gặp nhiều rủi ro khi thị trường vận tải biến động".

Theo báo cáo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP), các hãng tàu biển nước ngoài tăng cước vận chuyển lên 2 - 3 lần, thậm chí 6 - 7 lần ở một số chặng, tuy nhiên doanh nghiệp vẫn không đặt được tàu và container để xuất khẩu. Các doanh nghiệp cung cấp nguyên liệu thủy sản từ nước ngoài cũng không thể đặt được tàu để vận chuyển nguyên liệu về Việt Nam phục vụ chế biến hàng xuất khẩu. Còn đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) bày tỏ lo ngại thực trạng giá cước vận tải biển, giá cước container đi châu Âu, Bắc Mỹ tăng cao dẫn đến nguy cơ bất lợi cho chuỗi cung ứng hàng hóa xuất, nhập khẩu của Việt Nam. Từ đầu tháng 6/2021 đến nay, giá cước vận tải container đi châu Mỹ tăng theo từng tuần. Chi phí vận chuyển của một container 40 feet đi Bờ Tây nước Mỹ hiện là 12.000 USD, và Bờ Đông là 15.000 USD. Giá cước chở container trên các tuyến dịch vụ từ Việt Nam đi châu Âu cũng gia tăng chóng mặt.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cũng phàn nàn về việc các hãng tàu đều niêm yết giá trên website nhưng không thể hiện thời gian niêm yết, dẫn đến việc không thể biết chính xác các hãng tàu liệu có thực hiện đúng quy định niêm yết trước 15 ngày khi thay đổi giá hay không; mỗi hãng tàu còn áp 3 - 5 loại phụ phí. Các loại phụ phí này được đưa ra mà không có sự thỏa thuận với khách hàng, không có thời điểm kết thúc...

Kịch bản dự phòng

Mới đây, Bộ Giao thông vận tải đã có cuộc đối thoại với đại diện các bộ, ngành, tỉnh, thành phố; các hiệp hội, doanh nghiệp vận tải biển, logistics để cùng tìm giải pháp, từng bước tháo gỡ các khó khăn.

Về đề xuất giảm phí hoạt động cho tàu, thuyền tại khu vực cảng biển, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải cho biết, trên cơ sở kiến nghị của Bộ này, vừa qua Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 74, trong đó miễn giảm một số khoản phí, lệ phí của doanh nghiệp. Bộ Giao thông vận tải đang chỉ đạo Cục Hàng hải Việt Nam xây dựng, đề xuất để tham mưu Chính phủ phương án quản lý giá cước, phụ thu giá vận tải tại Việt Nam.

Ông Hoàng Hồng Giang, Phó Cục trưởng Hàng hải Việt Nam cho biết: Giá cước của Việt Nam đi châu Mỹ, châu Âu tương đương với giá của các nước trong khu vực, độ chênh lệch không đáng kể, phụ thuộc vào từng hãng tàu và hành trình vận tải. Việt Nam có lợi thế hơn một số nước trong khu vực, do Việt Nam đã có cảng nước sâu có thể đi thẳng thị trường châu Âu, châu Mỹ, sản lượng vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu lớn và có tốc độ tăng trưởng cao, thị trường Việt Nam là thị trường tiềm năng trong khu vực (sản lượng hàng hóa xuất khẩu đi Mỹ đứng thứ hai, sau Trung Quốc) do vậy các hãng tàu đã có sự điều chỉnh bổ sung container rỗng và bổ sung tuyến để đáp ứng nhu cầu hàng hóa xuất, nhập khẩu trong thời gian qua.

Để nâng cao cơ chế quản lý giá cước, giá các loại phụ thu của hãng tàu, Cục Hàng hải Việt Nam kiến nghị đưa danh mục phụ thu ngoài giá cước thuộc đối tượng kê khai giá, thay vì chỉ niêm yết như hiện nay và sửa đổi nội dung quy định về niêm yết giá. Theo đó, bổ sung danh mục phụ thu ngoài giá cước của hãng tàu tại cảng biển Việt Nam vào danh mục kê khai giá. Quy định chi tiết nội dung niêm yết giá cước trên từng tuyến và các loại phụ thu, thời gian niêm yết, giải thích lý do thu các loại phụ thu, thời gian bắt đầu thu và kết thúc thu.

Liên quan đến vấn đề tăng giá cước vận tải biển, Bộ Giao thông vận tải vừa thành lập hai tổ công tác thực hiện kiểm tra, rà soát các loại giá dịch vụ tại cảng biển và giá cước vận tải biển quốc tế và nội địa tại khu vực Bà Rịa - Vũng Tàu (Cái Mép - Thị Vải), TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng (cảng Lạch Huyện, Đình Vũ, Chùa Vẽ) và Quảng Ninh.

Một vấn đề vướng mắc nữa là tiêm vaccine phòng Covid-19 cho thuyền viên. Theo đại diện Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, doanh nghiệp này hiện có 78 tàu biển hoạt động trong nước và quốc tế với khoảng 4.000 thuyền viên; nhưng đến nay, mới chỉ có khoảng 10% tổng số thuyền viên được tiêm vaccine khiến cho việc bố trí đi lại cũng như thay thế thuyền viên gặp khó khăn.

Không chỉ đối với thuyền viên, các đơn vị, doanh nghiệp còn lo ngại hoạt động sản xuất có thể bị tác động bởi đội ngũ cán bộ, người lao động tại chỗ, nhiều người chưa được tiêm vaccine.

Các doanh nghiệp khai thác cảng biển dự báo, hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa vẫn khởi sắc trong những tháng cuối năm, kéo theo tăng trưởng sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển khi dịch bệnh được kiểm soát, các hiệp định thương mại tự do được thực hiện toàn diện, hiệu quả. Theo lãnh đạo Cục Hàng hải Việt Nam, đơn vị chức năng đang xây dựng các giải pháp vận tải hàng hóa phù hợp tình hình sản xuất, kinh doanh phân theo mức độ kiểm soát dịch bệnh của từng địa phương, bảo đảm chủ động điều phối lưu thông hàng hóa từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ, cũng như đến các cảng biển để xuất, nhập khẩu.