Tăng sức “đề kháng” cho nông sản

Cùng với khó khăn do tác động của dịch Covid-19, hàng loạt mặt hàng nông sản ở vùng trọng điểm nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long đang trong tình trạng tắc đầu ra, giá bán dưới giá thành. Thực tiễn đang đòi hỏi sự chuyển đổi căn bản trong sản xuất và tiêu thụ nông sản.

Hành tím Vĩnh Châu (Sóc Trăng) lâm vào cảnh tắc đầu ra, khiến hàng nghìn nông hộ điêu đứng. Ảnh: TRẦN LƯU
Hành tím Vĩnh Châu (Sóc Trăng) lâm vào cảnh tắc đầu ra, khiến hàng nghìn nông hộ điêu đứng. Ảnh: TRẦN LƯU

Chính sách và đời sống, khoảng cách còn lớn

Nếu như ba đợt bùng phát dịch trước, nông nghiệp, nông dân, nông thôn trở thành “trụ đỡ” cho nền kinh tế, “chốn quay về” cho hàng triệu lao động di cư lên thành thị khi dịch bệnh làm ngưng trệ sản xuất, mất việc làm, thì ở đợt bùng phát thứ tư này, tình trạng khó khăn do tắc đầu ra nhiều mặt hàng nông sản đang làm cho khu vực này càng trở nên chông chênh.

Việc nông sản ùn ứ, tiêu thụ khó khăn không phải chỉ xảy ra ở nước ta mà nhiều nước cũng gặp phải. Tuy nhiên, tình trạng trúng mùa mất giá, tiêu thụ nông sản khó khăn, ngành công nghiệp chế biến thiếu kết nối với sản xuất nông nghiệp của ta diễn ra thường xuyên hơn. Không phải bây giờ, khi dịch bệnh hoành hành mới bộc lộ “tín hiệu trục trặc” của thị trường nông sản, mà điểm yếu trong kết nối cung - cầu đã lộ diện từ nhiều năm qua. Ngoài tác động tiêu cực do Covid-19 mà bất kỳ ngành kinh tế nào cũng bị ảnh hưởng, thì cần nhìn nhận những yếu kém nội tại của ngành nông nghiệp và các ngành liên quan mật thiết với nông nghiệp như công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm và hệ thống phân phối nông sản yếu kém, thiếu bền vững. 

Nhìn tổng thể, các chuỗi giá trị nông sản dù có bước chuyển đổi đáng ghi nhận từ lượng sang chất, nhưng vẫn trong tình trạng “bị chặt ra” thành nhiều khúc mà phần thiệt thòi nhiều nhất thuộc về nông dân. Trong khi đó, các chính sách thời gian qua, mặc dù hướng ưu tiên hỗ trợ “tam nông”, từ quy hoạch, đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, thủy lợi đến đào tạo nghề cho nông dân, hỗ trợ giống, cơ giới hóa, vẫn chưa đi vào trọng tâm, chậm đi vào cuộc sống. Chúng ta cần một hệ thống các cơ chế, chính sách đồng bộ, căn cơ cho tam nông theo hướng ổn định lâu dài hơn là giải quyết tình thế, ngắn hạn.

Số hóa ứng đối “3 biến”

Hành động nghĩa tình giúp nông dân tiêu thụ nông sản là cần thiết trong cơn nguy cấp, nhưng quan trọng hơn vẫn là sự vào cuộc và phối hợp của nhiều bộ, ngành, địa phương liên quan, là các giải pháp phải đồng bộ, từ khâu sản xuất, chế biến đến xuất khẩu để xây dựng và phát triển hình ảnh từng mặt hàng nông sản có thế mạnh của Việt Nam trên thị trường thế giới. Nền kinh tế nông nghiệp không thể vận hành dựa trên lòng hảo tâm phi thị trường của người tiêu dùng.

Các tiếp cận mới trong phòng, chống dịch theo hướng “sống chung với dịch” đang được xem xét. Bên cạnh đó, cần rà soát lại các giải pháp, biện pháp hỗ trợ thời gian qua để nâng cao tính hiệu quả. Đi đôi với các gói hỗ trợ kinh tế lần hai cho các đối tượng chính sách, cần xem xét một chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế nông nghiệp. Trong điều kiện nguồn lực kinh phí khó khăn, ít ra “trụ đỡ, hệ đệm” của nền kinh tế cần được gia cố nền móng, nông dân và dân cư nông thôn cần được xem xét một chương trình hỗ trợ an sinh xã hội toàn diện để khoan thư sức dân.

Trong chuyến công tác tuần này tại tỉnh nông nghiệp trọng điểm An Giang, gợi ý về định hướng phát triển đến năm 2025 và những năm tiếp theo, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, đã đến lúc An Giang phải bắt tay ngay vào chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đây cũng là yêu cầu chuyển đổi nông nghiệp cả nước trước thách thức của “3 biến”. Đó là biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng. Để tránh bị động, đứt gãy các chuỗi cung ứng nông sản, thiếu kết nối cung cầu, thì sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản cần đẩy nhanh việc số hóa, kết nối hệ thống dữ liệu số. 

Rõ ràng, yêu cầu chuyển đổi căn bản từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp phải là cuộc chuyển đổi về chất, ngành nông nghiệp không chỉ ứng dụng ngày càng nhiều hơn công nghệ, tăng hàm lượng chất xám vào nông sản mà còn phải chọn lựa các công nghệ ưu tiên, công nghệ lõi mang tính dẫn dắt, lấy nhu cầu thị trường làm định hướng đầu tư, lấy hiệu quả kinh tế - xã hội làm thước đo, lấy năng lực của các tác nhân trong chuỗi cung ứng nông sản như doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân làm động lực. Các lĩnh vực công nghệ sinh học, công nghệ chế biến sâu, công nghệ thông tin và số hóa, tự động hóa cần được đẩy mạnh đầu tư, không chỉ trong sản xuất mà còn cần cho sự vận hành của chuỗi cung ứng nông sản. Cần tăng cường liên kết các tiểu vùng, vùng và liên vùng thực chất và hiệu quả hơn.

Về cơ chế, chính sách cho nông nghiệp, rất cần một hệ thống giải pháp căn cơ, đồng bộ mới giải quyết được tình trạng “trúng mùa mất giá, được giá hết hàng” và vòng luẩn quẩn “trồng cây gì, nuôi con gì” quá xưa cũ, thay bằng “cung cấp cái gì thị trường cần và có lợi nhuận”. Các chuỗi giá trị nông sản cần được tăng cường sức “đề kháng” và khơi thông “dòng chảy”. 
 
Dịch Covid-19 dù được kiềm chế tốc độ lây lan, kiểm soát được tình hình, sản xuất và đời sống của người dân có thể sẽ được phục hồi sang trạng thái bình thường mới, thì di chứng của nó chắc chắn còn tác động tiêu cực đến nông nghiệp, khu vực nông thôn và cư dân nông thôn. Vì vậy, cùng với chủ trương xem xét hỗ trợ đối tượng là người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh, cần xem xét các cơ chế, chính sách và giải pháp hỗ trợ chủ động, thiết thực hỗ trợ cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn cụ thể hơn mà trước mắt là tập trung các giải pháp tiêu thụ nông sản căn cơ bằng kết nối cung - cầu, giảm chi phí logistics, khai thông các kênh tiêu thụ trong nước để bù đắp cho các kênh xuất khẩu gặp khó khăn.