Tạo lực đẩy cho tăng trưởng kinh tế

Ðể thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo lực đẩy cho tăng trưởng kinh tế, đòi hỏi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải triển khai đồng bộ các giải pháp tiền tệ và tín dụng. Ðiều này khá khó khăn khi dư địa của chính sách tiền tệ đang hẹp dần.

Ngân hàng đã, đang hỗ trợ khách hàng vượt khó.
Ngân hàng đã, đang hỗ trợ khách hàng vượt khó.

Giảm lãi suất, tăng hỗ trợ khách hàng

Việc giảm lãi suất điều hành lần thứ ba trong năm nay của NHNN ngày 30-9 khiến mặt bằng lãi suất đã, đang giảm về mức thấp chưa từng có trong gần 10 năm trở lại đây. Lãi suất trên liên ngân hàng qua đêm hiện chỉ còn 0,175%/năm  và 0,225%/năm với kỳ hạn một tuần. Trên thị trường I, lãi suất huy động tiếp tục giảm, có ngân hàng chỉ trong 10 ngày đã hai lần điều chỉnh giảm lãi suất huy động. Tại các ngân hàng thương mại (NHTM), lãi suất huy động các kỳ hạn dưới sáu tháng phổ biến ở mức 3,0 - 3,8%/năm; 3,7 - 5,0%/năm với kỳ hạn sáu đến dưới 12 tháng; 4,9 - 5,6%/năm với kỳ hạn 12, 13 tháng. Tính từ đầu năm, tổng mức giảm của lãi suất huy động đã lên tới 1,2 - 2,4%. Lãi suất giảm nhưng tiền gửi vào ngân hàng vẫn tăng đều, cao hơn tốc độ tăng của tín dụng. Ðến cuối tháng 9 vừa rồi, tín dụng tăng 6,09% trong khi huy động vốn của toàn hệ thống tăng 7,7%.

Theo đà giảm của lãi suất huy động, lãi suất cho vay cũng giảm dần. Hiện lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với một số ngành lĩnh vực ở mức 4,5%/năm. Thậm chí mới đây một NHTM đã tung ra chương trình cho vay tiêu dùng với lãi suất 0% trong tháng đầu tiên. Không chỉ giảm lãi suất cho vay, từ đầu năm nay, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã quyết liệt triển khai các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp (DN) khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho hơn 271 nghìn khách hàng với dư nợ 321 nghìn tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho gần 485 nghìn khách hàng với dư nợ 1,18 triệu tỷ đồng; đặc biệt các TCTD đã cho vay mới lãi suất ưu đãi (thấp hơn phổ biến từ 0,5 - 2,5% so với trước dịch) với doanh số lũy kế từ ngày 23-1 đến nay đạt 1,6 triệu tỷ đồng cho 310 nghìn khách hàng.

Kinh tế quý III-2020 đã bắt đầu hồi phục, tạo đà thuận lợi cho sự phục hồi của tăng trưởng kinh tế năm 2020. Xu hướng kinh doanh của DN được đánh giá tốt hơn trong những tháng cuối năm sẽ thúc đẩy dòng vốn tín dụng cho việc tái sản xuất. Ngày 12-10-2020, NHNN đã ban hành Kế hoạch số 09/KH-NHNN góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Trong đó, NHNN ước tính tăng trưởng GDP cả năm 2020 của Việt Nam từ 2,5 - 3%; tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2021 sẽ hồi phục trở lại, tuy nhiên đà hồi phục có thể theo hai kịch bản. Kịch bản 1: Nếu dịch bệnh trong nước được tiếp tục kiểm soát, dịch bệnh trên thế giới được đẩy lùi. Sự kết nối lại chuỗi cung ứng sẽ giúp Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ do lợi thế về kiểm soát sớm dịch bệnh. Với kịch bản này, tăng trưởng GDP năm 2021 dự kiến có thể đạt 6,5 - 7,5%. Kịch bản 2: Dịch bệnh diễn biến phức tạp tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động của nền kinh tế và tiếp tục chịu ảnh hưởng đáng kể trong nửa đầu năm 2021. Với kịch bản này, tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2021 có thể đạt từ 5 - 6%.

Lãnh đạo NHNN khẳng định, NHNN sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp tiền tệ, tín dụng để khôi phục nhanh nền kinh tế. Trên cơ sở dự kiến các kịch bản những tháng cuối năm 2020 và năm 2021, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về “tập trung thúc đẩy mạnh mẽ sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng trong nước, xuất khẩu và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công để góp phần sớm phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới”, NHNN tiếp tục triển khai các nhiệm vụ, giải pháp nhằm khôi phục và phát triển nền kinh tế trong thời gian tới.

Tăng tổng cầu của nền kinh tế

Những tháng cuối năm, chủ trương của NHNN là tiếp tục hỗ trợ tối đa cho DN, người dân đủ điều kiện đều có thể vay vốn ngân hàng. NHNN sẽ tiếp tục điều hành chính sách tín dụng theo hướng mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn, hiệu quả; đẩy mạnh triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện để khách hàng khôi phục sản xuất, kinh doanh. Các TCTD sẽ tích cực triển khai các chương trình tín dụng đối với ngành, lĩnh vực theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ như: nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhà ở xã hội, công nghiệp hỗ trợ, các dự án trọng điểm, chương trình mục tiêu quốc gia.

NHNN cũng yêu cầu các TCTD tiếp tục thực hiện tốt Thông tư 01/2020/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19; tiếp tục cải tiến, đổi mới quy trình cho vay theo hướng đơn giản hóa thủ tục, đồng thời nâng cao khả năng thẩm định để rút ngắn thời gian giải quyết cho vay, tạo điều kiện cho DN, người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng…

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra lúc này còn là dư địa của chính sách tiền tệ đang hẹp dần, mặt bằng lãi suất hiện đã rất thấp và khó có thể giảm thêm (CPI bình quân chín tháng năm 2020 đã tăng 3,85% so bình quân cùng kỳ năm 2019, lạm phát cơ bản bình quân chín tháng năm 2020 tăng 2,59% so bình quân cùng kỳ năm 2019). Dù việc hỗ trợ tăng trưởng kinh tế rất quan trọng nhưng NHNN cũng không thể lơ là vấn đề kiểm soát lạm phát bình quân theo mục tiêu Quốc hội đề ra là 4%. Bên cạnh đó, nếu lãi suất huy động bình quân giảm về mức thấp hơn lạm phát bình quân thì người dân sẽ rút tiền để chuyển vào các kênh đầu tư khác. Khi kinh tế phục hồi, cầu tín dụng tăng sẽ khiến các ngân hàng gặp rủi ro về thanh khoản. Thêm nữa, lãi suất đã ở mức rất thấp nên vấn đề của các DN là cần đầu ra cho sản phẩm. Do đó, cần tăng tổng cầu của nền kinh tế để tạo động lực cho khu vực sản xuất, kinh doanh. Ngân hàng đã, đang hỗ trợ khách hàng vượt khó, nhưng để họ phục hồi và tái cấu trúc trong điều kiện bình thường mới đòi hỏi không chỉ sự quyết tâm từ nhà nước mà còn cần giải pháp quyết liệt hơn từ các cơ quan bộ, ngành.

Các tổ chức quốc tế như Quỹ Tiền tệ quốc tế, Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu  Á đều dự báo năm nay Việt Nam là một trong số ít nước có mức tăng trưởng kinh tế cao (trong miền từ 6,3% đến 11,2%) so với các nước trong khu vực và thế giới.